Xoay quanh chuyện bác sĩ Kim Dung vá trinh miễn phí cho những cô gái lầm lạc, những cô gái đã từng bị xâm hại có nhiều ý kiến trái chiều. Có người thì kịch liệt phản đối và cho rằng đó là “tiếp tay cho lừa dối”, có người lại thẳng thắn bày tỏ sự ủng hộ… Báo Phunutoday đã trao đổi một cách nghiêm túc nhưng cũng rất cởi mở với một số khách mời và đã nhận được những ý kiến như sau:
PGS. TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình: “Mọi người không nên đánh lận con đen”
[justify]Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình, một chuyên gia nghiên cứu Xã hội học cho rằng:[/justify]
“Đó là chuyện bình thường. Vá màng trinh không có khái niệm xấu hay tốt mà có thể coi là một tiến bộ của y học, giúp người phụ nữ tự tin hơn, khắc phục nhược điểm nếu cơ thể bị khiếm khuyết. Đó cũng là một cách để giúp cho các đôi vợ chồng có cảm giác hứng khởi khi lần đầu đến với nhau.
Không nên cho rằng cứ “vá màng trinh” là tiếp tay cho kẻ xấu vì nếu người nào đã có ý lừa đảo, gian dối, đã “mất mát” rồi mà vẫn có thể “làm lại” để đi lừa người, thì dẫu có là màng trinh nguyên thủy hay màng trinh nhân tạo thì cũng vẫn có cái tính ấy. Mọi người không nên “đánh lận con đen”, nghĩ rằng đó là một việc làm gian dối.
Về việc tái tạo màng trinh cho phụ nữ bị xâm hại, các em bé bị lạm dụng, nếu có thể giúp đỡ miễn phí những đối tượng ấy, tôi hoàn toàn hoan nghênh. Theo tôi, việc làm này rõ ràng có tác động tích cực, cả về mặt sinh học lẫn tâm lý con người, đặc biệt là về khía cạnh tâm lý.
Có thể sau khi làm thủ thuật, họ vẫn có mặc cảm mang “của giả” đến với bạn đời của mình, nhưng người ta vẫn vững tin hơn. Sau này, khi đã đến với nhau, thật sự tin tưởng, yêu thương, sống tình nghĩa với nhau thì hoàn toàn có thể nói lại câu chuyện đó để thấu hiểu, cảm thông cho nhau.
Nhưng buổi ban đầu, điều đó cũng cần thiết, không mang nghĩa giả dối. Nếu những người thầy thuốc có tâm đức như vậy thì điều đó là đóng góp rất lớn để giải tỏa tâm lý, tác động tích cực tới những người phụ nữ đã chịu tổn thương, thiệt thòi, bởi người phụ nữ dù có bị xâm hại, cưỡng bức thì cũng được an ủi rằng mình vẫn còn trong trắng.
Ở phương diện một người đàn ông mà nói, trong đêm tân hôn, nếu tình cờ phát hiện ra bạn đời của mình đã từng “vá cái ngàn vàng”, nếu thấy đối tác vẫn quanh co, che giấu, có lẽ sẽ thất vọng một chút, nhưng nếu đã yêu thương, thấu hiểu, cảm thông cho nhau thì có thể hiểu rằng đó chỉ là một “giải pháp tình thế”.
Nếu đã tin cậy nhau thì hoàn toàn có thể chia sẻ mọi chuyện. Người đời vẫn hay nói rằng “lấy vợ thừa”, có những người đàn ông chấp nhận lấy người phụ nữ đã kết hôn 7, 8 lần cũng có sao đâu!
Theo tôi, bị lạm dụng, cưỡng bức hay “nhỡ nhàng” mà làm mất trinh tiết thì không phải điều gì ghê gớm lắm, nhưng thói thường người ta vẫn thích còn nguyên vẹn hơn. Bởi vậy mà người phụ nữ mới phải tìm đến những thủ thuật y học như vậy.
