Đang làm việc say sưa, chuông điện thoại reo vang, bạn liền nhấc máy và “alô”. Ngày nay, từ “alô” đã trở nên quá phổ biến trong “văn hóa điện thoại”, khiến người ta cảm thấy câu mở đầu của mỗi cuộc trò chuyện này hoàn toàn tự nhiên.
Nhưng có bao giờ bạn đặt câu hỏi: Từ “alô” có từ bao giờ?
Từ "alô" có trước khi điện thoại được phát minh.
Trên thực tế, từ “alô” có trong ngôn ngữ của loài người trước khi chiếc điện thoại ra đời. Đây là từ vốn được dùng trong ngôn ngữ của các thủy thủ ở những chuyến vượt đại dương. Nghĩa gốc của từ “alô” chính là mệnh lệnh: “Nghe này”.
Các thủy thủ thường nói “alô” qua những chiếc loa phóng thanh (bằng gỗ hoặc kim loại có vành miệng loe to) và hướng về những chiếc tàu mà họ muốn giao tiếp khi gặp trên biển hoặc đại dương.
Theo các nhà ngôn ngữ chuyên ngành từ nguyên học, từ "alô” có nguồn gốc xuất phát từ tiếng Anh. Đó chính là từ “hello” – có nghĩa là “xin chào”. Từ “hello” xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ XVI.
Bản thân từ “hello” trong tiếng Anh lại có nguồn gốc từ tiếng Đức, từ “hail” cũng có nghĩa là “xin chào”. Từ tương tự trong tiếng Pháp là “héler”.
Ngày nay, "alô" đã trở thành "đầu câu chuyện"
Người ta kể lại rằng, khi mới phát minh ra điện thoại, nhà sáng chế Alexander Graham Bell đã sử dụng từ “ahoy” làm câu chào mở đầu. Tuy nhiên, từ này đã dần biến mất và không còn được sử dụng như một phần của văn hóa điện thoại. Như chúng ta đã biết, ngày nay khi nhấc điện thoại lên là người ta thường nói
“alô”.