[size=1]“Chỉ vì nguyên nhân lãng xẹt là cãi nhau quanh chuyện mua vé xe về lại Tây Nguyên sau kỳ nghỉ Tết, sẵn chút hơi men, đúng vào ngày mừng thọ bố, chồng đã nhẫn tâm sát hại vợ bằng 75 nhát dao trên đồi vắng…"[/size][justify]"Đã hơn một năm trời sau vụ án mạng kinh hoàng xảy ra, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử do cơ quan điều tra chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết.[/justify]
[justify]Thế nhưng, với những người liên quan, cả phía bị hại lẫn hung thủ đều không mong tới ngày đó, dù gì họ cũng là vợ chồng, đã nhiều năm đầu gối má kề. Chỉ thương cho đấng sinh thành, cả đời hi sinh vì con cái, lúc về già lại nhấm nhẳng nỗi đau…”.[/justify]
[justify]Vụ án xảy ra vào đúng ngày mồng 3 Tết, lại trùng vào ngày mừng thọ tuổi 70 của bố hung thủ. Nỗi đau nhân đôi khi người vợ trẻ đang mang thai 16 tuần tuổi. Không đơn thuần chỉ là hơi men, và những mâu thuẫn bột phát thường có trong quan hệ vợ chồng, mà đó là kết quả của thời gian dài những ấm ức tích tụ không được giải quyết.[/justify]
[justify]Hung thủ Trương Viết Hòa, 41 tuổi, trú khối 6 phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã khai nhận như vậy trước cơ quan điều tra, trước việc y ra tay sát hại vợ mình là chị Phạm Thị Nguyệt, 40 tuổi, quê ở Đắk Lắk trong dịp Tết Nguyên đán 2011 khi chị này về quê chồng ở Hà Tĩnh đón tết.[/justify]
[justify]Hại vợ trong ngày mừng thọ bố[/justify]
[justify]Chúng tôi trở lại phường Đậu Liêu, ghé thăm căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Trương Viết Úy và bà Nguyễn Thị Ngân, bố mẹ đẻ của hung thủ và cũng là bố mẹ vợ của nạn nhân.[/justify]
[justify]Hơn năm sau ngày xảy ra thảm kịch, ai cũng đau đớn khi nhắc lại chuyện cũ, cũng không ngờ được rằng, ngày vui mừng lễ thất thập cổ lai hi của bố lại trở thành bi kịch khi con đẻ sát hại con dâu.[/justify]
[justify]Cùng lúc, hai ông bà vừa mất con dâu, vừa mất cháu nội lại đang có nguy cơ mất nốt đứa con trai duy nhất. Bởi với hành động và tội ác ấy, thật khó để dung thứ, hay ít ra là trao cho một cơ hội sống để trở về.[/justify]
[justify]Ông Trương Viết Úy trầm ngâm chia sẻ, gia đình ông vốn nghèo, lại đông con cái nên lớn lên, không những chúng không được học hành tử tế mà còn phải chịu cảnh li hương, lập nghiệp xa xứ.[/justify]
[justify]Trương Viết Hòa là con thứ hai, nhưng là con trai duy nhất. Đến năm 8 tuổi thì mồ côi mẹ nên phải chịu nhiều thiệt thòi. Đến lúc ông cưới bà Ngân về làm vợ hai thì Hòa cũng theo anh chị vào Lâm Đồng làm ăn và sau cưới vợ ở Đắk Lắk.[/justify]
[justify]“Cuộc sống vợ chồng trước đó có mâu thuẫn gì hay không thì không rõ, nhưng thời gian về ăn tết tại quê nhà, cũng thấy có cãi nhau mấy lần. Ban ngày hai vợ chồng vẫn đi chơi với nhau, chỉ có tối hôm mồng Một tết, hai đứa có to tiếng với nhau một lúc, nhưng sau thấy vẫn đi ngủ bình thường”, bà Ngân tiếp lời trong câu chuyện buồn.[/justify]
[justify]Ngày mồng Ba tết (tức ngày 05/2/2011), vì con cái lâu ngày về thăm nhà nên chúng đã quyết định làm lễ mừng thọ tuổi 70 cho bố. Gần như cả ngày hôm đó, không biết có phải vì ai cũng tất bật, không để ý hay không nhưng thấy quan hệ giữa hai vợ chồng Hòa – Nguyệt vẫn bình thường.[/justify]
