[size=4]Suốt một tuần vừa qua, chuyện bác sĩ Phạm Văn Giàu (bác sĩ ở bệnh viện huyện Vũ Thư – huyện Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân dùng dao đâm chết là câu chuyện mà người dân Thái Bình nói đến nhiều nhất.[/size]
[size=4]
[/size]
[size=4]Chỉ vài giờ đồng hồ, bi kịch đã đổ xuống đầu cả hai gia đình: Gia đình nạn nhân và gia đình hung thủ giết người. Mỗi gia đình là một nỗi đau, mỗi gia đình là một câu chuyện buồn. Pháp luật sẽ trừng phạt nghiêm khắc Nguyễn Văn Dũng, kẻ đã gây ra cái chết đau lòng của bác sĩ Phạm Văn Giàu, nhưng trong bi kịch này nếu như nỗi đau của gia đình bác sĩ Phạm Văn Giàu là khôn tả, thì sự bất hạnh của gia đình hung thủ Nguyễn Văn Dũng cũng đã đến tột cùng.[/size]
[size=4]Đêm kinh hoàng ở Vũ Thư[/size]
[size=4]Rạng sáng ngày 16-8-2011, tại bệnh viện huyện Vũ Thư, một vụ án mạng nghiêm trọng đã xảy ra. Đối tượng Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1993, trú tại xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, Thái Bình) sau khi đưa anh trai đi cấp cứu nhưng không qua khỏi, đã dùng dao đâm chết bác sĩ Phạm Văn Giàu (59 tuổi) và đâm trọng thương bác sĩ Ngô Văn Hoàn (30 tuổi).[/size]
[size=4]Tối ngày 15-8-2011, Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1990, là anh trai của đối tượng Nguyễn Văn Dũng) đột nhiên kêu khó thở, đau đầu. Nguyễn Văn Hùng là công nhân của một công ty nước ngoài tại TP. Thái Bình. Theo lời kể của người nhà thì cả ngày hôm đó Nguyễn Văn Hùng vẫn đi làm việc bình thường, sức khỏe hoàn toàn ổn định. Buổi tối, sau khi cơm nước cùng gia đình xong xuôi, Hùng còn ngồi lên giường xem tivi, chơi điện tử và cười nói với mọi người trong nhà. Không có một dấu hiệu nào báo hiệu Hùng sắp rơi vào cơn nguy kịch. Đến 22h đêm, Nguyễn Văn Hùng đột nhiên kêu khó thở, đau đầu. Nguyễn Văn Dũng lập tức đưa Hùng lên Bệnh viện huyện Vũ Thư cấp cứu.[/size]
[size=4]Tuy nhiên khi đến nơi, sức khỏe của Nguyễn Văn Hùng đã ở tình trạng nguy kịch: Môi tím, chân tay lạnh, không đo được huyết áp, không bắt được mạch, ngừng tuần hoàn, thở ngáp cá. Sốt ruột về tình trạng của anh trai, cộng thêm cá tính xốc nổi nên Nguyễn Văn Dũng đã có thái độ gay gắt. Y có những lời nói, cử chỉ không đúng mực với các bác sĩ và y tá trong bệnh viện vì cho rằng bác sĩ Bệnh viện Vũ Thư chậm trễ trong việc cứu anh trai mình. Theo lời một điều dưỡng viên ở Bệnh viện Vũ Thư, thì có lúc Dũng dọa sẽ phá bệnh viện nếu anh trai không được cứu sống. Trong lúc anh trai Dũng là Nguyễn Văn Hùng được cấp cứu, có một số thanh niên được cho là bạn của Dũng đã xuất hiện ở Bệnh viện Vũ Thư với thái độ hung hăng. Lo sợ thái độ của người nhà bệnh nhân, Bệnh viện huyện Vũ Thư đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Công an huyện Vũ Thư. Khi công an huyện Vũ Thư đến, thái độ của Dũng có thay đổi. Các bác sĩ trong bệnh viện tập trung cấp cứu Nguyễn Văn Hùng. Tuy nhiên bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng đã không qua khỏi. Giám định pháp y cho biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng là do hội chứng thức ăn trào ngược, làm tắc phế quản, gây tắc nghẽn đường hô hấp dẫn đến tử vong.[/size]