Ban đầu có thể làm vậy để “che giấu”, nhưng trong cuộc sống lứa đôi có thể trao gửi, nói hết với nhau không ngại ngần, bởi người đàn ông đàng hoàng, biết coi trọng tình yêu và yêu một cách đích đáng thì hoàn toàn có thể chia sẻ, cảm thông được với người phụ nữ.
“Đó là một hành động lừa đảo”
Tuy vậy, không phải ai cũng có cái nhìn khách quan như PGS. TS Trịnh Hòa Bình, đại diện cho một thế hệ có quan niệm khắt khe về trinh tiết của người phụ nữ, anh Đào Đức Chuẩn (54 tuổi, Hoàng Mai – Hà Nội) tỏ ra khá bức xúc về vấn đề này: “Tôi sẽ không tha thứ, đó là một hành động lừa đảo”
“Không phải tự nhiên các cụ ta xưa kia lại gọi trinh tiết của người phụ nữ là “cái ngàn vàng”, bởi đối với người phụ nữ mà nói, đó là thứ đáng quí, đáng trân trọng, giữ gìn, là thước đo để đánh giá sự đoan trang, tiết hạnh.
Nếu “cái ngàn vàng” còn có thể mất rồi “vá” không chỉ một lần thì nó đâu còn gì đáng trân trọng? Tôi cực lực phản đối, bởi việc làm đó chỉ khiến cho phụ nữ, đặc biệt là giới trẻ ngày nay có xu hướng sống buông thả, vô trách nhiệm hơn, tạo tâm lý: “mất rồi thì vá, có sao đâu!”
Vả lại, là một người đàn ông, nếu phát hiện ra vợ mình đã từng “vá trinh”, tôi sẽ không thể tha thứ được. Tôi nghĩ rằng hôn nhân, tình yêu phải dựa trên nền tảng của sự chân thành, tin tưởng lẫn nhau. Nếu đã vậy, người phụ nữ có thể hoàn toàn nói ra sự thật với người đàn ông của mình để tìm sự cảm thông, chia sẻ.
Nếu thật sự yêu thương, trân trọng nhau, người đàn ông sẽ hiểu và không thấy chuyện “không còn trinh” của vợ mình là điều quá ghê gớm. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ “vá trinh” tức là đã không tin tưởng người chồng, lừa dối chồng, tình yêu và hạnh phúc không thể xây dựng trên những nền tảng ấy.
Còn về vấn đề “vá cái ngàn vàng” cho những phụ nữ bị cưỡng bức, xâm hại, tôi nghĩ rằng việc đó không mấy có hiệu quả, bởi như đã nói, nếu thật sự yêu thương nhau, người đàn ông sẽ giúp người bạn đời của mình vượt qua mặc cảm, quên đi quá khứ và sẽ thông cảm, yêu thương người phụ nữ đó như một cô gái còn trong trắng.
Đó mới là tình yêu đích thực, cao cả. Việc “vá lại như thuở ban đầu”chỉ là một biện pháp thuần túy để cải thiện bề ngoài, điều quan trọng là phải làm lành vết thương trong tâm hồn những con người ấy, giúp họ tự tin đối diện với cuộc sống bằng chính những gì mình có, đó mới là việc làm triệt để.
Quan điểm xã hội và áp lực xã hội đè nặng lên người phụ nữ
Khác với suy nghĩ của “những người đi trước”, giới trẻ ngày nay lại có cái nhìn khá “thoáng” về trinh tiết cũng như việc “vá cái ngàn vàng” của người phụ nữ, anh Lê Minh Phương (23 tuổi, Thanh Hóa) đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình:
“Quan điểm của đàn ông và áp lực xã hội buộc người phụ nữ phải lén lút đi làm cái việc cực chẳng đã đó!”
Theo tôi, “vá màng trinh” là một dịch vụ khá nhạy cảm vì từ lâu, trong quan niệm của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, trinh tiết gắn liền với khía cạnh đạo đức của người phụ nữ.