[justify]Đến tầm 5 giờ chiều, sau khoảng 30 phút vắng bóng hai vợ chồng, mọi người bàng hoàng khi công an đến nhà báo tin Hòa đã giết vợ trên núi Trắng sau nhà. Đau lòng hơn, Hòa đã ra tay với vợ và đứa con trong bụng vợ quá dã man, tàn độc.[/justify]
[justify]Khám nghiệm tử thi cho thấy, nạn nhân Phạm Thị Nguyệt đã bị tước mạng sống bởi 75 nhát đâm, trong đó phần lưng 48 nhát, còn lại bị thương ở phần ngực, bụng, vết thương làm thủng phổi làm suy hô hấp, chảy máu gây suy tuần hoàn đã gây nên cái chết cho mẹ con sản phụ.[/justify]
[justify]Không quá khó khăn để cơ quan điều tra xác định hung thủ chính là Trương Viết Hòa, nhưng sau khi gây án xong, trở về nhà tắm rửa sạch sẽ, Hòa đã trốn biệt. Sau đó, không rõ vì đã tỉnh rượu, hay lương tâm cắn rứt mà nửa đêm, Hòa đã đến cơ quan công an đầu thú về hành vi giết vợ của mình.[/justify]
[justify]Đó thực sự là một cái tết buồn, và là ngày đại hỉ nhưng bỗng chốc biến thành đại tang mà đại gia đình ông Úy, bà Ngân không dễ gì quên được. Đặc biệt là giờ đây, mỗi lần nhìn lên bàn thờ, thấy di ảnh của đứa con dâu xấu số, ông bà lại thấy nhói đau tâm can.[/justify]
[justify]Hệ quả của mâu thuẫn dấm dẳng[/justify]
[justify]Ngay sau khi đầu thú tại cơ quan điều tra, Trương Viết Hòa đã khai nhận mọi tội lỗi. Theo đó, chuyện vợ chồng mâu thuẫn đã xảy ra ngay sau khi hai người cưới nhau, lý do cũng chỉ vì Hòa về ở rể và bị bố mẹ vợ khinh miệt.[/justify]
[justify]Trước đó, vì làm ăn thua lỗ nên anh chị đã chuyển từ Lâm Đồng sang Đắk Lắk làm rẫy. Tại đây, duyên trời đưa lối nên trong những buổi đi phụ hái cà phê, Hòa đã gặp Nguyệt, một cô gái cũng đã xấp xỉ tuổi tứ tuần nhưng vì gia cảnh khó khăn nên “chưa kịp” lấy chồng. Nguyệt theo gia đình từ Ninh Bình vào định cư tại xã Eao, huyện Eaka.[/justify]
[justify]Hai người xa quê, lại đồng cảnh ngộ nên nhanh chóng tìm được sự đồng cảm và tình yêu nảy sinh. Tháng 6/2010, Hòa và Nguyệt chính thức làm lễ cưới, bố mẹ ở quê không vào được nên mọi chuyện đều phó thác cho chị gái đầu của Hòa lo liệu.[/justify]
[justify]Sau khi cưới nhau, Hòa chuyển về nhà bố mẹ vợ ở xã Eao ở rể, và mâu thuẫn cũng bắt đầu nảy sinh từ đây. Theo lời khai của Trương Viết Hòa thì bố mẹ vợ là người gia trưởng, lại hay xét nét chuyện ăn ở, công việc của con cái khiến y cảm thấy bị gò bó.[/justify]
[justify]Chưa dừng lại ở đấy, không chỉ dừng lại ở ánh nhìn, thái độ mà ông bà còn nhiều lần ra mặt chê trách Hòa bất tài vô dụng khiến hắn nóng mặt.[/justify]
[justify]Những lúc như thế, vợ Hòa đã không bênh chồng lại còn hùa vào với bố mẹ khiến Hòa bị ức chế, sinh ra hay gắt gỏng cãi vã với vợ. Mâu thuân giữa hai vợ chồng cũng nảy sinh từ nguyên nhân lãng xẹt như vậy.[/justify]
[justify]Đỉnh điểm là vào giữa tháng 10/2010, sau một trận cãi vã kịch liệt giữa bố vợ và con rể, sau đó là đấu khẩu giữa chồng và vợ, Trương Viết Hòa đã uất ức thu xếp đồ đạc rồi bắt xe về quê ở Hà Tĩnh.[/justify]
[justify]Trong thời gian xa nhau, hai vợ chồng vẫn thường xuyên liên lạc và đúng vào thời điểm Hòa bỏ đi được 1 tháng thì chị Nguyệt vui mừng nhận ra mình đã mang thai.[/justify]
[justify]Nghĩ vợ chồng giận nhau cũng chỉ là những nguyên nhân vớ vẩn, lại nữa, khi chào đời đứa trẻ cần có bố nên chị Nguyệt đã quyết định thu xếp để về đón tết tại quê chồng, hàn gắn mọi rạn nứt rồi sau tết cả hai vợ chồng cùng vào lại Tây Nguyên làm ăn sinh sống.[/justify]