[size=4]Sau khi anh trai qua đời, Nguyễn Văn Dũng đề nghị các bác sĩ cho phép mình được ký vào biên bản để đưa xác anh trai về chuẩn bị việc mai táng. Tuy nhiên vì Nguyễn Văn Dũng còn quá trẻ, lại là em trai bệnh nhân nên Bệnh viện huyện Vũ Thư yêu cầu Dũng phải đưa bố mẹ lên ký nhận. Không nói không rằng, thấy trong bệnh viện có một con dao nhỏ, Nguyễn Văn Dũng đã dùng con dao đó tấn công các bác sĩ trong phòng cấp cứu. Kết quả là bác sĩ Ngô Văn Hoàn bị thương ở bụng, nhưng vẫn chạy thoát. Bác sĩ Phạm Văn Giàu cũng bị Dũng đâm bị thương cũng kịp chạy sang phòng khác nhưng do vết thương quá nặng, ông đã qua đời ngay sau đó. Hai bác sĩ đứng gần đó cũng suýt nữa bị Dũng đâm nếu như Nguyễn Văn Ba – Anh họ của Dũng không kịp thời lao vào giữ chặt Dũng, không cho Dũng tiếp tục manh động.[/size]
[size=4]Sự việc xảy ra rất nhanh, rất bất ngờ nên dù có bốn cán bộ chiến sĩ của Công an huyện Vũ Thư có mặt tại đó cũng không có chiến sĩ công an nào kịp thời ngăn chặn hành động bột phát của Nguyễn Văn Dũng. Ngay sau khi đâm chết bác sĩ Giàu và đâm bị thương bác sĩ Hoàn, với con dao trên tay Dũng đã bỏ trốn khỏi bệnh viện.[/size]
[size=4]Theo lời người nhà của Nguyễn Văn Dũng thì đêm hôm đó, sau khi bỏ trốn, biết gia đình đã đưa xác anh trai về, Nguyễn Văn Dũng có tìm về nhà. Nhưng khi đến cổng nhà, Nguyễn Văn Dũng gặp Nguyễn Đức Phương (sinh năm 1992, trú tại xã Tân Lập, huyện Vũ Thư). Phương ngăn Dũng lại, không cho vào nhà, nói với Dũng là nếu vào nhà sẽ bị công an đến bắt. Chính Phương là người đề nghị đưa Dũng đi trốn. Dù không vào nhà gặp mặt bố mẹ và anh trai, nhưng trước khi đi, Nguyễn Văn Dũng đã thắp một nén hương và cắm ở ngoài cổng nhà.[/size]
[size=4]Ngày và đêm hôm đó, khi nhận được tin về sự việc xảy ra ở Bệnh viện huyện Vũ Thư, PC45 – Công an Thái Bình đã phối hợp với Công an huyện Vũ Thư đã đến hiện trường và khám nghiệm tử thi đối với Nguyễn Văn Hùng và bác sĩ Phạm Văn Giàu. Đồng thời tổ chức truy bắt đối tượng Nguyễn Văn Dũng. Khi nhận được nguồn tin từ cơ sở báo Nguyễn Văn Dũng đã được Nguyễn Đức Phương đưa đi trốn, lực lượng công an lập tức theo hướng này tổ chức truy bắt đối tượng. Rạng sáng ngày hôm sau, Nguyễn Văn Dũng bị bắt ở khu vực cầu Tân Đệ lúc đang định bỏ trốn khỏi địa bàn.[/size]
