Sao lại có những kẻ táng tậm lương tâm đến mức đi lừa bà con dân tộc thiểu số như thế chứ? Toàn những người nghèo khổ và chân chất như cục đất. Nhà nước đang nỗ lực cải thiện đời sống của người dân tộc thì chúng lại lợi dân trí thấp của họ để kiếm tiền, đẩy cuộc sống của họ đến chỗ khó khăn chồng chất.
2,5 triệu đồng cho một chiếc… áo lót Trung QuốcTừ giữa tháng 8/2011, một số báo lớn trong nước đã phản ánh tình trạng hàng trăm người dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum đua nhau bán nông sản, gia súc và vay nợ để mua mua máy ôzôn, bếp từ, máy mát xa, đồ lót… và vận động người thân mua các mặt hàng này với giá “trên trời” từ công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy - một công ty kinh doanh đa cấp có lãnh đạo là người Đài Loan. Họ làm vậy với mong muốn trở thành những “chuyên viên kinh doanh”, “tổ trưởng kinh doanh”, “chủ nhiệm”… và có được thu nhập “khủng” theo những lời mà công ty này hứa hẹn.
Người dân cho biết, công ty Thiên Ngọc Minh Uy đã mở dịch vụ “khuyến mãi” có tên “Trăm hoa đua nở”, theo đó, cứ mua sản phẩm là nồi cơm điện, bếp từ, máy ôzôn của công ty thì sẽ được ký một bản hợp đồng bán hàng đa cấp và trở thành “chuyên viên kinh doanh cấp 1”.
Nếu người mua hàng tiếp tục giới thiệu, quảng cáo sản phẩm, phát triển thêm 3 khách hàng mới thì được “lên chức” thành “tổ trưởng kinh doanh”, ai phát triển được 3 tổ kinh doanh” thì trở thành “chủ nhiệm”.
Các sản phẩm của Thiên Ngọc Minh Uy được bán với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường, như nồi cơm điện, bếp từ tới 5,2 triệu đồng mỗi sản phẩm, máy ôzôn 4,5 triệu, đặc biệt là bộ đồ lót Trung Quốc được quảng cáo có thể “hút bệnh” giá tới… 2,5 triệu. Trong khi đó, thu nhập của nhiều hộ dân tộc thiểu số chỉ vẻn vẹn vài trăm nghìn đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, do bị dỗ ngon dỗ ngọt nên nhiều người vẫn chạy đôn chạy đáo cho được số tiền cần thiết để mua sản phẩm về… ngắm và chờ tiền. Nhưng rốt cục thì chẳng ai giàu lên, người bị dụ dỗ ngày càng nhiều, cuộc sống càng trở nên bấp bênh do không còn tiền để trang trải những thứ thật sự cần thiết. Theo thống kê tại một xã, số tiền người dân tộc đã mất cho Thiên Ngọc Minh Uy lên đến 800 triệu đồng.
Chính quyền tại các địa phương đã tuyên truyền, vận động nhiều lần, nhưng hầu như không hiệu quả khi công ty Thiên Ngọc Minh Uy dùng chính những thành viên quen biết, gần gũi trong cộng đồng dân tộc thiểu số để lôi kéo thêm nhiều người vào vòng xoáy bán hàng đa cấp…
Tức nước vỡ bờ
Từ nhiều năm nay, hình thức kinh doanh lách luật, lừa đảo, núp bóng danh nghĩa “bán hàng đa cấp” của công ty Thiên Ngọc Minh Uy đã được cảnh báo nhiều lần trên báo chí cũng như trong cộng đồng mạng. Công ty này được ví von như một “kho hàng phế thải" của Đài Loan - Trung Quốc, kinh doanh dựa theo hình thức "người đi trước móc túi người đi sau, người đi sau móc túi người đi sau nữa”.
Tuy vậy, bằng những thủ đoạn tinh vi, Thiên Ngọc Minh Uy vẫn lôi kéo được vô số người tham gia mạng lưới kinh doanh, trong số đó không ít người thuộc thành phần sinh viên, trí thức. Địa bàn hoạt động của công ty cũng từng bước mở rộng địa từ thành thị đến nông thôn.
