(Dân trí) - Việt Nam đã được xếp vào danh sách 10 nền kinh tế được cải thiện tốt nhất trong năm 2009/2010 - Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cùng khẳng định trong báo cáo thường niên công bố hôm qua.
Trong báo cáo mang tên “Môi trường kinh doanh 2011: Tạo khác biệt cho doanh nghiệp”, Việt Nam đã tăng được 10 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, đứng thứ 78 trong số 183 nền kinh tế được xem xét.
Theo hai tổ chức trên, Việt Nam đạt được thành tích này là nhờ những cải cách trong việc đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng và cung cấp thông tin tín dụng.
WB nhận định đây là lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương có tên trong số những nền kinh tế cải cách tích cực nhất, với 18/24 cải cách về quy định và thể chế kinh doanh, cao hơn tất cả các khu vực khác. Những nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Malaysia và Việt Nam đã đi đầu trong việc đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp phép, đăng ký tài sản và cung cấp thông tin tín dụng.
Cụ thể, Việt Nam áp dụng cơ chế một cửa, đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh. Việc cấp phép xây dựng cũng thuận lợi hơn, còn về thông tin tín dụng, người đi vay đã có thể kiểm tra và sửa chữa báo cáo tín dụng về họ nếu có thông tin sai lệch.
Cá nhân Giám đốc khu vực IFC nhận xét nguyên nhân giúp Việt Nam tăng hạng là nhờ các nỗ lực cải cách thể chế và hành chính công của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông này, điều quan trọng là Việt Nam cần phải tiếp tục triển khai, cũng như duy trì động lực cải cách.
Trong báo cáo, Singapore, Hồng Kông và New Zealand là các nền kinh tế dẫn đầu thế giới về môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Philippines được xếp hạng 8 trong số 9 nước trong khu vực, Lào đứng cuối bảng. Còn trong bảng xếp hạng toàn cầu, Thái Lan đứng thứ 19, Malaysia thứ 21, các nước khác như Việt Nam, Brunei, Indonesia và Campuchia có nhiều tiến bộ.