Chuyện shock 2011-08-26 13:33:09

Ước Gì Lớp THi Của Mình Cũng Đc Zậy!


Các thí sinh lần lượt rời phòng thi, chỉ còn lại phóng viên và lác đác vài thí sinh. Chán nản, phóng viên đem bài “trắng kiến thức” lên nộp. Mặt đối mặt với vị nam giám thị, phóng viên bỗng nhận được câu hỏi: “Em có phải là người của anh Hưng không?”. Phóng viên gật đầu cái rụp. Lập tức, vị giám thị đưa cho phóng viên một bài thi của thí sinh khác với lời nhắn: “Xuống chép đi!”.



Các thí sinh dự thi môn Quần vợt, Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, được thi cùng phòng trong các môn thi văn hóa. Trong cả hai môn Sinh học và Toán học, khung cảnh trong phòng thi hoạt náo không khác gì một… phiên chợ với sự tiếp tay đắc lực của các vị giám thị.

Sự “thành thật” bất ngờ

Sáng 9/7/2011, phóng viên đến Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh để dự môn thi đầu tiên - môn Sinh học. Khi phóng viên bước vào phòng thi số 108, các thí sinh khác đã yên vị theo số báo danh. Vị trí ngồi của phóng viên là bàn trong cùng của dãy đầu tiên. Có một điểm khá đặc biệt đó là các thí sinh thi vào ngành Quần vợt đều được sắp xếp cho ngồi… cùng phòng thi (có 2 phòng thi cho hơn 70 thí sinh dự thi).

Trong thời gian chờ phát đề thi, các thí sinh tự do trò chuyện rôm rả với nhau. Ngồi bàn ngay sau phóng viên là 3 thí sinh, trong đó có Nguyễn Tất T. (số báo danh 32xx) và Nguyễn Thị Huyền T. (số báo danh 32xx). Trong câu chuyện, thí sinh nam Tất T. thành thật: “Người nhà của mình là cán bộ lãnh đạo trường này. Mình thi văn hóa để chống điểm liệt thôi. Kiểu gì cũng đỗ vì mình được “chạy” rồi”. Đáp lại, nữ sinh Huyền T. cũng “thật” không kém: “Em cũng “chạy” vào trường này. Thi (văn hóa - PV) chỉ để chống liệt thôi”. Nghe vậy, phóng viên cũng quay xuống nhanh nhẩu giới thiệu: “Mình cũng “chạy” trường…”.

Giám thị (đánh dấu x) nhỏ to với thí sinh
Sau này, khi tiếp tục dự thi các phần khác, phóng viên đã có dịp tiếp xúc nhiều hơn với các thí sinh thi cùng ngành Quần vợt. Trong đó có ít nhất 2 thí sinh thừa nhận thuộc diện “chạy” trường. Đó là trường hợp của thí sinh Nguyễn Viết D. (có hộ khẩu tại Hà Nội) và thí sinh Nguyễn Văn S. (hộ khẩu tại Hải Dương).

Qua trò chuyện, các thí sinh thường nói với nhau về 2 “gói” “chạy” trường. “Gói” thứ nhất là chỉ chạy phần thi văn hóa hoặc phần thi năng khiếu, chi phí 25-30 triệu/thí sinh. Người có nhu cầu “chạy” “gói” này thường thuộc diện vận động viên được miễn thi năng khiếu nhưng học dốt các môn văn hóa. “Gói” thứ hai là chạy toàn bộ từ A đến Z như trường hợp của phóng viên, giá dao động quanh mức 60 triệu/suất đỗ.

Những giám thị “vui tính”

Trở lại với diễn biến trong phòng thi. Bước vào khoảng thời gian chính thức, các thí sinh nhận được đề thi trắc nghiệm với 60 câu hỏi. Đảm nhận công tác trông thi ở phòng 108 có hai giám thị, giám thị một tên là Nguyễn Đình Chung, giám thị hai là Lý Đức Trường.

Dường như không phải bận tâm nhiều lắm về thí sinh nên thi thoảng hai cán bộ này lại nói chuyện riêng cùng nhau hoặc thong thả đi ra ngoài. Gần cuối giờ thi, một giám thị còn xuống chỗ một thí sinh ngồi ngoài cùng của bàn thuộc dãy ngoài cửa phòng thi để hỏi han, to nhỏ một lúc. Thậm chí, có lúc cả hai giám thị đều đi ra ngoài cửa phòng thi để tán chuyện với một người đứng ngoài, khiến trong phòng thi không còn bị giám sát.

Hai giám thị phòng thi bỏ ra ngoài "buôn chuyện" với giám thị hành lang
Sau khi "tích bừa" vào các phương án của các câu hỏi trắc nghiệm, phóng viên ung dung nộp bài thi và ra về bởi thi trắc nghiệm thì có ai bị điểm 0 bao giờ?

Chiều cùng ngày - 9/7, phóng viên bước vào phòng thi môn Toán. Lần này, hai giám thị có một nam (Ngô Hải Hưng), một nữ (Trần Thị Tô Hoài). Phóng viên được sắp xếp ngồi dãy cuối cùng trong phòng thi. Ban đầu, phóng viên ngồi một mình một bàn. Sau đó, có một thí sinh nam tên Nguyễn Văn S. được chuyển xuống ngồi cùng bàn phóng viên.

Để “phát tín hiệu” cho các giám thị biết mình thuộc diện “đặc biệt”, sau khi nhận đề thi, phóng viên gục mặt xuống bàn giả vờ… ngủ một giấc.

