>> Từ cô bé bán vé số dạo tới 'tú bà' Mỹ Xuân
>> Hoa hậu Mỹ Xuân khoe về người yêu ngay trước ngày bị bắt
>> Đường dây người mẫu bán dâm nghìn đô: Bao giờ lộ mặt 'đại gia'?
"Chúng ta nên quy hoạch những khu phố đèn đỏ. Nhưng thời điểm bây giờ mà đưa ra, chắc chắn chị em phụ nữ Việt Nam không chấp nhận điều đó, dễ gây phản cảm. Nhưng theo tôi cần có một biện pháp mềm dẻo, tế nhị nào đó để quản lý bằng pháp luật…" - ĐBQH Đỗ Văn Đương, Ủy viên Ủy ban Tư pháp đề xuất.
ĐB Đỗ Văn Đương nhận định, muốn giải quyết triệt để vấn đề mại dâm thì giải pháp gốc rễ là phải xem xét công khai hóa việc mua dâm, coi đây như một hình thức được pháp luật thừa nhận. Theo ông, nhiều nước cũng tuyên bố xóa bỏ nhưng không được vì vậy họ đã quy định những phố đèn đỏ, casino để quản lý. Ông phân tích: "Thứ nhất là ngăn chặn dịch bệnh do gái bán dâm gây ra. Thứ hai là ngăn ngừa sự mất trật tự trong xã hội. Thứ ba, nhiều nước coi đây là một ngành công nghiệp, phải đánh thuế rất cao.
ĐB Đỗ Văn Đương |
Ở nước ta hiện nay, nhiều khách du lịch ở nước ngoài đến và lại đi sang nước khác để mua tình dục như Campuchia, Thái Lan… Tình trạng gái bán dâm của nước ta bỏ sang nước khác để bán dâm cũng nhiều. Vì vậy, bây giờ phải nghĩ cách quản lý để giữ gìn trật tự trị an xã hội cũng như phát triển một cách lành mạnh các quan hệ xã hội trong vòng trật tự".
- Có nghĩa là chúng ta nên quy hoạch những khu phố đèn đỏ để dễ quản lý?
- Hiện nay cấm cũng không được vì rất nhiều nhà hàng, khách sạn vẫn hoạt động chui lủi, gây nguy hiểm cho xã hội. Đã đến lúc phải thay đổi cách nghĩ để làm thế nào ta không ủng hộ cái đó nhưng phải quản lý như thế nào, chứ không để cho mại dâm hoạt động tùy tiện, tự phát như vậy.
Trước đây, tôi đã đề nghị đối với gái mại dâm phải phạt lao động công ích, đưa ra đường phố quét rác để thấy nhục nhã. Nhưng đáng tiếc là chưa thể đưa vào trong luật này được. Chắc chắn việc này còn phải cân nhắc, nghiên cứu sao cho phù hợp với công ước của thế giới về nhân quyền. Đề xuất này xuất phát từ nghiên cứu thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm của một số nước. Kết quả rất khá bởi vì một người phụ nữ xinh đẹp mà đeo một chiếc biển gái bán dâm ở trước ngực đi quét rác thì quá nhục nhã. Đáng tiếc là chưa thể đưa ra đợt này được. Phải xử phạt như thế họ mới sợ được, không chỉ xấu hổ cho bản thân mà cho cả bố mẹ, anh em ruột thịt nơi cư trú. Đôi mắt xã hội nhìn vào đó, dư luận xã hội lên án còn mạnh mẽ hơn nhiều. Thông qua những chế định pháp luật, mượn dư luận xã hội lên án rất quan trọng, nó đồng điệu giữa quy phạm nhà nước và quy tắc xã hội. Nếu không công khai, hợp pháp hóa mại dâm mà vẫn ngăn cấm thì biện pháp đó là hiệu quả nhất.
- Nếu áp dụng biện pháp như vậy ông có ngại rằng những người bán dâm sau này sẽ khó hòa nhập với cộng đồng không?
- Không, cái đó cũng là công bằng thôi. Một khi đã xâm phạm trật tự quan hệ pháp luật, họ phải chịu một mức chế tài. Phải lựa chọn một chế tài nào đó để cho bản thân họ thấy nhục nhã mà từ bỏ hành vi đó đi. Biện pháp này cũng không phải làm cho họ khó trở về, cái quan trọng không chỉ đối với người đã bán dâm mà còn ngăn ngừa những người khác "nhăm nhe" đi vào con đường đó. Giữa răn đe và phòng ngừa phải kết hợp và phải coi trọng cái phòng ngừa. Chỉ cần một bộ phận nhỏ đi quét rác thì hàng ngàn người khác thấy sẽ khiếp.
- Nhiều người cho rằng, biện pháp chỉ phạt hành chính đối với gái bán dâm Quốc hội vừa thông qua gần như tạo điều kiện cho xu hướng hợp thức hóa hoạt động mại dâm ở nước ta. Ông có đồng tình với quan điểm này?
