[justify][size=4]Họ trăm sự nhờ vào đội ngũ thầy thuốc, nhưng biết nói sao cho tỏ khi không ít y - bác sĩ ở đây đang thiếu tình thương… người bệnh và cũng thiếu luôn cả về tay nghề giỏi.[/size][/justify]
[justify][size=4]Bệnh nhân sống chung với… bẩn[/size][/justify]
[justify][size=4]Tôi bước vào khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, bỗng thấy ngạt đi không thở được vì mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Thật không tưởng tượng nổi căn nhà đón những niềm hạnh phúc nhất của người mẹ lại tồi tệ đến mức như vậy. Bức tường ẩm mốc loang lổ dường như chưa bao giờ có ông thợ quét vôi đặt chân tới để chỉnh trang.[/size][/justify]
Một góc bẩn ở khoa Sản bệnh viện. Ảnh: Phan Huyền Vũ |
[justify][size=4]Tôi hỏi một số bác sĩ trong bệnh viện, thì họ bảo chuẩn bị “xây bệnh viện sản to đẹp” nên không cần sửa chữa nữa. Và cứ như thế bao nhiêu sản phụ đã gần 2 năm trôi qua lại phải hành xác cả mẹ lẫn con vì bẩn. Phòng sản những bà mẹ sau khi sinh, kẻ đứng người nằm chen chúc nhau, nhiều sản phụ còn bận nguyên cả bộ đồ còn rơm rớm máu, khiến ai nhìn vào cũng sởn gai ốc. Chiếu giường đầy bụi bám đến cả chiếc cọc cột dây màn cũng không sắm nổi, trách gì khoa Sản không đủ áo cho bệnh nhân thay là điều dễ hiểu…[/size][/justify]
[justify][size=4]“Ở đây muỗi nhiều lắm, chú ạ. Muỗi đốt bà, đốt mẹ còn chịu được chứ trẻ sơ sinh bị muỗi đốt thì thương cho chúng nó quá” - một cụ già quê ở huyện Kỳ Anh ra chăm sóc con, vừa đưa cái vợt bẫy muỗi nổ lách tách vừa “tố khổ” với tôi. Dạo qua các phòng, dường như cửa sổ phòng sản nào cũng đóng kín không phải vì sợ gió mà sợ uế khí. Phía ngoài khoa Sản đủ thứ rác rưởi từ tàn thuốc lá, túi nilông, vỏ trái cây, bao sữa đến cả bông băng vệ sinh cá nhân… ở trên đất, ẩn trong cỏ và nằm chềnh ềnh ngay trên nền ximăng.[/size][/justify]
Rác chất đống không ai thèm dọn. |
[justify][size=4]Dưới chân tường, một số loại rác lưu cữu được “hấp sấy” bằng nước mưa cùng với bao nhiêu tạp chất khác tạo thành màu đen kỳ quái với mùi tanh lợm. Khi tôi bước chân tới gần cuối dãy chợt thấy một người phụ nữ đang mở cánh cửa nhà vệ sinh thì tiếng một người đàn ông từ phòng bên gọi giật giọng: “Nhờ chị đóng ngay cửa, không thì bọn tôi chết ngạt mất”. Tưởng là người đàn ông đó đùa, ai ngờ mình cũng là “nạn nhân” bị hớp sâu mùi hôi nồng nặc. Tôi bước lên tầng hai khoa Nhi, nạn ô nhiễm môi trường cũng không kém gì khoa Sản. Thật tội nghiệp cho hai cháu bé sinh đôi nhỏ xíu Võ Sĩ Cu và Võ Sĩ Tèo đang nằm điều trị viêm phổi cấp tại căn phòng vừa ngột ngạt, vừa hôi hám.[/size][/justify]
[justify][size=4]Chị Lê Thị Hoa - mẹ của hai đứa bé (quê xã Kỳ Trinh - Kỳ Anh) - cho biết: “Đây là chỗ được bệnh viện cho thuê theo dịch vụ tự nguyện, mỗi ngày gia đình bệnh nhân phải trả 70 ngàn đồng, nhưng đụng thứ gì cũng thiếu. Khổ nhất là chỗ tắm giặt và phơi phóng quần áo. Khoa không có phòng tắm riêng, ai muốn tắm cứ đóng cửa nhà vệ sinh tắm. Nhiều người thấy nước bẩn và nhà vệ sinh cũng bẩn nên phải mất thêm 10 ngàn đồng đi thuê tắm ở các dịch vụ tư ngoài cổng bệnh viện”.[/size][/justify]
