Nhà tù “Tấm chì” và tù nhân đầy tai tiếng
Cung điện Dorge của thành phố Venice ngày nay là điểm du lịch hấp dẫn đối với nhiều du khách trên thế giới bởi được trang trí bằng những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng ở thế kỷ 14, nhưng có một điều mà ít người biết đó là phía bên trong cung điện nơi có những phòng ốc phục vụ cho những hoạt động quan trọng xưa kia là hệ thống nhà tù rất kiên cố.
Cho đến nay, những nhà tù này vẫn thu hút rất nhiều khách du lịch bạo gan đến thăm quan để một lần được thử cảm giác rùng rợn khi đứng trong những hành lang hẹp hun hút gió và nhìn những đồ gia hình bày la liệt trong các phòng giam.
Nhà tù Piombi là một trong những nhà tù ở nơi đây. Các phòng giam ở nhà tù này hầu như là ẩm ướt quanh năm, có rất đông tù nhân, không khí lúc nào cũng ngột ngạt và ô nhiễm. Ngoài ra tường và mái ở mỗi phòng giam đều được phủ các tấm chì khiến nơi đây rất nóng vào mùa hè và rất lạnh vào mùa đông.
Điều đặc biệt là vào năm 1605, để thuận tiện cho việc dẫn giải tù nhân và việc đi lại vào cung điện Doge, người ta đã cho xây dựng một cây cầu gọi là Cầu Than Thở. Cây cầu làm bằng đá vôi này nằm giữa Dinh Tổng trấn (Venezia) và nhà tù. Kể từ đó các tội nhân bị tòa án Tổng trấn Venezia tuyên xử trong Dinh Tổng trấn đều được dẫn qua chiếc cầu này để vào tù hay hành hình. Sở dĩ Cầu Than Thở mang tên này từ
thế kỷ 17 vì hầu hết các tù nhân trên đường vào trại giam đã thở dài khi đứng từ đây nhìn ra khoảng trời tự do lần cuối.
Giacomo Girolamo Casanova.
Ngày ấy nhà tù Piombi được mệnh danh là “tấm chì” bởi sự kiên cố và “không thể đào thoát” của nó. Những tù nhân khi đứng trước Cầu Than Thở để vào nhà tù hầu hết đã tiên đoán được số mệnh của họ. Vậy mà vào năm 1756, có một tù nhân đã trốn thoát khỏi nhà tù kiên cố này. Tù nhân ấy là Giacomo Girolamo Casanova, một người “nổi tiếng” với nhiều tai tiếng.
Giacomo Girolamo Casanova sinh ra tại Venice năm 1725 trong một gia đình có cha mẹ đều làm nghệ thuật, mẹ ông ta là nữ diễn viên và cha là một vũ công. Giacomo là con cả trong gia đình có 6 anh chị em. Tại thời điểm Giacomo sinh ra, Cộng hòa Venezia đang trong thời kỳ phát triển đỉnh như là thủ đô giải trí của châu Âu.
Bởi vậy nơi đây là nơi đến du lịch của những người đàn ông từ trẻ tuổi đến lớn tuổi, đặc biệt là những người đàn ông nước Anh. Các sòng bài với gái giang hồ xinh đẹp là những thứ thu hút mạnh mẽ nhất với những người đàn ông này và Giacomo cũng bị ảnh hưởng bởi điều đó.
Giacomo đã được chăm sóc bởi bà ngoại Marzia Baldissera trong khi mẹ ông ta thường xuyên đi lưu diễn. Khi còn nhỏ, Giacomo bị chứng chảy máu cam và bà ngoại thường tìm một phù thủy để chữa bệnh cho ông ta. Tuổi thơ của Giacomo chịu ảnh hưởng từ 2 người phụ nữ là bà ngoại và người phù thủy này, đặc biệt là bị ảnh hưởng bởi những lời mê hoặc bùa chú từ nữ phù thủy.