[justify]Thực tế thì những ngày chị Nguyệt bụng mang dạ chửa khăn gói ra Hà Tĩnh, vợ chồng đã hòa hợp trở lại, kế hoạch cho tương lai cũng đã được vạch sẵn khiến cho bố mẹ chồng và anh em họ hàng rất đỗi vui mừng.[/justify]
[justify]Thậm chí, chuyện tổ chức mừng thọ cho ông Uy cũng là ý tưởng đề xuất của cô con dâu thảo hiếu. Thật không ngờ, mọi chuyện lại thay đổi theo chiều hướng đau xót như vậy.[/justify]
[justify]Chuyện bất hòa trước đó giữa hai vợ chồng đã giải quyết gần như ổn thỏa từ khi chị Nguyệt về quê. Nhưng vào tối đêm giao thừa, lúc bàn kế hoạch vào lại Đắk Lắk, trong khi chị Nguyệt muốn đi vào đêm mồng 3 tết, ngay sau khi làm lễ mừng thọ cho bố xong nhưng Hòa lại muốn ở nhà thêm ít hôm nữa, tầm mồng 10 tháng Giêng đi.[/justify]
[justify]Hai người không thống nhất nên xảy ra cãi vã. Tiếp đó, khi lễ mừng thọ cho bố đẻ là ông Trương Viết Uy vừa xong, mọi người đang lúi húi dọn dẹp thì chị Nguyệt lại gọi anh Hòa vào nhà để thúc giục chuyện tối hôm ấy sẽ đón xe vào Nam, trong khi anh này vẫn khăng khăng bảo lưu ý kiến nên hai vợ chồng lại cãi vã.[/justify]
[justify]Vì quan khách còn chưa về hết nên Hòa bảo vợ ra sau đồi nói chuyện. Lúc đi qua khu vực giếng nước, thấy con dao bấm do Trung Quốc sản xuất nên Hòa tiện tay vớ lấy và bỏ vào túi áo.[/justify]
[justify]Lúc lên đến đỉnh núi Trắng sau nhà, hai vợ chồng lại tiếp tục tranh cãi chuyện đi vào Nam ngày nào, Hòa thì cho rằng hôm nay ngày vui của bố, mình đã uống chén rượu hơi mệt nên để ngày sau đi.[/justify]
[justify]Chị Nguyệt cũng khăng khăng đòi đi ngay, vì đã báo với gia đình trong ấy để chuẩn bị đón tiếp vào ngày mai. Cứ như thế, từ chuyện cái vé xe, hai người dần lôi lại những mâu thuẫn trước đây.[/justify]
[justify]Chẳng nhớ đã cãi vã nhau bao lâu, chỉ biết rằng khi mâu thuẫn dồn đến đỉnh điểm, chị Nguyệt bỏ xuống núi và dọa sẽ xách vali đi ngay thì Hòa lao theo, sẵn con dao trong túi đã đâm liên tiếp vào lưng vợ khiến chị này chẳng kịp kêu lên, ngã quỵ xuống.[/justify]
[justify]Trương Viết Hòa cũng không nhớ nổi mình đã đâm vợ bao nhiêu nhát, hơi men, cộng với sự ức chế tinh thần đã khiến y ra tay tàn độc. Đến lúc thấy vợ nằm bất tỉnh giữa bê bết máu, Hòa mới dừng tay, vứt con dao bên cạnh xác vợ rồi đi về nhà lau rửa vết máu, thay quần áo và ra quán cà phê ngồi.[/justify]
[justify]Đêm hôm ấy, biết tội ác của mình là không thể tha thứ, Hòa đã đến Công an thị xã Hồng Lĩnh đầu thú về hành vi “giết người”.[/justify]
[justify]Hơn 1 năm kể từ khi vụ án xảy ra, nỗi đau mà Trương Viết Hòa gieo rắc đang còn gặm nhấm tâm can của những người ở lại. Đau và dằn vặt nhất có lẽ là ông Trương Viết Úy, bố đẻ của hung thủ. Chẳng biết bao nhiêu lần, ông đã tự trách mình, giá như đừng có ngày vui ấy cho riêng mình, biết đâu mọi chuyện đã không như vậy.[/justify]
[justify]Vẫn biết rằng, chuyện vợ chồng bất hòa chẳng liên quan gì đến ông, nhưng rõ ràng hôm ấy là tiệc vui, và thằng con trai độc đinh của ông có thêm tý men nên đã gây ra đại họa trong ngày đại hỉ.[/justify]
[justify]Rồi đây, pháp luật sẽ có bản án nghiêm khắc dành cho kẻ đã cướp đi sinh mạng người đã từng đầu gối tay ấp với mình, với cả sinh linh bé bỏng chưa kịp chào đời, nhưng sẽ chẳng có bản án nào có thể xoa dịu được nỗi đau quá lớn đã trở thành ám ảnh đối với những người ở lại.[/justify]