Chuyện lạ 2011-12-12 15:11:19

Tướng cướp BHĐ kì 2 nè ACE VY..!!!


[size=1]'Trộm đa tình' Bạch Hải Đường và những vụ đột nhập khó tin[/size]Tên tuổi của “tướng cướp đa tình” Bạch Hải Đường nổi lên như cồn trong giới giang hồ khắp miền Nam thời trước giải phóng khi hắn thực hiện 2 vụ đột nhập kinh điển, thuộc loại “vô tiền khoáng hậu”.

Tháng 4/1974, báo chí Sài Gòn liên tục đưa tin về việc tư dinh của ông S. một dân biểu đại diện nhóm Bảo an đoàn trong quốc hội của chế độ cũ và nhà của đại úy Triệu - phó chỉ huy cảnh sát An Giang của chế độ cũ bị kẻ gian đột nhập lấy đồ đạc và vũ khí.

Chắc chắn, đó là sự kiện gây chấn động báo giới và chính quyền Sài Gòn, bởi lẽ, hai nhân vật trên nắm những vị trí rất quan trọng trong hạ viện và cơ quan hành pháp. Việc bảo vệ tư dinh của họ chặt chẽ, có vũ trang cẩn thận. Những đồn đoán, tranh cãi lại được dịp nổ ra nhưng không nhiều người vào thời điểm đó biết được chân tướng của sự việc.

Hai vụ đột nhập làm nên tên tuổi Bạch Hải Đường

Khi bị bắt vào tháng 7/1975, Bạch Hải Đường đã khai lại rất kỹ trong bản cung về hai vụ đột nhập lừng danh này. Tháng 3/1974, hắn và đàn em tên Năng chui ống nước đột nhập vào nơi đại biểu S. đang ở, lấy đi một cái túi rồi đi ra. Trong cái túi có đồng hồ, tiền bạc… và còn có một khẩu súng ngắn rất đẹp mà chỉ khi về đến nhà Bạch Hải Đường mới biết.

Cuộc đột nhập vào tư dinh của nghị viên ngay giữa trung tâm thị xã Long Xuyên thực sự là một vụ án “long trời lở đất”, được đồn đoán là “có màu sắc chính trị” này bị cảnh sát ráo riết truy lùng. Tuy nhiên, chẳng ai biết được rằng, đó chỉ là sự tình cờ “ghé thăm” của “siêu tội phạm” Bạch Hải Đường. Những cuộc bắt bớ, hỏi cung liên tiếp diễn ra vì dân biểu S. phẫn nộ và muốn dằn mặt các đối thủ chính trị có nghi ngờ thực hiện vụ đột nhập ấy.

Hình ảnh Bạch Hải Đường trong trại giam

Kỳ thực, Bạch Hải Đường chỉ coi đó là một dịp kiếm miếng ăn, không hề vì một “âm mưu chính trị” nào cả. Đêm đó, hắn “ghé thăm” căn nhà bên cạnh, rồi tiện thể “đến chơi” nhà đại biểu S. Là dân ít học, không hiểu biết, không đọc báo, Bạch cũng không biết vụ trộm của mình lại gây “tiếng vang” đến thế, lại càng không biết dân biểu L.P.S là ai, quyền lực của ông ta như thế nào.

Khoảng 20 ngày sau, Bạch Hải Đường lại làm “nát óc” giới cảnh sát An Giang thêm một lần nữa. Lần này, Bạch Hải Đường ghé thăm nhà đại úy Triệu, Phó chỉ huy lực lượng cảnh sát Long Xuyên, một sĩ quan giàu có, rắn mặt, nỗi sợ hãi của tất cả các tay anh chị ở An Giang. Bạch Hải Đường biết đại úy Triệu, càng biết lời thách thức của ông ta đối với đám lưu manh khắp miền Nam “Ai vào được nhà đại úy Triệu lấy được bất cứ thứ gì thì Triệu sẽ… tặng thêm cho 100 cây vàng”.

Những viên cảnh sát chế độ cũ

Ngay cả viên đại úy này cũng không thể ngờ được rằng, sẽ có một đêm, Bạch Hải Đường đã vào tận chỗ ngủ của ông ta lấy đi một chiếc ti vi và mấy bọc quần áo. Sau đó, theo thói quen, Bạch Hải Đường xuống bếp mở tủ lạnh để ăn khuya rồi… đại tiện ngay trước cửa nhà khổ chủ (lần nào nhập nha hành nghề, Bạch Hải Đường cũng ăn rồi… đi bậy trước cửa nơi hắn ăn trộm).