[size=4]Theo lời kể của một cán bộ Công an huyện Vũ Thư thì trước khi bắt, Dũng có gọi điện thoại nói chuyện với một người bạn. Người này đã khuyên Dũng ra đầu thú, nhưng Dũng nói: “Đợi lo xong đám tang của anh tao, tao sẽ đầu thú”. Lúc bị bắt, gương mặt của Dũng kín như bưng, tỏ ra rất lạnh lùng, không biểu lộ cảm xúc bên trong. Dũng cũng không có hành vi nào chống lại lực lượng Công an truy bắt. Đối tượng này ngoan ngoãn theo lực lượng Công an về cơ quan điều tra. Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khỏi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Văn Dũng về hành vi giết người; Khởi tố bị can Nguyễn Đức Phương về hành vi che giấu tội phạm. Cả hai đối tượng này bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.[/size]
[size=4]Con gái bác sĩ Phạm Văn Giàu: Không dám tin đây là sự thật[/size]
[size=4]Mấy ngày qua, căn nhà của bác sĩ Phạm Văn Giàu ở xã Tân Lập luôn chìm trong bầu không khí ảm đạm, đau buồn. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, khiến vợ và hai con gái của bác sĩ Phạm Văn Giàu hoàn toàn không có bất cứ sự chuẩn bị nào cho nỗi đau, mất mát quá lớn này. Phạm Thị Lý (con gái bác sĩ Giàu, hiện đang là điều dưỡng viên diện hợp đồng ở Bệnh viện huyện Vũ Thư) kể: “Từ trước đến giờ sức khỏe của bố tôi rất tốt. Ngày nào bố cũng đi tập thể dục rất đều đặn. Gần 60 tuổi, nhưng bố tôi chẳng đau yếu gì. Gia đình tôi không ai có thể ngờ bố tôi lại ra đi đột ngột và ra đi trong tình huống đau đớn như thế này”.[/size]
[size=4]Bác sĩ Giàu là trụ cột của cả hai gia đình nội, ngoại. Ông có một anh trai đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ nên mọi việc gánh vác gia đình đều dồn lên vai ông. Mẹ ruột ông tuổi đã cao, đang sống cùng gia đình ông cũng không sao chấp nhận được nỗi đau quá lớn này. Mấy ngày qua, bà chẳng nói chẳng rằng chỉ nằm giường và khóc.[/size]
[size=4]Bác sĩ Phạm Văn Giàu đã từng là bộ đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày giải phóng, ông xuất ngũ về quê rồi thi vào ngành Y. Sở dĩ, ông chọn ngành Y cũng là theo ý nguyện của gia đình. Bà con trong họ đều muốn có một người là bác sĩ, để lúc ốm đau còn có người lo lắng.[/size]
[size=4]Thời gian bác sĩ Giàu đi học, vợ ông là bà Nguyễn Thị Tuất phải rất vất vả mới có thể vừa làm nông, vừa nuôi chồng ăn học. Bà Tuất kể, khi mới ra trường còn chưa có việc làm, có thời gian ông Giàu phải đi gánh phân trâu, phân bò và làm đủ các công việc khác. Đến khi trở thành bác sĩ ông vẫn giữ thói quen chịu thương chịu khó. Ngoài công việc ở bệnh viện, hễ cứ về nhà là ông lại giúp vợ con chuyện đồng áng. Ngày thường buổi sáng 7h ông đi làm ở bệnh viện, nhưng hơn 3h sáng ông đã bắt đầu dậy làm việc. Hôm thì ra đồng làm, hôm thì làm những việc lặt vặt không tên ở nhà.[/size]
[size=4]Trong gia đình hai bên nội ngoại, bác sĩ Giàu là người đứng ra lo lắng nhiều nhất với trách nhiệm của người con lớn trong gia đình. Ông cũng là người rất tận tình giúp đỡ, khám chữa bệnh cho bà con hàng xóm xung quanh mà chẳng đòi hỏi gì.[/size]
