Hồi xưa nghe một chị bạn nói rằng “No beauty no money”, tôi lúc đó còn sinh viên ngơ ngác nên cứ nghĩ trong đầu: beauty với money có liên quan quái gì với nhau đâu? Trừ khi là đi làm … gái. Sau nhiều năm, ra trường nên có tiền chăm chút hơn cho nhan sắc, thực tế khiến tôi hoàn toàn chấp nhận “châm ngôn” đó.
Đẹp gái lợi thế đủ cái!
Ra đường, khi chẳng may bị các anh giao thông vịn lại, tôi đã nhiều lần được “tha bổng” vì anh nào mà nỡ phạt khi sau khi nghe vài câu năn nỉ của “bé xinh”.
Vô bãi xe, tới cầu thang máy, lên xe buýt, hầu như đi đâu tôi cũng được ưu ái. Dù là đi mua vé tàu trong ngày cao điểm hay vô mấy chỗ “hành là chính” làm giấy tờ, dẫu người phục vụ là phụ nữ đi nữa thì tôi vẫn thường xuyên được giải quyết nhanh, cư xử nhẹ nhàng… mặc dù ngay trước và sau tôi, những “thượng đế” khác bị hạch sách thiếu điều là lên bờ xuống ruộng.
Còn khi đi xin việc làm, rõ ràng cái đẹp của tôi cũng là lợi thế. Chị làm ở phòng nhân sự một buổi tám chuyện râm ran đã kể là đợt tuyển nhân viên tập sự, nhiều hồ sơ nộp vô quá nên phần lớn chỉ được liếc qua. “Các anh trong phòng hôm đó chộp ngay lấy cái hồ sơ của em rồi chuyền nhau xôn xao nhất định chị phải phỏng vấn bé này”.
Rõ ràng cái đẹp tựa như một kim bài miễn khổ vậy đó, đi đâu cứ giơ cái mặt ra, bạn sẽ có ngay đặc quyền đặc lợi.
Còn xấu thì sao?
Cái luận điệu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” rõ ràng là đã xưa như trái đất rồi. Thử hỏi với những lần gặp gỡ đầu tiên, với những quan hệ ngoài xã hội, mấy người có đủ thời gian để thẩm thấu tới cái “lớp gỗ” bên trong đó? Cho nên xấu thì sẽ chẳng được hưởng đặc quyền.
Xấu thì đừng mong được chọn lựa “một nửa hoàn hảo của mình”. Cô bạn tôi bồ với một anh tầm tầm, chưa cưới mà đã đầy thói vũ phu, coi thường người yêu. Thế nhưng cô ấy không dám chia tay, vì “Đời tao vậy rồi. Giờ bỏ ổng tao kiếm được ai hơn đâu”.
Xấu thì đừng mong có một tương lai rạng rỡ kiểu công chúa lọ lem. Một đứa hàng xóm gần nhà tôi, lỡ khổ cha mẹ sinh ra không hiểu sao xấu thảm xấu thương. Nó vô Sài Gòn học được một năm rồi ba mẹ và các chị bỗng dưng kéo tuột về, xin cho việc làm trong một công ty quen biết. Họ nói nó đã xấu mà học nhiều, càng lớn càng chết mà thôi. Nên giờ phải về đi làm, có cái thu nhập ổn định để gia đình tìm cho một chỗ tàm tạm.
Xấu thì đừng mong mà được hoàn toàn công bằng đối xử. Sự thực 101%, anh bạn thành đạt và đầy trí thức của tôi đã xác nhận: Giữa hai cô ứng viên, cô xinh hơn sẽ được anh nhận dù năng lực có kém hơn một tí. Lý do là kĩ năng làm việc thì có thể đào tạo được, nhưng vẻ đẹp thì không. Mà trong một công ty đầy áp lực, thì ngó một khuôn mặt tươi như hoa sẽ dễ chịu hơn nhiều một cô kiểu “đen đen, cũ cũ”…
Mà nói đâu xa, cái phim Cô gái xấu xí vốn nói về sự “tốt gỗ” của một cô gái xấu ơi là xí, thế mà người ta vẫn không chọn được lấy một cô gái nào xấu thiệt sự để thủ vai. Đạo diễn phải chọn một cô quá xinh rồi hóa trang tới mức lộ liễu cho cổ xấu đi. Đó, xấu là thôi rồi, khỏi có cơ hội nào nha, dù là cơ hội đóng vai chính trong phim Cô gái xấu xí.
Mà các bạn có biết mấy tay đàn ông nói sao về gỗ và nước sơn không? Tôi thử làm điều tra bỏ túi với mấy thằng bạn thân thiệt là thân (toàn dân đàng hoàng cả nhé) về cảm nghĩ của tụi nó với một cô bạn U30 đang ế của mình.
Tụi nó nói nhỏ đó không những ngoại hình đã kém điểm, mà lại còn ra vẻ thông minh, cá tính quá nữa. Cho nên nói chuyện với nhỏ nhạt phèo, chán ngắt. Cứ toàn lôi mấy thuật ngữ tiếng Anh vô, rồi dẫn lời ông danh nhân này, kể tên cuốn sách nọ… Thế đấy, kết luận là đã xấu mà còn thông minh nữa thì thật là nguy hiểm và làm người ta tuyệt vọng.
Đương nhiên là nhiều người đọc đến đây sẽ nói “Đẹp thì hiển nhiên tốt rồi, nhưng mà vẫn cần có tâm hồn, trí tuệ”. Tôi thì tất nhiên chẳng phản đối gì, ai mà chẳng muốn thế. Nhưng sự thực là tạo hóa có tạo ra nhiều tuyệt tác đâu, cho nên giữa đẹp và thông minh, chỉ được chọn một trong hai, bạn sẽ chọn cái nào?
Có lần tờ báo nọ viết về cô người đẹp đang xì căng đan đình đám, nghe thì có vẻ chối tai, nhưng chả hề sai tí nào: “Đừng có đòi N.T phải thông minh, vì N.T đã đẹp như vậy rồi, mà còn thông minh nữa, thì phụ nữ trên đời này sao còn niềm tin để sống”.