Cha Giacomo chết khi ông ta lên 8 tuổi và chẳng bao lâu sau hai mẹ con Giacomo rời bỏ Venezia để đến định cư tại Dresden (Đức). Đến năm lên 9 tuổi, Giacomo được gửi đến nhập học tại nhà của Tiến sĩ Gozzi tại Padua. Tại đây Giacomo học hành rất siêng năng, tỏ ra thông minh lanh lợi trước tuổi. Bước vào tuổi 13 thì Giacomo bắt đầu biết yêu.
Người tình đầu tiên là Bettina, người em gái nhỏ nhất của ông thầy Gozzi. Cũng từ đây Giacomo bắt đầu lịch sử tình trường đầy tai tiếng của mình. Với diện mạo bề ngoài cao lớn nhưng tác phong lại ân cần, nhẹ nhàng, Giacomo thu hút và quyến rũ được rất nhiều phụ nữ. Và con số 122 người tình đã khiến Giacomo được mệnh danh là “vua sát gái”.
Tuy nhiên đến năm 1755 khi Giacomo đến gặp một thương gia giàu có để xin cưới con gái của họ. Trong quá trình tán tỉnh cô gái này, Giacomo đã dùng những lời lẽ được cho là mê hoặc và cuối cùng người thương gia đã trả lời bằng cách tống cô con gái vào tu viện và tố cáo Giacomo. Ngay sau vụ việc này, Gacicomo bị kết án 5 năm và bị tống giam vào nhà ngục.
Cho đến thời điểm năm 1756, Giacomo đã ngồi tù được một năm nhưng không hề được đưa ra tòa xét xử, bản thân Giacomo cũng không biết mình đã phạm tội gì. Suốt hơn 1 năm Giacomo sống trong tuyệt vọng, nhưng rồi cuối cùng Giacomo quyết định biến nỗi tuyệt vọng ấy bằng niềm hy vọng.
Ông ta đã lên kế hoạch trốn thoát khỏi nhà ngục này, điều mà trước đây khi đứng trên Cầu Than Thở nhìn tự do lần cuối Giacomo chưa bao giờ nghĩ tới. Giacomo bắt đầu thực hiện kế hoạch trốn thoát bằng việc giấu một thanh sắt dài khoảng 20 inch vào trong tấm nệm của chiếc ghế bành ở trong phòng giam của mình.
Thanh sắt này là do Giacomo đã bí mật lấy từ một đống rác ở căn gác nơi ông ta đã được cho phép tập thể dục vào thời gian khi mới vào tù. Sau đó, Giacomo đã dùng một hòn đá cẩm thạch đen mà mình đã mua lại từ một tù nhân mài cho đầu thanh sắt trên sắc nhọn để có thể đào đất.
Tuy nhiên, những ngày đầu khi Giacomo mài thanh sắt, âm thanh ken két đã khiến những cai tù nghi ngờ và hàng ngày họ cứ dạo đi dạo lại qua phòng giam của Giacomo để kiểm tra. Sau đó bằng cách lợi dụng những lúc cai ngục đi ăn trưa hoặc nghe nhạc, Giacomo đã cố gắng tranh thủ đào một đường hầm bí mật dẫn ra ngoài.
Tuy nhiên những hi vọng của Giacomo bị sụp đổ khi ông ta bị chuyển phòng giam. Giacomo nghĩ rằng không thể tiếp tục “hành động” ở phòng giam mới bởi cai ngục rất sát sao, thế nên ông ta đã quyết định phải trao thanh sắt đó cho một tù nhân ở kế bên.
Sau đó Giacomo nhận ra rằng mình có thể “mua chuộc” cai tù bằng những cuốn sách. Khi đó Giacomo nói rằng ông ta là một tác gia có nhiều tác phẩm hay và không ngờ người cai tù tên là Lorenzo rất thích những tác phẩm của ông, nhưng với tiền lương ít ỏi của một cai ngục thì Lorenzo chẳng mấy khi đủ tiền mua một cuốn sách để đọc. Giacomo cũng nói với người cai tù này rằng sẽ không hề hấn gì khi ông và anh ta
làm một cuộc trao đổi với nhau.