Đây là một câu chuyện có thật đã được thêu dệt vào phim ảnh, sách truyện, sân khấu… Còn kỳ thực thế nào, chưa có ai đến nay xác minh được việc Bạch Hải Đường đột nhập vào nhà đại úy Triệu để ăn trộm vì kiếm ăn hay vì lời thách thức của viên sĩ quan thế lực.

Sáng sớm, phát hiện mất cắp, nhìn thấy tủ lạnh tan hoang và đống cặn bã trước cửa nhà, đại úy Triệu vừa tức giận, vừa hoang mang và lo sợ. Một cuộc bố ráp khủng khiếp ngay lập tức được tiến hành trên quy mô toàn thị xã Long Xuyên. Qua xác minh từ đám giang hồ, đại úy Triệu đã biết người thực hiện vụ trộm chính là Bạch Hải Đường. Bạch đành phải lánh về Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng… để khỏi bị bắt.

Đại úy Triệu đến nhà Bạch với súng ống và lính tráng. Sau khi hỏi mẹ ruột của Bạch Hải Đường về nơi tiêu thụ đồ ăn cắp, viên sĩ quan cảnh sát phải lọ mọ đi chuộc về. Mấy lần bắt Bạch bất thành, đại úy Triệu cho đăng báo với nội dung: “Nếu ai bắt được Bạch Hải Đường sẽ thưởng 50 nghìn đồng”. Vô tình, ông ta thêm một lần nữa quảng cáo cho thương hiệu của tên “siêu trộm”.

Qua đến Sóc Trăng, thấy chuyện đã êm xuôi, Bạch Hải Đường quay lại Long Xuyên. Nhưng tên tội phạm liều lĩnh này đã không gặp may khi bị đại úy Triệu bắt giữ vì tính đa tình, lăng nhăng mà người chỉ điểm chính là vợ hắn, bà Nguyễn Thị Lệ.

Những người đàn bà trong đời Bạch Hải Đường

Trong bộ phim “Săn bắt cướp” nổi tiếng vào những thập niên cuối của thế kỷ 20, “người tình trong mộng” của Bạch Hải Đường là “nữ tu sĩ Băng Thanh”. Kỳ thực, Bạch Hải Đường đúng là một người đào hoa. Cao ráo, đẹp trai lại có máu phiêu lưu từ huyết quản, Bạch Hải Đường được phụ nữ mến mộ và cũng sẵn sàng vì đàn bà mà lao vào phạm tội. Tất cả những vụ trộm đinh đám hắn gây ra đều do hắn cần có tiền để cung phụng họ.

Năm 19 tuổi, Bạch Hải Đường, khi ấy còn là Nguyễn Ngọc Truyện, đã kết hôn với người vợ đầu tiên là Hồ Thị Lãnh; nhưng người mà hắn yêu thương nhất lại là bà Nguyễn Thị Lệ. Ông nhà báo già N.H, người kể lại với chúng tôi về câu chuyện của Bạch Hải Đường nói vui: “Bà Lãnh là người cần cù, chịu khó, lo toan, yêu chồng và thương con, nhưng “Lãnh” theo tiếng Hán – Việt tức là “lạnh”, “Lệ” có nghĩ là “nước mắt”. Có lẽ, cuộc đời của Bạch Hải Đường từ lúc sống cho đến khi chết cũng chẳng có mấy ngày vui; cỗ quan tài lúc sang thế giới bên kia cũng lạnh lẽo, chẳng có lấy một giọt nước mắt những người đàn bà hắn hết lòng yêu thương. Đôi khi, họ còn phản hắn”.

Một con phố của Sài Gòn những ngày trước giải phóng

Bắt đầu cuộc hôn nhân với bà Lãnh, quê Cần Thơ, cũng chính là lúc Bạch bắt đầu tung hoành. Đạp xe lôi nuôi vợ con cũng phải lén lút vì nghề xe lôi thời đó bị cấm. Vất vả, cơ cực là thế nhưng cũng chẳng thể là lý do biện minh cho việc Bạch Hải Đường lao vào con đường tội lỗi. Đối với bà Lãnh, Bạch Hải Đường dường như là kẻ bội bạc, số tiền phi pháp hắn kiếm được đều được nướng vào bài bạc, gái gú. Vợ chồng chia tay nhau sau thời gian ngắn chung sống, bà Lãnh và hai đứa con trai cần có một sự đảm bảo cho tương lai.

