Bích Ngọc, kiếm được ít hơn 60USD (hơn 1,2 triệu đồng) mỗi tuần và có một con trai mới sinh, gom góp 4 tháng tiết kiệm mua được chiếc iPhone mới nhất để gây ấn tượng với bạn bè của mình, những người đang sử dụng những chiếc iPhone phiên bản cũ - Bloomberg dẫn một ví dụ điển hình tại Việt Nam để minh họa cho bài viết của mình.
“Tôi thích iPhone vì nó nhỏ, nhẹ và rất tinh tế”, Ngọc, 24 tuổi, hiện đang là kế toán tại Hà Nội, vừa mua chiếc iPhone mới, cho biết. “Mọi người có vẻ ganh tị với tôi”.
Apple đang tìm kiếm những khách hàng như Ngọc tại Việt Nam và trên khắp khu vực Đông Nam Á, những người sẵn sàng bỏ ra số tiền nhiều hơn 2 tháng lương để sở hữu một chiếc iPhone hoặc iPad của Apple.
Nhiều người tại Việt Nam sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp nhiều lần thu nhập hàng tháng chỉ để sở hữu các sản phẩm của Apple (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo ông Nguyễn Lâm, Giám đốc hãng phân tích thị trường IDC khu vực Đông Dương thì sản phẩm của Apple rất phổ biến tại Việt Nam, nơi mà người dùng rất chuộng thương hiệu, có thể dễ dàng nhận ra một chiếc iPhone so với những smartphone khác. Ông cũng đưa ra dự đoán doanh số tiêu thụ smartphone tại Việt Nam sẽ tăng thêm 56%, đạt 12 triệu máy trong năm 2014 và Apple sẽ chiếm một lượng lớn thị phần trong đó.
“Có rất nhiều lựa chọn thay thế rẻ hơn, nhưng iPhone được xem như là sản phẩm thể hiện địa vị xã hội và mang tính thời trang”, ông Lâm nhận xét.
Doanh số tiêu thụ iPhone tại Việt Nam đã tăng lên đến 262% trong nửa đầu năm tài chính 2014 của Apple, kết thúc vào cuối tháng 3 vừa qua. Đích thân Apple phải thừa nhận rằng Việt Nam là “thị trường nóng nhất” của hãng trong báo cáo tài chính được đưa ra hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Hiện Apple đang tìm cách để chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam, một trong những hành động để thực hiện nỗ lực này là hợp tác với tập đoàn FPT, một trong những hãng công nghệ viễn thông lớn nhất tại Việt Nam để phân phối sản phẩm của mình thông qua các cửa hàng bán lẻ của FPT.
FPT năm ngoái mới đủ điều kiện để trở thành đối tác bán lẻ cao cấp của Apple tại Việt Nam, sau nhiều năm “quả táo” từ chối lời đề nghị từ phía FPT. Theo ông Bùi Quang Ngọc, động thái này của Apple nhằm tập trung hơn nữa vào thị trường Việt Nam, một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Apple.
“Apple bắt đầu tập trung vào Việt Nam. Đây là một sự thay đổi lớn của Apple. Đông Nam Á là một thị trường lớn không thể bỏ qua”, ông Ngọc trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg. “Chúng tôi đã từng làm việc với nhiều nhà cung cấp khác như Oracle, IBM, HP, Nokia, Samsung, Motorola… nhưng Apple rất đặc biệt. Quy định của Apple rất nghiêm ngặt và không dễ dàng gì làm việc với hãng này”.
“Yêu cầu nghiêm ngặt về các đối tác bán sản phẩm của mình tại nước ngoài có thể cho phép Apple kiểm soát thương hiệu của mình hiệu quả hơn”, Matthew Crabbe, Giám đốc nghiên cứu thị trường châu Á - Thái Bình Dương của hãng phân tích thị trường Mintel Group Ltd (Malaysia) nhận xét.
26% doanh thu trong quý II năm tài khóa của Apple đến từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, trong đó 20% đến từ Trung Quốc (bao gôm cả Hồng Kông và Đài Loan). Dù thị trường Trung Quốc là một thị trường lớn, nhưng đây cũng là một thị trường nhiều sự cạnh tranh, trong khi đó, thị trường ở khu vực Đông Nam Á đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và vẫn còn rất nhiều tiềm năng, do vậy nếu thực sự muốn chiếm lĩnh thị trường này, Apple cần phải thực hiện các chiến lược một cách nhanh chóng.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên thói “sính” iPhone và các sản phẩm Apple của người Việt được nhắc đến trên các trang báo lớn. Trước đó vào hồi tháng 4, hãng tin Reuters cũng đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Doanh số của Apple bùng nổ tại Việt Nam” đã nhắc đến việc giới trẻ Việt Nam đổ xô đi mua sắm những chiếc iPhone thế hệ mới nhất ngay khi sản phẩm ra mắt, sẵn sàng bỏ ra số tiền bằng một nửa thu nhập bình quân cả năm chỉ để sở hữu một chiếc iPhone mới
Phạm Thế Quang Huy