Sau bao ngày chờ đợi, những tưởng niềm vui sẽ vỡ òa khi đứa con đầu lòng chào đời, thế nhưng, sản phụ Lê Thị Thanh Hoa không ngờ rằng đó cũng chính là ngày cô gánh sự tổn thương không bao giờ lành.
Gọi điện thoại đến đường dây nóng của chúng tôi - 0985.57.88.55, chị Hoa không giấu nổi vẻ nghẹn ngào. Dù sự việc đã xảy ra cả nửa năm trời, nhưng chị Hoa cho hay, không đêm nào chị không trằn trọc, nước mắt lưng tròng khi nghĩ về đứa con vừa sinh ra đã vội vàng từ bỏ chị mà đi. Đau đớn hơn, theo chị, đó là do sự tắc trách của đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Bưu Điện (thuộc Tập đoàn Bưu Chính viễn thông Việt Nam).
“Sản phụ đau đớn gào khóc, y tá thản nhiên cười đùa, ăn bánh kẹo”
Theo lời của chị Hoa (Bùi Xương Trạch, Phường Khương Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội), chồng chị là con trai duy nhất của gia đình, chị cũng là con gái lớn nên cả hai đều rất mong chờ đứa cháu đầu lòng. Nghe hàng xóm mách, Bệnh viện Bưu Điện vừa gần nhà, sạch sẽ lại không đông bệnh nhân nên chị Hoa quyết định sẽ sinh con ở đây. Trong suốt quá trình khám thai, chị cũng đến bệnh viện này theo dõi. Niềm hạnh phúc ngày một nhân lên khi kết quả siêu âm cho hay, con chị đang rất khỏe mạnh, phát triển tốt, bác sĩ chỉ định chỉ hoàn toàn có thể sinh thường.
Ngày mong chờ của cả gia đình đã đến khi chị lên cơn đau trở dạ. “Ngày 19/3/2011 tôi nhập viện tại Bệnh viện Bưu điện để chuẩn bị sinh nở. Tuy nhiên, bác sĩ khám và cho biết, tử cung tôi chưa mở nên cho ra phòng chờ sinh. Đến ngày thứ hai vẫn chưa có dấu hiệu gì, gia đình tôi có hỏi bác sĩ nếu khó đẻ thì xin cho mổ luôn, tuy nhiên, bác sĩ vẫn bảo gia đình tôi yên tâm, cứ để đẻ thường.
Đến ngày hôm sau nữa, tức ngày 22/3/2011 vào lúc 21h tôi được bác sỹ Nguyễn Bình An khám, còn cho biết là xương chậu hẹp, nhỏ rất khó sinh. Tôi có đề nghị bác sỹ tiến hành cho tôi sinh mổ (lần thứ nhất). Bác sỹ An nói cứ ra ngoài đi, lúc đó tử cung tôi mới mở được 4 phân.
Sau 22h40 phút cùng ngày thì tôi trở dạ được bác sỹ An khám và kiểm tra lại một lần nữa và khẳng định tôi khó sinh và cho biết nếu sinh thường sẽ bị vỡ tử cung. Tuy nhiên sau đó, không hiểu vì lý do gì mà bác sỹ vẫn không mổ sinh mà vẫn bấm nước ối để đẻ thường. Tôi đã nhiều lần yêu cầu, van xin bác sỹ mổ sinh cho tôi nhưng bác sỹ vẫn không đồng ý (lần thứ hai).
Lúc đó bác sỹ An đi ra phòng ngoài gọi chồng tôi là Trần Đức Hà vào phòng riêng nói khả năng khó đẻ phải mổ (lần thứ 3). Chồng tôi đã bồi dưỡng bác sỹ An một triệu đồng nhờ cứu cho mẹ tròn con vuông sau gia đình sẽ cảm ơn. Thế nhưng, bác sỹ An không mổ ngay cho tôi mà đi vào phòng riêng ngồi xem vô tuyến đến tận 23h40, còn 2 hộ sinh nữ là Vũ Thị Diệu Vân và Trần Hoàng Linh ngồi ra một góc phòng ăn bánh kẹo nói chuyện làm việc riêng để mặc cho tôi đau đớn trên bàn đẻ.
