(Dân trí) - Cha mẹ “đứt gánh giữa đường” bỏ mặc Hoài Thanh mới 3 tuổi cùng chị gái sống lay lắt ngoài chợ với cô ruột. 17 tuổi, em bị tai nạn giao thông gãy đốt sống, dập tủy. Chàng trai trẻ đang đối diện với viễn cảnh nằm liệt giường…
Cái nóng hầm hập của buổi trưa cuối tháng 5 bao phủ căn nhà tuềnh toàng cuối con hẻm cụt. Gọi là nhà nhưng thực chất đó là miếng đất bỏ trống người ta cho mượn, mấy cô cháu Thanh dựng vài tấm tôn cũ, bìa carton và phủ miếng bạt để ở tạm.
Hoài Thanh nằm đó, khuôn mặt xanh xao, nhợt nhạt ngoảnh vào trong. Nửa thân người phía dưới không còn cảm giác, hai tay em cũng không đủ sức để xua con muỗi, con kiến bò lên mặt. Câu ước nguyện “Em chỉ ước đi được lại bình thường” cất lên bằng giọng yếu ớt đến nỗi người khác phải ghé sát mới nghe thấy.
17 tuổi, bao ước mơ của Hoài Thanh còn dang dở
“Trời nắng còn đỡ chứ trời mưa là “chạy như chạy giặc”. Chỉ tội thằng Đen (tên ở nhà của Hoài Thanh) nằm một chỗ, không có ai tới giúp thì đành chịu ướt” - Thu Trúc, chị của Hoài Thanh rưng rưng.
Thu Trúc năm nay 23 tuổi, cái tuổi xanh mơn mởn của người con gái nhưng vì thuộc“giới tính thứ ba” nên Trúc có phần tự ti. Dẫu vậy, em cũng cố gắng học hết 12. Sau tốt nghiệp, Trúc đi phụ hồ 2 năm rồi xin vào khu chế xuất. Làm chưa lâu, thì phải nghỉ việc để chăm em.
Khi hỏi Trúc có muốn chuyển giới hoàn toàn không thì Trúc ngập ngừng: “Có lẽ thôi chị ạ! Biết đâu ông trời sắp đặt như thế để giờ em mạnh mẽ hơn, có thể chăm sóc cho em trai” - Trúc cười chua chát nhưng đôi mắt lặng buồn.
Từ nhỏ đến giờ, nơi ngủ của mấy cô cháu là chiếc võng và kệ, sập ngoài chợ
Cha mẹ bỏ đi, Trúc và Thanh lớn lên trong tình thương của cô ruột. Những tưởng hai chị em trưởng thành rồi sẽ báo đáp công ơn dưỡng dục của cô, nào ngờ…
Chỉ với 3 tháng Hoài Thanh nằm viện, người cô đã vay mượn gần cả trăm triệu. Khi không thể vay nữa, cả nhà đành nuốt nước mắt đưa em xuất viện.
Bs Lê Hoàng Dũng, khoa Tổn thương - Tủy sống, BV Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Quận 8, cho biết: “Sau khi cấp cứu ở bệnh viện 115, Hoài Thanh liệt tứ chi, phải mang nẹp ở cổ, đi tiểu qua ống xông và loét ở mông. Qua một thời gian điều trị, hai tay bệnh nhân đã có thể cử động nhẹ, vết loét đỡ hơn. Nhưng vì cạn kiệt về tài chính nên gia đình đã cho em về nhà. Còn nước còn tát, chúng tôi rất mong em Thanh mau chóng trở lại. Trong trường hợp xấu nhất là bệnh nhân không thể hồi phục hoàn toàn, chúng tôi sẽ giúp em có khả năng tự phục vụ, không phải phụ thuộc nhiều vào gia đình. Vì vậy, rất mong em Thanh có thể theo đến cùng việc chữa trị”.
“Mấy đứa ơi, đêm qua trời mưa, quần áo ướt hết rồi…”
Đôi mắt đỏ hoe, bà Song, cô ruột của Thanh kể: “Ngày trước, gia đình tôi buôn bán cá ở chợ Tân Thuận. Vì thua lỗ nên bán nhà trả nợ rồi tá túc ngoài chợ bán bánh trái sống qua ngày. Cùng lúc đó, cha mẹ thằng Đen bỏ chị em nó cho tôi. Ở chợ hơn 10 năm thì chợ xây mới, không cho ngủ lại nữa nên dọn về đây. Đói khổ tôi quen rồi, nhưng giờ nhìn thằng Đen mà thắt gan thắt ruột”.
Người đàn bà sống hơn nửa cuộc đời lầm lũi chưa một phút an nhàn. Giờ đây, bà còn bị bệnh cao huyết áp, u gan, rối loạn tiền đình. Chồng bà cũng bị tai biến mạch máu não nên đành buông xuôi hành trình chữa bệnh cho cháu trai.