[size=4]Tuy cả hai cô con gái đã lớn và đều có việc làm nhưng bác sĩ Giàu vẫn là trụ cột chính trong nhà. Hai người con gái, một người con đang là giáo viên hợp đồng tại một trường tư thục, một người con đang là điều dưỡng ở bệnh viện Vũ Thư, vẫn làm hợp đồng suốt 5 năm nay với mức lương chưa được 1 triệu/tháng và vẫn đang phải tiếp tục đi học để nâng cao trình độ. Hai người con gái vẫn cần sự chu cấp của bố hàng tháng. Vì thế bác sĩ Giàu mất đi là gia đình ông mất đi trụ cột. Cuộc sống gia đình sau này chắc chắn sẽ khó khăn, chật vật hơn nhiều.[/size]
[size=4]Chị Phạm Thị Lý – con gái bác sĩ Giàu kể: “Lẽ ra bố tôi đã xin nghỉ hưu lâu rồi. Nhưng vì lo lắng cho chị em tôi chưa ai ổn định công việc nên ông vẫn tiếp tục ở lại làm. Dự định của ông là đầu năm tới sẽ nghỉ hưu, khi tròn 60 tuổi. Bố tôi là người rất tốt tính, hiền lành. Ông ít nói, nhưng chưa bao giờ cáu gắt với ai cả. Cả đời ông chưa từng một lần gây xích mích với ai. Với các bệnh nhân ở bệnh viện, bố tôi cũng rất nhẹ nhàng, từ tốn. Vì thế việc bố tôi bị giết trong hoàn cảnh này là điều nằm ngoài mọi sự tưởng tượng của gia đình tôi”.[/size]
[size=4]Chị Phạm Thị Lý kể, ngày hôm sau đó cũng không phải ca trực của bác sĩ Giàu nhưng vì có một người đồng nghiệp nhờ trực giúp nên ông vẫn đi. Ông thường xuyên đi trực giúp đồng nghiệp như thế. Ông mắc chứng khó ngủ, có ở nhà cũng không ngủ được nên tạo điều kiện giúp anh em đồng nghiệp khi có việc đột xuất.[/size]
[size=4]Nửa đêm hôm đó khi cả gia đình đã ngủ, chị Phạm Thị Lý nhận được tin từ người cô, báo bác sĩ Giàu bị gia đình bệnh nhân tấn công đang nằm trên viện. Khi đó chị Lý tất tả chạy lên Bệnh viện huyện Vũ Thư nhưng vẫn không nghĩ rằng đó là lần cuối cùng hai bố con gặp nhau.[/size]
[size=4]Đến bây giờ, trong tâm trạng rối bời, gia đình bác sĩ Giàu vẫn chưa hề nghĩ đến việc sẽ phản ứng thế nào đối với gia đình Nguyễn Văn Dũng – hung thủ đã gây ra cái chết của bác sĩ Giàu. Đại diện gia đình, chị Lý nói: “Những ngày qua quả thật tang gia bối rối, gia đình bấn loạn, đến giờ mẹ và hai chị em tôi vẫn chưa thể trấn tĩnh. Nhiều người hỏi chúng tôi sẽ xử sự ra sao đối với gia đình bên kia nhưng chúng tôi quả thật chưa hề nghĩ đến chuyện đó. Gia đình chúng tôi chưa gặp mặt gia đình họ. Chỉ nghe nói rằng họ cũng vất vả, khó khăn và cũng phải chịu nỗi đau mất mát lớn khi một người con trai qua đời, một người con trai lại trở thành hung thủ giết người. Quan điểm của chúng tôi là không đòi hỏi hay trách móc gì gia đình bên đó. Tôi nghĩ rằng ai làm người đó chịu. Mọi việc chúng tôi xin nhờ pháp luật giải quyết”.[/size]
[size=4]Nỗi bất hạnh của gia đình hung thủ[/size]
[size=4]Rời gia đình bác sĩ Phạm Văn Giàu, chúng tôi ghé thăm gia đình đối tượng Nguyễn Văn Dũng ở xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư. Cái sân nhỏ bên cạnh nhà Dũng có rất đông người ngồi. Chủ yếu là họ hàng anh em và bà con hàng xóm sang động viên, chia buồn, an ủi bố mẹ Nguyễn Văn Dũng.[/size]
