Nhìn dáng vẻ khỏe mạnh, vui vẻ của vận động viên Phạm Văn Nhuận, không ai nghĩ người đàn ông ấy mang trên mình thương tật 81%. Anh là vận động viên cầu lông xe lăn, từng nhiều lần tham dự ASEAN Para Games.
Trước khi đến với thể thao, anh Nhuận từng là công an. Hơn 30 năm trước, vì cứu một người phụ nữ đang mang thai mà anh bị tàu hỏa nghiến nát đôi chân. Ký ức về tai nạn kinh hoàng vẫn hằn rõ trong đầu người đàn ông 53 tuổi.
Cứu người phụ nữ thoát chết, anh Nhuận bị mất đi đôi chân và phải dùng chân giả. Ảnh: Hoàng Phương. |
Anh Nhuận vội vàng lao đến kéo người phụ nữ ra khỏi đường ray. Cứu được người nhưng Nhuận không kịp thoát, bị đoàn tàu kéo lê hơn 100 m mới dừng lại. Chân phải anh kẹt vào đường ray và bị nghiến nát. Quá đau đớn, anh kê chân trái đạp vào bánh tàu để lôi chân phải đang mắc kẹt ra, chưa kịp xử lý thì đoàn tàu lùi lại khiến chân trái cũng đứt rời.
Đau tê dại, anh Nhuận chỉ kịp giật áo quấn vào vết thương. Khi mọi người chạy đến, anh vẫn tỉnh táo hỏi thăm người phụ nữ có sao không, rồi nhờ đồng đội đi tìm khẩu súng tuần tra bị văng trên đường tàu. Người công an trẻ được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đông Anh rồi chuyển sang Bệnh viện Việt Đức.
Bông băng kín người, anh Nhuận lặng lẽ nhìn đồng đội, thủ trưởng rơi nước mắt khi anh vĩnh viễn mất đi đôi chân. Trong hai năm sau đó, anh phải trải qua 12 lần phẫu thuật vì vết thương hoại tử, sau đó được chuyển lên Trung tâm chỉnh hình Ba Vì để làm chân giả, tập đi lại.
Trở lại đơn vị cũ với đôi chân giả, anh Nhuận được chuyển sang làm việc nhẹ nhàng hơn ở bộ phận lưu trữ hồ sơ. Thương tật 81% khiến anh không còn đủ sức khỏe phục vụ trong ngành công an nên anh xin nghỉ công tác.
Bức ảnh chụp anh Nhuận mặc cảnh phục năm 20 tuổi, trước khi tai nạn xảy ra. Ảnh: NVCC. |
Người phụ nữ trước được anh cứu vẫn giữ liên lạc. Cô cùng con trai thi thoảng tới thăm nom bố mẹ anh Nhuận ở Bắc Giang. Cô muốn xuống thăm gia đình ở Hà Nội, nhưng anh Nhuận không đồng ý vì không muốn người ta phải day dứt mãi chuyện năm xưa. Anh chỉ nói: "Tôi mất đi tuổi trẻ và đôi chân nhưng không muốn người khác phải mang ơn. Đơn giản đó là việc tôi phải làm".
Tai nạn kinh hoàng năm ấy đã khiến cuộc đời anh rẽ sang một hướng khác. Sau khi nghỉ làm công an, hàng ngày đối diện với bốn bức tường và đôi chân giả, anh nhiều lúc bi quan. Năm 1992, anh tham gia CLB Thể thao người khuyết tật TP Hà Nội. Bóng rổ, bóng bàn, cầu lông, bơi lội… anh đều chơi hết. Ngồi trên chiếc xe lăn, anh vừa lăn xe, vừa cầm vợt, chơi bóng khéo léo, mạnh mẽ không kém gì người lành lặn.
Từ chỗ chỉ tập cho vui, anh Nhuận dần bộc lộ khả năng chơi thể thao và được bầu làm đội trưởng đội bóng rổ, rồi chuyển sang thi đấu cầu lông nội dung xe lăn cho đội tuyển quốc gia. Anh tham gia nhiều kỳ đại hội thể thao trong nước và cả ASEAN Para Games. Căn nhà nhỏ ở chung cư trên đường Thái Hà (Đống Đa) vẫn lưu giữ hàng chục chiếc huy chương anh giành được.
Anh Nhuận tâm sự, thể thao và tình yêu thương của người vợ là hai động lực chính giúp anh dần lấy lại sự tự tin và niềm vui cuộc sống. Với anh, chị Hoàng Thị Kim Thanh (tên thường gọi là Dung) giống như là chiếc nạng chống đỡ cả phần đời còn lại cho người đàn ông khuyết tật.
Những tấm huy chương anh giành được trong các kỳ đại hội thể thao. Ảnh: Hoàng Phương. |
Lúc anh Nhuận nghỉ công tác, chị Thanh khi ấy đang làm ở bộ phận hậu cần Công an huyện Đông Anh cũng xin nghỉ để chăm sóc chồng. Những ngày đầu làm bạn với đôi chân giả, chân anh tứa máu, đi đâu chị Thanh cũng phải cõng, phải dìu. Gần chục năm nay, khi anh Nhuận đi lại được tập tễnh thì chị mới không phải cõng như trước nữa.
Hai vợ chồng làm đủ mọi việc, từ trông xe, bán hàng cơm, bán bún… để duy trì gia đình nhỏ. Trải qua 30 năm gắn bó, cuộc sống vất vả nhưng ngôi nhà của họ luôn tràn ngập tiếng cười, con cái dần trưởng thành. Cô con gái lớn ngoài giờ làm việc còn đi nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân ung thư ở Viện K. Cậu con trai mới ra trường mang quân hàm thiếu úy công an, tiếp tục công việc còn dang dở của người cha năm xưa.
Hoàng Phương