[justify]Về sự giúp đỡ của Mỹ dành cho Pakistan trong hơn ba thập kỷ qua, nữ doanh nhân này nói: "Tất cả những gì mà chúng tôi nhận được từ người Mỹ chỉ là bất ổn và bạo lực".
Trong một buổi ăn trưa với một số nhà ngoại giao phương Tây, nữ doanh nhân Pakistan này đặt câu hỏi: “Liệu quí vị có biết Osama bin Laden từng là nhân viên CIA? Ông này từng là người của Mỹ ở Afghanistan”. Nữ doanh nhân này muốn nói đến vai trò của bin Laden, được Mỹ hậu thuẫn, chống lại quân đội Liên Xô ở Afghanistan hồi những năm 1980.
Dư luận Pakistan ngày càng coi Mỹ là một đồng minh “ích kỷ, thất thường”, bất chấp việc Washington đổ hàng tỷ USD tiền viện trợ cho quốc gia Nam Á này.
Người Pakistan không hài lòng trước quan hệ Mỹ-Ấn ngày càng mật thiết. Ảnh Pakistan Tribune. |
Quan hệ Mỹ-Pakistan đã trở nên căng thẳng hơn, sau khi một tòa án Pakistan tuyên phạt 33 năm tù giam ông bác sĩ đã giúp CIA tìm thấy bin Laden. Các quan chức Pakistan cho biết bác sĩ Shakil Afridi bị bỏ tù vì tội phản quốc và có "quan hệ" với CIA. Thế nhưng một tài liệu của tòa án được phát tán sau này lại nói rằng ông Afridi phạm tội giúp đỡ một nhóm chiến binh bị cấm.
Một quan chức Mỹ nói: “Hầu hết mọi người ở Washington đều phẫn nộ trước việc bác sĩ Shakil Afridi phải ngồi tù. Ông này phải được tôn vinh như một anh hùng, thế nhưng phía Pakistan lại coi ông là một kẻ phản bội tổ quốc”.
Ác cảm gia tăng từ hai phía đã gây khó cho các vòng đàm phán vốn đang bị bế tắc về việc mở lại tuyến đường tiếp viện cho các lực lượng phương Tây ở Afghanistan. Phía Pakistan đã đơn phương đóng cửa tuyến đường này cách đây 6 tháng, để phản đối việc máy bay Mỹ không kích qua biên giới, làm thiệt mạng 24 binh sĩ Pakistan.
Bà Maleeha Lodhi, cựu đại sứ Pakistan tại Washington, nói với Reuters: “Khi quan hệ song phương xấu đi, dư luận ở cả hai nước coi nhau như kẻ thù. Hầu hết tình cảm chống Mỹ ở Pakistan là do những bất ổn ở nước này sau cuộc can thiệp kéo dài một thập kỷ ở Afghanistan do Mỹ lãnh đạo. Các chính sách của Mỹ bị coi là đã mang lại bất hạnh cho khu vực, đặc biệt là Pakistan”.
Chủ đề chính gây ra mẫu thuẫn giữa Washington và Islamabad là "cuộc chiến chống khủng bố", một cuộc chiến mà Pakistan gia nhập sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 - bất chấp sự phản đối của một số tướng lĩnh quân đội.
Washington đã cáo buộc Islamabad “thiếu chân thành” và che đậy các nhóm chiến binh Afghanistan để đảm bảo có một vai trò đáng kể trong bất kỳ giải pháp chính trị nào, một khi các lực lượng Mỹ rút đi. Một số thượng nghị sĩ Mỹ đã thúc ép chính quyền Obama cắt giảm viện trợ cho Pakistan và nỗi thất vọng đã vượt ra ngoài hành lang quyền lực ở Washington.
Các quan chức Pakistan nói rằng người Mỹ, đặc biệt là các nhà lãnh đạo của họ, cần phải nhận thức được tính nhạy cảm của nền hoà bình khu vực, trước khi đánh giá tính hiệu quả của Islamabad. Họ cũng nói rằng Washington quá ngây thơ, khi dựa quá nhiều vào chiến dịch tấn công quân sự để đánh bại Taliban.
Nhiều người Pakistan cũng rất lo lắng về việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sau năm 2014 và để lại cho khu vực này một mớ bòng bong hỗn độn, vô phương tháo gỡ.
Nguồn: Đất Việt.
[/justify]