Cậu bé Mohan Sardar, 14 tuổi, đang sống cùng chị và cha mẹ trong một căn nhà ổ chuột 1 phòng, chẳng lớn hơn mấy so với chiếc giường cả gia đình ngủ chung, vốn nằm gần một đầm lầy đầy phân người, động vật chết và rác rưởi.
Tay golf tài năng sống trong khu ổ chuột
Khi lên lớp 5, Mohan đã phải bỏ học vì gia đình không có tiền đóng học phí. Trong những lần rảnh rỗi, cậu bé thường đi bộ khoảng 3 cây số tới CLB Golf Hoàng gia Calcutta nằm gần đó và dõi mắt thèm thuồng nhìn vào bãi cỏ xanh và những tay chơi giàu có tìm tới đây.
Một ngày nọ, Mohan làm quen với một tay chơi golf. Cậu bé hỏi người này rằng liệu anh có cần người giúp vác gậy và nhặt bóng golf hay không. Cái gật đầu của người này đã giúp Mohan kiếm 1,50 USD trong ngày đầu tiên. Cậu bé đưa hết tiền cho mẹ và tối đó cả nhà được ăn cá. “Chuyện thật quá đỗi tuyệt vời” - cậu bé kể.
Các cậu bé ở khu ổ chuột Majhartaala của Mohan dạy nhau cách chơi golf cơ bản
Tay chơi golf nọ không chỉ thuê Mohan nhặt bóng mà còn bắt đầu truyền cho cậu bé kinh nghiệm chơi golf. Chẳng mấy chốc, Mohan bắt đầu dấn thân vào môn thể thao được xem là quý tộc ở Ấn Độ, đặc biệt là trong nhóm những người giàu mới nổi tại đây, vốn chọn môn thể thao này như một cách khoe đẳng cấp của họ. Ngày nay, Mohan đã nằm trong nhóm 5 tay golf trẻ hàng đầu Ấn Độ.
Trong số 3 triệu hoặc hơn các tổ chức từ thiện đang hoạt động ở Ấn Độ, chơi golf hiển nhiên không nằm trong danh mục ưu tiên hàng đầu của họ. Nhưng tay golf chuyên nghiệp Indrajit Bhalotia, 40 tuổi, thì lại thấy mọi chuyện theo cách khác. Với anh, golf là công cụ có thể giúp những đứa trẻ nghèo nhưng tài năng có cơ hội đổi đời.
Quan điểm làm từ thiện khác người Bhalotia sinh ra trong một gia đình giàu có, đã bắt đầu chơi golf từ năm lên 4 tuổi. Anh trở thành tay golf hàng đầu Ấn Độ trong năm 1990 và đã thành lập Học viện Golf ProTouch, làm giàu bằng cách bán trang thiết bị và các bài học đánh golf cho những người ham mê môn thể thao này. Giai đoạn làm ăn khó khăn hồi năm 1998 khiến Bhalotia nghĩ về người nghèo nhiều hơn. Anh đã cam kết sẽ bỏ ra 10% thu nhập từ hoạt động kinh doanh cho từ thiện. Nhưng rồi anh thấy làm thế vẫn chưa đủ, bởi dùng tiền làm từ thiện là điều ai cũng có thể làm. Anh cần phải làm thứ gì đó đặc biệt hơn thế. Anh muốn đưa những đứa trẻ nghèo vào môn thể thao quý tộc này, vừa để giúp chúng thoát nghèo, vừa giúp phát triển golf.
Bhalotia bắt đầu tuyển mộ những đứa trẻ nghèo chơi golf thông qua tổ chức từ thiện Ek Prayaas và thông qua những đứa trẻ chuyên nhặt bóng, vác gậy chơi golf. Là dân chơi golf chuyên nghiệp, không khó để anh nhận thấy những đứa trẻ tiềm năng. “Hiển nhiên có nhiều lúc tôi đã không nhận ra các Tiger Wood trẻ tuổi. Nhưng tỉ lệ lựa chọn thành công là khá cao” - anh nói.
Sử dụng các huấn luyện viên của ProTouch, anh hiện đang huấn luyện 20 đứa trẻ nghèo từ 10 - 15 tuổi và có kế hoạch tuyển thêm 80 đứa nữa. Với sự giúp đỡ của một số người bạn giàu có, Bhalotia lo sắm trang thiết bị cho lũ trẻ, cũng như chi phí để chúng đi du đấu. Một trong những đứa trẻ này vừa vượt qua vòng loạt giải golf thế giới dành cho thiếu niên Callaway World Golf Championships sẽ diễn ra ở San Diego vào tuần tới.