[size=4]Với bố mẹ đối tượng Nguyễn Văn Dũng, những ngày vừa qua là những ngày đen tối nhất trong cuộc đời. Bố Dũng sau vài ngày đã gầy sọp đi, mắt trũng sâu. Mẹ Dũng khóc suốt mấy ngày qua giờ không thể cất tiếng nói. Chỉ trong một đêm, ông bà đã “mất” cả hai đứa con trai. Dù con trai út của ông bà là người đã gây ra cái chết thương tâm cho bác sĩ Giàu nhưng khi vào nhà bố mẹ Dũng, nhìn cuộc sống nghèo khổ của bố mẹ hung thủ, những phóng viên đến đây đều không tránh khỏi nỗi xót xa, thương cảm.[/size]
[size=4]Ông Nguyễn Văn Tính có hai người con trai là Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Dũng. Trước đây hai vợ chồng ông bỏ làng đi làm ăn trên thành phố. Sau rồi vì cuộc sống quá khó khăn, lại muốn gần chăm sóc cha mẹ già, ông bà đã đưa hai anh em Hùng và Dũng về sống tại Vũ Thư – Thái Bình. Không có hộ khẩu ở Vũ Thư, nhiều năm nay gia đình ông bà không được chia ruộng để làm như những gia đình khác. Tất cả cuộc sống của cả nhà bốn người chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng mà bố mẹ ông Tính để lại.[/size]
[size=4]Từ khi về sống ở Thái Bình, suốt mười mấy năm qua vợ chồng ông Tính và hai đứa con vẫn sống trong căn nhà cấp bốn cũ kĩ, rộng chưa đầy 10m2. Căn nhà chật trội chẳng kê được bất cứ đồ đạc gì ngoài một chiếc giường đôi. Bao nhiêu năm qua vợ chồng, con cái ông Tính vẫn chui ra chui vào căn nhà đó. Ước mơ xây được một căn nhà rộng rãi hơn để kê vừa thêm một chiếc giường cho hai con trai ở mãi mãi vẫn chỉ là ước mơ xa vời với ông bà. Mấy hôm vừa rồi, khi con trai Nguyễn Văn Hùng đột ngột qua đời, vợ chồng ông Tính cũng phải bỏ nốt chiếc giường ra ngoài sân để có chỗ đặt bàn thờ con trai. Buổi tối đi ngủ, hai ông bà trải chiếu nằm nay dưới chân bàn thờ con.[/size]
[size=4]Nói là trải chiếu để ngủ, nhưng suốt cả tuần nay từ khi gia đình xảy ra chuyện hai vợ chồng ông bà Tính gần như không chợp mắt. Một đứa con trai chết, một đứa con trai sa vào vòng lao lý về tội giết người. Nỗi đau quá lớn đã khiến ông bà gần như gục ngã. Ông Tính nói: “Bao nhiêu năm nay, cái đói cái nghèo chúng tôi chẳng sợ. Nhưng lần này tôi đã hoàn toàn bị đánh gục”.[/size]
[size=4]Trong gia đình ông Tính, người con trai Nguyễn Văn Hùng là đứa con ngoan ngoãn, hiền lành và có hiếu nhất. Gia đình khó khăn, Hùng không có điều kiện học hành nhưng là một cậu bé hiền lành, biết giúp đỡ cha mẹ. Hùng đi làm công nhân cho một nhà máy sản xuất nhôm kính, lương tháng được hơn 1 triệu đồng nhưng tháng nào Hùng cũng đưa lại cho mẹ 800.000 đồng để phụ giúp mẹ lo cho cuộc sống của cả gia đình. Bà Tính kể trước khi Hùng mất, liền mấy tháng liền bà không thấy con trai đưa tiền như mọi tháng thì lo lắng hỏi: “Dạo này tiền lương con tiêu hết rồi à?”. Đáp lại lời mẹ Hùng nói: “Tiền lương của con để ra mỗi tháng 1 triệu, chỉ giữ lại vài trăm đổ xăng. Số tiền đó con cất riêng để một thời gian nữa hi vọng có thể giúp bố mẹ xây nhà”. Hôm vừa rồi sau khi Hùng mất, dọn dẹp chiếc hòm đồ đạc của con trai, bà Tính thấy dưới đáy hòm có 3 triệu đồng được cất kỹ càng. Đó là số tiền mà Hùng đã dành được trong 3 tháng lương. Vừa thương con, vừa xót xa đau đớn vì mất đứa con có hiếu, bà vừa mang số tiền đó để cúng trên bàn thờ con vừa khóc nấc. Nỗi đau quá lớn khiến bà không sao chấp nhận được.[/size]