[justify][size=4]Hôi tới mức tôi thấy cả y tá và bác sĩ khoa Nhi khi đi qua hành lang cũng rất vội vàng để tránh thứ “mùi đặc biệt” đang toả rộng. Khi tôi bước tới phòng khám bệnh viện, cửa phòng khám đóng kín. Chắc đúng lịch vào ngày chủ nhật nên vắng như chùa Bà Đanh. Khoảng chục người tới khám bệnh không thấy nhân viên họ lặng lẽ ra về. Thật không tin ở mắt mình nữa, một chiếc bơm kim tiêm còn dính máu nằm im như con rắn độc dưới chiếc bàn gỗ tại phòng khám bàn số 5. Hành lang phòng khám dường như lâu ngày không được một nhát chổi nên ngó vào chỗ nào cũng đặc sệt bụi. Phía cuối phòng khám nền gạch vỡ tung ra 6 viên gạch hoa lại tiếp tục xuất hiện bơm kim tiêm.[/size][/justify]
[justify][size=4]Một căn phòng bên góc đóng kín lổm ngổm hồ sơ, tài liệu, chuột được dịp gặm nhấm và nhện thoả sức giăng tơ. Khu nhà mới của bệnh nhân bề ngoài tường vôi bóng loáng, trang nhã tưởng đây là “chốn thiên đường” của người bệnh ở, ai ngờ “mầm bẩn” cũng đã bắt đầu xuất hiện. Không ít những bệnh nhân đang điều trị phàn nàn do thiếu nước nên nhà vệ sinh nào cũng sặc sụa mùi hôi.[/size][/justify]
[justify][size=4]Cực vì thiếu thuốc, lại bị hoạ cả lúc khám[/size][/justify]
[justify][size=4]Khi tôi tiếp tục đến thăm các bệnh nhân đang điều trị nội trú ở đây, thì hầu như bệnh nhân nào cũng kêu thiếu thuốc tiêm, thuốc uống. Thuốc bệnh viện “đại hạn” nghiêm trọng, nên bệnh nhân nào khám xong cần thuốc chữa trị cũng được bác sĩ nhiệt tình kê đơn và không quên căn dặn chịu khó ra các quầy đại lý dược dọc đường Hải Thượng Lãn Ông để mua thuốc về dùng đúng theo phác đồ điều trị. Khi đường dây làm ăn giữa nhân viên bán thuốc và bác sĩ “kê toa” càng hi hữu bao nhiêu thì bệnh nhân càng bị họ “chém đẹp” bấy nhiêu.[/size][/justify]
[justify][size=4]Trong đau ốm suy sụp về sức khoẻ, dầu giá thuốc dâng lên chót vót họ cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Ai nghèo không đủ tiền mua cứ việc “hãy đợi đấy”, chờ thuốc của bệnh viện cấp. Nhưng chờ mãi không có rồi cũng phải ra viện mang theo căn bệnh âm ỉ trong người. Tôi vào phòng 307 khoa Ngoại, bác Trương Chân (62 tuổi, quê Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên) không giấu được nỗi bức xúc nói: “Tui vào đây đã 5 ngày rồi mà thấy họ chỉ cấp cho tôi 6 viên thuốc tetracycline, nên bệnh tình chẳng thấy thuyên giảm.[/size][/justify]
[justify][size=4]Tui bị ngã khi leo lên thang sửa nhà dột nên bị bầm giập niệu đạo. Đợt trước ra đây mổ, họ cho ra viện rồi nhưng về đau vẫn hoàn đau. Cực chẳng đã tui là dân đi biển, năm nay xăng dầu đắt đành phải ở nhà nuôi lợn, làm vườn để kiếm tiền mua gạo. Tui được xóm xếp cho “hộ cận nghèo”, được làm thẻ bảo hiểm y tế, nhưng hôm đi nhận thẻ của bà con về ông xóm trưởng lại đánh rơi mất. Hoàn cảnh như tui hiện tại đi viện cứ phải liều đi vay tiền người khác rồi tính sau. Vô đây hai ngày đầu tui phải nằm co quắp ngoài hành lang vì khoa không đủ giường cho bệnh nhân. Vô đây cứ mỗi ngày mất 50 ngàn đồng tiền viện phí, tui đã nộp thêm 1 triệu đồng rồi, nhưng chẳng biết khi nào mình được chữa lành”.[/size][/justify]
