Chuyện shock 2013-10-07 02:40:39

Tục cõng người chết đi chôn của người Xê Đăng, khiếp vía


[size=6]Từ bao đời nay, rừng ma trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng trong tâm trí của nhiều người Xê Đăng sinh sống quanh chân núi Ngọk Linh giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.[/size]
Mỗi khi nhắc đến rừng ma, người Xê Đăng lại nghĩ đến thế giới âm u, lạnh lẽo và hoang vắng dành cho những người đã khuất. Bởi thế, khi cha mẹ chết, họ sợ “con ma rừng” bắt tội nên người con trai trưởng trong nhà phải đích thân cõng xác cha mẹ leo lên những triền núi cao trong cánh rừng ma chôn cất chu đáo…

Khu “đất thiêng” dành cho người quá cố

Mỗi khi đặt chân lên vùng đất Nam Trà My (Quảng Nam), chúng tôi không hết tò mò về một khu rừng ma của người Xê Đăng. Và cũng đã từng ấy lần chúng tôi thấy ái ngại khi có ý định nhờ người dân bản địa dẫn mình tới khu rừng ma kia để tận mắt chứng kiến.
Mô phỏng tượng chiến binh ngày xưa.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì rừng ma là một khu rừng cấm, rừng thiêng của bản làng, nơi đó là khu rừng dành riêng để chôn người chết bằng những chiếc quan tài bằng thân cây. Khi chôn, đầu người chết luôn hướng về phía bản để hồn ma không còn được quay về.

Cũng theo tập tục có tự bao đời quy định, của cải người sống như thế nào, khi chết sẽ được mang theo như thế. Thông thường vàng bạc, châu báu hay cái gì là vật dụng thân thuộc đối với người chết khi còn sống sẽ được bỏ vào quan tài cùng với thi thể. Họ quan niệm, người chết đi xuống dưới suối vàng sang thế giới bên kia cũng cần của cải, tiền bạc để sinh sống, chờ ngày linh hồn hoàn toàn siêu thoát về cõi tiên. Khi chôn xong vào khu vực rừng ma, người thân sẽ ra về và bỏ mặc trong vòng 1-2 năm mới quay lại. Thành ra, rừng ma còn gọi là rừng cấm.

Một số tài liệu nghiên cứu về dân tộc học đã ghi lại rằng, sở dĩ sau khi chôn cất cha mẹ xong, người Xê Đăng sẽ không trở lại thăm mộ nữa trong vòng 1-2 năm, là vì họ cho rằng, khi cha mẹ chết nếu con cái thường hay lui tới thăm viếng thì làm hồn cha mẹ vương vấn thế giới này, không chịu siêu thoát. Nếu hồn ma cha mẹ còn vương vấn sẽ bị đày tới 8 tầng địa ngục, mãi mãi không siêu thoát, mà có thể đầu thai làm kiếp người trở thành những kẻ độc ác. Đó là điều đáng sợ nhất tội nghiệp nhất cho cha mẹ họ. 

Khu rừng ma rất dễ nhận biết. Đó là khu rừng có những hòn đá nằm lởm chởm khắp nơi, nhiều hang đá, nhiều thân cây cổ thụ cao to, dây leo chằng chịt, cây cối mọc um tùm, hoang vắng đến lạnh người.

Tục cõng xác chết 

Không riêng gì người Xê Đăng mà tất cả các dân tộc khác sinh sống ở phía đông dãy Trường Sơn đều sợ linh hồn người chết. Vì vậy nên nghi thức và tập tục đem đi chôn cất phải tuân thủ và là điều đại kỵ không được làm trái. Khi đưa người chết ra khỏi nhà, những người khiêng người chết phải hướng chân đi trước, đầu ra sau. Đầu thường lệ là hướng về phía tây, phía mặt trời lặn. Khi đặt thi thể người chết xuống cũng như thế, đầu luôn hướng về phía mặt trời lặn. Làm như thế để linh hồn người chết theo ánh mặt trời lặn mà sang thế giới bên kia, không còn vướng bận, về quấy nhiễu người sống.
Già làng Xê Đăng.

Điều độc đáo trong nghi thức tang ma của người Xê Đăng là tập tục kỳ lạ về chôn người chết mà bây giờ vẫn còn lưu truyền, đó chính là tục cõng xác người chết đi chôn, mà người chết là cha mẹ thì con trai trưởng phải đích thân cõng đi. Đối với người Xê Đăng thì việc cõng xác cha mẹ đi chôn chính là một sự báo hiếu của con cái đối với cha mẹ của mình và linh hồn cha mẹ cũng nhanh được siêu thoát hơn.

Thực hiện việc cõng xác cha mẹ phải là người con trai trưởng trong gia đình. Và ngược lại nếu trong nhà người con chết trước người cha thì người cha phải làm nhiệm vụ là cõng người con đi. Còn trường hợp người cha chết trước mà người con còn quá nhỏ không thể thực hiện việc cõng cha được, thì việc đó được một người thân trong họ hàng giúp đỡ.

Luật tục người Xê Đăng không ghi rõ tục cõng người chết đi chôn có từ bao giờ, mà khi họ lớn lên đã thấy ông bà, người già trong làng truyền lại tập tục này. Điều mà họ biết về quan niệm của người Xê Đăng, mọi việc đến với con người là do sự sắp đặt của thần linh, thần linh chi phối tới cuộc sống. Một khi xuất hiện một cái chết của ai đó, thì đấy cũng chính là ý muốn của thần linh, có chống lại cũng không được. Vì vậy, việc thực hiện nghi thức cho người chết trước khi đưa về với thế giới thần linh cũng được chuẩn bị một cách rất cẩn thận và trang nghiêm. 

