Cha tôi thường nói vậy để giải thích cho cả cuộc đời hết mực thương vợ yêu con của ông. Mẹ tôi là một người hạnh phúc khi cha tôi có phương châm sống như vậy. Tất nhiên, mấy chị em chúng tôi là những người được hưởng trực tiếp sự nuôi dạy có ý thức trong một gia đình có cha mẹ luôn yêu thương nhau.
Tôi rất thương yêu mẹ tôi và đã để tâm lý giải những ẩn ý trong điều cha tôi nói về thân phận và đức tính của người phụ nữ.
Quả thật, trong mọi mặt của cuộc sống, người phụ nữ có rất nhiều thiệt thòi. Từ quan niệm của xã hội đến những quan hệ cá nhân giữa con người với con người. Có rất nhiều điều, người phụ nữ chỉ làm được một lần, rất khó hay có thể nói là không thể làm lại được từ đầu hoặc thêm một lần thứ hai. Tạo dựng nên một gia đình, phải có cha mẹ và con cái.
Những đứa con được sinh ra là sự tách ra thực chất từ máu thịt của người mẹ. Chỉ có thể nói là những đứa con do người mẹ dứt ruột đẻ ra chứ không thể nói là người cha dứt ruột đẻ ra. Mỗi đứa trẻ được sinh ra thực sự đã dứt ra một phần cơ thể và làm giảm một phần tuổi thọ của người mẹ. Người mẹ có công quyết định trong việc sinh thành và nuôi con, nhưng lại không bao giờ kể công.
May thay, dân gian đã có nhiều phương ngôn để ghi nhận giúp người phụ nữ.
"Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".
Cùng là trách nhiệm của người nuôi dạy con, nhưng người mẹ chỉ nhận là nghĩa mà nhường công cho người cha. Nhưng ngẫm một chút sẽ thấy núi thái Sơn tuy to lớn sừng sững thật đấy, nhưng nó là một lượng hữu hạn, to đến mấy thì cũng chỉ có chừng đó thôi. Còn nước nguồn thì tuy chỉ róc rách nho nhỏ, nhưng nó cứ chảy mãi vô tận, không thể đếm được đến tận cùng. Điều đó nói lên rằng người cha thương yêu con có hạn, còn người mẹ thì thương yêu con không cùng.
Còn có câu:
"Cha chết còn được ăn cơm với cá, mẹ chết trải lá mà nằm (hay liếm lá đầu đường)".
Người đàn ông mất vợ thường đi bước nữa. Cảnh gì ghẻ con chồng muôn đời đã đưa những đứa trẻ mất mẹ dễ lâm vào cảnh lầm than. Cha còn sống đấy nhưng khi đó liệu còn mấy phần thương dành cho con? Nhưng nếu là người đàn bà mất chồng thì đa phần thờ chồng ở vậy nuôi con. Khi đó người mẹ vừa thể hiện sự yêu chồng nhất mực, vừa thể hiện sự yêu thương và trách nhiệm nuôi con, vì thế đứa con mới còn có thể được "ăn cơm với cá".
Lại nữa:
"Cha chết chống gậy tre, mẹ chết chống gậy vông".
Đạo làm con phải hiếu thuận, khi cha mẹ chết phải chống gậy đưa tang. Nhưng tại sao gậy chống khi đưa tang cha mẹ lại khác nhau? Đó là vì người cha yêu con còn có nơi có lúc như cây gậy tre có đốt, còn gậy vông thẳng tuột chỉ có một gióng giống như người mẹ chỉ có một lòng, không khi nào hết yêu thương con.
Tôi đã theo tư tưởng của cha tôi mà giữ cái đạo lý làm người đàn ông phải bù đắp cho người đàn bà nào là vợ mình. Tôi biết rằng cũng như cha tôi hay mọi người đàn ông khác, tôi không thể đau đớn sinh con và thương yêu con bằng vợ mình được. Thế cho nên cách bù đắp chỉ là làm những điều gì đó giúp vợ khỏi tủi thân và cảm thấy hạnh phúc. Tất nhiên chỉ là "cảm thấy" chứ không thể nói là tuyệt đối được vì hạnh phúc có rất nhiều cung bậc tùy thuộc vào quan niệm và cảm nhận của từng người.
"Con người ta sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ quyền được sống, được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Chắc không có công dân Việt nam nào không biết tới câu nói bất hủ đó trong tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch đọc ngày 2/9/1045. Xét hẹp lại, tôi nghĩ người vợ trong cuộc sống phải được hoàn toàn bình đẳng, nếu không muốn nói là còn phải được quan tâm chiều chuộng một chút. Tại sao ban ngày cả vợ chồng đều phải đi làm vất vả mà về nhà thì mọi việc lại phải rơi vào tay người vợ, để đến nỗi cả thế giới chị em phải đấu tranh với xã hội để mỗi năm có một ngày được nghỉ thảnh thơi và được ca ngợi?