Lần này, khi “vòi bạch tuộc” của Thiên Ngọc Minh Uy vươn đến tận vùng sâu vùng xa, hủy hoại cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số thì sự bức xúc của dư luận đã lên đến đỉnh điểm. Trong cộng đồng mạng, rất nhiều người đã không giấu nổi sự phẫn nộ của mình bằng những lời lẽ mạnh mẽ.
Thành viên Nguyễn Ngọc Dương, blog Yume bày tỏ: “Đau xót quá, sao lại có những kẻ táng tậm lương tâm đến mức đi lừa bà con dân tộc thiểu số như thế chứ? Toàn những người nghèo khổ và chân chất như cục đất. Nhà nước đang nỗ lực cải thiện đời sống của người dân tộc thì chúng lại lợi dân trí thấp của họ để kiếm tiền, đẩy cuộc sống của họ đến chỗ khó khăn chồng chất”.
Thành viên pipicongtu, diễn đàn Cadovn.com bình luận: “Lừa đảo kiểu này thì có khác gì gặm xương ăn thịt đồng bào!?”.
Thành viên Romanovietnam cho biết, chiêu lừa đảo “bán hàng đa cấp” đã diễn ra từ lâu trên nhiều địa bàn dân tộc thiểu số, nhưng chỉ đến bây giờ mới được báo chí phản ánh. Thành viên này viết: “Cái kiểu lừa này đã xảy ra ở các vùng núi phía Bắc rất lâu rồi. Chúng về miền núi dỗ ngọt người dân thiểu số đưa về Hà Nội thăm quan, hội thảo rồi mua hàng. Giờ chúng lại tiếp tục đến các vùng phía trong. Pháp luật của ta chậm quá. Lừa hết người miền xuôi giờ đến lừa người miền ngược. Thật đau đớn!”.
Làm sao để tẩy trừ dịch bệnh “bán hàng đa cấp”?
Bức xúc với tình trạng lừa đảo vẫn hoành hành gần như công khai dù đã được cảnh báo, thành viên thuaniszero, diễn đàn Linkhay nhận định: “Đến bây giờ vẫn không hiểu tại sao cái bọn bán hàng đa cấp kiểu lừa đảo tồn tại lâu đến thế. Cái trung tâm ở Cầu Diễn có từ ngày mình còn sinh viên cho đến giờ. Biết bao người đã bị lừa rồi nhỉ? Đến thằng em cùng phòng mình đi nghe bọn nó diễn thuyết về xong mặc kệ anh em nói vẫn đi vay tiền để mua hàng tham gia đa cấp đến lúc thấy bị lừa trắng mắt ra mới xin lỗi anh em… Mà sinh viên Kinh tế quốc dân hẳn hoi nhé, bảo sao dân bản vùng sâu, xa không bị lừa chứ…”.
Thành viên kientnuttn cho rằng: “Chúng ta biết điều này nhưng lại không có cơ sở nào để tóm gáy họ. Vì họ biết dựa vào luật mà lách. Chỉ thương những người nghèo, cái ăn hàng ngày còn không đủ… Hy vọng những công ty làm ăn kiểu này sớm muộn sẽ bị pháp luật trừng trị”.
Hiện nay, nhiều trường hợp lừa đảo núp bóng kinh doanh đa cấp đã bị xử lý, nhưng đa phần chỉ dừng lại ở mức xứ phạt hành chính, nặng hơn là rút giấy phép kinh doanh. Bản thân công ty Thiên Ngọc Minh Uy vốn là một công ty bán hàng đa cấp có tên là Sinh Lợi. Sau khi bị rút giấy phép kinh doanh vì có dấu hiệu lừa đảo, công ty này nhanh chóng được thành lập lại với cái tên Thiên Ngọc Minh Uy và tồn tại cho đến nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ xử phạt bằng các chế tài kinh tế sẽ không bao giờ triệt tiêu được dịch bệnh “bán hàng đa cấp” mà cần những hình thức xử lý thật sự nghiêm minh. “Gây bất ổn định xã hội, đặc biết là tại những địa bàn trọng yếu về an ninh như Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc, những kẻ cầm đầu công ty Thiên Ngọc Minh Uy xứng đáng bị truy tố hình sự”, một thành viên mạng xã hội Facebook nhận xét.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE / BAOMOI.COM