Khám chotrẻ bị viêm xoang ở Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương - Ảnh: Khánh Linh |
Bé được chuyển tới Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương trong tình trạng niêm mạc sàng hai bên đầy mủ, thị lực giảm nghiêm trọng. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cấp cứu và điều trị phục hồi thị lực cho cháu.
Dễ chẩn đoán nhầm
Bác sĩ Phùng Thị Hương Loan, Chủ nhiệm liên chuyên khoa Tai mũi họng - Mắt - Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết viêm xoang cấp (các triệu chứng thường kéo dài dưới ba tuần) hay gặp ở trẻ dưới ba tuổi, còn viêm xoang mạn tính (là tình trạng viêm kéo dài trên 3 tháng, tái phát trên 6 lần một năm) thường gặp ở trẻ trên 5 tuổi.
Triệu chứng của bệnh rất đơn giản, chỉ là ho, hơi thở hôi, ốm yếu, kém hiếu động, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi… nên cha mẹ thường chủ quan và bỏ qua, thậm chí bác sĩ cũng có thể chẩn đoán nhầm sang bệnh khác của đường hô hấp. Việc phát hiện bệnh này ở trẻ còn khó khăn vì hệ thống xoang phát triển chưa hoàn chỉnh.
Trong khi đó, trẻ em rất hay bị viêm đường hô hấp, trung bình 6 -7 lần một năm. Thời tiết lạnh, chuyển mùa cũng là nguyên nhân khiến số trẻ bị viêm xoang đến khám nhiều hơn. Trong tháng 12/2008, phòng khám của khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 100 trẻ viêm xoang. Năm 2008, bệnh viện đã phải phẫu thuật cho 6 cháu bị biến chứng nặng do bệnh này.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, tỷ lệ trẻ bị viêm xoang ở Việt Nam hiện nay là 1,7%. Đáng lo ngại là bệnh ngày càng tăng, nhất là trẻ dưới 6 tuổi.
Nhiều biến chứng nặng về mắt
Bác sĩ Phùng Thị Hương Loan lo lắng :“Có tới 75-85% trường hợp biến chứng do viêm xoang có liên quan đến mắt. Cha mẹ thường chỉ chú ý đến các biểu hiện đường hô hấp khiến bệnh về mắt càng trở nên trầm trọng”.
Trẻ bị biến chứng mắt do viêm xoang có các biểu hiện như nhãn cầu bị đẩy lùi ra phía trước, góc mũi mắt sưng đầy, thị lực kém… Đặc biệt nếu trẻ có thể bị sụp mi, giãn nở đồng tử, nếu không điều trị kịp thời có thể mù nhanh chóng. Trẻ còn suy sụp nhanh về thể lực, hay quấy khóc. Ngoài ra, Bệnh viện Nhi Trung ương từng cấp cứu trẻ viêm xoang bị biến chứng nặng do cha mẹ dùng đơn thuốc chữa viêm đường hô hấp của người lớn cho con.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, để phòng viêm xoang, cha mẹ cần ngăn bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp bằng cách mặc ấm cho trẻ vào ngày lạnh, tạo môi trường sạch sẽ, tránh bụi, khói, đặc biệt khói thuốc lá. Trẻ cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường trái cây, rau xanh và tập luyện thể dục để tăng cường sức đề kháng. Không nên dùng quá nhiều nước xả vải đối với quần áo của trẻ bị viêm xoang hoặc bệnh đường hô hấp.
Bác sĩ Loan khuyến cáo, nếu trẻ có dấu hiệu như chảy mũi, ho, dùng thuốc thông thường hoặc hút rửa bằng nước muối không khỏi, sốt cao, đau đầu, nôn trớ…, cần đưa đi khám chuyên khoa tai mũi họng.
Theo Đất Việt