Bạch Hải Đường còn yêu say đắm Nguyễn Thị Lệ, quê ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Tình yêu này có lẽ là chủ đề để các nhà làm phim, nhà văn, nhà báo… xây dựng nên những chuyện tình của tên tướng cướp đào hoa. Khoảng năm 21 tuổi, hắn quen Lệ, lúc ấy đang làm nghề buôn bán ở Long Xuyên. Đó là một cô gái đẹp, và Bạch thì si mê Lệ đến điên cuồng. Trong các bản cung khai sau này, Bạch cho biết, hắn đã bỏ ra không ít tiền để “nuôi” người đẹp. Sự cung phụng của hắn đối với Lệ không hẳn là đủ khiến hắn từ bỏ tính lăng nhăng.

Lệ yêu Bạch Hải Đường, thế nhưng, Bạch Hải Đường cũng chính vì Lệ mà bị đại úy Triệu “tóm cổ”. Sau khi hắn từ Sóc Trăng về Long Xuyên, vì ghen tuông với những cô gái qua đường của gã họ Bạch, trong lúc hắn đang ngủ, Lệ đã lẻn đi trình báo với cảnh sát Long Xuyên. Lập tức, Bạch Hải Đường bị vây bắt. Tuy nhiên, đối với một kẻ có bản lĩnh như Bạch Hải Đường thì chẳng có vấn đề gì. Trên xe áp giải, hắn tấn công và hạ gục hai viên cảnh sát và viên tài xế rồi tự tháo còng, rồi trốn thoát.

Dẫu vậy, hắn và Lệ vẫn yêu nhau. Khoảng tháng 8/1974, trong lúc đi đánh bạc, Bạch bất ngờ bị một số phế binh của quân đội chế độ cũ phát hiện và bắt giữ, giao cho cảnh sát Long Xuyên. Được dịp, đại úy Triệu “dành tặng” hắn một trận đòn thừa sống thiếu chết. Khi ấy, Lệ bế đứa con (tên Trò) đến đồn cảnh sát khóc lóc, van xin. Hôm tòa xử Bạch Hải Đường một năm tù giam, Lệ bồng con đưa qua cửa sổ đưa cho Bạch bế lần cuối trước lúc bị giải vào nhà lao.

Có thể, Bạch Hải Đường từng có những lúc muốn hoàn lương, quay về sống một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc với Lệ và đứa con trai. Nhưng cũng có thể, hắn đã lún quá sâu vào tội lỗi, không nhấc chân ra được nữa. Sau giải phóng, Bạch Hải Đường được tự do, nhưng hắn và Lệ đã không còn quay lại với nhau thêm lần nữa.

Diễn viên Thương Tín, người đã vào vai Bạch Hải Đường trong bộ phim "Săn bắt cướp" nổi tiếng

Ra tù, lang thang ở Long Xuyên, Bạch Hải Đường về ở tạm nhà một người bạn và tiếp tục ‘say như điếu đổ” người em gái của bạn mình. Vũ Thị Huệ khi ấy mới chỉ 17 tuổi. Để chiều lòng người đẹp cho “bằng chị bằng em”, Bạch không kiếm cho mình một nghề lương thiện mà tiếp tục trộm cắp để cung phụng Huệ.

Bạch Hải Đường đột nhập thẳng vào các cơ quan mới được Cách mạng tiếp quản và tiếp tục lôi về quần áo, quạt máy, máy may, radio… Thậm chí, có lần, hắn còn vào thẳng khách sạn để ăn trộm tư trang của một đoàn cán bộ về Long Xuyên công tác. Cuối tháng 6/1975, Bạch Hải Đường bị chính quyền Cách mạng bắt lần đầu. Nhưng, vì nhớ Huệ, hắn lại tổ chức trốn trại với 2 đối tượng khác, để lại mảnh giấy có nội dung: “Xin Cách mạng thông cảm và tha lỗi cho tôi. Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi mới trốn, và tôi hứa là về sẽ tăng gia sản xuất để sống. Tôi không phạm tội nữa – ký tên Bạch Hải Đường”.

Suốt 3 năm trời (1975-1978) phục vụ Huệ, nhưng rồi trong một lần “làm ăn” xa trở về, Bạch Hải Đường cay đắng khi hay tin cô ta đã có người tình khác. Bởi vì, khi ấy, hắn đã hết thời, không còn là Bạch Hải Đường lừng lẫy khiến bao người phải lo sợ hay mến mộ.

Những cay đắng ấy hằn lên thân thể của tướng cướp họ Bạch. Tám chữ “Thương người quân tử - Hận kẻ bạc tình” được xăm trên người hắn cạnh hình con dao đâm vào trái tim máu như ghi lại những vết đau đời. Sau ánh hào quang của vật chất và những “vinh quang” được giới giang hồ xưng tụng, Bạch Hải Đường là kẻ thất bại chốn tình trường. Cuộc đời hắn cho đến những phút sau cùng cũng chẳng có gì nhiều hơn nỗi cô đơn và buồn tủi.

(còn tiếp)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)