Các học viên nghèo này cũng không phải trả học phí, vốn lên tới 2.000 USD mỗi năm. Nhưng đổi lại, các em phải cống hiến hết mình. “Có từ 5-7 đứa trẻ tôi có thể dẫn dắt để các em thậm chí giành chiến thắng tại giải golf US Open danh giá” - Bhalotia nói. Anh cho biết bởi lũ trẻ rất khát khao thoát khỏi đói nghèo, chúng sẽ luyện tập hăng say hơn nhiều những tài năng được nuôi lớn bằng thìa bạc. Thông qua việc tạo nên các nhà vô địch trẻ, ProTouch cũng nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
Giấc mơ của cậu bé nghèo
Một số người Ấn Độ nói rằng tiền dùng để đào tạo trẻ nghèo chơi golf nên được chi cho việc khác hữu ích hơn. “Tôi cho rằng thà dùng tiền để mua thức ăn cho 1.000 đứa trẻ nghèo hơn là đào tạo một tay golf.” - Geeta Kharb, một nhà thiết kế ở New Delhi có con trai đang học chơi golf nói.
Với những đứa trẻ đang tham gia chương trình của Bhalotia, việc luyện tập để có cú đánh golf hoàn hảo còn dễ hơn nhiều việc khỏa lấp hố sâu ngăn cách xã hội với các thành viên giàu có của CLB Golf Hoàng gia, những người chỉ cho phép chúng dùng sân golf khi vắng khách.
Golf là một môn thể thao vẫn tương đối ít phổ biến ở Ấn Độ, với chỉ khoảng 200 sân golf đang tồn tại, so với 1.140 ở Mỹ. Ngoài ra, chỉ có 2 sân golf nhà nước trên toàn quốc và những người muốn gia nhập các sân golf tư nhân phải chờ từ 10-25 năm. “Rất nhiều sân golf giống như các cung điện vậy, khiến người bình thường sợ hãi lánh xa” - Vivek Mehta, một quan chức tại sân golf Callaway India nói - “Những người chơi golf đều nằm trong danh sách giàu nhất thế giới. Họ có nhiều tiền và họ muốn khoe khoang”.
Ngay bên ngoài CLB Golf Hoàng gia, Manohar Purkait, 60 tuổi, đang bán kẹo cứng và thuốc lá. Đây là những công cụ cung cấp tiền “lương hưu” cho ông, sau nhiều thập kỷ kiếm sống bằng nghề mang gậy và bóng golf cho khách.”Ở ngoài này tôi thích làm gì thì làm. Trong đó, tôi còn không dám cất tiếng nói” - ông tâm sự. Để các tay golf trẻ nghèo khó không bị người khác xúc phạm, trường của Bhalotia đã dạy các em cách cư xử như người giàu có và còn cho các em mặc đẹp.
Được biết kể từ khi Mohan lọt vào mắt xanh của Bhalotia, cậu bé đã tham gia 9 giải đấu và đứng thứ 4/40 tay golf hạt giống trong một giải đấu diễn ra gần đây tại Bangalore hồi tháng 5. Cậu bé học tập kinh nghiệm và lấy cảm hứng từ các tay golf đang lên của Ấn Độ như Jeev Milkha Singh, Arjun Atwal và Jyoti Randhawa, những người đã bỏ túi hơn 6 triệu USD tiền thưởng quốc tế. Bhalotia mô tả Mohan là người “trầm tính, khép kín, nhưng đặc biệt tự tin trên sân golf. Và Mohan thì thừa nhận bất cứ khi nào nhìn thấy một quả bóng, cậu đều muốn cầm thứ gì đó để quật cho nó một phát.
Trước mỗi giải đấu, Mohan đều chạm vào đôi chân của cha để có sự may mắn. Cậu bé nhói đau trước ý nghĩ đôi chân mỏi mệt của cha vẫn phải đạp xe lai để kiếm tiền nuôi cả nhà, trong khi cậu lại tới ở trong những khách sạn với phòng nghỉ lớn hơn cả ngôi nhà của gia đình. Và trong khi hàng xóm thận trọng trước kỳ vọng đổi đời từ chơi golf thì Mohan vẫn mơ có ngày mình trở thành dân chuyên nghiệp và kiếm được nhiều tiền, đủ để trả tiền để em gái làm đám cưới và mua một ngôi nhà thật to cho cha mẹ ở.