Tin tức - pháp luật 2013-04-19 13:29:23

Tranh cãi về quan điểm "học đến lớp 9 là đủ" của nam sinh lớp 12


[size=6]lip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" hiện đang thu hút sự chú ý của cư dân mạng với nhiều luồng dư luận trái chiều.[/size]
Mới xuất hiện từ ngày 13/4, clip dài hơn 1 tiếng của bạn trai tự nhận là học sinh lớp 12 đã thu hút được hơn 130.000 lượt xem với gần 5.000 like. Đoạn clip hiện đang được truyền đi nhanh chóng trên khắp các diễn đàn, các trang mạng xã hội và thu hút những luồng ý kiến trái chiều về những luận điểm mà nhân vật chính trong clip đưa ra.
 


Đoạn clip đã thể hiện rất thẳng thắn quan điểm trái chiều của một nam sinh lớp 12 về nền giáo dục nước nhà. Trong đó, học sinh này cho rằng, giáo dục Việt Nam hiện nay đang mắc nhiều "căn bệnh" nhức nhối như: thừa kiến thức, bệnh thành tích, cách dạy lạc hậu… Tất cả những quan điểm đó được chàng trai này phân tích, lập luận rất sắc sảo, logic, với giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể đầy hùng hồn, mạnh mẽ.
 
Mở đầu “bài diễn thuyết” của mình, nam sinh này nói: “Tôi là một học sinh lớp 12. Ở Việt Nam thì đây là giai đoạn khắc nghiệt nhất trong đời mỗi học sinh. Và chính sự khắc nghiệt này khiến cho những câu hỏi tích tụ qua bao tháng ngày dài sẽ phải bật ra ngoài thành những quan điểm…”
 



Với giọng điệu chất chứa đầy bức xúc, ngôn ngữ cơ thể sinh động, nam sinh này cho rằng “những gì mà chúng ta đang gọi là giáo dục là hậu quả không hề tươi sáng với bất kỳ thành phần nào của xã hội”.
 
Thừa nhận rằng tất cả những kiến thức đang được giảng dạy trong nhà trường hiện nay là những kiến thức nên biết, tuy nhiên nam sinh này cho rằng mỗi người khác nhau sẽ cần trang bị cho mình những kiến thức khác nhau. Đặc biệt, nam sinh này thẳng thắn khẳng định rằng hiện nay chương trình học trong nhà trường có quá nhiều kiến thức không cơ bản, bởi vậy cậu bạn cho rằng chỉ cần "Học đến lớp 9 là đủ".
 
Nam sinh giải thích "Vì sao lại là lớp 9? Vì tôi tin rằng tuổi 14, 15 đã xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình… Một kỹ sư vật lý liệu có cần phân tích hình tượng nghệ thuật trong một bài văn hay không? Một nhà văn có cần biết phương trình của một loạt các phản ứng hóa học?… Tôi không tin có một nghề nào cần đến toàn bộ kiến thức THPT…”, nam sinh phân tích
 

 

Không phủ nhận rằng, biết nhiều thì tốt nhưng nam sinh này cho rằng, cái quan trọng là “anh làm được bao nhiêu với những gì anh biết chứ không phải là anh biết được bao nhiêu”. Đồng nghĩa với nó là kiến thức chỉ có ích khi áp dụng và học phải đi đôi với hành, có hành mới có hứng. Trong khi đó, kiến thức sách giáo khoa hiện tại lại “toàn lý thuyết, thiếu thực tiễn, nhiều chỗ mang tính chất hàn lâm”.
 
Cậu khẳng định, trong một cộng đồng, không cần đến một thế hệ con người biết đầy đủ mọi điều, mà chúng ta cần cộng hưởng với nhau để cùng phát triển một cách tốt nhất.
 
Tiếp đó, nam sinh này chỉ ra bệnh thành tích và hình thức của giáo dục hiện nay, bởi hầu hết học sinh học là để thi, để kiểm tra, để không bị tách rời khỏi đám đông, để được an toàn… chứ không phải xuất phát từ mong muốn học để lấy kiến thức.
 
Bạn thẳng thắn đưa ra câu hỏi khiến nhiều người phải "chột dạ": “Nếu sáng mai không kiểm tra thì hôm nay bạn có học không? Nếu mai được nghỉ mà ngày kia cũng chẳng kiểm tra môn gì thì bạn có mở sách ra để học không? Nếu không có bất cứ một khái niệm nào trong thi cử, bạn có mở sách ra để làm giàu cho bản thân mình không?”
 
Nam sinh lớp 12 cũng cho rằng nguyên nhân khiến học sinh sợ các kỳ thi là do “điểm số” bởi “điểm số là khái niệm đầy bất cập”. Điểm số có thể bị ảnh hưởng bởi cảm tính, bị thay đổi bởi gian lận – và thứ được cho là thước đo ấy đã mất đi sự minh bạch.
 
