Chi Lăng không chỉ được biết đến bởi những dấu ấn lịch sử đầy tự hào mà còn nổi tiếng bởi những trái hồng Nhân Hậu thơm ngon. Bất cứ ai đã đặt chân tới đây, không thể không biết đến loại trái đặc sản này.
Hồng Nhân Hậu được người dân trồng trên núi đá tai mèo. Cũng thật lạ, trên một vùng đất cằn cỗi, sỏi đá… những cây hồng vẫn sai trĩu quả. Nhưng có lẽ vì mọc trên núi đá vùng đất Chi Lăng cùng với nắng gió đặc trưng mà những trái hồng Nhân Hậu nơi đây mang một hương vị riêng rất đặc biệt.
Mứt hồng có hương thơm đặc biệt, vị ngọt đậm của mật hồng khi sấy bị cô lại làm miếng hồng dai hơn khiến người ăn thưởng thức một lần rồi nhớ mãi. - Ảnh: Hoàng Hân
Nếu có dịp đến Chi Lăng vào những ngày tháng 8 âm lịch, bạn sẽ bắt gặp những vườn hồng vàng rực, quả sai trĩu cành. Người dân tấp nập cho vụ thu hoạch, từng sọt lớn với những trái hồng to, vàng rực bám đầy phấn được chở ra các chợ đầu mối và theo xe xuôi ngược về các tỉnh thành khác.
Không chỉ để thờ cúng tổ tiên, tết cổ truyền đang đến gần, ngoài các món bánh, mứt quen thuộc, người dân xứ Lạng không quên chuẩn bị một chút mứt hồng như là món quà đầu xuân gửi biếu người thân và bạn bè phương xa. Mứt hồng Chi Lăng không chỉ mang hương vị núi rừng, đặc trưng riêng của vùng đất này mà còn chứa đựng cả tình cảm của người dân nơi đây. |
Theo kinh nghiệm của người dân trồng hồng, hồng ngon là quả không có đốm đen, đều quả, da sáng láng bóng, núm còn vẹn nguyên. Hồng Nhân Hậu khi thu hoạch có thể thưởng thức ngay. Muốn ăn hồng giòn, chỉ cần lấy kim châm quanh đế quả và đầu quả hồng rồi ngâm trong nước tro hoặc nước vôi. Ngâm 3-5 ngày, mỗi ngày thay nước một lần, thế là đã có những trái hồng sâm ngon tuyệt.
Miếng hồng gọt ra vàng ươm, cắn một miếng giòn tan, vị ngọt thanh lan tỏa nơi đầu lưỡi, thưởng thức một lần cũng thấy mê. Người thích hồng chín, chỉ cần ủ hồng kín, vài ngày trái chín đều, đỏ rực, mọng căng, ngọt lịm nhìn đã muốn thưởng thức.
Nhưng cũng đừng tiếc nếu bạn không có dịp đến với mảnh đất lịch sử này vào mùa hồng được thu hoạch, nếu không được thưởng thức những trái hồng tươi đỏ rọi, ngọt lịm thì bạn vẫn sẽ được thưởng thức hương vị khác của trái hồng Nhân Hậu sấy khô, mà người dân nơi đây vẫn gọi là mứt hồng vào bất kỳ ngày nào trong năm. Nếu những trái hồng tươi mang vị ngon, ngọt đậm thì món mứt hồng mang vị ngon riêng làm cho người thưởng thức phải lưu luyến.
Theo người dân nơi đây, chọn hồng để làm mứt phải chọn những quả chưa chín hẳn, không dập nát, đẹp. Cách sấy hồng mới kỳ công không kém. Sau khi hái hồng về, phải rửa thật sạch, chờ cho ráo nước rồi đem ủ. Sau khi hồng chín, ăn đã ngọt, chủ lò sẽ gọt vỏ rồi cho lên bàn sấy. Quả hồng được cắt làm đôi, sấy xong một mẻ đã mất một ngày. Riêng hồng để nguyên quả phải sấy trong hai ngày, hai đêm. Cứ khoảng 30 phút lại phải đảo hồng một lần. Than phải luôn luôn đều, độ nóng vừa phải.
Cách sấy hồng thật lắm gian truân, vất vả, có lẽ chính vì thế mà khi thưởng thức những miếng mứt hồng làm người ta không khỏi bồi hồi. Mứt hồng có hương thơm đặc biệt, vị ngọt đậm của mật hồng khi sấy bị cô lại làm miếng hồng dai hơn khiến người ăn thưởng thức một lần rồi nhớ mãi.
[/justify]
Theo Hoàng Hân (toitreonline)