Tôi đau đớn nằm đó, là một người mẹ, biết con mình trong bụng đang chết dần chết mòn mà không thể cứu được. Tuyệt vọng, tôi cầu cứu các y tá đang ở gần đó nói giúp với bất cứ Bác sĩ nào mổ giúp để lấy con tôi ra mà không một ai đứng dậy tìm bác sỹ vẫn cứ thờ ơ, thản nhiên ăn uống cười đùa với nhau như không có chuyện gì xảy ra cả”, chị Hoa nấc nghẹn kể.
“Khi tôi đã quá yếu, tim đã đập chậm dần, các y tá mới vội vàng chạy đến cho thở bằng ôxy và gọi hô người tôi đẩy cáng đưa vào phòng mổ. Do để quá lâu không tiến hành mổ sinh kịp thời nên con tôi khi sinh ra, cháu đã bị sặc nước ối và có lẫn phân xu tràn vào màng phổi. Khi mổ xong bác sỹ phát vào mông cháu 2 lần cháu đều khóc ré lên. Do con tôi bị ngạt sau một hồi lâu trong phòng, bác sỹ mới gọi được người bên hồi sức đến để hồi sức cho con tôi nhưng quá chậm.
Đến 0h59 thì con tôi được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung Ương cấp cứu. Khi cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Trung Ương, mẹ chồng tôi ở bên cạnh cháu còn nhìn tận mắt thấy cháu cố dướn lên để thở và còn khóc ré lên được 2 tiếng. Sau khi con tôi lịm đi mẹ chồng tôi cố nhìn kỹ cháu thấy trên trán bên trái gần đỉnh đầu có một vết ngón tay ấn vào trán bị lõm và đầu hơi lệch về phía sau.. Đến 18h ngày 22/3/2011 cháu mất. Gia đình tôi mang cháu đi chôn cất”, chị Hoa kể.
“Sau khi con tôi chết, Bệnh viện cũng không một lần gọi điện hỏi thăm, an ủi, hay có một động thái gì tỏ ý cảm thông về phía gia đình. Ngày 27/3/2011, mẹ chồng tôi đưa đơn ra trình bày gửi lên Ban giám đốc Bệnh viện Bưu điện để được giải quyết. Tuy nhiên, trong cuộc họp phía Bệnh viện một mực phủ nhận trách nhiệm gây ra cái chết đau đớn cho con tôi, mà chỉ nhận lỗi về việc bác sỹ An nhận tiền và hai y tá cười đùa, ăn uống trong giờ trực.
Đến ngày 4/5/2011, tôi nhận được hai văn bản của Bệnh viện Bưu điện. Một là bản là thư trả lời đơn khiếu nại, bản thứ hai là “Biên bản tóm tắt bệnh án”. Tôi đọc và xem xét thấy: Một là trả lời đơn khiếu nại Bệnh viện chỉ nhận lỗi về Nguyễn Bình An nhận tiền của gia đình và 2 cô hộ sinh ngồi ăn bánh kẹo chứ hoàn toàn phủ nhận hoàn toàn về cái chết của con tôi và không đền bù thiệt hại cho gia đình tôi. Bản thứ hai là Biên bản tóm tắt bệnh án nói con tôi có bệnh tật từ trước.
Bệnh viện trả lời gia đình tôi như vậy mà trong khi đó tôi khám chữa bệnh theo dõi thai nhi từ khi con nhỏ tại bệnh viện đều cho kết quả bình thường. Điều lạ nữa là, nó khác hẳn bệnh án mà chúng tôi đã nhận được trước đó”, chị Hoa bức xúc kể.
Trần Lê Hà Anh là cái tên mà gia đình đã đặt cho đứa con chưa một lần được gọi tên của chị. Khẽ lau giọt nước mắt mặn đắng, chị Hoa nghẹn ngào: “Gia đình tôi thực lòng cũng chỉ muốn tìm ra sự thật, để không còn người bệnh nào phải chịu cảnh đau lòng như chúng tôi. Con gái tôi, ở dưới suối vàng cũng được nhắm mắt…”