Để đánh bại căn bệnh thành tích, nam sinh này kêu gọi mọi người hãy gạt bỏ sự sĩ diện với các điểm số và “đừng trả tiền 10 năm để lấy được một tấm vé thông hành mà chính chúng ta phải được đào tạo để lái con tàu cuộc đời mình”.
 



Không chỉ đưa đề xuất “học đến lớp 9 là đủ”, hay “không nên tạo ra điểm số”, cậu còn đưa quan điểm các cơ quan, doanh nghiệp không nên tuyển người qua bằng cấp. Một người lãnh đạo giỏi ắt sẽ biết đánh giá năng lực của người khác, và chỉ có những “thằng ngu” mởi tuyển dụng bằng bằng cấp, học hàm, học vị.

 
Kết thúc bài thuyết trình, nam sinh này khẳng định muốn đánh giá một cá nhân, hãy nhìn vào những giá trị sản phẩm mà họ tạo ra. “Sản phẩm có ảnh hưởng lớn là có giá trị cao, không có ảnh hưởng là đồ vô dụng. Những thứ có giá trị ảnh hưởng không bao giờ là những thứ có sẵn bày ra như đáp án trong bài kiểm tra".

 
Tất cả những luận điểm về sự thừa kiến thức, bệnh hình thức, thành tích của nền giáo dục mà “kẻ lười biếng” chỉ ra đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của cư dân mạng.

 
Một độc giả có nickname Vinh… lên tiếng "Tôi nói thiệt chứ, tôi là dân đại học mà còn thua xa bạn này, bạn nói rất rất chuẩn, các bạn tin không? Ra trường 5 năm và đã đi làm lên tới chức chỉ huy trưởng công trình hàng trăm tỉ nhưng chỉ tính có phép tính đó là cộng, trừ, nhân, chia các hình học lớp chín. tích phân gì gì đó đâu có tính đâu, tôi thích trường đại học chia ra 2 loại: 1 loại trường đại học nghề và 1 loại trường đại học nghiên cứu. Thế thôi."

 
Bạn Trường HQ cũng cho biết "Mình là người học qua 12 năm học sinh và 4 năm sinh viên và đến giờ đi làm vẫn đi học, tại sao lại vậy? Mình đồng ý với bạn là nền giáo dục VN quá cứng nhắc, để rồi chưa chắc học sinh đã nắm được những gì những gì cô giáo dạy nhưng tại sao vẫn phải học. 3 năm cấp 3, học xong không dùng để làm gì cả, mình đồng ý là đúng, và các giảng viên, các thầy giáo đại học cũng nói vậy… nhưng 3 năm cấp 3 là quá trình phấn đấu, là nền tảng để học lên một cái cao hơn là ĐH và trường đời."'

 
Một cư dân mạng có nickname Viet nguyen… cũng chia sẻ "Phải nói thật là em này có suy nghĩ khá thấu đáo, đây là sự nhìn nhận của một người trong cuộc, một người có tìm tòi hiểu biết vấn đề mình đang nói. Những cái em ấy nói còn chính xác hơn nhiều vị GS,TS,.. mà tôi hay xem trên TV. Phải nói rằng thật sự ai cũng biết cách giáo dục hiện nay quá thụ động và còn rất nhiều hạn chế, bất cập nhưng nó liên quan đến vấn đề của các nhà quản lý cao cấp nên chả mấy ai có tí danh tiếng hay hiểu biết dám phát biểu một cách thẳng thừng như em ấy cả. Anh ủng hộ em!"

 
Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ khá hùng hậu từ cộng đồng mạng, thì “Sự băn khoăn của kẻ lười biếng” cũng vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình.

 
Để phản bác lại luận điểm thừa kiến thức trong chương trình học cấp 3, Kim Anh Nguyễn cho rằng: “Không cần thiết, không có nghĩa là không phải học. Học để làm người hoàn thiện. Nếu ai cũng chỉ học vì đam mê của mình thì xã hội sẽ bị thiếu nhân lực trong một ngành nào đó… Đặc biệt là khi mới 14, 15 tuổi nhiều bạn cũng chưa thể có những suy nghĩ thấu đáo về tương lai, đam mê hay định hướng rõ ràng trong tương lai. Bởi vậy, ngoài kiến thức chúng ta thu nạp được thì những năm cấp 3 còn là khoảng thời gian giúp bạn trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn hơn cho những quyết định tương lai của mình… ”.

 
Đồng tình với quan điểm của trên, Phát Bùi "Nói thật với cậu, học cấp 3 không chỉ là học kiến thức, nó còn dạy cậu cách nhìn nhận cuộc sống, cách ứng xử trong những tình huống khác nhau. Cậu chưa tốt nghiệp cấp 3, chưa va vấp với đời, nên cậu nghĩ nó không cần. Đến một lúc nào đó cậu sẽ thấy nó có ích, dù nó rất nhỏ nhưng nó rất cần cho sự phát triển của một con người. Có vẻ như cậu muốn chạy khi cậu còn đi chưa vững, đừng ngụy biện cho sự lười biếng của con người. Thân."

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)