Góc Nhìn
Sau đây là "công trình" của báo Dân Trí:
[size=3]Vịt đực “biến hóa” thành “chim sẻ quay”[/size] Vịt đực mới nở được cắt mỏ, bỏ chân rồi ướp tẩm chất bảo quản và gia vị, “chao” qua 3 lượt dầu đun sôi sùng sục, trở thành đặc sản chim sẻ quay thơm phưng phức. Đó là sự thật về “món ngon” chim sẻ rán đang rất “hút hàng” ở Hà Nội.
Chim sẻ quay thực chất là vịt đực bao tử (mới nở)
Chỉ 2.000 đồng/con quay sẵn, những con chim rán được “cam đoan” là chim sẻ núi có màu vàng ươm và mùi thơm phức được bày bán nhan nhản dọc đường Hoàng Hoa Thám, Lê Văn Lương, sông Tô Lịch…
Phong trào ăn chim rán chỉ chực chững lại khi trên mạng Internet lan truyền thông tin: “Chim sẻ quay 2.000/con thực chất là vịt nhỏ chết của Trung Quốc quay, giá bán buôn có 482đ/con. Loại vịt đó được tiêm thuốc có thể bảo quản đến 23 tháng…”.
Trước đó, trong một bài viết trên Dân trí, chúng tôi đã đặt câu hỏi: Lấy đâu ra mà lắm chim sẻ thế? Không hiểu trước khi quay, chim còn sống hay đã chết?… khi các lò chim quay mới bắt đầu hoạt động náo nhiệt ở Hà Nội.
Cái gọi là "chim sẻ rán" bán rất chạy ở Hà Nội thời gian qua
Vào vai người đi buôn chim tìm mối nhập hàng, PV Dân trí đã tiếp cận các chủ buôn, đầu mối lấy hàng và phải “rùng mình” khi được tiết lộ: chim sẻ quay thực chất là vịt đực “biến hóa”!
Khi được hỏi tại sao vịt ấp nở ra không để nuôi lớn rồi bán mà phải “bán non” rẻ hơn trứng thì chị Hiền (chủ một quầy chim rán ở Mỹ Đình, Từ Liêm) bộc tuệch: “Vịt đực nuôi mấy tháng trời mới được cân, hơn cân nên không ai mua vịt đực về nuôi cả…”. Chị tiết lộ thêm, hàng chủ yếu nhập từ các lò ấp vịt lớn như Phú Xuyên, Thường Tín (Hà Nội).
Tuy nhiên, khi tìm hiểu nguồn gốc của số lượng “chim vịt đực” quá lớn được bán ra mỗi ngày thì các chủ buôn lại nói về những xuất xứ khác nhau. Một đầu mối trung gian “chim sẻ quay” trên đường Hoàng Hoa Thám cho hay: “Vịt đực chủ yếu được nhập từ Trung Quốc về chứ ở mình làm gì có nhiều thế. Năm ngoái làm ăn thuận lắm, bán buôn bán lẻ đều rất chạy, chưa đầy tháng đã kiếm được gần 50 triệu…”.
Vịt được cắt mỏ, bỏ chân để "biến hóa" thành chim để người mua không nghi ngờ
Tiếp cận nguồn hàng của một đầu mối tên Hòa, anh này giới thiệu: “Vịt đực lấy ở các lò ấp giá 1.000 đồng/con (vịt cái chủ lò bán 6-7.000 đồng/con), thuê công làm thịt, cắt chân, vót mỏ cho giống chim sẻ hết 150 đồng. Nếu lấy buôn thì có 2 loại: hàng tươi sống giá 1.200 đồng/con và hàng đã “chao” là 1.500 đồng/con”.
“Nhưng tôi khuyên là nên lấy hàng “chao” một lượt, hàng này đã ướp tẩm đầy đủ rồi nên khi bán chỉ việc đổ vào chảo dầu đang sôi sùng sục rán vàng lên thế là có tiền tươi. Còn lấy hàng tươi sống thì mới vào nghề khó mà biết cách làm thế nào cho nó ngon, không biết ướp tẩm có mùi tanh thì khách sẽ chê ngay” - đầu mối Hòa nhiệt tình hướng dẫn.
Các "tiệm" chim rán trên đường Hoàng Hoa Thám buôn bán đắt như tôm tươi mỗi khi chiều về
Với công nghệ “hô biến” ngon ăn như đầu mối Hòa tiết lộ, hàng nghìn con vịt đực mỗi ngày được mổ ra, tẩm ướp, rán vàng bỗng chốc thành đặc sản chim sẻ rán với giá cực “hữu nghị” - 2.000 đồng/con, thậm chí nếu khéo mặc cả thì chỉ còn 1.700-1.800 đồng/con.
“Muốn lấy bao nhiêu hàng cũng có ngay, hàng nghìn con chúng tôi cũng cung cấp đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, buôn bán thì phải trọng chữ tín. Nếu là ở trong nội thành chúng tôi sẽ chở đến tận nơi, còn ra ngoại thành, ra tỉnh lẻ thì chịu vì không có công” - anh Hòa trao đổi trước để “khỏi mất công khi vào việc chính”.
Nhiều người vẫn thắc mắc, "chim sẻ ở đâu ra mà nhiều thế", "đặc sản sao rẻ thế"… nhưng rồi cũng tặc lưỡi "thiên hạ ăn cả, phải mỗi mình đâu"
“Cần chú ý đặc biệt trong khi bán, nếu khách thắc mắc là không giống chim sẻ thì phải giải thích đó là chim sẻ núi đá Ninh Bình, chim sống ở núi đá nó khác chim sẻ bình thường. Cứ tính đi nhé, nếu muốn làm ăn với bọn anh thì liên lạc lại để thỏa thuận và nhận hàng”, đầu mối này hẹn chúng tôi.