Những số liệu về kinh tế Trung Quốc luôn bị nghi ngờ
Trước đó Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố thông tin khẳng định GDP nước này trong tháng 6 tăng trưởng 7,6% so với cùng kỳ 2011. Con số này thấp hơn mức dự báo 7,8% của các chuyên gia và là quý thứ 6 liên tiếp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, theo Forbes, những số liệu khác từ các nguồn độc lập cho thấy sự thật có lẽ còn kém lạc quan hơn.
“Ngoại trừ những con số đáng ngờ của NBS, chỉ có 2 dấu hiệu đáng hy vọng trong tháng 6. Trước hết đó là giá trị các khoản cho vay mới của các ngân hàng trong tháng trước đạt 919,8 tỷ nhân dân tệ (NDT). Con số so sánh của tháng 6 năm ngoái là 633,9 tỷ NDT. Thứ hai đó là doanh số xe khách bán được tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái”, bài báo viết.
“Tuy nhiên những tin tốt này lại bị xóa nhòa bởi những thông tin cho thấy các nhà sản xuất đang ép các nhà phân phối phải nhận những chiếc xe họ không thể bán để giữ cho “doanh số” ở mức cao. Hơn thế nữa, doanh số xe thương mại, một chỉ số then chốt, lại giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái”, tác giả phân tích trước khi đưa thêm dẫn chứng khẳng định kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc.
“Dữ liệu quan trọng nhất chính là sản lượng điện, chỉ báo đáng tin cậy nhất về tình hình kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 6, nước này sản xuất được 393,4 tỷ kWh, giảm nhẹ so với mức 396,8 tỷ của năm trước. Trong lịch sử, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện luôn cao hơn tốc độ tăng GDP, vậy nên hầu như chắc chắn kinh tế Trung Quốc đã suy giảm trong tháng qua”.
Tác giả Gordon G. Chang cho rằng xu hướng đi xuống này là phù hợp với chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) được HSBC công bố trước đó. Theo đó PMI trong tháng 6 đã sụt xuống 48,2 điểm so với mức 48,4 điểm của tháng 5. Số liệu của tháng 6 cho thấy kinh tế Trung Quốc đã có tháng suy giảm thứ 8 liên tiếp ở tất cả các lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất.
Sự sụt giảm của hoạt động sản xuất được phản ánh qua việc chỉ số giá nhà sản xuất tháng 6 giảm 2,1%. “Các nhà phân tích thậm chí còn đang nói đến hiện tượng giảm phát tại Trung Quốc. Và sự đi xuống này là phù hợp với tốc độ tăng khiêm tốn của lạm phát giá tiêu dùng. CPI tháng 6 chỉ tăng 2,2%, một sự thay đổi đáng kinh ngạc so với con số vốn đã thấp của tháng 5 là 3%”, tác giả khẳng định.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc cũng suy yếu thể hiện qua tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chỉ ở mức 6,3%, chỉ bằng một nửa con số dự báo của các chuyên gia. Tăng trưởng xuất khẩu dừng ở 11,3%, cũng không đạt mức kỳ vọng.
Một minh chứng nữa cho sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc đó là tăng trưởng “đặc biệt thấp” của cung tiền M1. Theo tiến sỹ Derek Scissors của Heritage Foundation, năm 2011, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 9,6% trong khi cung tiền M1 tăng tới 13,1%.
Năm nay, nếu khi những con số do NBS công bố là chính xác thì tương quan giữa GDP và M1 đã bị đảo ngược. “NBS khẳng định GDP trong nửa đầu 2012 tăng trưởng 7,8% nhưng cung tiền M1 chỉ tăng 4,7%. Trên thực tế, nhiều khả năng mối tương quan của năm 2011 vẫn được duy trì, và điều đó có nghĩa là GDP chỉ tăng dưới 4,7%. Và do kinh tế giảm tốc trong nửa đầu năm, tăng trưởng của tháng 6 phải ảm đạm hơn”, bài viết phân tích thêm.
“Dù vậy thì có lẽ cũng không cần đến những phân tích chuyên sâu của tiến sỹ Scissors thì mọi người cũng thấy được kinh tế Trung Quốc đang lao đao. Đơn giản là người ta không thể chấp nhận tuyên bố kinh tế tăng trưởng khi mà rất nhiều đồng đang chất thành núi tại các kho và quặng sắt cũng vậy. Và những chuyến tàu “ma” chở than là một dấu hiệu nữa cho thấy các con số tăng trưởng được Bắc Kinh “thổi phồng” đáng kể”, ông Gordon G. Chang viết.
Và trên hết, nhận định của chính một trong những nhà phân tích của chính Bắc Kinh cho thấy các nhà thống kê của chính quyền trung ương đang nói dối. “GDP trong quý 2 có thể giảm xuống dưới 7% nếu không có sự cải thiện đáng kể nào về dữ liệu kinh tế trong tháng 6”, Zheng Xinli, chuyên gia của Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế, một cơ quan tư vấn của chính phủ Trung Quốc nhận định hồi giữa tháng 6.
Và trên thực tế là đã không có sự cải thiện đáng kể nào về kinh tế trong tháng 6 ngoại trừ việc NBS quyết định kể một câu chuyện vui cho tháng này. “Tháng 6 lẽ ra phải là tháng kinh tế bắt đầu phục hồi bởi thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cố gắng thúc đẩy tăng trưởng suốt cả quý 2. Nhưng thực tế rằng nền kinh tế chẳng hề nhúc nhích trong tháng trước có nghĩa là chúng ta đã được thấy “cơn đau tim” mà các nhà phân tích e ngại.