Việc một phụ nữ giữ gìn trinh tiết của mình là điều tất nhiên và vì bất kì lí do gì, việc đánh mất trinh tiết đồng nghĩa với đánh mất phẩm giá, bị người đời chê cười, xã hội lên án là mất nết, lăng loàn…
Nhưng đó là ở xã hội xưa rồi, còn ngày nay, khi xã hội phát triển, chuyện trinh tiết cũng không còn quá nặng nề. Riêng tôi thì cho rằng màng trinh cũng là một bộ phận bình thường như bao bộ phận khác trong cơ thể con người và hoàn toàn tách biệt với vấn đề đạo đức.
Khi y học phát triển thì việc sửa chữa các khiếm khuyết trên cơ thể cũng ngày càng phổ biến, có nhiều lý do để màng trinh bị tổn thương chứ không nhất thiết là phải “quan hệ” lăng nhăng, nếu phụ nữ không tự tin, họ có thể “vá cái ngàn vàng” để được hạnh phúc, không nên quá khắt khe với họ.
Tuy vậy, cũng không nên lạm dụng điều này. Nếu “vá đi vá lại” như… vá săm xe đạp thì không ổn.
Tôi là người có tư tưởng mở, nên không quá đặt nặng vấn đề trinh tiết với người con gái tôi yêu. Tôi luôn nghĩ rằng: “Vì sao đàn bà bị lên án khi mất trinh tiết, còn đàn ông thì không?”, rõ ràng chỉ vì đàn ông không có cái đó nên chẳng có bằng chứng nào để chứng minh được họ có còn trong trắng hay không.
Người đàn ông nào cũng vậy, khi kết hôn đều muốn được là người đầu tiên vợ dâng hiến cái ngàn vàng. Nói cho cùng, trinh tiết quan trọng mà lại không quan trọng, vì khi đã xác định sống với nhau trọn đời thì mọi thứ khác chỉ là chuyện nhỏ.
Vấn đề người phụ nữ đi “vá trinh tiết” có là gian dối hay không thì chính cô ta mới là hiểu rõ nhất. Chính vì xã hội vẫn còn quá nặng nề khi đề cập tới vấn đề trinh tiết, và quan niệm của chúng ta còn quá cực đoan, vô hình chung đã tạo áp lực buộc người phụ nữ phải giữ gìn trinh tiết bằng mọi giá, nên khi rách, người ta đi vá lại là chuyện thường.
Nếu xã hội thoải mái hơn trong vấn đề này, tôi nghĩ người phụ nữ chẳng việc gì phải lén lút đi làm cái chuyện cực chẳng đã đó!”.
Qua những ý kiến trên, có thể thấy quan niệm về “cái ngàn vàng” của người phụ nữ vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi.
Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhau về việc “vá màng trinh”, song có thể thấy rằng màng trinh và đức hạnh của người phụ nữ đang dần tách biệt, không còn là một cặp khái niệm song hành như trước.
Cả ba ý kiến đại diện cho ba góc nhìn đều gặp nhau ở một điểm, đó là dù có hay không có một màng trinh nguyên vẹn thì người phụ vẫn có thể đường hoàng là một người đức hạnh, trong trắng và có phẩm giá, điều đó không phụ thuộc vào cái màng mỏng manh có thể rách bởi vô vàn lí do, mà phụ thuộc vào cách mà người phụ nữ thể hiện mình trong cuộc sống và trong các mối quan hệ hôn nhân – gia đình.
Với Tòa soạn Báo Phunutoday, việc làm của bác sĩ Kim Dung là đáng hoan nghênh. Thế nhưng, điều quan trọng nhất với những người phụ nữ bị xâm hại không phải là việc vá lại tấm màng trinh tiết một cách cơ học mà là làm sao để giúp họ vượt qua cú sốc tâm lý để có thể tự tin bước vào đời, tự tin bước qua quá khứ của chính mình để tìm được hạnh phúc đích thực