Tin tức - pháp luật 2009-10-28 01:37:29

Tình già ở... vũ trường, công viên :))


Nếu các bạn già phê phán chuyện giới trẻ mê vũ trường, ông Đăng thể nào cũng phản đối: "Vũ trường hay chứ". Nguyên do là ông đã tìm được tình yêu cuối đời ở chính nơi này.


Sáng nào cũng vậy, người dân ở chợ Nghĩa Tân (Hà Nội) cũng thấy hai ông bà già dắt nhau đi chợ trông rất tình cảm. Bà chọn mớ rau hay con cá nào cũng đều quay lại hỏi ý ông, nếu ông gật đầu thì bà mua bỏ vào làn cho ông xách. Có khi hai ông bà cứ vừa đi vừa cười nói, vòng hết một lượt chợ mà chẳng mua gì. Dù vậy, những người bán hàng vẫn mìm cười với họ, bởi rất thích hình ảnh đôi bạn già tình tứ, quấn quýt bên nhau. Đó là ông Đăng, bà Loan.

Những mối tình muộn

Họ gặp nhau tại sàn khiêu vũ dành cho người già. Bà góa chồng từ khi mới ngoài 40 tuổi, còn ông vợ chết đã 6 năm. Họ tham gia câu lạc bộ khiêu vũ vừa để rèn luyện sức khỏe vừa là để khuây khỏa tuổi già. Hai ông bà không bao giờ nghĩ rằng ở cái tuổi sắp "về chầu trời" này, họ còn yêu thêm một lần nữa.

Thế nhưng, ngay lần đầu gặp bà Loan, ông Đăng đã thấy rất có cảm tình. Ông tham gia câu lạc bộ trước, nhảy giỏi hơn nên nhận hướng dẫn bà. Khi tay trong tay với những điệu van dịu dàng và bản nhạc du dương, ông nhận thấy một cảm xúc thật khó tả. Còn bà thì đây là lần đầu tiên kể từ khi lâm cảnh góa bụa cảm thấy vui vẻ bên một người đàn ông. Sau một năm, họ trở thành đôi nhảy đẹp nhất của câu lạc bộ, cùng tham dự những buổi giao lưu, những cuộc thi dành cho người già… Rồi đôi bạn nhảy nhận ra trái tim của họ dường như chưa hề già cỗi, bởi người này có những rung cảm đặc biệt với người kia.



Người già cũng có nhu cầu được chia sẻ tình cảm. Ảnh: Daily mail.


Mỗi tuần ba lần, ông Đăng đèo bà Loan đến câu lạc bộ trên chiếc xe “cup 81” . Ông, mái tóc bạc trắng nhưng vẫn còn phong độ, đèo bà ngồi phía sau, tuy đã da mồi nhưng vẫn còn giữ được vẻ mặn mà của một phụ nữ từng rất đẹp. Trên nét mặt họ lộ rõ niềm hạnh phúc viên mãn. Có lẽ vì mối duyên lành này mà ông bà càng gắn bó với sàn khiêu vũ, nơi xe duyên cho họ.
Ông Hà Thanh Hối ở thành phố Nam Định cũng tìm được tình yêu khi tuổi xế bóng, nhưng địa điểm nên duyên lại là… công viên. Ông cụ 74 tuổi và mấy người bạn trong khu phố thường rủ nhau đi tập thể dục buổi sáng ở đây, và gặp gỡ bà Thìn, ở cách nhà ông vài con phố. Cùng cảnh một mình nên hai người nói chuyện rất tâm đầu ý hợp.
Đầu tiên, hai ông bà chỉ gặp nhau buổi sáng, cùng chơi cầu lông, tập dưỡng sinh. Sau mỗi buổi tập, họ còn ngồi lại với nhau trò chuyện khá lâu rồi mới về. Hôm nào bà mệt không đi được thì ông hôm ấy thẫn thờ chẳng buồn tập. Ngược lại, hôm nào ông vắng thì bà cũng thấy như thiếu thiếu điều gì. Thế nên ngoài buổi tập sáng, họ còn hẹn nhau chiều đi dạo bộ.

Con cháu ông Hối tò mò thấy bố bỗng trở nên vui vẻ, trời gió hay lạnh cũng quyết đi tập thể dục buổi sáng, còn chiều thì từ 15h đã sửa soạn quần áo, đi giày… Có hôm thấy ông đang bị cảm cúm, con cháu khuyên nghỉ ở nhà nhưng ông dứt khoát: "Phải đi tập đều đặn thì mới có tác dụng, nghỉ một hôm cũng tiếc". Mãi về sau, họ mới biết ông tiếc là tiếc dịp gặp bà Thìn. Buổi sáng, ông qua nhà rủ bà, buổi chiều bà đứng ở đầu phố chờ ông. Lỡ hôm nào ông ra hơi muộn là bà cứ thắc thỏm ngóng.

