Người xưa rỉ tai nhau rằng chỉ cần chấm một giọt thủ cung sa lên cơ thể trinh nữ, nó sẽ không bao giờ biến mất cho tới khi nàng trở thành đàn bà.
Những người mê tiểu thuyết võ hiệp hẳn không ai không biết đến thủ cung sa, chính là dấu tròn màu đỏ thường xuất hiện ở cổ tay người con gái, được sử dụng để kiểm tra trinh tiết của cô gái đó. Một khi người con gái đã ăn nằm với đàn ông thì dấu thủ cung sa này sẽ biến mất và không chấm lại được. Đó là lý do vì sao khi Tiểu Long Nữ bị đạo sĩ phái Toàn Chân Doãn Chí Bình cưỡng đoạt, Lý Mạc Sầu cầm tay Tiểu Long Nữ đã phát hiện ra ngay và liên tục bức ép Tiểu Long Nữ phải khai ra cô đã ăn nằm với ai.
Thủ cung sa không chỉ xuất hiện trong các truyền thuyết hay tiểu thuyết võ hiệp mà còn được ghi chép một cách tỉ mỉ trong các bộ chính sử. Sách “Bác vật chí” thời nhà Tấn còn ghi chép rõ nguồn gốc và cách bào chế thủ cung sa như sau: Người ta dùng chu sa nuôi thạch sùng, cơ thể thạch sùng sẽ dần dần biến thành màu đỏ. Sau khi thạch sùng đã ăn đủ 7 cân chu sa, người ta giết chúng rồi xay nhỏ, được một thứ nước màu đỏ. Dùng thứ nước này chấm vào cơ thể người con gái thì nó sẽ tạo thành một vết son đỏ tươi và không bao giờ biến mất cho đến khi có quan hệ chăn gối. Vết son đó được gọi là thủ cung sa.
Có sách nói rằng, thủ cung sa là một vết màu đỏ tự nhiên xuất hiện dưới móng thứ tư của chân thạch sùng, màu sắc giống hệt với chu sa, hình dáng chỉ bằng một hạt cát. Phải sử dụng loại thủ cung sa tự nhiên này mới có thể kiểm tra được trinh tiết của phụ nữ. Ngoài ra nó còn có tác dụng chữa bệnh co giật ở trẻ em. Lại có sách nói, muốn bào chế thủ cung sa thì phải bắt được thạch sùng đang lúc nó giao hợp, đập chết, xay nhỏ rồi bỏ thêm một thứ “phụ gia” là chu sa, sau đó chấm lên tay người con gái…
Rất nhiều danh y Trung Hoa cổ đại cũng nhắc tới thủ cung sa và cách bào chế. Danh y thời nhà Lương là Lục Hoành Cảnh từng nói: “Thạch sùng thích bò men theo các tường rào hoặc tường nhà, bắt lấy rồi dùng chu sa để nuôi, sau khi cho ăn đủ 3 cân chu sa thì đem thạch sùng giết đi, tán thành nước dùng bôi lên người phụ nữ. Nếu như người nào sau đó có chuyện chăn gối thì dấu đỏ này sẽ mất đi, còn nếu như không có chuyện chăn gối thì vết đỏ đó sẽ biến thành một nốt ruồi màu đỏ, không bao giờ biến mất”.
Lý Thời Trân trong cuốn “Bản thảo cương mục” cũng có nhắc tới “thủ cung sa” và khi chú thích về tên gọi này, ông cũng có giảng giải cách bào chế thủ cung sa.
Vậy thủ cung sa bắt đầu xuất hiện từ khi nào? Theo sách "Bác vật chí", thủ cung sa là một bí thuật lưu truyền trong giang hồ, nhưng lần đầu tiên nó được sử dụng lại là trong hậu cung của Hán Vũ đế. Hậu cung có quá nhiều mỹ nữ nhưng chỉ có một người đàn ông duy nhất, rất khó tránh việc phi tần tìm cách ngoại tình. Hoàng đế vì chuyện này mà cảm thấy rất đau đầu, cho rằng việc kiểm soát các phi tần và cung nữ không thể dựa hoàn toàn vào bọn thái giám bởi việc gì có người quản tức việc đó có gian lận. Đem chuyện khó nghĩ với một đại thần, vua được hiến kế rằng, chi bằng dùng một thứ đánh dấu có thể tồn tại hoặc mất đi để khiến các cung nữ sợ hãi mà không dám làm điều gì trái luật. Lấy thứ gì để có thể đánh dấu được? Đó chính là thủ cung sa.
Mặc dù câu chuyện trong “Bác vật chí” không hề nói rõ thủ cung sa công hiệu tới mức nào, song các triều đình phong kiến từ Hán trở về sau đều sử chấm thủ cung sa lên người các mỹ nữ được tuyển vào cung để sử dụng làm tiêu chí kiểm tra sự trong trắng của họ. Khi thứ thuốc bí truyền này xuất hiện trong dân gian, nó còn được lưu truyền rộng rãi hơn nhiều. Chính vì vậy, người Trung Quốc dường như không ai không biết tới thủ cung sa.