[size=4]Bà bảo tối hôm đó khi thấy Hùng kêu mệt, bà lập tức sai Dũng đưa anh trai đi cấp cứu rồi tất tả theo sau lên bệnh viện. Lúc thấy chai nước các bác sĩ truyền cho Hùng không chảy nữa, nghe bác sĩ thông báo tình hình xấu, bà vừa khóc vừa chạy về nhà để nhờ người khiêng chiếc giường trong nhà ra ngoài sân, lấy chỗ đặt bàn thờ và quan tài cho Hùng khi đưa con trai về. Bà khóc: “Nếu không phải vì nhà nghèo khó, nhà cửa chật chội, nếu tôi không phải chạy về nhà chuẩn bị mà có mặt trên bệnh viện để ký nhận thì chắc thằng Dũng không gây ra án mạng như thế. Giờ đời tôi chẳng còn gì, con dại cái mang. Gia đình chúng tôi chỉ sau một đêm mà tan nát hết cả”.[/size]
[size=4]Khi chúng tôi đến thăm nhà, ông Tính cũng vừa lên Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình để gửi chút đồ tiếp tế vào cho Dũng. Ngồi cạnh chúng tôi thỉnh thoảng ông lại lấy tạy quệt nước mắt, ánh mắt vô cùng đau đớn. Vì cuộc sống mưu sinh của cả gia đình, ông vẫn phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi nên không có điều kiện ở nhà chăm sóc, bảo ban con cái. May mắn vì có cậu con trai đầu ngoan ngoãn, hiền lành, chăm chỉ nhưng ông bà vẫn thường buồn lòng vì cậu con trai thứ hai là Dũng còn mải chơi, chưa chịu khó làm việc. Tuy Dũng chưa gây ra chuyện gì nghiệm trọng trước đây cũng không tiền án tiền sự, nhưng cái tiếng nghịch ngợm của Dũng thì nhiều người trong xã Hòa Bình biết. Nhiều người trong gia đình ông Tính (đặc biệt là anh trai ông Tính – ông Nguyễn Vững) có phản ứng gay gắt với bệnh viện, cho rằng bác sĩ thiếu trách nhiệm là nguyên nhân khiến cho Dũng bức xúc mà giết người. Nhưng ông Tính thì rất kiệm lời khi nói đến điều này. Ông nói: “Tôi mới chỉ nghe loáng thoáng câu chuyện và chỉ nghe một chiều, nêu chưa dám kết luận gì. Dẫu là vì lí do gì thì việc con trai tôi làm cũng làm tôi đau đớn vô cùng. Tôi không thể nói được bất cứ điều gì, không thể thanh mình gì cho nó. Nó đã làm cho vợ chồng tôi không còn có thể đứng dậy được nữa. Con trai tôi sẽ không tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Tôi chỉ mong rằng pháp luật có sự khoan hồng với nó, để vợ chồng tôi còn có một chút tia hi vọng nhỏ nhoi cho cuộc sống sau này”.[/size]
[size=4]Những ngày qua, Nguyễn Văn Dũng vẫn đang bị tạm giam và lấy lời khai tại Công an tỉnh Thái Bình. Không biết ngồi trong trại giam, Dũng có ân hận hành động của mình đã làm, khiến nỗi đau chồng chất nỗi đau trong gia đình hay không. Chỉ biết rằng, kể từ nay, người cha và người mẹ nghèo của Dũng sẽ vĩnh viễn không còn có thể có được một ngày bình yên.[/size]