[justify]Sản xuất dầu ăn bằng đậu phộng trộn… lốp xe
Để tiết kiệm thời gian và điện, một chủ cơ sở ép dầu ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã cắt nhỏ lốp xe bỏ vào máy ép đậu phộng. Hơn 2.000 lít dầu sau khi ép được người dân đến mang về đã bị đóng cặn, đun lên có mùi khét, không thể sử dụng.[/justify]
Người dân vất vả với một mùa đậu nhưng sau khi ép, dầu bị thâm đen, đóng cặn không thể sử dụng. - Ảnh: Người lao động
[justify]Theo tường trình của chủ cơ sở ép dầu thì trong lúc ép dầu, do máy ép bị nghẹt nên con trai ông đã dùng ruột cao su xe đạp, xe máy cắt nhỏ bỏ vào cối xay đậu cho khỏi bị nghẹt. Đáng lo hơn, việc bỏ ruột xe vào máy xay đậu khi ép dầu là do con trai ông “học hỏi” được từ cơ sở bán phụ tùng máy xay đậu. Cơ sở này tiết lộ với con ông: “Khi xay đậu mà bị nghẹt chỉ cần cắt nhỏ ruột xe bỏ vào thì máy sẽ chạy thông ngay”. Nếu bỏ lốp cao su vào máy thì thời gian xay đậu sẽ tiết kiệm rất nhiều, điện năng tiêu thụ giảm đi. Được biết, giá tiền chủ cơ sở ép dầu thu của người dân là 6.000 đồng/lít.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, cho biết hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào về việc thực phẩm có trộn lẫn cao su. Tuy nhiên theo bác sĩ Thạnh, cao su là chất không thể tiêu hóa. Nếu chất này có mặt trong thực phẩm sẽ gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của người sử dụng, có thể dẫn đến những bệnh rối loạn đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, dầu ăn mà có trộn lẫn cao su từ những lốp xe đã cũ chứa rất nhiều tạp chất nên đó là loại dầu ăn bẩn. Chất cao su từ lốp xe đi vào cơ thể có thể dẫn đến bệnh ung thư. Chính vì thế, người tiêu dùng không nên sử dụng loại dầu ăn trên.[/justify]
[justify]Rau ngót muốn đẹp, nhanh được cắt bán thì phải phun thuốc
Rau ngót được coi là loại rau lành tính, thậm chí người mới ốm dậy, phụ nữ bị sẩy thai, sau sinh còn được khuyên dùng cả rau ngót sống. Tuy nhiên, gần đây, khi có thông tin về việc 7/25 mẫu rau ngót có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép khiến không ít người hoang mang, lo lắng.[/justify]
Rất khó phân biệt đâu là rau sạch, đâu là rau nhiễm thuốc bảo vệ thực vật - Ảnh: 24h
[justify]Tìm đến cánh đồng trồng rau ngót ở Vân Trì, Hà Nội, ấn tượng đầu tiên chính là những ruộng rau ngót mỡ màng, xanh mướt và không tì vết. Bình thường hơn 20 ngày mới có thể tái thu hoạch nhưng phun thuốc kích thích thì có thể rút xuống 15 ngày.
Người trồng rau này chỉ khoảng 10 – 13 ngày là được cắt một lứa đem bán. Khi cắt bán xong đợi rau nảy mầm mới dài từ 5-10 phân thì phun các loại thuốc kích thích, trừ sâu vào. Theo họ, không chỉ riêng gì rau ngót mà rau nào cũng vậy, muốn rau đẹp, nhanh được cắt bán thì phải phun thuốc. Không phun thuốc thì sâu ăn hết lá, ra chợ rau xấu rất khó bán.
Hiện nay, tại các chợ ở Hà Nội, rau ngót được bày bán tràn lan. Các tiểu thương đều khẳng định là rau nhà tự trồng, đảm bảo an toàn tuyệt đối khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt.[/justify]
[justify]Sữa gây bệnh tim từ Trung Quốc bán "chui" ở Việt Nam
Gần đây, báo chí Trung Quốc vừa phanh phui vụ 3 nhãn hàng sữa bột nổi tiếng tại nước này là Baby Club (hãng Beingmate), Super (hãng Synutra) và Gold (hãng Yili) có chứa chất béo chuyển hóa, còn gọi là axít béo chuyển hóa (trans fat) - một chất có thể gây bệnh tim.[/justify]
Trẻ em nên dùng sữa chứa trans-fat càng ít càng tốt - Ảnh: SCMP.
