[size=6][size=medium]Năm 2013, trên địa bàn huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và huyện Tri Tôn (An Giang) rộ lên tin đồn có 1.000 tấn vàng chôn dưới lòng đất và người dân đổ xô đào đất tìm vàng. Mới đây, ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) lại rộ lên tin phát hiện “kho báu” 1.500kg vàng.[/size][/size]
Khoảng đầu tháng 9/2013, đất miền Tây xôn xao với vụ hàng chục người dân ở xã Thạnh Phú (huyện Cầu Kè, Trà Vinh) lén lút chính quyền địa phương đào bới cả khu vườn để tìm vàng chỉ vì từ những giấc mơ ông Tiên mách bảo, sau những trận rượu nát người.
Câu chuyện bắt đầu từ việc, ông Nguyễn Văn Đây và ông Nguyễn Văn Thìn (ngụ ấp 1 và ấp 2, xã Thạnh Phú) nằm mộng thấy ông Tiên hiện rachỉ khu đất của cha ruột mình là ông Nguyễn Văn Đến (gần Tân Long Miếu) có vàng. Sau khi được ông Tiên báo mộng, ông Đây và ông Thìn rủ nhau đi xem bói và thầy bói cũng phán như ông Tiên. Từ đó, cả 2 về nhà bàn tính và tiến hành rủ rê anh em trong dòng họ tiến hành đào đất.
Những hố đất được cho là có vàng ở khu vườn ông Nguyễn Văn Đến xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, Trà Vinh
Theo anh Trưởng ấp 1 Mai Văn Nhớ kể lại: Ban đầu họ đào đất của ông Đến. Trong lúc nghỉ trưa, họ thấy có con lươn bò lên và nhóm đào đất bắt con lươn làm mồi nhậu. Sáng hôm sau, nhà ông Đến có 2 con heo bị gãy giò và chết. Bà Nguyễn Thị Bé (vợ ông Đến) cho rằng do ăn con lươn nên mới xảy ra cớ sự trên liền ngăn cản không cho đào tiếp. Cùng lúc này, họ cho rằng vàng đã đi nơi khác nên nhóm người này qua xin đào ở đất của ông Nguyễn Văn Bé Cư thêm mấy hố nữa… Do nhóm đào vàng hứa chia phần và bồi thường thiệt hại cây trái, mỗi cây nhãn hay bưởi đào trúng là 1 triệu đồng nên ông Cư đồng ý.
Vì quá “say vàng”, ông Đây và ông Thìn không chỉ đào bới nhiều chỗ trong khu vườn của ông Đến và ông Cư, hai ông này còn đến gặp BQL Tân Long Miếu để xin đào đất tìm vàng. Tuy nhiên, BQL nhất quyết không cho đào, mặc dù họ cam kết chia phần khi tìm được “kho báu”.
Sau khi tìm vàng không được ở đất cha mình, ông Đây còn đến hỏi BQL miếu Tân Long xin đào phần đất đang trồng khoai mì trước cổng miếu
Nhìn khu vườn của ông Đến và ông Cư có đến 5 – 6 cái hố trơ đáy, cái nhỏ nhất rộng khoảng 3m2, sâu cũng 2-3m, còn cái rộng nhất khoảng 30m2, sâu 4m. Sau gần 1 tháng đào đất tìm kho báu không có, cộng với sự tuyên truyền, giải thích của chính quyền địa phương về mục đích của kẻ xấu lợi dụng mê tín dị đoan làm rối trật tự địa phương nên người dân tự nãn chí, bỏ cuộc không tìm vàng nữa.
Đến những “kho báu” 1.000 tấn vàng
Khoảng 10/2013 trên địa bàn ấp Tô An (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) có một đoàn khách lạ đội lốp đi tìm hài cốt của người thân trên phần đất của ông Chau Thi (sinh năm 1950) nhưng thật chất là đào đất tìm kho báu 1.000 tấn vàng mà nhóm này “tiên đoán” theo kiểu “trên trời” như ông Đây, ông Thìn ở Trà Vinh.
Ngày 14/10/2013 sau khi thấy đoàn người khoảng 20 người đến từ TP Hồ Chí Minh có những hành động khả nghi khi đến khu đất của ông Chau Thi (mà nhóm này cho có vàng) cúng bái, tiến hành đào đất… Người dân địa phương nhanh chóng báo với chính quyền địa phương và Công an xã Cô Tô đến hiện trường và mời nhóm người này về xã làm việc.
Tại UBND xã Cô Tô, bà Phan Lê Yến (1950, ngụ phường 8, quận 3 TP Hồ Chí Minh) - trưởng đoàn trình bày, nhóm bà đến đây tìm hài cốt của người thân đã tham gia kháng chiến và hy sinh tại đây vào năm 1940. Tuy nhiên qua đấu tranh, chủ mảnh đất mà nhóm bà Yến đến “khai quật” là ông Chau Thi tự nhận nhóm bà Yến đến gặp gia đình xin “hợp tác” đào đất tìm vàng.