[justify][size=4]Chuyện bác Nguyễn Văn Vinh (73 tuổi - xã Thạch Kênh - Thạch Hà tiết lộ còn buồn hơn: “11h30 ngày 31.7.2011, bác sĩ Lê Quang Hoà - một trong bác sĩ già “có kinh nghiệm” khám bệnh cho tôi bằng phương pháp nội soi. Không hiểu vì lý do gì khi dùng bơm hơi bụng tôi phình căng hơn trống làng. Mồ hôi tôi vã ra, đau quằn quại và tôi ngất xỉu. Cả phòng tá hoả đưa đi chụp phim mới thấy hậu quả cuộc nội soi đặc biệt bác sĩ Hoà đã làm thủng luôn cả đại tràng của tôi. May mà tôi được mổ kịp thời”.[/size][/justify]
[justify][size=4]Nơm nớp vì đạo chích[/size][/justify]
[justify][size=4]Cách đây không lâu, khi tới thăm anh Phố (quê ở Phù Việt) mổ ápxe gan tại khoa Ngoại, vợ chồng tôi vừa bước tới giường bệnh đã thấy chị Xanh (vợ anh) khóc mếu máo: “Chú và mự ơi, chị mất sạch tiền rồi. Mấy ngày vào viện đi lại liên tục để chờ mổ nên chị thức trắng, đêm qua anh Phố vừa mổ xong, chị thấy phần nào đỡ lo và chợp mắt một chút, ai ngờ cái ví đựng tiền đã cất cẩn thận dưới gối bọn trộm vẫn bới được, thế là 5 triệu đồng đi tong. Bọn trộm chỉ lấy tiền thôi chứ giấy tờ chúng vứt ở ngoài hành lang, người khác nhặt được đưa lại cho chị. May mà giấy đăng ký xe máy và chứng minh thư chưa mất”.[/size][/justify]
[justify][size=4]Chuyện chị Xanh mất tiền kể ra cho bà con ở quê nghe ai cũng thấy lạ, nhưng đối với Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh lại “cũ hơn trái đất” bởi nạn trộm cắp tiền và hành lý bệnh nhân ở khu điều trị này đã diễn ra từ lâu. Không chỉ bệnh nhân, chúng còn cạy tung cửa khoá của bệnh viện để chôm luôn cả giàn vi tính xịn. Trước đây, bệnh viện có một cánh cổng lại có tổ bảo vệ cơ quan gác khá nghiêm, nên bọn đạo chích vào ra còn dè dặt. Bây giờ cải tạo lại, hàng rào xé tung ra xây thêm cổng mới hoành tráng hơn, tạo thêm “môi trường thông thoáng” cho đạo chích hoạt động.[/size][/justify]
[justify][size=4]Những đạo chích này hầu hết là các con nghiện nên cả bác sĩ, y tá nhiều khi thấy từng tốp đứng lồ lộ ngoài hành lang vẫn nhắm mắt làm ngơ vì sợ bọn chúng trả thù. Cứ nửa đêm về sáng khi mọi người đang yên giấc ngủ ngon, bọn này bắt đầu xuất hiện. Từng tốp đi trinh sát các buồng bệnh, nhất là buồng có người nhà đang túc trực bệnh nhân vừa mổ xong. Buồng nào không đóng cửa hoặc đóng không chốt khoá cẩn thận, bọn chúng vào lấy tiền, điện thoại di động, đường sữa…[/size][/justify]
[justify][size=4]Năm ngoái, một gã nghiện ma tuý đóng vai “bác sĩ” đến thăm và khám sức khoẻ cho bệnh nhân. “Bác sĩ” này thường khám vào lúc nửa đêm và chỗ nào có “bác sĩ” quan tâm là ở đó xảy ra chuyện không hay. Sau 3 ngày theo dõi, lực lượng công an đã tóm gọn được “bác sĩ” rởm, đó là con nghiện Nguyễn Thanh Tùng (25 tuổi, trú thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh). Sau vụ việc này, các con nghiện tạm ngừng hoạt động được vài tuần lễ, sau đó lại “ngựa quen đường cũ”…[/size][/justify]
[justify][size=4]Vĩ thanh[/size][/justify]
[justify][size=4]Có lẽ những sự việc tôi nêu ra đây dường như đã quá cũ đối với người trong cuộc, “biết rồi… khổ lắm… nói mãi”. Chính vì vậy, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cần có một cuộc cách mạng lớn trong việc điều hành mới hy vọng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, mới hy vọng là nơi chăm sóc sức khoẻ tốt cho nhân dân Hà Tĩnh.[/size][/justify]
[size=4]Phan Huyền Vũ (trích Lao Động)[/size]