Thông tấn xã Đài Loan CNA ngày 28/5 đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với một đài phát thanh tại Thượng Hải, Hàn Húc Đông - một giáo sư thuộc đại học Quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi ngông cuồng: Trung Quốc sẽ tấn công đánh chiếm phi pháp các bãi cát ngầm ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hiện do một số quốc gia đang kiểm soát bất cứ lúc nào vì cho rằng rất khó để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông - Trường Sa chỉ thông qua "quyền lực mềm" như vận động ngoại giao.
"Ngoại giao chỉ thúc đẩy khi được sự hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự", viên học giả này nói, đồng thời đặt vấn đề tại sao Trung Quốc không có hành động quân sự (tấn công phi pháp) Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện cả Philippines, Trung Quốc và Đài Loan đang tranh giành trái phép - PV.
Viên học giả "hỏa lực mồm" Trung Quốc này cho rằng sức mạnh hàng hải của Trung Quốc hiện nay đủ khả năng để "bảo vệ" cái gọi là lợi ích quốc gia và chủ quyền hết sức phi lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông - Trường Sa. Ông ta cho rằng Trung Quốc nên kết hợp cả quân sự với ngoại giao để thực hiện âm mưu bá chiếm Biển Đông thành ao nhà của Bắc Kinh.
Đáp lại, Tổng thống Philippines Aquino đã quyết định chi 1,82 tỉ USD để hiện đại hóa quân đội, "bảo vệ lãnh thổ của Philippines và chống lại kẻ bắt nạt", ám chỉ Trung Quốc - PV. Hiện tại Phủ Tổng thống Philippines vẫn chưa triệu tập hội đồng An ninh quốc gia, trước mắt vẫn nỗ lực thông qua kênh ngoại giao thúc giục Trung Quốc rút tàu khỏi Bãi Cỏ Mây.
Japan Times ngày 28/5 đăng bài phân tích của giáo sư Brahma Chellaney, một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề chính trị tại New Delhi cho biết, trong quan hệ với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc quen sử dụng các hoạt động thương mại như chiêu bài chính trị để gây sức ép, bên trong "găng tay" thương mại luôn là một nắm đấm Bắc Kinh thủ sẵn để "chơi" các nước láng giềng. (Ảnh các nhà buôn Ấn Độ xuống đường biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc)
Mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ gần đây bị xáo trộn bởi một cuộc xâm nhập lén lút qua biên giới tranh chấp ở Himalaya của quân đội Trung Quốc ngay trước chuyến công du New Delhi của Lý Khắc Cường. Chuyến thăm đã làm rõ thêm một khía cạnh tiêu cực khác vượt ra ngoài những căng thẳng lãnh thổ, đó là thâm hụt mậu dịch của Ấn Độ với Trung Quốc cộng thêm việc nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu từ Trung Quốc, một cơn lũ hàng giá rẻ Trung Quốc đã cắt xén bớt thị phần của nền sản xuất Ấn Độ.
Trên thực tế, Trung Quốc đã sử dụng thương mại như một vũ khí chính trị chống lại các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với nó, điển hình như Nhật Bản và Philippines. Bắc Kinh đã tìm cách trừng phạt Tokyo và Manila thông qua một cuộc tẩy chay chính thức các sản phẩm của 2 quốc gia này khi căng thẳng leo thang ngoài Scarborough ở Biển Đông và Senkaku ở Hoa Đông.
Chosun ngày 28/5 dẫn lời Vương Gia Thụy, Trưởng ban Liên lạc đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, Trung Quốc không có mối quan hệ đặc biệt với Triều Tiên, quan hệ giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng chỉ đơn thuần là "mối quan hệ bình thường giữa 2 quốc gia".
Thông tin được ông Yoo Ki-june, một lãnh đạo đảng Saenuri Hàn Quốc nói với Chosun khi ông vừa dẫn đầu một nhóm 10 nghị sĩ Hàn Quốc sang thăm Trung Quốc từ tuần trước.Yoo Ki-june cho hay khi tiếp xúc với Vương Gia Thụy rồi Tôn Chính Tài - Bí thư Trùng Khánh, người được giao xử lý các vấn đề Triều Tiên, ông Yoo Ki-june cảm nhận được nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, ngày 27/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định: "Mối quan hệ Trung - Mỹ đang ở thời điểm quyết định để phát huy những thành công trong quá khứ và mở ra đường hướng mới trong tương lai" trong cuộc gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Tom Donilon, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Yonhap ngày 28/5 dẫn nguồn tin hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới thăm một nhà máy thủy sản quân sự sau khi nhà máy này được biên chế 4 tàu đánh cá mới. Kim Jong-un đã khích lệ các nhân viên của nhà máy này gia tăng sản lượng, ông nhấn mạnh rằng sức mạnh và hoạt động sẵn sàng chiến đấu của quân đội Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều vào công tác đảm bảo hậu cần.
Truyền thông nhà nước CHDCND Triều Tiên ngày 28/5 cũng đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát địa điểm một khu trượt tuyết “tầm cỡ thế giới” đang được xây dựng, theo hãng tin AFP. Ông Kim đã thăm công trường trên đồi Masik thuộc miền đông bắc Triều Tiên vào ngày 27.5, theo hãng thông tấn KCNA. Khu trượt tuyết trên, vốn có thể đi vào hoạt động vào cuối năm nay, sẽ có 110 km đường trượt tuyết với nhiều mức khác nhau, một khách sạn, một bãi đỗ trực thăng và cáp treo.
Triều Tiên hôm nay tuyên bố nước này không có kế hoạch từ bỏ đơn phương các khả năng hạt nhân trong lúc phải đối mặt với các mối đe doạ không ngừng từ nước Mỹ. Tuyên bố trên được đưa ra trong một bài viết trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên. Tờ báo nói rằng Washington trước tiên cần chấm dứt thái độ hiếu chiến và các cáo buộc rằng Bình Nhưỡng gây ra các rủi ro an ninh. “Trong bối cảnh có những lời đe doạ hạt nhân không ngừng từ Washington, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ đơn phương khả năng răn đe chiến tranh”, tờ báo viết.
(Tổng hợp từ GDVN, Dân Trí, TNO)