Vì niềm say mê đọc sách, Lorenzo đã đồng ý và ngay sáng hôm sau anh ta nhận được một bản sao một cuốn sách của Giacomo, đổi lại Giacomo đã nhận được cuốn sổ ghi danh sách những tù nhân hiện đang bị giam trong nhà tù này. Trong danh sách này có miêu tả sơ qua về tội trạng của các tù nhân và thái độ của họ khi vào đây, thậm chí là vị trí buồng giam của từng người.
Danh sách này thường thì chỉ cai ngục mới được xem và quản lý, ngoại trừ một số tù nhân được “đặc quyền” hoặc có vật trao đổi như Giacomo. Và Giacomo đã lợi dụng điều này để gửi “thông điệp” đến một người bạn tù, người mà có thể cùng hiệp sức với ông ta đào thoát khỏi nơi đây.
Cầu Than Thở
Đào thoát sang phía bên kia Cầu Than Thở
Trong khi xem danh sách mà với Giacomo là để “tìm bạn tù”, ông ta đã lén viết mấy dòng nhắn bằng tiếng Latinh vào một tờ giấy nhỏ về kế hoạch vượt ngục rồi giấu vào gáy cuốn sổ ghi danh sách các tù nhân. Không có bút, Giacomo đã cắt móng tay của mình để làm bút.
Không có mực, Giacomo đã dùng nước ép dâu tằm để viết. Ngoài những lời nhắn, ông còn viết tên những cuốn sách mà mình đã viết. Sáng hôm sau, Giacomo đưa lại cuốn sổ cho Lorenzo và nói rằng mình đã đọc nó. Một thời gian sau, Giacomo tỏ ý mượn lại cuốn sổ từ Lorenzo, lần này ông ta tìm thấy trên gáy của cuốn sổ có một lá thư dài, một số tờ giấy, và một cây bút chì.
Trong lá thư ấy, có một người tự xưng là Marino Balbi, là một quý tộc và là một thầy tu, người đã bị giam ở đây suốt bốn năm tỏ ý muốn “hợp tác” cùng với Giacomo trong cuộc vượt ngục này. Thầy tu này nói rằng mình và những người bạn tù có thể làm bất cứ điều gì để có thể thoát khỏi nơi tối tăm và bẩn thỉu này, nhưng lo lắng không biết phải thực hiện bằng cách nào.
Giacomo đã nhanh chóng trả lời rằng Balbi sẽ đào hai đường hầm, một đường nối thông hai phòng giam và đường kia thông từ phòng giam của ông ta ra ngoài hành lang. Giacomo biết rằng phòng giam của Balbi ngăn cách với hành lang hẹp bởi một bức tường, Balbi sẽ phải đào một đường hầm xuyên qua tường để dẫn ra hành lang. Và thanh sắt đã được Giacomo trao cho Balbi. Để bắt đầu kế hoạch, Giacomo yêu cầu Balbi
nhờ cai ngục mua một loạt những ảnh về chúa dán hết lên tường nhằm che giấu lỗ hổng đào đường hầm thông ra hành lang.
Công việc đào đường hầm ra hành lang được tiến hành bắt đầu vào đầu tháng 10, 8 ngày sau, Balbi uể oải thông báo với Giacomo rằng việc đào đường hầm là rất khó khăn và ông ta thấy nản chí khi viên gạch đầu tiên được cậy ra. Giacomo đã động viên ông ta là chắc chắn có kết quả và với sự nỗ lực của Balbi, một tuần sau đó, ba tia sáng đã lọt vào phòng giam của Balbi khiến cho cả hai mừng rỡ vì tin rằng đã xác
định đúng vị trí có thể đào thoát của nhà tù này.