Ông Huỳnh Văn Hoàng chỉ ao nước bên trong là nơi nhóm ông Cường cho rằng có "kho báu" 1.500kg vàng
Theo ông Chau Thi kể lại, một người trong nhóm bà Yến cho biết tại phần đất 1.000m2 của ông có “kho báu” 1.000 tấn vàng và một hũ kim cương, vì mảnh đất này trước kia là đến của vua, cách đây khoảng 4.800. Và nhóm này còn bảo ông Chau Thi đào sâu xuống 3,8m sẽ tìm được kho báu. Tuy nhiên, nhóm “săn vàng” không phát hiện được gì ngoài đất, đá và một vài miếng sành…
Sau những tin đồn thất thiệt, cơ quan chức năng vào cuộc, tuy nhiên tính hiếu kỳ của người dân từ khắp nơi đổ về xem mỗi lúc một đông hơn, buộc chính quyền địa phương phải bố trí lực lượng túc trực 24/24 để giữ trật tự và tuyên truyền tin đồn thất thiệt cho người dân hiếu kỳ.
Theo Tiến sĩ Ngô Quang Láng, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, phát biểu với báo giới tin đồn 1.000 tấn vàng là hoàn toàn vô lý, không có cơ sở. Vì theo ông Láng khẳng định không thể nào có một trữ lượng vàng lớn đến thế trên địa bàn tỉnh An Giang. Nhiều năm trước đã từng có nạn bòn vàng trên địa bàn xã Cô Tô, tuy nhiên, số vàng người dân đào được không phải là khoáng sản vàng tự nhiên, mà là các đồ vật được cẩn vàng, dùng trong nghi lễ cúng tế, đồ gia dụng của người xưa… Chính vì thế, ông Láng loại trừ khả năng họ tích trữ vàng, chôn vàng để cất giấu như một kho báu.
Vụ đào đất tìm vàng tấn ở miền Tây tạm lắng xuống một thời gian thì mới đây lại rộ lên tin một nhà chuyên “săn vàng” ở TP Hồ Chí Minh phát hiện “khó báu” đựng trong thùng gỗ có chiều ngang 40cm, cao 70cm, dài 120cm trong đó có chứa kim loại quý (vàng), trọng lượng khoảng 1.500kg tại khu vườn của ông Bùi Văn Bé (ấp Tân Lộc, xã Tân Thành, Lai Vung, Đồng Tháp)
Từ khi bà Đúng "bán" kho báu 100 triệu đồng thì những người đi tìm kho báu không thấy đến hỏi thăm nữa.
So với những tin đồn “kho báu” ở An Giang, Trà Vinh… “kho báu” 1.500kg vàng ở xã Tân Thành, (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) có “hình hài” hơn, vì “kho báu” tìm thấy không phải do ông Tiên chỉ hay tìm kho báu 1.000 tấn vàng theo kiểu đồng bóng như nhóm bà Yến… “Kho báu” tại vườn của ông Bé được ông Nguyễn Huy Cường – đại diện nhóm khai thác kim loại quý ở TP Hồ Chí Minh làm tờ trình gửi đến UBND xã Tân Thành đàng hoàng.
Trong tờ trình này, ông Cường trình bày qua khảo sát, định vị… nhóm ông phát hiện “kho báu” tại vườn ông Bùi Văn Bé được chứa trong một thùng gỗ có chiều ngang 40cm, cao 70cm, dài 120cm trong đó có chứa kim loại quý (vàng), trọng lượng khoảng 1.500kg. Chính “kết luận” như đinh đóng cột này của ông Cường, tin đồn kho báu 1.500kg vàng ở nhào ông Bé nhanh chóng được lan truyền, thu hút nhiều người dân từ khắp nơi đổ về xem làm gia đình ông Bé mất ăn, mất ngủ cả tháng trời.
Trao đổi với PV Dân trí bà Trần Thị Đúng – vợ ông Bé phàn nàn: “Thời gian qua gia đình tôi mệt quá rồi, báo chí đến, cán bộ đến, người dân xung quanh hỏi thăm chuyện “kho báu” gì đó… Cuộc sống đảo lộn hết! Cũng may, từ khi vợ chồng tôi ra giá 100 triệu đồng tiền bồi thường cây trái và phần diện tích đất đai bị đào bới… thì không còn ai đến xin đào bới tìm vàng nữa. Cũng mong mọi chuyện êm xuôi để gia đình tôi trở lại cuộc sống bình thường.”
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Đắc Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Đúng là vừa qua trên địa bàn xã có tin đồn về việc khu vườn ông Bùi Văn Bé có nhiều vàng. Từ tin đồn này có nhiều người quan tâm đến xem, tuy nhiên đây là tin đồn không có cơ sở và nay không còn ai đến xem.”
Nhìn chung những tin đồn “vàng tấn” chôn dưới lòng đất đa phần do những người lạ từ nơi khác đến đào bới, tung tin thất thiệt. Khi có chính quyền địa phương can thiệp, nhóm người này nhánh chóng “biến mất”, chỉ để lại những hố đất, ao nước sâu và sự hụt hẫng của những chủ đất đã trót tin theo lời của những kẻ xấu mà cơ quan chức năng đang xác định hành vi gây rối trật tự của những đối tượng này theo phương thức “bới đất tìm vàng” xảy ra ở nhiều địa phương ở miền Tây trong thời gian qua.
Theo : Báo Dân Trí.