>>Tiền và quan hệ vợ chồng trong khủng hoảng
Vấn đề tiền bạc luôn nhạy cảm vì đã có câu nói: “Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”. Cho dù là người một nhà thì vấn đề tiền bạc cũng nên phân minh để đỡ mất lòng nhau. Làm dâu mới được 2 tháng, lại là dâu cả nên chị H. phải lo quán xuyến mọi việc trong gia đình. Chồng chị là giáo viên trường công nên thu nhập không thể bằng chị - một nhân viên của ngân hàng nước ngoài. Từ ngày lấy chồng, mọi chi tiêu lớn bé trong nhà đều do chị xoay sở và quyết định.
Chồng chị có cậu em không bằng cấp nên rất khó xin việc. Chị H. cũng thấy thương cậu em nên ngỏ ý giúp đỡ bằng cách giúp cho cậu một khoản tiền. Thoạt đầu cậu ngại ngần từ chối nhưng sau cùng vui vẻ chấp nhận sự giúp đỡ đó. Không những một lần, hai lần mà nhiều lần cậu nhận được sự giúp đỡ của chị dâu và cậu đâm ra lười lao động. Số tiền anh chị cho cậu em vay ngày càng tăng lên mà không thấy trả nên chị H. cảm thấy rất khó chịu. Ban đầu chỉ là những lời nói nhẹ nhàng, sau chị tỏ thái độ bực tức ra mặt. Chồng thì bênh em trai nên chị càng bực hơn, tình cảm vợ chồng cũng rạn nứt từ đó.
Người khác… nhờ vả
Có rất nhiều cặp vợ chồng luôn bị họ hàng nhờ vả hết cái này lại cái kia vì có nhiều mối quan hệ và dư dả tiền bạc. Vợ chồng anh T. là một điển hình. Biết anh T. làm việc ở Đài truyền hình nên có nhiều mối quan hệ vì thế em gái, em rể, anh em họ hàng… đều ới anh: Lúc thì anh ơi mua giúp em cái tủ lạnh, lúc đăng cái tin này cho em nhé… Nể họ hàng nên anh không nỡ từ chối. Được nước họ càng lấn tới, có những món đồ nhờ mua rồi cũng quên luôn trả tiền. Vợ anh không chịu được cảnh chồng mình “phục tùng” người khác nên đã nhắc nhở nhiều lần. Cô trách chồng thoáng tính và trách cả những người vô ý thức khiến cho gia đình mình mâu thuẫn.
Cho người khác… ở nhờ
Anh M. chị K. nhờ chăm chỉ làm ăn nên chỉ 3 năm sau ngày cưới đã mua được nhà riêng. Bố mẹ chị K. ở quê liền ngỏ ý cho cậu em trai chị K. ở nhờ nhà. Thoạt đầu anh M. rất hồ hởi vì nghĩ rằng có cậu em thì nhà càng vui. Khi cậu em lên học một thời gian thì quen dần với nếp sống thành phố. Cậu thường xuyên tụ tập bạn bè về nhà liên hoan rồi bày thức ăn, đồ uống ngổn ngang. Anh M. đi làm mệt mỏi về trông thấy cảnh đấy liền mắng cậu em vợ mấy câu. Cậu tự ái bỏ về quê khiến cho bố mẹ vợ chưa rõ đầu đuôi tai ngheo thế nào đã trách cứ con rể. Mâu thuẫn của anh với nhà vợ cứ thế lớn dần.
Mẹ chồng gây mâu thuẫn
Lấy chồng được 3 năm và mới có con gần 1 tuổi, thời gian đầu, chị B. và mẹ chồng không có vấn đề gì. Mẹ chồng luôn vui vẻ mặc dù con dâu chưa được khéo léo để có thể đáp ứng yêu cầu “dâu trưởng cả họ”. Chị B. cũng rất quý trọng, cảm phục vì bà rất đảm đang tháo vát. Nhưng kể từ khi chị sinh con thì mọi chuyện xoay chiều đổi hướng. Do tư tưởng hai thế hệ khác nhau nên chị và mẹ chồng luôn tranh cãi về vấn đề nuôi dạy cháu. Nhiều khi phát bực, chị đã to tiếng với bà. Chị thầm ước. Giá như không có mẹ chồng thì vợ chồng chị sẽ rất hạnh phúc, vui vẻ…
Thế mới biết là có 1001 chuyện người thân họ hàng vô tình hoặc cố ý gây mâu thuẫn cho đời sống vợ chồng. Thật khó có thể dung hòa được các mối quan hệ để tạo nên sự êm ấm trong gia đình. Để giải quyết gút mắc này, mọi người cần phải biết tôn trọng nhau, không nên nhờ vả thái quá dù cho có thân thiết đến đâu đi nữa. Như vậy thì mới tạo dựng được mối quan hệ bền vững trong gia đình.
Theo Cẩm Nang Mua Sắm