Chẳng thể nói đây là rạp chiếu phim, phải dùng từ “tổ quỷ” để nói về rạp Vườn Lài mới đúng. Nhà báo Phạm Lữ – Tạp chí Điện ảnh TPHCM đã bức xúc nhận xét như thế khi cùng với chúng tôi đi thực tế rạp Vườn Lài (tọa lạc tại phường 2, quận 10, TPHCM) ngày 29-6-2007. Buổi xem phim đã để lại cho chúng tôi nhiều ám ảnh về sự xuống cấp trầm trọng lối sống đạo đức của một bộ phận những người thuộc thế giới thứ 3 và sự lỏng lẻo của các nhà quản lý.[size=3]THẾ GIỚI KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ![/size]Rạp Vườn Lài tọa lạc tại một vị trí đẹp, nằm ngay góc ngã 4 giao nhau giữa 2 con đường Vĩnh Viễn và Trần Nhân Tôn (quận 5) nên thực sự nổi bật trong mắt những người qua lại. Nhìn từ phía ngoài, mặt tiền rạp còn đẹp hơn hẳn một số rạp chiếu phim “lớn lớn” của thành phố như rạp Cao Thắng, rạp Cầu Bông…Thế nhưng, những hoạt động diễn ra bên trong rạp cực kỳ dơ bẩn.
Cầm trên tay hai vé xem phim với số sê ri 064703, 064704 sau khi trả cho nhân viên quầy vé tổng cộng 30 nghìn đồng, tôi và một đồng nghiệp bước vào bên trong rạp. Lúc này đang là buổi trưa nên rạp nóng hầm hập, mùi ẩm mốc bốc lên từ những hàng ghế do lâu ngày không dọn vệ sinh gây cho tôi cảm giác muốn ói. Vẫn chưa kịp thích nghi với bóng tối nên nhìn quanh tôi chỉ thấy một màu nâu thẫm. Trên màn hình, bộ phim hồng công đã chiếu tự bao giờ phát ra thứ ánh sang lờ nhờ đủ để “người mới vô” thấy được những chiếc nón trắng bay bay, di chuyển tới lui rất lộn xộn!
Dần quen với bóng tối, tôi phát hiện ra rạp hôm nay rất đông người. Khoảng trên dưới 70 người nhưng chẳng mấy ai chịu ngồi im một chỗ mà liên tục di chuyển. Mỗi lần di chuyển, họ đều đội trên đầu chiếc nón trắng, như một tín hiệu gì đó.
Im lặng và quan sát, tôi phát hiện phía bên phải hàng ghế mình ngồi có 2 “chiếc nón trắng” đang bắt đầu chụm lại. Phía bên trái và phía trên cách tôi 4 hàng ghế cũng có tình trạng tương tự. Nhiều “chiếc nón trắng” khác thì vẫn liên tục lượn tới lượn lui trước khi chụm lại cùng nhau.
Giải thích cho tôi nghe ý nghĩa của những chiếc nón trắng sau khi bày tỏ sự ngạc nhiên bằng câu hỏi “bộ ông là người mới?”, một gay tên Hoàng cho biết: “Chúng tôi đội nón ban đầu là vì ngại người ta thấy rõ mặt. Sau thấy cũng tiện lợi vì có thể dùng nó để tạo tín hiệu. Chẳng hạn, những người đội nón là những người có nhu cầu đi tìm bạn tình. Còn những người không đội nón, phần lớn là họ vào đây với lý do được nhìn ngắm những người khác, xem những người khác làm tình như thế nào mà thôi. Một khi họ đã chọn được ai hoặc đã “làm ăn” được rồi thì cái nón sẽ đội ngược lại”. Nói rồi Hoàng đưa tay bẹo má, vịn vai tôi muốn sấn tới. Nại cớ hôm nay không được khỏe, vả lại vào rạp với bạn trai nên tôi từ chối.