[justify]Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết 3 nhãn hàng sữa bột này chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Hiện cục đã liên hệ với các cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc và Hồng Kông để có thông tin chính thức về các sản phẩm sữa này.
Tuy nhiên, trước thông tin sữa bột Trung Quốc chứa chất gây hại, nhiều ý kiến lo ngại các sản phẩm này có thể vào Việt Nam theo đường xách tay, nhập lậu vì rất khó kiểm soát.
PGS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn thực phẩm - Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, khẳng định nếu sử dụng lượng chất béo trans fat ở mức tối thiểu sẽ không gây hại nhưng với trẻ em, sữa bột là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng và uống hằng ngày thì lượng tiêu thụ chất béo có thể cao. Điều này rất nguy hại cho sức khỏe của trẻ vì dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch, thậm chí còn khiến trẻ khó tiêu hóa dẫn đến biếng ăn, chậm phát triển.
Ổ bệnh từ quán nước vỉa hè
Từ lâu, đồ uống tại các quán cóc ven đường trở thành hàng bình dân dành cho mọi người do tính đa dạng và tiện dụng. Các quán giải khát vỉa hè nằm sát đường giao thông, nơi có các phương tiện qua lại thường xuyên. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, bụi đường không chỉ gây bệnh hô hấp, mà còn có rất nhiều nha bào vi khuẩn và trứng giun. Nếu bụi bắt nguồn từ cống rãnh khô bốc lên thì trứng giun sẽ càng nhiều. Trong khi đó, hầu hết các loại nguyên liệu để chế biến đồ uống vỉa hè đều không được che đậy. Ví dụ như với mía, sau khi cạo vỏ, mía được xếp vào thùng và để "tơ hơ". Bụi đường ngấm vào rất mất vệ sinh.[/justify]
Ảnh: An ninh thủ đô
[justify]Bên cạnh đó, quán nước vỉa hè cũng thường sử dụng đá cây thay cho đá viên tinh khiết. Quy trình làm đá phần lớn không đảm bảo yêu cầu. Nước (hầu hết là nước giếng khoan) được phun qua giàn mưa trong không trung để khử sắt rồi đi xuống bể (có trường hợp không được xử lý qua bể lọc). Lượng canxi và magie trong nước cao hơn mức cho phép (nước cứng), khi làm đá, các chất hóa học dư thừa này còn nguyên. Uống quá nhiều nước cứng gây ra vấn đề cặn thận, sỏi thận.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho biết: "Nước mía tại Việt Nam có pha loãng 1.000 lần cũng không thể đếm hết số lượng vi khuẩn. Người Việt Nam 'quen' nên uống không sao, nhưng 3 cậu sinh viên người nước ngoài của tôi uống đều đau bụng và phải nhập viện"!.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng chỉ ra các quy trình chế biến rất mất vệ sinh như: máy ép nước không được cọ rửa sau mỗi lần sử dụng, ruồi bâu, cốc chén rửa qua loa và cả đá dùng cho nước mía cũng phần nhiều từ nước lã. Thêm vào đó, người bán hàng không rửa tay, vừa cầm tiền, vừa cầm các vật dụng khác và ép nước mía đưa cho khách.
Phát hiện cá trê, cá quả, cá tầm nhiễm chất cấm ở chợ Hà Nội
Gần đây, cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản sau khi xét nghiệm 30 mẫu cá được lấy ngẫu nhiên từ các chợ tại Hà Nội đã phát hiện 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm chất kháng sinh cấm Leuco Malachite, và 2 mẫu cá quả nhiễm hóa chất, kháng sinh cấp AOZ.[/justify]
Người tiêu dùng cần cẩn trong khi chọn mua cá tầm. Ảnh minh họa.
[justify]Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, chất Leuco Malchite được sử dụng để diệt vi khuẩn và nấm ngoài da của thủy sản, còn chất AOZ được sử dụng để chữa các bệnh đối với thủy sản.
Trước năm 2007, các chất này vẫn được nhiều nước sử dụng, nhưng qua nghiên cứu các nước đã đưa ra kết luận, các chất này nếu ăn nhiều có thể bị tồn dư trong gan, thận, gây ra các bệnh nan y và có nguy cơ gây nhờn thuốc Tây y, nên thế giới đã cấm sử dụng các chất này và Việt Nam chính thức cấm từ năm 2007.[/justify]
[justify] [/justify]