Theo đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh tuyên bố, nước này đã chuẩn bị ứng phó “với bất kỳ sự leo thang nào” trong tình hình hàng hải. Bà còn cảnh báo Philippines “phạm những sai lầm nghiêm trọng” và làm hỏng quan hệ hai nước.
Cả Trung Quốc và Philippines đều đưa ra cáo buộc với nhau về việc xâm nhập trái phép ở vùng biển tranh chấp tại bãi cạn Scarborough.
Trung Quốc đã đưa ra bản đồ hình chữ U tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, gây ra tranh chấp với một số nước láng giềng. Các tàu Philippines và Trung Quốc đã mặt đối mặt tại bãi cạn kể từ 8/4.
Bà Phó cho biết, “các tàu chính phủ” Trung Quốc sẽ “tiếp tục trong tình trạng báo động” ở khu vực vì “hành động khiêu khích” của phía Philippines. Bức thông điệp khá mạnh mẽ được truyền tải trong một cuộc gặp giữa Thứ trưởng Trung Quốc với Alex Chua, đại biện lâm thời của Philippines tại Trung Quốc. Tuyên bố của bà Phó được đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay.
''Phía Trung Quốc cũng đã tiến hành mọi chuẩn bị cần thiết để phản ứng với bất kỳ leo thang nào trong tình hình từ phía Philippines”, bà nói Phó. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc cũng yêu cầu Philippines rút các tàu khỏi bãi cạn. ''Trung Quốc lần nữa thúc giục Philippines nghiêm túc đáp ứng mối quan tâm của Trung Quốc và trở lại con đường đúng đắn trong giải quyết vấn đề”, bà nhấn mạnh.
Vụ việc bắt đầu khi Philippines cho biết, tàu hải quân của họ đã phát hiện ra 8 tàu cá Trung Quốc ở bãi cạn. Philippines cho rằng, các tàu cá đã xâm nhập và đánh bắt trái phép ở khu vực này. Hai tàu hải giám Trung Quốc sau đó đã tới khu vực, ngăn không cho hải quân Philippines bắt giữ ngư dân và để cho tàu cá rút đi.
Cuối tuần trước, Philippines cho hay, có bốn tàu giám sát lớn của Trung Quốc và 10 tàu cá ở vùng tranh chấp. Trong khi đó chỉ có một tàu phòng vệ bờ biển và một tàu của cục ngư nghiệp Philippines ở đây.
Manila đã yêu cầu Trung Quốc giải quyết tranh chấp tại Tòa án quốc tế về Luật biển. "Chúng tôi không muốn leo thang căng thẳng”, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói với báo giới. "Vì thế, những gì chúng tôi làm hiện tại là xem xét tình hình và đưa trường hợp này ra tòa án quốc tế”.
Cả Trung Quốc và Philippines đều khẳng định bãi cạn Scarborough nằm trong phạm vi chủ quyền của mình. Manila khẳng định nó nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines được Công ước LHQ về Luật Biển công nhận. Còn Bắc Kinh thì viện dẫn chủ quyền với bãi cạn này từ thế kỷ 13.
Bãi cạn xảy ra vụ đụng độ nằm cách tỉnh Zambales của Philippines 124 hải lý và cách tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) tới 472 hải lý. Đây là một trong số hàng trăm hòn đảo, bãi đá ngầm tranh chấp ở Biển Đông - vùng biển được tin là giàu trữ lượng dầu và khí, nguồn cá và có những tuyến vận chuyển quan trọng nhất thế giới. Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển này, dù Philippines và những nước khác cũng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.