Chừng nửa tiếng trôi qua, phóng viên ngồi dậy một cách ngay ngắn nhưng liên tục “gặm” bút và hướng ánh mắt cầu cứu về phía các giám thị. Trong thâm tâm, phóng viên tin chắc rằng kiểu gì họ cũng sẽ giúp mình “vượt qua thử thách” trong môn thi hóc búa này.

Tuy nhiên, phóng viên đã bất ngờ vì đáp lại “thông điệp kêu cứu” này là sự bàng quan của các giám thị. Không quan tâm đến phóng viên, nhưng giám thị Ngô Hải Hưng lại thường xuyên tới gần một số thí sinh khác để thì thầm điều gì đó vào tai họ. Cùng với đó, giám thị Hưng đưa tay kín đáo về phía thí sinh. Không rõ chuyện gì đã xảy ra do phóng viên bị hạn chế về khoảng cách và góc quan sát, nhưng cứ sau mỗi lần như vậy, 2 thí sinh trên lại cặm cụi làm bài.

Vị nữ giám thị Trần Thị Tô Hoài cũng có những biểu hiện khá lạ lùng khi một vài lần tiếp cận và nhỏ to với thí sinh. Thậm chí, có lúc vị nữ giám thị này còn lại gần và ném một tờ giấy nhỏ về phía một nữ thí sinh…

“Cứu tinh” xuất hiện phút chót

Đã quá nửa giờ làm bài thi. Phóng viên bắt đầu lo lắng về “năng lực chuyên môn” của đường dây “chạy” trường mà mình đã trao gửi niềm tin. Do học rất dốt môn Toán, trên tờ giấy thi của phóng viên khi đó chỉ độc có vài dòng chữ ghi đề bài của câu 1 và chữ “Bài giải” được ghi theo đúng mẫu mà giảng viên Hưng đã hướng dẫn.

Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” đó, phóng viên càng sốt ruột khi nhìn về cảnh náo loạn phòng thi bao quanh mình.

Ở dãy bàn cạnh cửa phòng thi, một thí sinh nam quay hẳn xuống bàn dưới để nói chuyện, để nhìn bài thi của bạn rồi quay lên… hì hụi “làm bài”.

30 phút trước khi hết giờ, một thí sinh nữ ngồi ở bàn thứ 3 từ dưới lên nộp bài thi. Sau đó, thí sinh này quay trở lại một bàn ở dãy cuối để… nói chuyện và cầm bút ghi cái gì đó lên giấy nháp của một thí sinh khác. Hành động này đáng ra phải bị lập biên bản vì đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi nhưng thay vào đó, giám thị Ngô Hải Hưng chỉ quát to: “Này này cái cô kia! Nộp bài rồi thì đi ra ngoài!”. “Nhận lệnh” của giám thị, thí sinh vội vã “biến” khỏi phòng thi.

Thí sinh nộp bài rồi quay xuống “gà” bài cho các bạn
Còn khoảng 25 phút, các thí sinh lần lượt ra khỏi phòng thi. Chỉ còn phóng viên và lác đác vài thí sinh. Chán nản, phóng viên đem bài “trắng kiến thức” lên nộp.

Mặt đối mặt với vị nam giám thị, phóng viên bỗng nhận được câu hỏi: “Em có phải là người của anh Hưng không?”. Mừng hú, phóng viên gật đầu cái rụp. Lập tức, “cứu tinh” Ngô Hải Hưng đưa cho phóng viên một bài thi của thí sinh khác với lời nhắn: “Xuống chép đi!”.

Chỉ chờ có vậy, phóng viên lập tức cầm bài thi này về bàn rồi khẩn cấp “sao y bản chính”. Vài phút trôi qua, phóng viên đã chép được lời giải cho… 3 bài toán! “Thế cũng là quá đủ tránh điểm liệt rồi” - phóng viên tự nhủ như vậy rồi hí hửng quay lên gặp 2 vị giám thị để nộp bài.

“Còn mấy câu nữa nhưng em không chép nữa đâu. Thầy cho e nộp bài”- phóng viên “báo cáo”. Đáp lại là tiếng “Ừ, ừ!” của hai vị giám thị.

Rời phòng thi, phóng viên thở phào nhẹ nhõm đồng thời “phục sát đất” ê-kíp “chạy” trường mà mình đã lựa chọn. Cái việc mua suất vào đại học tưởng khó hơn lên trời, vậy mà họ nói được là… làm được! Vậy là, trước mắt phóng viên chỉ còn một thử thách khó khăn nhất trên lý thuyết nhưng lại nhẹ nhàng nhất theo giao kết của Thuyên và đồng bọn: Phần thi năng khiếu!

“Chúng nó” là ai?


Chiều tối 9/7/2011, theo lời dặn của Hưng - vị giảng viên do “cò” Thuyên dẫn mối, phóng viên đã quay lại gặp Hưng để báo cáo tình hình làm bài thi và nộp lại tờ giấy nháp ghi lại chữ “Bài giải” theo hướng dẫn của ê-kíp “chạy” trường.

Lúc gặp Hưng, phóng viên giả bộ thất lạc tờ giấy nháp này. Lập tức, Hưng gắt gỏng: “Sao chúng nó cầm được về đây mà mày không cầm về?”. Lấy cớ quay lại phòng thi (cách nhà Hưng khoảng vài trăm mét) để tìm kiếm, phóng viên ra ngoài khoảng 10 phút rồi đưa tờ giấy nháp ấy cho Hưng. Lúc này, giảng viên Hưng mới vui vẻ nói: “Mày là hơi VIP đấy! Được hẳn Trưởng bộ môn giúp đỡ”.

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)