Những ngày tiếp theo, sau khi đã đào thông hai đường hầm, Giacomo xác định thời điểm đào thoát khỏi nhà tù này là vào đêm 31/10. Đêm đó, sau khi đã rà soát tất cả, cả hai đã dành nhiều giờ để chuẩn bị một cái dây dài. Họ cắt ga trải giường, chăn thành những mảnh dài rồi thắt nút lại với nhau. Cuối cùng chiếc dây cũng dài được 200m và khá chắc chắn. Họ thoát ra khỏi phòng giam của Balbi thông qua đường hầm
dẫn ra hành lang và công việc cuối cùng là phải phá được tấm chì trên mái nhà tù.
Cả hai cùng hợp lực và cuối cùng đã phá được các đinh tán, sau đó khi những tấm chì bị phá vỡ, cả hai thấy trước mắt họ là một bầu trời đầy sao. Tuy nhiên cả hai đều không dám ở lâu trong ánh sáng của sao trời bởi nơi này rất dễ bị các lính canh phát hiện, vì thế họ phải chờ đợi cho đến nửa đêm khi trăng đã lên cao và các lính canh đã mệt mỏi và ngủ gật.
Tới nửa đêm, cùng gói quần áo và chiếc dây dài, cặp đôi bắt đầu tiếp tục hành trình nguy hiểm của họ. Giacomo bò nhẹ trong màn đêm, rồi Balbi bò theo sau. Cuối cùng họ cũng lên đến đỉnh của mái nhà, nằm ở đó thở hổn hển và quan sát địa hình xung quanh. Con đường tiếp theo họ phải đối mặt là các vòm mái của nhà nguyện Staint Mark được nối liền với cung điện Doge
Lúc đó Balbi bất giác đặt túi quần áo xuống và vô tình đánh rơi mất chiếc mũ, chiếc mũ lăn xuống mái nhà và cả hai đều lo lắng vì sợ lính canh sẽ phát hiện. Tuy nhiên cả hai đều thở phào khi thấy cái mũ rơi xuống con kênh gần đó thay vì rơi vào trong sân của cung điện-nơi các lính canh sẽ nhìn thấy.
Sau đó Giacomo đã mất cả một giờ để lang thang dọc theo mái vòm rộng lớn để tìm xem có chỗ nào có thể buộc dây để leo xuống. Nhưng chẳng có chỗ nào đủ vững chắc để Giacomo có thể buộc dây, thế nên cuối cùng cả hai đành trở lại phía nhà tù và quyết định leo từ mái nhà tù xuống con kênh cho dù con đường này rất nguy hiểm, có thể bỏ mạng nếu gặp bất kỳ sự cố nào.
Và họ đã không vượt qua được chặng đường này bởi lối xuống quá hiểm trở và điều đặc biệt là có khá nhiều cửa sổ từ phía cung điện vẫn sáng đèn, điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể bị phát hiện bởi những người thức khuya.
Và cuối cùng cả hai cũng không thể chạm xuống con kênh, họ quyết định leo vào bên trong một cửa sổ. Từ đây theo một tia sáng mờ nhạt, họ mò mẫm trong bóng tối tiến đến một căn phòng khác. Mở cửa sổ ra, Giacomo thấy trước mắt mình là một vực thẳm tối đen, không thể xác định được phía trước là gì.
Ngay lúc ấy, Giacomo và người bạn đồng hành dường như đã từ bỏ tất cả các ý tưởng về việc leo xuống dưới. Giacomo đóng cửa sổ lại và đi đến các phòng tối khác, ông ta nằm xuống nền nhà và cuộn cái dây thành một cái gối, nằm đó chờ đợi bình minh. Còn Balbi, vì 2 ngày cuối cùng hầu như không được ăn ngủ nên lúc đặt người xuống cũng là lúc Balbi rơi vào giấc ngủ sâu.