Việc đầu tiên mà mọi người làm cho người chết là vệ sinh, tắm rửa thật sạch sẽ, chọn một bộ đồ mới mặc vào. Sau đó được đưa tới nơi chôn cất, người thân trong gia đình, cha mẹ, con cái có trách nhiệm cao trong việc đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng. Và cũng không ai trong gia đình được khóc.

Đối với những người chết dữ (thắt cổ chết, tai nạn chết…) được chôn mặt nhìn về phái tây của ngôi làng. Người ta cho rằng, làm vậy con ma dữ không thể thấy được người sống để làm hại dân làng (làng của người sống ở về hướng đông của rừng ma hoặc nghĩa địa).

Người Xê Đăng không có tục chia của, cũng không cúng giỗ người chết. Khi chôn người thân xong, người ta trở về nhà với cuộc sống bình thường, lễ bỏ mả được thực hiện ngay khi chôn xong người chết. Chỉ khi có dịp quay lại nghĩa địa (thường là để chôn người khác), người ta mới đến thăm mộ người chết mà thôi.

Huyệt mộ được đào gồm hai phần: từ trên xuống có tiết diện hình vuông, mỗi cạnh khoảng 40cm. Phần huyệt này được đào sâu khoảng 1,5m. Sau đó, huyệt được khoét ngách vừa đủ để người chết nằm ngang, đầu quay về hướng tây. Chiều cao của huyệt từ đáy đến trần ngách ngang khoảng 60cm. Khi lấp đất người ta đặt một tấm gỗ vào nơi bắt đầu khoét ngang trước khi đổ đất xuống huyệt. Người ta tránh không để đất rơi xuống thi thể, đặc biệt là không để mặt và phần trên của thi thể người chết tiếp xúc với đất. Sự cẩn trọng khi lấp đất thể hiện thái độ trân trọng, thương tiếc của dân làng đối với người mất.

Rừng ma và nỗi ám ảnh

Đến nay, nhiều câu chuyện về rừng ma nghe có vẻ hoang đường nhưng bất cứ ai khi nghe cũng… lạnh người. Những người bạn mà chúng tôi quen lâu nay mỗi khi nhắc lại những ký ức một thời ở rừng đều cảm thấy khiếp vía. Họ đã thực sự du nhập được cuộc sống của thành phố. Suy nghĩ về ma rừng cũng có phần bớt sợ hãi hơn. Thế nhưng cũng chỉ dám dắt chúng tôi tới bìa rừng chỉ về phía xa đó là rừng ma, ngoài ra không dám đặt chân tới.
Quan tài người chết bằng thân cây được chạm trỗ rất công phu.

Hỏi một người già trong làng về rừng ma và con đường đi tới đó. Ông nói: “Tìm con ma rừng làm gì? Người chết rồi là thần linh đưa đi rồi, không còn liên quan gì tới làng nữa. Làng cũng để cho ma rừng được yên trong thế giới của họ, không thì sẽ phải gặp tai ương. Từ nhỏ, ta đã nghe câu chuyện về một gã trai làng ương ngạnh, dám vào rừng ma đốn củi. Gã nhìn thấy con heo rừng, răng đang cắm phập vào sọ người. Về đến làng thì hộc máu tươi rồi lăn ra chết. Vợ gã lại sinh hạ một quái thai đầu người, mình thú. Năm ấy, làng cũng gặp đủ tai ương, phải đốt làng, đi nơi khác dựng lại nhà mới mong được yên”.

Men theo bước chân từ đỉnh núi Ngọk Linh (thuộc xã Trà Linh) về tới Trà Nam cách thị trấn Pắc Pỏ (huyện Nam Trà My) hơn 20km đường núi, chúng tôi nhìn thấy một dãy nhà nội trú xây dựng kiên cố, bị bỏ hoang, trong khi học trò dựng lều tạm trọ học gần trường. Thậm chí, không một người Xê Đăng nào dám đến gần khu nhà nội trú. 

Đó là vào đêm 29.9.2009, một thầy giáo công tác lâu năm trong trường kể lại: “Hôm đó khoảng 10 giờ đêm, chúng tôi nghe một tiếng ầm rất lớn, tưởng đá núi đè sập khu nhà ở của cán bộ, giáo viên trong trường. Nhưng chẳng ngờ lũ quét lại tấn công khu nội trú của học trò, nguyên một vạt đồi đổ ập xuống hai phòng đầu tiên của dãy nhà đã đè chết một em học sinh đang ngủ. Phải vận động lắm gia đình em học trò xấu số mới chịu làm mai táng cho con. Còn với người Xê Đăng, họ không bao giờ dám đến dãy phòng học đó nữa, đừng nói chi là ở. Dù nhà trường đã làm đủ cách”.

Một buổi làm việc tại trường, chúng tôi cũng đã nhận ra được không một học trò nào dám bén mảng đến khu nội trú. Và những ánh mắt trẻ con nhìn theo khi chúng tôi bước vào trong dãy nhà đầy sợ sệt, lấm lét. Không chỉ có vậy, những cán bộ giáo viên từ miền xuôi lên miền núi công tác cũng cảm thấy thiếu tự tin khi tới đây.

Những truyền thuyết đầy bí ẩn về rừng ma và nỗi khiếp sợ về cái chết vẫn còn tồn tại trong các bản làng người Xê Đăng. Có lẽ phải nhiều năm nữa, nhiều thế hệ nữa, khi các con cháu của họ được học hành, tiếp xúc với văn minh, những hủ tục lạc hậu mới dần được xóa bỏ. 
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)