Trong gia đình riêng của tôi không có ngày 8 tháng 3. Ngày 8/3 theo tôi chỉ thực sự là ngày hội của người phụ nữ khi mà ở nơi đó họ không được tôn trọng, bình đẳng và giúp đỡ mọi mặt nên phải trông chờ mỗi năm có một ngày để đòi hỏi quyền lợi mà thôi. Ở nhà tôi, mọi ngày trong năm đối với vợ tôi đều là ngày 8 tháng 3 so với ở phần lớn các gia đình khác. Tôi chia sẻ với vợ cả cuộc sống tinh thần lẫn những công việc thường nhật.
Bình thường khi có hoa đẹp và rẻ, chúng tôi vẫn mua về cắm cho đẹp chung trong nhà. Hàng ngày chúng tôi vẫn nói với nhau những lời yêu thương. Trong khuôn khổ tài chính của gia đình do vợ tôi quản lý, vợ tôi có thể mua những thứ theo ý thích và chúng tôi thường tổ chức ăn tươi khi có đủ các thành viên trong gia đình và có thời gian rỗi. Tự nấu ăn ở nhà vừa rẻ mà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng không kém phần ngon vì vợ tôi khá đảm đang, nhất là lại được sự chi viện đắc lực làm đỡ các việc vặt của chồng con.
Tôi đặt phương châm lao động là vinh quang, trong cuộc đời mình cố gắng làm được càng nhiều việc càng tốt dù chỉ là việc nhỏ. Tôi giữ nếp buổi tối về ăn cơm cùng vợ con để luôn tạo không khí đầm ấm gia đình, hạn chế phải đi tiệc tùng đến mức thấp nhất. Tôi có thể nấu cơm chiều hàng tuần khi vợ cần thời gian để theo dõi các phim Hàn Quốc thường hay chiếu vào giờ cuối chiều cho liên tục, dù rằng tôi liếc qua thấy nội dung chủ yếu của phim chỉ là những cuộc cái vã thường nhật hay những mối tình tay ba hết sức dở hơi. Tất nhiên là khi có những buối tường thuật bóng đá World Cup hay những trận bóng đá quốc tế có đội tuyển Việt Nam thì vợ tôi ưu tiên cho tôi ngồi xem thoải mái.
Xét ra trong năm thì số lượng các buổi chiếu phim Hàn bao giờ cũng nhiều hơn số các buổi có bóng đá trùng vào giờ nấu cơm nên phần ưu tiên chắc chắn thuộc về vợ tôi. Những buổi khác thì tùy, nhưng nói chung khi vợ nấu cơm thì tôi cũng cố giúp một việc gì đó như nhặt rau, vo gạo hay nhận phần rán đậu sở trường chứ không bao giờ có cảnh vợ cắm cúi nấu cơm mà chồng lại ung dung đọc báo (vớ vẩn) hay ngồi xem TV. Tự tôi cảm thấy nếu thế thì là bất công, mình nên tự giác làm một việc gì đó chứ chẳng phải ai bắt gì mình. Cũng cần nói rằng tôi thấy thế là hạnh phúc vì cung bậc hạnh phúc đối với tôi chỉ đơn giản vậy thôi.
Thế thì trong nhà tôi cần thêm một ngày 8 tháng 3 nữa để làm gì, khi mà một ngày vẫn như mọi ngày. Ngày đó tôi vẫn chỉ mua vài bông hoa về cắm, những bông hoa hồng gai nhỏ bé chứ không phải những bó hoa "nghệ thuật" toàn que với cẳng và một lô giấy giả quấn ngoài cho to như bây giờ hay bán đầy rẫy ở những hàng hoa đâu. Sau đó là nói một lời chúc nhẹ nhàng khi chia tay vợ đi làm. Phần còn lại của ngày 8 tháng 3 đầy tính xã giao và đôi khi có phần giả tạo là dành cho các cơ quan công sở.
Sếp của cơ quan vợ sẽ tổ chức gặp mặt tặng hoa cho chị em (trong đó có vợ tôi) và nói những lời có cánh mà ngày thường không ai nói, và tất nhiên ở cơ quan tôi thì chị em cũng hớn hở chào đón cảnh tương tự. Thật thương cho những chị em nào cuối giờ chiều ôm hoa về nhà phải tự cắm vào bình và lại phải sấp ngửa thay vội quần áo để lao vào bếp lo cơm nước.
Chuyện gia đình không thể ai cũng giống ai, nhưng nhân ngày 8 tháng 3 này mong mỏi các bậc đàn ông nếu có nghĩ đến ngày của phụ nữ hãy thương yêu và chia sẻ bằng hành động cho chính người vợ yêu của mình để có nhiều ngày như ngày 8 tháng 3. "Chuyến đò nên nghĩa, một đêm nằm một năm ở" cơ mà.
Tôi còn chúc cho đến một ngày nào đó mọi người phụ nữ đều không còn cần đến ngày 8 tháng 3 trên lịch nữa vì thực sự cả năm trong gia đình và công sở ngày nào cũng như ngày 8 tháng 3 bây giờ rồi.