Hoàng mới rời khỏi chiếc ghế bên cạnh tôi khoảng 2 phút thì một gay khác sà tới ngồi vào chỗ. Gã này trông khoảng ngoài tuổi 30, ăn mặc khá bóng bẩy và cử chỉ rất sỗ sàng. Không cần biết tôi có đồng ý hay không, gã thản nhiên đặt tay lên đùi rồi bắt đầu sờ soạng. Bị hất tay và cự tuyệt, gã làu bàu nói nhảm: “Vào đây mà bày đặt như thầy tu. Hổng chịu thì thôi, làm gì dữ!”. Quả thật, trong hoàn cảnh này, nếu không kìm chế, chắc chắn tôi đã vung cho hắn một quả đấm.
[size=3]ĐIỂM MẶT KHÁCH VƯỜN LÀI[/size]Sau gần nửa tiếng ngồi chịu đựng tất cả những gì ô hợp diễn ra bên trong rạp thì đèn chợt bật sáng. Tiếng người bật dậy khỏi ghế nghe phành phạch. Nhiều người lật đật chỉnh lại áo quần. Có người, vì mê mải ái ân mà chưa kịp kéo quần khiến khung cảnh chúng tôi chứng kiến thực sự gớm ghiếc: như một tổ quỷ, đầy nhơ nhớp.
Phút giải lao trước khi trở lại xuất chiếu (rạp Vườn Lài chiếu thường trực, mua 1 vé có thể ngồi xem 1 phim cả ngày!) âm nhạc được trỗi lên. Giọng QD trên CD vang lên đều đều da diết nhưng hình như chẳng mấy ai quan tâm. Mọi chú ý là dành cho nhau. Người này nhìn người kia, thăm dò và cười giả lả với nhau. Những người đã “làm ăn được” trong suất trước thì sửa dáng, vuốt tóc ra về trong hứng khởi vì đã giải quyết được sinh lý.
Minh Quân (nickname Jerry) - admin của trang web thegioithu3.com sau khi được tôi nhờ vả nhận dạng dùm thành phần khán giả của Vườn Lài, bạn trả lời: “Khán giả của Vườn Lài, chắc chắn không phải là những người bình thường. Người bình thường mà vào đây có mà chết ngất. Chẳng một ai dám quay trở lại. Quân biết Vườn Lài là chỗ tụ tập giới gay từ lâu rồi, khoảng 5 – 7 năm về trước chứ không phải là sự bùng nổ mới đây. Nhưng chẳng hiểu sao tới bây giờ vẫn còn tồn tại, không dẹp được. Theo Quân, những người vào đây thuộc các dạng: tò mò nên tìm đến xem cho biết (nghe mọi người rỉ tai nhau, nghe báo chí đánh mà không dẹp hết!), có nhu cầu giải quyết sinh lý tình dục cấp bách (rất nhiều bạn vào đây bắt cặp rồi “hành sự” tại chỗ) và nhóm những người thích vô coi người khác chứ không làm gì cả. Vào đây đa phần là những người nghèo, lao động (xe ôm, thợ may, công nhân…) có vấn đề về giới tính”.
Mặc dù là một bạn trẻ thuộc thế giới thứ 3 nhưng Minh Quân chia sẻ rằng, bạn rất bất bình với sự tồn tại của một rạp chiếu phim như vậy giữa lòng thành phố. “Tôi rất hiểu hoàn cảnh và đồng cảm với các bạn có cùng cảnh ngộ tréo ngoe như mình nhưng tôi không chấp nhận sự tồn tại của một rạp chiếu phim ô hợp và nhớp nhúa như vậy. Một vài lần tìm đến Vườn Lài để tìm hiểu và xem thử, những gì diễn ra bên trong rạp đã làm cho tôi rất choáng váng. Tôi nghĩ, chúng ta vẫn còn có rất nhiều những sân chơi lành mạnh dành cho những người thuộc thế giới thứ 3”, Quân nói.