- Việc chỉ xử phạt hành chính gái bán dâm không phải là tạo điều kiện vì một khi pháp luật đã phạt tức là pháp luật đã cấm, không thừa nhận và pháp luật sẽ trừng trị. Như thế, không có nghĩa là pháp luật tạo điều kiện nào cả.
Việc bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh và việc xử lý hành chính vừa thông qua là nhằm bảo đảm thực hiện vấn đề quyền con người, nhân phẩm người phụ nữ. Bởi việc bán dâm là vi phạm nhưng chưa đến mức phải hạn chế quyền tự do của họ.
Người đẹp Mỹ Xuân vừa mới bị bắt trong một đường dây bán dâm cao cấp |
- Vậy mức xử phạt đó sẽ có tác dụng hiệu quả như thế nào trong việc ngăn ngừa mại dâm, thưa ông?
- Có chứ. Mức phạt càng cao tính răn đe càng lớn. Không chỉ có luật về hành chính, mà còn luật khác điều chỉnh. Từ giáo dục pháp luật, các biện pháp kinh tế, sự lên án của báo chí, dư luận… Xử phạt hành chính là một trong những biện pháp được chính thức Nhà nước công khai để răn đe các đối tượng đó là chính.
- Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, thu nhập bình quân mỗi tháng của gái mại dâm là 10,6 triệu đồng/tháng, đó là chưa tính đến các khoản thu nhập khác. Trong khi đó, theo mức xử phạt hiện hành người có hành vi bán dâm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, trường hợp bán dâm có tính chất đồi trụy mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ông có nghĩ rằng mức phạt đó chỉ là "gãi ngứa"?
- Không, mức phạt đó sẽ tăng cao, đối với mức phạt gái mại dâm là 5 - 10 triệu đồng hoặc 15 triệu đồng, sau này sẽ có quy định cụ thể. Còn ít nhất sẽ tăng gấp 5 lần mức phạt hiện tại. Mức thu nhập của gái bán dâm như vậy cũng chỉ là số ít, còn những đối tượng bán dâm lặt vặt không có nhiều tiền đến thế.
Theo tôi, ngoài quy định chung phạt từ 5 - 10 triệu đồng, đối với một số đối tượng bán dâm thu nhập cao từ 500-1.000 USD trở lên thì mức phạt phải là 200 triệu - 300 triệu, làm sao vượt qua ngưỡng thu nhập hàng tháng, hàng ngày, hàng năm mới có sức răn đe được, để cho họ thấy rằng hành vi của mình sẽ bị pháp luật răn đe rất nặng. Như vậy mới có ý nghĩa ngăn ngừa. Nếu hình phạt thấp hơn mức thu nhập trái pháp luật của họ nó sẽ không có tính răn đe. Tùy từng hành vi cụ thể, thông qua việc bắt đối tượng bán dâm, giá tiền thu nhập của ngày đó, tháng đó, qua đấu tranh khai thác nếu mức thu nhập càng lớn thì mức xử phạt phải càng cao.
- Một điều thường thấy là khi những vụ mua bán dâm được đưa ra ánh sáng, chỉ có người bán dâm bị công khai danh tính, còn những đối tượng mua dâm thì không. Ông có cho rằng điều đó quá thiệt thòi và bất bình đẳng với người bán dâm?
- Người bán dâm bình thường đã có lợi ích, có thu nhập và được coi như một nghề vi phạm pháp luật. Nhưng người mua thì không phải là nghề, người ta có thể nhất thời đi và cũng không phải là thường xuyên. Bản thân họ mua dâm đã phải trả một số tiền rất lớn.
Thứ hai, những người bán cũng không vướng mắc gì về quan hệ gia đình, vợ chồng. Bây giờ công khai danh tính của những người mua thì nó lại xâm phạm đến những mối quan hệ khác như quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ, con cái. Nếu công khai, vợ chồng ly hôn, con cái ly tán cuối cùng xã hội phải gánh chịu những hậu quả ấy. Cho nên, đối với những người mua dâm thực hiện công khai danh tính là không khả thi. Có lẽ cũng chọn hình thức phạt tiền thật cao, tương ứng với giá người mua dâm đó bỏ ra.
Ở các nước khác cũng vậy, trừ khi hạ thấp uy tín người khác với mục đích chính trị, kinh tế, quyền lực, tranh giành những vấn đề khác người ta sẽ công khai danh tính và số đó là rất ít, còn những công dân bình thường họ cũng không công khai hành vi mua dâm.
- Nhiều người cũng vì cực chẳng đã mới bước chân vào con đường bán dâm phải chịu sự áp bức của chủ chứa, sự bóc lột tình dục và đôi khi bị coi là nô lệ tình dục. Theo ông, chúng ta có nên có những tổ chức hay hội để bảo vệ họ?
- Không, chúng ta không thể có những hội để bảo vệ họ được bởi chính họ đã đưa mình vào vòng tội lỗi. Họ có hành động chống lại xã hội và xã hội phải đưa pháp luật trừng phạt để duy trì trật tự thì làm sao có những hội bảo trợ đó được.
- Xin cảm ơn ông!