TT- – TTO - CHDCND Triều Tiên ngày 30-12 đã lên án việc Sách Trắng quốc phòng Hàn Quốc gọi chính quyền và quân đội Triều Tiên là "kẻ thù".
Theo trang web Uriminzokkiri của Chính phủ Triều Tiên, hành động trên của Seoul là "thách thức không thể chấp nhận và là sự khiêu khích nghiêm trọng". Trang web nêu rõ, với hành động này, chính quyền Hàn Quốc muốn loại bỏ Triều Tiên. Chính quyền Hàn Quốc sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả nghiêm trọng.
Sách trắn quốc phòng Hàn Quốc được công bố hai năm một lần, cho biết CHDCND Triều Tiên đang ráo riết xây dựng các lực lượng phản ứng đặc biệt với quân số tăng từ 180.000 người năm 2008 lên 200.000 người trong năm nay, trong tổng số quân đội 1,2 triệu quân của nước này.
Christian Science Monitor dẫn nguồn từ sách trắng nói Seoul nhận định việc tăng cường lực lượng đặc biệt của miền bắc là để có thể tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng nhắm vào miền nam. Động thái chuyển sang ưu tiên cho các lực lượng đặc biệt cho thấy một bước chuyển của miền bắc từ chiến lược “chiến tranh tổng lực” sang “tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ”, theo lời ông Kim Sung Han, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Hàn Quốc.
Sách trắng cũng nói không úp mở rằng chế độ ở miền bắc là “kẻ thù” của Seoul. Tài liệu này còn xác nhận việc Bình Nhưỡng đầu tư phát triển và mở rộng lực lượng tăng thiết giáp của quân đội nước này với loại xe tăng Pokpung-ho phát triển từ loại T-72 của Nga và T50 của Liên Xô trước kia. Sách trắng của Hàn Quốc nói CHDCND Triều Tiên đã tăng số lượng xe tăng này thêm từ 3.900 đến 4.100 chiếc chỉ trong hai năm qua.
Liên quan tới tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, nguồn tin nước ngoài cho hay lực lượng đặc biệt của Hải quân Triều Tiên và Tổng Cục trinh sát Triều Tiên đã tiến hành tập trận đổ bộ tại vùng biển ngoài khơi thành phố Nampo từ giữa tháng 12.
Theo kịch bản tập trận, các lực lượng đặc biệt của Triều Tiên sẽ đổ bộ lên đảo sau khi tiến hành pháo kích vào thời điểm đêm khuya. Tuy nhiên, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc nói Seoul chưa phát hiện những động thái đặc biệt của quân đội Triều Tiên trên biển gần khu vực được cho là đang diễn ra cuộc tập trận.
Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn Đài truyền hình KBS, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan cho biết chính phủ nước này chưa đề nghị đối thoại với Triều Tiên và Seoul đang bàn thảo với các bên tham gia đàm phán hạt nhân, trừ Bình Nhưỡng, về các điều kiện để nối lại cuộc đàm phán này.
Theo Ngoại trưởng Kim Sung-hwan , Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga đã thu hẹp bất đồng về các điều kiện cần thiết để tái khởi động đàm phán, song Trung Quốc vẫn duy trì lập trường khác với những nước còn lại.
H.MINH - TTXVN