Bình thường họ cũng đã buồn về cái sự thu nhập của “kiếp vận động viên” (như họ vẫn tự chua chát) rồi. Có một câu chuyện người viết đã không thể tin và nhưng vẫn phải tin vì nó là sự thật: thu nhập hàng tháng của các VĐV không đủ để họ cáng đáng nổi các chi phí phát sinh, dù chỉ với mức là một tháng có 1 đám cưới và 1 đám ma ở xa chẳng hạn.
Cũng vẫn chuyện ở đội tuyển cử tạ, đầu tháng ấy có đám cưới của một nữ vận động viên rồi cuối tháng là đám tang của cha vận động viên này, thế là ngân sách của các VĐV trong đội trở nên điêu đứng. “Chúng tôi sống với nhau như anh chị em, chuyện vui buồn là của nhau. Chia vai sẻ gánh cùng nhau, thông cảm cho nhau là điều tự nhiên. Ai cũng có lúc như thế cả. Nhưng quả thật, nếu tháng nào cũng có hiếu hỷ thì chẳng biết thế nào nữa. Tiền lương cả tháng chưa đến 2 triệu/người”, một VĐV cho biết.
VĐV này nói không sai. Vì tất cả các VĐV mang danh tuyển thủ quốc gia, tập trung ở các Trung tâm thể thao quốc gia từ Nam chí Bắc đều chỉ được nhận 70.000 đồng/ngày cho cái gọi là tiền công lao động của họ. Ngoài ra, không có thêm khoản nào đáng kể nữa. Mà không phải là 70.000 đồng cho cả 30 ngày. Chỉ có 26 hay 27 ngày thôi. Chủ nhật không tập là không có tiền công. Chưa hết, VĐV lên tập trung ĐTQG phần lớn bị địa phương cắt luôn chế độ.
Không phải là ai đó ở địa phương cất những khoản tiền ấy đi làm của riêng. Mà nó là quy định, vì tiền lương VĐV ở địa phương cũng là tiền ngân sách, lên tuyển cũng là tiền ngân sách, nên chỉ được nhận 1, và chỉ 1 mà thôi. Hơn nữa, ngân sách cho ngành thể thao ở các cấp cũng không quá rộng rãi nên các địa phương có quân lên tuyển thường tận dụng cơ hội để lấy khoản dư ra đó để nuôi các VĐV mới-một sự đầu tư cho thế hệ kế cận.
Thế cho nên, nếu ai đó nghĩ là một VĐV lên tuyển được nhận gấp đôi tiền so với ở địa phương thì nên biết họ chỉ nhận nhiều hơn một chút nhờ mức trả cho tuyển thủ cao hơn ở địa phương mà thôi.
Cũng có một số trường hợp ngoại lệ, được địa phương giữ nguyên chế độ, như lực sĩ Hoàng Anh Tuấn khi lên tuyển hay khi đi tập huấn nước ngoài vẫn được Đà Nẵng trả hàng tháng 15 triệu đồng. Hoặc các VĐV khác thuộc biên chế của các đơn vị thể thao tạo được thêm nguồn thu nhập từ hoạt động quảng cáo, tài trợ.
Bởi vậy, gặp hầu hết các VĐV, họ đều “tâm đắc” với câu nói của chính mình là “đời VĐV chúng tôi cứ ráo mồ hôi là hết tiền, vì có phải ai và năm nào cũng được thưởng cho thành tích, huy chương đâu”. Nhưng không phải thế mà các VĐV lao vào tập hoặc tập với thái độ cốt để điểm danh, chấm công. Thể thao là quá trình, cần tính liên tục và trên hết là đam mê của họ. Hy sinh là một đức tính hầu hết các VĐV đều có cả.
Trông chờ sự điều chỉnh
Tuổi nghề của VĐV chỉ ngắn bằng “một đoạn” của những ngành nghề khác trong xã hội. Thậm chí, nó ngắn hơn cả những nghề đặc thù trong thế giới giải trí như phim ảnh, ca nhạc… Tuổi nghề của một VĐV thể dục dụng cụ như Ngân Thương là 5 năm. Tuổi nghề của một VĐV như một số người khác còn ngắn hơn nữa, bởi những chấn thương có thể xảy đến bất cứ lúc nào và nguy cơ phải giã từ sớm sự nghiệp luôn lơ lửng, như đô vật Lê Thị Huệ, võ sĩ Judo xấu số Trần Thanh Ngời… Quả là vô cùng khắc nghiệt và khó khăn chồng chất. Và phần lớn trong số các VĐV đều phải loay hoay khi bươn trải cuộc sống về sau, vì sự tích cóp từ chưa đầy 2 triệu mỗi tháng là không đủ và cả những thiệt thòi do không được theo đuổi sự nghiệp đèn sách, trau dồi kỹ năng.
Ngày 18/10/2006, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao. Theo đó, các VĐV được hưởng tiền công lao động ở các mức: VĐV đội tuyển quốc gia: 70.000 đồng/ngày; VĐV đội tuyển trẻ quốc gia, VĐV đội tuyển của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 50.000 đồng/ngày; VĐV đội tuyển trẻ của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 25.000 đồng/ngày; VĐV đội tuyển năng khiếu của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 15.000 đồng/ngày.
Đó là sự nâng cấp đáng kể so với trước. Nhưng, những khoản mức trên vẫn được giữ nguyên từ đó cho tới nay, trong khi hơn 2 năm qua, giá cả leo thang và cuộc sống trở nên đắt đỏ. Tất cả vẫn đang trông chờ một sự điều chỉnh, trước hết từ phía ngành thể thao, rằng cần có những kiến nghị, vì chắc chắn bất cập này ai cũng cảm thông và sẵn sàng chia sẻ, như chuyện tiền ăn mới đây cuối cùng cũng đã được tăng sau vài lần kêu thiếu dinh dưỡng qua vài cơn “bão giá”.
Nhiều VĐV để có tiền “bỏ ống” đã có sáng kiến là ăn kham khổ trong những ngày nghỉ, lấy khoản tiền ăn mà họ được hưởng (vì cuối tuần, trung tâm Nhổn chỉ nấu cơm theo yêu cầu) để làm của để dành. Họ chỉ ăn mì tôm chờ đến thứ Hai đầu tuần. Như thế cũng tiết kiệm được đôi trăm ngàn mỗi tháng! |
Phong Vũ