Theo tìm hiểu của người viết bài này, từ khi hai địa chỉ: rạp NQ (Q3) được nâng cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng (làm sân khấu hài kịch) và rạp ĐK nằm trên đường Đồng Khởi (quận 1) bị xóa sổ do phát sinh tệ nạn (tương tự rạp Vườn Lài) thì số lượng khán giả tìm đến rạp Vườn Lài ngày càng đông đảo. Khán giả của Vườn Lài không chỉ dừng lại ở những người sống quanh khu vực mà còn lan tỏa, cuốn hút những người thuộc thế giới thứ 3 ở các quận, huyện trong và ngoài thành phố. Sự phức tạp và nhớp nhúa cũng vì thế leo thang.
Trước khi rời khỏi rạp để ghé các cơ quan chức năng lấy ý kiến phản hồi về sự phát sinh tệ nạn ở rạp Vườn Lài, trong vai khán giả, tôi và anh bạn đồng nghiệp là nhà báo Phạm Lữ (báo Điện ảnh TPHCM) đã giả vờ phàn nàn với người bán vé: “Trong rạp kỳ cục quá. Người ta cứ đi lại liên tục như chuồn chuồn nên chẳng xem được gì cả. Đã vậy chúng tôi còn liên tục bị làm phiền nữa!”. Đáp lại những phản ánh là sự thờ ơ đến thản nhiên của cô nhân viên khoảng ngoài 40 tuổi: “Cứ coi bình thường đi, hổng có sao đâu!”. Còn người đàn ông giữ xe cho khán giả ở rạp Vườn Lài thì giả vờ: “Ai mà biết họ là gì, làm gì ở trỏng” sau khi nghe chúng tôi phản ánh: “Trong đó hình như toàn là pê đê không à. Họ làm nhiều việc kỳ cục và ghê quá!”
[size=3]Cơ quan chức năng nói gì?[/size]Ông Phạm Văn Dự - Trưởng công an Phường 2, TPHCM: Đúng như bạn đọc đã phản ánh, ở rạp Vườn Lài có một hiện tượng lạ là… không có đàn bà vào xem, khán giả chỉ toàn thanh niên. Vì rạp chiếu thường trực nên chỉ cần bỏ 1 lần tiền mua vé, khán giả có thể ngồi suốt trong rạp từ sáng tới chiều, tới tối. Còn khán giả vào rạp làm gì, chúng tôi không phải là nhân viên soát vé mỗi ngày nên cũng chẳng thể nắm rõ. Chỉ khi nào có phản ánh, xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn thì chúng tôi mới có cơ sở để giải quyết. Theo tôi thì chẳng mấy khán giả vào rạp Vườn Lài với mục đích xem phim vì trong rạp rất tối và nóng bức. Hiện nay rạp chỉ dùng quạt máy chứ chưa có hệ thống máy lạnh để làm mát. Theo ý tôi thì nếu rạp Vườn Lài đã xuống cấp, xảy ra những nhếch nhác như phản ánh thì nên chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng. Chẳng hạn như biến nó thành một siêu thị sách cũ vì tôi thấy trên địa bàn phường 2 quận 10 có rất nhiều sạp sách báo cũ cần quy hoạch lại để trông đẹp hơn và hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Chiến Quốc – Chủ tịch UBND Phường 2: “Theo tôi thì trẻ nhỏ chẳng ai bước chân vào rạp Vườn Lài. Chỉ có những người trưởng thành mới đặt chân vào chốn đó. Những gì diễn ra bên trong rạp Vườn Lài chúng tôi không biết rõ vì chúng tôi chỉ quản lý những gì diễn ra bên ngoài, quản lý chung. Vì rạp Vườn Lài là nơi người ta kinh doanh nên chỉ khi nào có lệnh ở trên chỉ đạo thì chúng tôi mới kiểm tra, can thiệp. Chúng tôi thực sự cũng không muốn để xảy ra tình trạng nhếch nhác trên địa bàn nhưng rất khó cho chúng tôi để xử lý nó”.
PV: Trương Quốc Phong
(Theo báo Khoa Học & Đời Sống - U18 phát hành ngày 20.07.2007)