[justify]Bà này nổi tiếng ghê gớm ở chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), vừa bán hàng vừa chửi khách, ấy vậy mà vẫn bán hết chục con gà trong một buổi. Người “dính” một lần thì chừa không quay lại, người lần đầu mua hàng thì sợ xanh mặt mà không dám ho he vì biết gặp phải tổ kiến lửa.[/justify]
[justify]Nhóm bạn chúng tôi một lần vào quán Ngan Khoa nổi tiếng nằm cuối đường Hai Bà Trưng - Hà Nội. Vừa ngồi xuống ghế, cô nhân viên phục vụ mặc áo in hình “ông 30’’ tới tiếp thị cho hãng bia Tiger, thấy khách lắc đầu từ chối, cô nguây nguẩy quay ngoắt đi không để cho ai gọi món. Đợi một lúc lâu, cô nhân viên khác đi ngang qua mới “chiếu cố” cho khách được gọi món ăn. Nhưng một lúc lâu sau vẫn chưa có thức ăn, hỏi thì được cô nhân viên trả lời: Không đợi được thì đi đi![/justify]
[justify]Chưa hết, nếu không có bản lĩnh, bạn chớ vào bất cứ một ngôi chợ nào ở Hà Nội. Thứ nhất, bạn sẽ mua được món hàng một cách vui vẻ nhưng với giá đắt có thể hơn 10 lần giá trị thật của nó. (Đã có lần một bà chủ nói cái mũ giá 200.000 đồng mà khi cô bạn tôi trả 18.000 đồng bà bán liền).[/justify]
[justify]Thứ hai, nếu bỏ đi vì món hàng bị hét giá cao quá, bạn sẽ được nghe những câu đại loại như: “Lần sau đã không có tiền thì đừng hỏi đồ xịn em nhé’’ hoặc “Sáng ra đã gặp con dở người’’.[/justify]
[justify]Thứ ba, nếu bạn không hỏi mua hàng mà chỉ đi qua, họ sẽ gọi và kéo tay bạn lại: “Em ơi, mua gì cho chị đi. Em ơi, sờ vào một tý cho chị lấy may”.[/justify]
[justify]Nếu bạn sờ tay vào hay hỏi han, xem thứ gì đó mà không mua thì sẽ khổ hơn nữa: “Này, sờ vào hàng rồi định bỏ đi hả, tao bắt mày phải mua đấy, đưa tiền đây”. Nếu cãi lại, bạn sẽ bị đánh hoặc bị xúc phạm hơn thế nữa. Còn những người xung quanh thì “có mắt như mù có tai như điếc”.[/justify]
[justify]Nhưng thật ngạc nhiên, những kiểu bán hàng như cháo chửi, bún mắng vẫn đông nghịt khách hàng và còn được truyền tai nhau như một thứ “văn hóa” của người Hà Nội. Chẳng lẽ tính bảo thủ đã ăn sâu vào người Tràng An tới nỗi họ không còn nhận ra sự tồn tại phi lý của cách kinh doanh như vậy?[/justify]
Ảnh minh họa
[justify]Ngạc nhiên ở chỗ, hiện tượng đó không chỉ phổ biến trên đường, ở chợ mà còn ở cả những nơi công quyền. Cụ ông hàng xóm có lần tâm sự bức bối rằng, ông đi làm giấy khai sinh cho cháu ngoại mà bị cô nhân viên ủy ban phường mắng không tiếc lời trước mặt bao nhiêu người chỉ vì ký không hết những chỗ cần ký trong cái sổ cô đưa, trong khi cô không hề chỉ rõ phải ký những chỗ nào. Ông bảo sợ nhất là khi đến các cơ quan nhà nước như ủy ban, bưu điện, ngân hàng vì cứ như đi xin xỏ. Không hiểu sao bộ mặt tất cả những nhân viên ở đó đều lạnh như băng.[/justify]
[justify]Có bao nhiêu “người dưng” có lúc chợt đau lòng vì đạo đức xã hội xuống cấp, sự tử tế, danh dự, nhân phẩm con người trở nên rẻ rúng? Bạn tôi hay mượn câu “Mọi giá trị bị đảo lộn” để bình luận về chuyện này, tuy hơi tiêu cực nhưng không sai. Chúng ta đang sống tàn nhẫn với đồng loại và chính bản thân mình như vậy sao?[/justify]
[justify]Hình như người ta đang hiểu sai cụm từ “cơ chế thị trường” và dùng nó để giải thích cho những sự bất hợp lý của thị trường trong thời buổi hiện nay. Mấy ai hay, cơ chế thị trường phải là nơi người tiêu dùng được bảo vệ một cách tốt nhất. Thế nhưng đã có mấy doanh nghiệp và những người làm chính sách kinh tế biết “thương” lấy khách hàng của mình? Cũng vì những thói quen như vậy nên chẳng mấy người ngạc nhiên khi sữa bột được nhà sản xuất gọi là sữa tươi, thức ăn được pha chế từ sữa bẩn, rau quả được phun thuốc kích thích vô tội vạ, bột nêm có mì chính được gọi là thịt hầm, khách hàng - người nuôi sống doanh nghiệp - lại bị chính doanh nghiệp đáp lại bằng sự dối lừa.[/justify]
[justify]Không chỉ Hà Nội, nhiều nơi trên đất nước ta cũng còn có những nhà hàng không cần khách quay lại, những cô bán hàng làm nhiệm vụ đuổi khách. Người Trung Hoa có câu: “Người nào không biết mỉm cười, đừng nên mở tiệm’’. Nụ cười chính là phong cách kinh doanh của những doanh nhân giỏi, những thương hiệu lớn.[/justify]
[justify]Các chuyên gia tâm lý học đã đưa ra kết luận rằng chỉ có khoảng 15% niềm vui của con người do thu nhập, tài sản và các yếu tố liên quan đến tài chính mang lại; khoảng 85% còn lại là do các yếu tố khác như thái độ và các mối quan hệ do con người tạo nên.[/justify]
[justify]Hải quan Malaysia có khẩu hiệu “Phục vụ khách với nụ cười” gắn ngay trên ve áo. Đó phải chăng là nguyên nhân giúp Kuala Lumpur mỗi năm đón tới 25 triệu lượt khách. Tại sao ở Việt Nam không có một chiến dịch tuyên truyền về nụ cười trong giới công chức, kinh doanh và cả các công dân bình thường trong xã hội? Tôi mơ đến một ngày ngành du lịch Việt Nam sẽ bội thu và xã hội ta sẽ khác đi nhờ những nụ cười.[/justify]