[justify] [/justify]
[justify]Ngang nhiên trông giữ xe trái phép
Nhóm phóng viên Tiền Phong trong vai người đi vào chợ đêm ngày Chủ nhật, vừa vòng xe từ đường Đinh Tiên Hoàng rẽ vào hướng Hàng Đào hai ba cánh tay cùng vẫy: “Để xe đây anh ơi”. Tôi dừng xe hỏi giá thì hai nam thanh niên đồng loạt phát giá “ba chục”. Đi tiếp chục mét nữa một chị chạy ra kéo tay “thôi vào đây, hai chục thôi” và chỉ tay lên vỉa hè phố Hàng Gai gần đó, nói đó là bên gửi.
Quyết định gửi xe vào bãi trông giữ trên vỉa hè tại số 1A Hàng Bồ (đoạn cắt với Hàng Đào) của Công ty CP Đồng Xuân, gửi chừng 15 phút, chúng tôi ra lấy xe. Nhân viên tại đây phát giá 10 ngàn đồng. Tôi hỏi lại nam nhân viên mặc áo đồng phục màu xanh nhưng không đeo biển tên trên ngực rằng giá quy định 4.000 đồng sao lại lấy những 10 ngàn đồng. Nam nhân viên tặc lưỡi, “bọn em lấy thêm tiền uống nước ấy mà” rồi quay đi.
Nhân viên trông xe tại cổng chợ Hôm thu tiền trái quy định. Ảnh: Hoàng Anh
Nhìn kỹ tấm biển ngay trước mặt người nhân viên của Cty CP Đồng Xuân ghi dòng chữ khá to: Giá vé xe máy 4.000 đ/lượt/xe, quý khách trả tiền theo giá trên, nếu có điều gì không hài lòng, hãy gọi điện thoại đường dây nóng…
Hôm sau, chúng tôi vào thực địa trong bãi gửi nằm trong khuôn viên chợ Đồng Xuân. Vé ghi 2.000 đồng/xe máy nhưng nhân viên tại đây vẫn thản nhiên thu 5.000 đồng/1 xe. Đáng chú ý hơn, khi phóng viên vào gửi xe tại bãi trông giữ xe máy của Công ty Anh Duy trên vỉa hè phố Trần Xuân Soạn đoạn cắt với phố Huế, cũng nhận được vé xe nhưng lại không ghi giá tiền và mức thu cũng là 5.000 đồng/xe.
Nhiều người đi chợ Hôm cho biết, vào ngày Chủ nhật tại đây vẫn thu 10 ngàn đồng/1 xe. Nhiều lần vào gửi xe ô tô tại bãi trông giữ trên đường Đinh Tiên Hoàng giáp với hồ Hoàn Kiếm, phóng viên cũng không hề nhận được vé gửi theo quy định mà giá thu “vo” cho 1 giờ gửi là 50.000 đồng/xe.
Tình trạng tùy tiện trong thu phí trông giữ còn xảy ra ngay tại với một số khách sạn lớn. Khi vào gửi xe máy tại khách sạn Kim Liên thì chỉ nhận được chiếc vé làm bằng nhựa màu đỏ và không hề có ghi giá tiền trong khi nhân viên vẫn thu đều là 5.000 đồng/xe…
Vé gửi xe vào chợ Đồng Xuân ghi giá 2.000đ/lượt, thực tế thu 5.000đ/lượt (ảnh nhỏ) - ảnh: Hà Anh
Phạt suốt ngày cũng không sợ!
Phó Chủ tịch UBND phường Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, điểm trông xe lấy tiền tại chợ Hôm được giao cho Công ty Anh Duy. Khi nhận được dư luận về việc thu phí sai quy định tại đây, UBND phường đã đi kiểm tra nhưng chưa bắt được quả tang lần nào. Tuy nhiên, lãnh đạo phường Ngô Thì Nhậm cũng khẳng định, tại đây vẫn xảy ra kiểu kinh doanh chụp giật, nhất là khi bãi đầy xe.
Theo Chủ tịch UBND phường Ngô Thì Nhậm Lâm Thị Kim Dung, chợ Hôm có 2 điểm trông xe, một điểm là của bảo vệ chợ và 1 điểm do Công ty Anh Duy quản lý. Quận đã chỉ đạo Ban quản lý chợ Hôm không được trông xe nhưng tình trạng này vẫn không được chấn chỉnh.
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Hữu Hoàng cho rằng: khu vực phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm bãi giữ xe rất hạn chế về diện tích trong khi nhu cầu của người dân vào chợ lại quá lớn nên đôi khi 5-10 ngàn đồng người dân cũng chấp nhận trả.
Cả tuyến phố Huế không cấp phép trông xe mà lại là tuyến kinh doanh rất sầm uất nên người dân nhiều khi đành chấp nhận “chặt chém”. Chủ tịch phường Lâm Thị Kim Dung cho biết, cứ đuổi chỗ nọ họ lại sang chỗ kia.
“Có những cửa hàng chỉ 2-3m2 mà vẫn cấp phép đăng ký kinh doanh thì làm sao mà chẳng vi phạm. Ngay cả những nhà mới xây cũng không hề có tầng hầm để xe nên nhu cầu để xe đẩy hết ra ngoài đường”, bà Dung nói.
UBND phường cho biết, chỉ trong hơn 5 tháng đầu năm đã phạt gần 500 triệu tiền phạt vi phạm đô thị, chỗ đỗ xe. Có khi công an chăng dây chặn hai đầu phố để phạt cũng đâu lại vào đấy.
Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) Dương Quyết Tiến thừa nhận, tình trạng vi phạm phí trông giữ xe diễn ra khá nhức nhối vì địa bàn chợ Đồng Xuân là nơi kinh doanh buôn bán hết sức sầm uất.
“Quận Hoàn Kiếm đã thực hiện khoán quản giao chủ yếu việc trông giữ xe cho Công ty CP Đồng Xuân và phường là đơn vị phối hợp. Hiện nay người dân không tố giác nên rất khó xử lý kịp thời vi phạm”, ông Tiến nói.
[justify]Trách nhiệm thuộc bí thư, chủ tịch Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện ban Chỉ đạo 197 Hà Nội cho biết, sau nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng vi phạm trật tự đô thị, trông giữ phương tiện đã có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp do lợi nhuận thu được từ việc trông giữ xe trái phép, sai phép vẫn cao và nhu cầu gửi xe tại một số khu vực trung tâm rất lớn. “Ngay cả nhiều bệnh viện, trường học buổi tối đều biến thành bãi trông giữ xe. Nhiều khi lực lượng liên ngành bất ngờ kiểm tra, có trường học đã bất hợp tác, không mở cửa”, vị đại diện Ban chỉ đạo 197 nói. Cũng theo Ban chỉ đạo 197 thành phố, quy định về xử lý vi phạm tương đối đầy đủ và vấn đề đặt ra là hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của UBND, công an phường, xã. Trong chỉ thị 14 của Thành ủy Hà Nội năm 2012 về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị đã nêu rõ trách nhiệm thuộc về Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND và Trưởng Công an các cấp.[/justify] |