Còn ông Trần Hữu Nghiêm và bà Mùi ở Bắc Giang lại "tìm thấy nhau" nhờ "máu" văn nghệ. Thời trước, ông từng làm trưởng đoàn chèo của huyện, nay tuy già vẫn tích cực tham gia các phong trào văn nghệ tại làng, xã bằng cách lập hội những người già yêu hát chèo. Ông là chủ tịch hội, kiêm luôn vai trò biên kịch, đạo diễn và diễn viên. Tính ông vui vẻ, hài hước, lại biết cách gợi chuyện nên thu hút được rất nhiều các cụ trong xã cùng tham gia.

Bà Mùi là một đào chính từng nhiều lần đóng cặp với ông ngày trước. Họ ở cùng một xã, đều góa bụa, đang sống cảnh cô đơn khi con cháu đã trưởng thành, bận rộn với công việc riêng. Giờ đây, những câu chèo lả lơi của vai Thị Màu, bà hát không còn trong trẻo như xưa nhưng vẫn rất cuốn hút. Những lời chọc ghẹo của lão lý trưởng ông đóng vẫn dí dỏm, hấp dẫn. Trên sân khấu, cặp diễn viên già trông vẫn còn khá đẹp đôi. Ngoài đời, họ cũng dành cho nhau sự quan tâm, săn sóc. Khi ông ốm, bà đến thăm, mua cho tấm bánh mà ông thích. Khi bà đau, ông cũng ân cần hỏi han.

Người trong làng vẫn thường thấy ông bà sánh đôi đi bộ dọc đường làng mỗi lần tập hát về, có khi còn thấy họ vừa đi vừa ôn lại điệu chèo mới tập như một đôi tình nhân trẻ trung.
"Bà chăm ông" vẫn là nhất
Từ ngày bà Loan về sống cùng ông Đăng, hàng xóm thấy họ lúc nào cũng ríu rít như đôi chim cu, đi đâu cũng phải có nhau. Nhìn họ, ai cũng bảo: "Đúng là con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Bà Loan tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng ngại lắm, quý mến ông ấy thật đấy nhưng sợ hàng xóm chê cười, nói mình già rồi mà còn rửng mỡ. Nhưng được các cháu động viên, bây giờ sống với nhau, cả hai chúng tôi đều thấy tuổi già của mình ấm áp và bớt cô đơn”.
Tương tự, ông Hối thấy sức khỏe như ngày một tốt hơn khi thường xuyên ra ngoài trời tập luyện và được hít thở không khí trong lành, và đặc biệt vì tinh thần luôn ở trạng thái tốt nhất. Ông chia sẻ: “Gặp được bà ấy, tôi không phải suốt ngày làm bạn với cái TV hay mấy tờ báo nữa. Chúng tôi cùng đi tập, đi dạo và trò chuyện về gia đình, con cái, về cách giữ gìn sức khỏe và đem đến cho nhau những niềm vui tuổi già”. Còn ông Nghiêm và bà Mùi thì trẻ lại với những vai chèo, với những tình cảm họ dành cho nhau cả ngoài đời và trên sân khấu.

Chuyên gia Hà Vân, Trung tâm tư vấn Hạnh phúc gia đình, nhận xét: Các cụ ông, cụ bà khi đến tuổi thất thập cũng là lúc con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng. Nếu bạn đời đã mất đi, họ sẽ rất cô đơn. Nhu cầu có người chia sẻ tình cảm, chăm sóc ân cần là vô cùng lớn đối với các cụ lúc này. Tuy nhiên, nhiều khi con cái không hiểu điều đó, mà nghĩ rằng chỉ cần chu cấp đầy đủ vật chất cho các cụ là đã làm tròn chữ hiếu. Xu hướng mới trong xã hội hiện đại là con cái không muốn sống chung với bố mẹ vì muốn được tự do, và chính các bậc cha mẹ khi đã về già cũng không muốn sống cùng con cái vì cần không gian yên tĩnh. Chế độ, giờ giấc sinh hoạt của con cháu cũng khác với các cụ nên việc chung sống đôi khi trở nên phiền phức cho cả hai bên.
Do đó, theo chuyên gia Hà Vân, con cháu nên ủng hộ nếu các cụ muốn có bạn đời mới để nương tựa. Người già không mấy quan tâm đến vật chất nhưng lại rất cần tình cảm, cần được quan tâm, chia sẻ. “Con cái dù có quan tâm đến mấy cũng khó lòng lấp được khoảng trống cô đơn trong lòng họ. Có được một người bạn để tâm tình là liều thuốc tinh thần rất tốt đối với người già ” bà Hà Vân nói.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)