Dựa vào các sử liệu, việc sử dụng thủ cung sa để kiểm tra trinh tiết bắt đầu lan truyền rộng rãi từ thời Tống, khi những quan niệm khắt khe về đức hạnh phụ nữ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, vào thời kỳ này, do mới bắt đầu sử dụng, chưa có nhiều kinh nghiệm nên thủ cung sa đã gây ra không ít án oan và những câu chuyện hài hước.
Chuyện kể rằng, hào phú Lâm Mật ở huyện Vạn, Tứ Xuyên chuẩn bị lên kinh thành nhận chức quan. Ngoài người vợ từ thuở kết tóc xe tơ, Lâm Mật còn có 5 người thiếp, trong đó người được trân quý nhất là Hà Phương Tử, 18 tuổi. Lo lắng về tiết hạnh của họ, ông ta hỏi bạn là Thượng Ất Chân và được cho một ít thủ cung sa. Lâm Mật đã tự tay mình chấm thủ cung sa lên cánh tay những người thiếp yêu. Hà Phương Tử vốn là một tiểu thư cành vàng lá ngọc, xinh đẹp, có học, cốt cách cao quý, chỉ vì gia biến mà đành chịu làm nàng hầu cho kẻ hào phú.
Sau khi Lâm Mật đi, những người vợ của y vô cùng cẩn thận giữ gìn điểm son nhỏ bằng hạt đậu trên cánh tay, không dám tắm, cũng không dám đụng vào. Hà Phương Tử thì ngược lại, cô ghét cay ghét đắng cái chấm đỏ trên cổ tay mình, coi nó giống như một vết nhơ trên người nên vẫn liên tục tắm rửa, giặt giũ. Chẳng bao lâu, dấu thủ cung sa biến mất. Nửa năm sau đó, Lâm Mật cho người đón vợ con lên kinh thành, khi kiểm tra đám hầu thiếp thì chỉ Hà Phương Tử không còn vết thủ cung sa. Ông ta đánh đập, tra khảo cô tàn nhẫn nhưng cô gái kiên quyết không chịu nhận có dan díu với ai. Cuối cùng, cô để lại một bức thư rồi treo cổ tự tử. Lâm Mật cho rằng Hà Phương Tử vì xấu hổ mới tìm tới cái chết nên không thèm quan tâm tới bức di thư, vội vã đem chôn.
Ông ta không ngờ rằng tuy ở quê, việc đánh chết hầu thiếp chỉ là chuyện nhỏ, bỏ chút tiền lo lót là xong, nhưng đây là kinh thành, ngay dưới chân hoàng đế nên chuyện không đơn giản. Phủ Khai Phong lập tức điều tra và biết ngay Hà Phương Tử bị đánh đập tàn nhẫn trước khi tự sát. Khi được gọi tới để xét hỏi, Lâm Mật không còn cách nào khác là kể lại mọi sự. Nghe xong, quan phủ đã dùng chu sa mà Lâm Mật còn thừa, chấm lên vai ba người phụ nữ, sau đó bắt một con thạch sùng sống đặt lên vai một người. Chỉ trong chớp mắt, con thạch sùng đã liếm sạch vết chu sa. Vị quan phủ cho rằng, dấu thủ cung sa chỉ có hiệu nghiệm với những người con gái chưa chồng, còn Hà Phương Tử đã có chồng nên thủ cung sa không có tác dụng kiểm tra tiết hạnh.
Thực tế có tồn tại một thứ thuốc thủ cung sa có công dụng kỳ diệu như những gì các tài liệu cổ để lại hay không? Cho tới nay người ta vẫn chưa thể có câu trả lời xác thực nhất. Tuy nhiên, xét từ góc độ lịch sử lẫn khoa học, nhiều người cho rằng, thủ cung sa chẳng có bất cứ sự liên quan nào tới trinh tiết phụ nữ. Những câu chuyện về thủ cung sa thực chất chỉ là sản phẩm trong xã hội phụ quyền gia trưởng khi người đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp nhưng lại bắt những thê thiếp của mình phải chung thủy với họ.
Có lẽ thủ cung sa chỉ có tác dụng như là một thứ giả dược trong Tây y hay phương pháp ám thị tâm lý. Một khi người phụ nữ bị chấm lên người một dấu thủ cung sa, nghe những truyền thuyết ly kỳ về nó, họ sẽ sợ hãi và không dám nghĩ đến chuyện dan díu với ai, và cố gắng bằng mọi cách giữ cho dấu thủ cung sa trên tay của mình không mất đi. Nói cách khác, thủ cung sa thực chất chỉ là một cái vòng kim cô mà những người đàn ông sống trong xã hội nam quyền nghĩ ra để bắt những người phụ nữ của họ phải phụng tùng và chung thủy với mình.