Một cảnh sinh hoạt thường nhật tại miền Bắc của Triều Tiên, khu vực ma túy đá đang lan tràn
Một bà mẹ trung niên bước vào phòng nơi cô con gái 11 tuổi đang miệt mài đọc sách giáo khoa để chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp hai rất quan trọng. Không muốn làm con mất tập trung, bà mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc con và sau đó đưa cho con một ly sữa kèm một thứ gì đó để giúp con khỏi buồn ngủ.
Thứ mà người mẹ này dành cho cô con gái một cách đầy yêu thương không phải là một viên caffeine hay một muỗng đường, mà nó lại là một liều thuốc gây nghiện cao và có khả năng gây chết người: methamphetamine, hay còn gọi là ma túy đá. Thông tin được đăng tải trên tờ Tạp chí bưu điện Hoa Nam buổi sáng số ra ngày 6/10.
Đây là một cảnh mà có lẽ chỉ có thể xuất hiện trong trí tưởng tượng của tác giả bộ phim “Breaking Bad”, seri phim truyền hình đình đám của Mỹ về một giảng viên hóa học đã trở thành một tay sản xuất ma túy đá bất hợp pháp, để kiếm tiền lo cho gia đình sau khi phát hiện mình bị ung thư.
Nhưng bi kịch thực sự của cuộc sống này lại đang diễn ra cách nước Mỹ nửa vòng trái đất, ở một bối cảnh cách rất xa bối cảnh bang New Mexico trong phim. Nó diễn ra tại Triều Tiên, tại một thị trấn của tỉnh Bắc Hamgyong, gần biên giới Trung Quốc, tại một vùng nông thôn nghèo ở phía Đông Bắc.
Tại quốc gia khép kín này, dường như một đại dịch ma túy đá đang quét qua. Nó lan tràn mạnh đến độ tại một số khu vực, hơn 50% người dân đang sử dụng chúng, một bản báo cáo do hai học giả tại Seoul công bố cho biết. Họ đã tiến hành phỏng vấn nhiều người đào tẩu, bao gồm cả bà mẹ thiếu hiểu biết của cô bé nêu trên.
Giáo sư Kim Seok-hyang đến từ khoa Triều Tiên học của đại học phụ nữ Ewha tại Seoul cho biết, trường hợp của bà mẹ này không phải là ngoại lệ. Tại Triều Tiên, nhận thức về tác hại của loại thuốc này là rất hạn chế, trong khi nó lại được gán cho rất nhiều công dụng thần dược, mà các bậc cha mẹ hoàn toàn không hay biết khi đưa chúng cho con mình.
“Hầu hết mọi người tại Triều Tiên không hề biết gì”, Kim nói. “Họ nghĩ rằng thứ thuốc đó là một loại thuốc giảm đau tốt. Họ xem nó như là loại thuốc trị bách bệnh. Họ nói rằng “tôi không có đủ thuốc trị bệnh, nhưng nếu tôi dùng methamphetamine này nó sẽ giúp giảm đau đầu, đau lưng””. Khi dùng với liều nhỏ, ma túy đá có thể giúp giảm đau và đem đến cảm giác khoan khoái, khỏe mạnh.
Một khảo sát cho thấy, tại phía Bắc của Triều Tiên, lượng người sử dụng ma túy đá có thể lên tới 50% dân số tại một số cộng đồng. “Nhiều người nói rằng methamphetamine là thứ duy nhất chúng tôi có thể trông cậy”, ông Kim cho biết. “Họ có biết rằng thuốc phiện gây nghiện nhưng họ nghĩ methamphetamine là thứ gì đó khác”.
Thuốc thời chiến
Việc bằng cách nào nhiều người Triều Tiên tìm đến ma túy đá cũng thật lạ lùng và kỳ dị.
Bản báo cáo “Hiện trạng mới của việc sử dụng ma túy của người Triều Tiên” do ông Kim và Andrei Lankov, phó giáo sư tại trường Khoa học xã hội, đại học Kookmin, công bố cho thấy, việc sử dụng methamphetamine đã tăng mạnh tại nông thôn phía Bắc Triều Tiên kể từ năm 2005. Đến nay họ gọi nó là một đại dịch.
Lời khai của 21 người đào tẩu, cùng với những báo cáo chính thức từ Triều Tiên và Trung Quốc cho thấy điều mà các học giả gọi là “một bức tranh đáng lo ngại về sự lạm dụng ma túy ngày càng gia tăng ở một cộng đồng từng bị giám sát và kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới”. Bản báo cáo được công bố trên tạp chí North Korea Review.
Các quốc gia Đông Á có một lịch sử sử dụng methamphetamine từ lâu. Loại ma túy này lần đầu được phát hiện tại Nhật cuối thế kỷ 19, và sau đó lại được dùng trong Thế chiến II, khi methamphetamine được trộn với bột trà xanh và đóng dấu của hoàng đế Nhật được trao cho các phi công cảm tử.
Lợi ích về quân sự của thứ thuốc này đã được Triều Tiên tiếp nhận thời hậu chiến tranh, bản báo cáo viết. Trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên và những năm chiến tranh lạnh, các binh sỹ của họ được cho là đã được phát methamphetamine, thứ thuốc được sản xuất trong các nhà máy quốc doanh nhằm tăng cường sự bền bỉ và có thể giúp họ tỉnh táo vài ngày liền.
Việc sử dụng thứ thuốc này vẫn còn tiếp tục nhiều năm sau cuộc chiến. Một người đào tẩu là bác sỹ cho biết đã nghe đến thứ được gọi là “thuốc thời chiến” - những chất kích thích mạnh - được sản xuất và cất trữ trong những năm 1980 để sử dụng trong trường hợp có chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp.