Suốt đoạn phố dài vài trăm mét, có hàng chục cửa hàng. Nhân viên bán hàng khẳng định tất cả đều là hàng chuẩn, được tiếp viên hoặc phi công lựa chọn ở nước ngoài rồi xách về. Xuất xứ hàng chủ yếu từ Nhật, Hàn Quốc, Singapore, kế đó mới đến Australia hay châu Âu.
Chị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) một người chuyên bán đồ xách tay cho biết "đồ bay" có 2 dạng chính. Một là nguồn do tiếp viên hoặc phi công các hãng hàng không xách về. Hai là dạng ship, tức là hàng được gửi qua đường chuyển phát nhanh quốc tế, thường do dân kinh doanh có người thân hoặc mối hàng ở nước ngoài gom hàng rồi gửi về.
Sữa trẻ em là một trong những mặt hàng phổ biến nhất tại các shop bán đồ xách tay. Ảnh: P.V |
"Đó là chưa kể một số tiếp viên mua được hàng vào mùa sale off. Quần áo, giày, túi có thể giảm tới 50-70%, về nước vẫn bán được giá cao thì lợi nhuận lớn hơn nhiều", chị cho hay.
Ngoài việc xách hàng về cho người nhà bán hoặc đổ các mối quen, nhiều tiếp viên còn nhận vận chuyển hàng từ nước ngoài về và tính phí. Chị Thúy (Đống Đa) có em gái làm tiếp viên nên đứng ra là một đầu mối chuyên nhận xách tay hàng từ Đức và Nhật Bản về Việt Nam. Tùy từng mặt hàng sẽ có đơn giá xách về khác nhau.
Hàng bánh kẹo, đồ ăn, thức ăn là 210.000 đồng một kg, quần áo, giày,dép giá 240.000 đồng một kg, mỹ phẩm, dưỡng da 300.000. Các loại nồi, đồ dùng gia dụng, điện thoại , laptop… tùy vào độ nặng và cồng kềnh sẽ có mức giá khác nhau nhưng dao động từ 440.000-940.000 đồng một kg.
"Trung bình mỗi tháng sẽ có 7 đến 10 chuyến nên hàng về thường xuyên. Chuyến nào hàng của khách đặt chưa đủ cân thì cô em lại nhặt thêm một số sản phẩm về cho mình túc tắc bán", chị Thúy cho hay. Trên nhiều trang web, diễn đàn, phí xách hàng từ nước ngoài về có giá dao động từ 150.000 đến 250.000 đồng mỗi kg.
Lý giải về mức phí xách hàng cao, chị Thúy cho biết, đơn giản các sân bay đặt ở ngoại ô cách các trung tâm ít nhất khoảng 20km. Do đó, nếu muốn mua hàng cho khách, các tiếp viên phải đi taxi khá tốn kém để đến trung tâm mua sắm.
Do đó, chị Nga, chủ một shop hàng xách tay cho biết, tiếp viên thường mang hàng về cho người nhà đứng ra bán. "Còn dân kinh doanh mà chọn tiếp viên hàng không làm mối cung cấp buôn thì là hạ sách vì phí chuyển hàng đắt, lãi chẳng còn là bao. Hơn nữa, hàng từ những nguồn này là số lượng khó ổn định, giá cả biến động thất thường", bà chủ này chia sẻ.
Tuy nhiên,chị Hạnh, một Việt kiều sinh sống hàng chục năm nay tại Nhật Bản cho biết, ngoài việc kiếm lời từ việc mua hàng không phải chịu thuế về bán, nhiều tiếp viên còn mua những sản phẩm sắp hết hạn sử dụng (cận date) sau đó về "phù phép" thành hàng mới, loại có nguồn gốc không rõ ràng… để về bán. Loại nguồn gốc không rõ ràng chủ yếu là hàng ăn cắp, giá thậm chí chỉ bằng 30-40% giá gốc.
Ngọc Minh