[justify]
[/justify]
[justify]Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung nói như vậy khi trao đổi với PV ngày 11-1 xung quanh vụ việc cưỡng chế đất nông nghiệp ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Thưa ông, là người dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề tam nông, ông nhìn nhận thế nào về vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng?
- Những thông tin về vụ việc này cần phải được điều tra làm rõ và thông tin đầy đủ, khách quan hơn. Với sự việc đã xảy ra, người dân sử dụng vũ khí là sai và phải bị xử lý theo pháp luật, nhưng chính quyền cần rút kinh nghiệm trong vụ việc này.
Thông tin ban đầu cho thấy, chính quyền cũng nhiều lần hoà giải, vụ việc cũng đã được đưa ra toà. Tuy nhiên, việc cưỡng chế dẫn đến hậu quả như vậy là đáng tiếc. Chính quyền phải trả cái giá quá đắt, nhất là uy tín với người dân.
Như Giám đốc Công an Hải Phòng đã nói, đáng lẽ phải thuyết phục vận động tuyên truyền để người dân tự nguyện. Đây không phải là chuyện của riêng Tiên Lãng, Hải Phòng mà còn có ở các địa phương khác; vì thế cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.[/justify]
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung
[justify]Theo Luật Đất đai, 2013 là năm hết thời hạn giao đất nông nghiệp, gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản và đất muối. Trong vụ việc ở Tiên Lãng, nhiều ý kiến cho rằng, địa phương đang “cầm đèn chạy trước ô tô” trong việc thu hồi đất loại này?
- Chúng ta cần phải thông tin đến người dân, cán bộ chính quyền địa phương để họ hiểu đúng về Luật Đất đai. Không phải đến năm 2013 là thu hồi và chia lại. Đến thời điểm đó, nếu chính sách đất đai vẫn tiếp tục như hiện nay, người nông dân vẫn có nhu cầu sản xuất nông nghiệp thì họ vẫn được sử dụng.
Bây giờ, thu hồi và chia lại đất là không thể. Bởi vì, đất nông nghiệp cũng được chuyển nhượng, được cho thừa kế. Vì thế, trong việc sửa Luật Đất đai tới đây, tôi nhiều lần đề nghị vẫn giữ nguyên hiện trạng. Còn những người mới sinh, không có đất thì giải quyết bằng các biện pháp khác như tạo thêm việc làm cho họ.
Không chỉ giữ nguyên hiện trạng mà cần để nông dân sử dụng đất lâu dài hơn. Nông dân đã đầu tư rất nhiều vào đất nên cứ rục rịch thu thì người ta không an tâm. Nếu không, người dân sẽ không đầu tư.
Dù sao, năm 2013, một diện tích lớn đất nông nghiệp cũng sẽ hết hạn đúng tròn 20 năm như quy định của luật. Nhưng hiện vẫn chưa có một thông tin chính thức nào của các cấp, ngành trung ương về việc có thu hồi đất hay không. Điều này đang làm người dân không yên tâm.[/justify]
Ông Đoàn Văn Vươn trong trang trại của mình trước ngày xảy ra vụ việc
[justify]Chính phủ và các ngành, các cấp cần quan tâm và tuyên truyền để người dân hiểu và an tâm. Không có việc năm 2013 rút ra, chia lại đất nông nghiệp. Luật Đất đai đã quy định điều đó. Có việc hiểu sai vì không tuyên truyền, quán triệt đúng.
Theo ông, trong việc sửa đổi Luật Đất đai đang tiến hành, thời gian sử dụng đất nông nghiệp nên giải quyết thế nào?
- Nếu là nông dân trực tiếp làm nông nghiệp thì phải giao lâu dài, thậm chí là vô thời hạn. Vì nông dân dùng đất được giao chỉ để sản xuất nông nghiệp. Mục đích trọng tâm trong quản lý đất nông nghiệp của Nhà nước là đất đó được dùng để sản xuất nông nghiệp.
Nông dân ở đây không chỉ là người trực tiếp cầm cày mà có thể là những người trực tiếp quản lý, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Còn đối với những người không phải là nông dân, không trực tiếp sản xuất mà chỉ muốn gom đất để chuyển đổi mục đích hoặc cho nông dân thuê lại thì phải hạn chế, áp dụng giải pháp khác.[/justify]