Khoảng nửa giờ sau đó, Giacomo bị đánh thức bởi tiếng ngáy của Balbi. Trời vẫn còn tối nhưng đã có dấu hiệu của buổi bình minh bởi những tia sáng yếu ớt. Cả hai cùng tiếp tục tìm kiếm và thấy một cánh cửa đối diện với căn phòng mà họ đã đột nhập trước đó. Nhưng cánh cửa này bị khóa, từ nơi này, Giacomo nhìn thấy phía xa có một căn phòng dường như không khóa. Đây là một nhà kho.
Đi hết nhà kho này họ thấy có một cầu thang ngắn đưa họ đến một phòng bằng kính. Mở cánh cửa kính, Giacomo phát hiện ra đây là phòng của một vị công tước. Giacomo tìm thấy một cây trâm màu đen và một cán gỗ dài trên bàn của công tước. Rời khỏi bàn, Giacomo chạy về phía cửa và nhanh chóng nhận ra nó bị khóa. Không còn lựa chọn nào hơn, với sự hỗ trợ của Balbi, Giacomo lấy cán gỗ dài đập khóa.
Tiếng ồn khiến cả hai sợ bị phát hiện nhưng bất chấp nguy hiểm, trong nửa giờ đồng hồ chiếc khóa đã bị phá vỡ kèm theo một mảng gỗ cửa cũng bị vỡ vụn. Từ lỗ cửa bị phá này, Balbi thu người chui ra trước rồi đến Giacomo.
Cả hai đều bị thương, máu thấm trên áo quần bởi những mảnh gỗ lởm chởm sắc nhọn. Sau khi đã thoát được ra ngoài, họ đi xuống cầu thang và tìm thấy những cánh cửa lớn. Tuy nhiên những cánh cửa dẫn vào cung điện đã bị khóa và Giacomo đã nghĩ rằng phải dùng đến rìu để mở nó.
Nhưng họ chưa làm việc này vội. Cả hai bắt đầu chú ý đến trang phục của mình làm sao để khi họ ra ngoài sẽ không bị lính gác phát hiện là tù nhân. Với áo sơ mi màu đỏ và ống quần rách màu nâu được túm lại, nhìn Balbi giống như một người nông dân kiêm nghề khuân vác.
Nhưng Giacomo bị thương nhiều, máu dường như thấm đỏ cả chiếc áo ông ta đang mặc, ông ta quyết định thay một bộ mới và lấy khăn mùi soa băng vết thương của mình lại. Giacomo mặc ba chiếc áo sơ mi, bên ngoài khoác áo choàng, đi đôi tất màu trắng và đội một chiếc mũ kiểu Tây Ban Nha. Và không cần cả hai phải tốn sức phá cửa vì cánh cửa cung điện đã được mở bởi lúc đó trời cũng vừa hửng sáng.
Giacomo và Balbi bước ra ngoài, họ cố tránh ánh nhìn của những lính gác. Còn lính gác nhìn bộ dạng hai người với vẻ ngạc nhiên, cuối cùng họ cho rằng hai người này là công nhân khuân vác bị bỏ quên trong cung điện từ hôm trước. Cả hai nín thở bước nhanh qua ngưỡng cửa, đi xuống cầu thang trong ánh điện và chẳng bao lâu đã đến Cầu Than Thở.
Đứng ở phía bên kia cầu, nơi chỉ cách nhà ngục không xa, Giacomo nghĩ về cái thời khắc khi mình đứng ở phía bên kia cây cầu nhìn tự do lần cuối trước khi bước vào nhà ngục và khẽ mỉm cười. Sau đó Giacomo nhanh chóng gọi một chiếc thuyền và nói rằng mình muốn đi về phía bờ bên kia. Mặt trời dần lên cao, nước ở con kênh bắt đầu chuyển sang màu trắng đục và Giacomo biết rằng đó là buổi sáng đẹp nhất trong
quãng đời tự do sắp tới của ông ta.