Internet 2010-06-21 21:41:04

Xì-căng-đan truyền thông & các ‘đại gia’ ICT Việt Nam


Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, nhìn lại: 'Một thông điệp có thể đúng nhưng truyền đi không đúng lúc, đúng chỗ sẽ trở thành xì-căng-đan. Và các ‘đại gia’ như FPT, Viettel… đều đã nếm trải vị đắng này.'



Ảnh minh họa
FPT và những trái đắng "văn hoá"
Trong buổi nói chuyện Leader Talk thường kỳ tháng Sáu vừa qua của lãnh đạo FPT tại đại học FPT (Hà Nội), ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc tập đoàn FPT phải thừa nhận “sức mạnh của truyền thông mạnh, vĩ đại lắm”. Ông nói thế bởi ông và ban lãnh đạo FPT đã trải nghiệm bao đắng cay của “búa rìu dư luận”.

Ông Nguyễn Thành Nam nhớ lại, năm 1999, hồi FPT sôi sục khí thế toàn cầu hóa, tờ Chúng ta - bản tin nội bộ của FPT với nội dung thuở ban đầu “ngây thơ, tình cảm”, đã đăng lời hiệu triệu toàn cầu hóa ‘rất FPT’:

Lấy tiền Tây mà tiêu

Giật nhà Tây mà ở

Cướp gái Tây mà chơi

Ông Nam kể, vì FPT rất cẩn thận, xin giấy phép xuất bản cho tờ Chúng ta đàng hoàng nên khi “khẩu hiệu” nói trên bị một phóng viên báo Đầu tư đầu tiên phát hiện ra, nó đã trở thành một vụ bê bối lớn. Vào thời điểm đó, báo Lao động giật ra trang nhất hàng tít: “Con thuyền ấy chở đạo gì?” (bài của nhà báo Chu Thượng) bình luận về vụ bê bối này. Phải mất một thời gian dài, FPT mới dần dần lấy lại thanh danh của mình.

Những tưởng FPT đã rút được kinh nghiệm từ xì-căng-đan của ấn phẩm nội bộ này nhưng năm 2008, xì-căng-đan tương tự lại tái diễn, tai tiếng hơn, kéo dài hơn với sự “góp sức” của internet.

Năm 2008, kỷ niệm 20 năm thành lập, FPT trở nên cực kỳ "nổi tiếng" với các vụ: Sách đỏ FPT, Sử ký 20 năm và màn múa khỏa thân của hai nam sinh Trung tâm FPT Arena.

Sách đỏ FPT là cuốn sách lưu hành nội bộ, gồm bốn tập, nội dung chủ yếu là nhạc chế theo những bài hát nổi tiếng với lời lẽ, theo dân FPT là "vui vẻ, cây nhà lá vườn" nhưng đối với người ngoài thì là một cú sốc không đỡ được. Một số nhà văn hóa, nhạc sĩ tức giận, mắng Sách đỏ FPT trên báo chí là “bậy bạ”, “mất dạy”. Cuốn sách FPT – Sử ký 20 năm có giấy phép xuất bản, dày gần 500 trang đã bị truyền thông “đánh” tơi bời vì tội lớn nhất là xuyên tạc Tuyên ngôn độc lập. Và cộng với màn múa “khỏa thân” của hai học viên FPT Arena hôm 13/9/2008 đã khiến cho câu hỏi: “Văn hóa FPT là gì?” trở thành một vấn đề xã hội lớn lúc bấy giờ. Cũng phải nói thêm rằng, lúc này, FPT đã trở thành một tập đoàn lớn, một doanh nghiệp điển hình của Việt Nam, có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán… Những vụ bê bối kiểu này có sức tác động rất lớn. Cái giá FPT phải trả cho các xì-căng-đan năm 2008 là bị phạt tiền hàng chục triệu đồng, học viên bị đình chỉ học, cán bộ có liên quan bị cho thôi việc và hơn cả, chưa biết đến bao lâu người ta mới quên dần bê bối này nhưng chắc chắn hình ảnh FPT không còn được như trước nữa.
Một bài học dân gian có thể còn ý nghĩa với FPT: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Khi ban hành một ấn phẩm, dù chỉ lưu hành nội bộ, khâu kiểm duyệt rất quan trọng. Nó không chỉ đơn thuần là chuyện "cây nhà lá vườn" mà là bộ mặt, là những biểu hiện văn hoá và tri thức của cả một tập đoàn.


Viettel bị hớ
Trong lĩnh vực viễn thông, Viettel lấy được thiện cảm với hình ảnh là một thế lực chống độc quyền “khủng” nhất; rằng nhờ Viettel, dân Việt Nam mới được hưởng các dịch vụ di động, internet bình dân như hiện nay. Thế nhưng khi "lỡ miệng", Viettel nhận ngay làn sóng chỉ trích là nhà giàu thừa tiền, “đủ lông đủ cánh” rồi nên muốn hạn chế cạnh tranh.

Nửa cuối năm 2009, Viettel nhận được giấy phép triển khai mạng di động 3G cùng bốn doanh nghiệp khác và ngay lập tức sung sướng phát đi thông cáo mình đạt được điểm cao nhất trong tất cả các hồ sơ thi tuyển 3G, đặc biệt nhấn mạnh mức đặt cọc của Viettel là 4.500 tỷ đồng, cao gấp ba lần số tiền đặt cọc của VNPT và MobiFone. Ai ngờ, chính chi tiết này lại “gậy ông đập lưng ông” Viettel. Các đối thủ dựa lời nhà phân tích phát biểu với báo chí rằng họ tính toán bài toán 3G rất cẩn trọng, vừa hiệu quả kinh doanh vừa có giấy phép 3G, chứ không như ai đó cậy mình nhiều tiền, quăng hàng nghìn tỷ đồng chết dí trong ngân hàng. Sau đó, Viettel lại phải ra sức thanh minh rằng hàng ngàn tỷ đồng họ gửi vào ngân hàng vẫn có lãi chứ không phải “chết dí”. Nhưng dù Viettel có nói gì, ai cũng thấy rằng Viettel đã bị ‘hớ’ một cách lãng xẹt. Dù cả ngàn tỷ đồng của Viettel gửi ngân hàng vẫn có lãi, khoảng 10% lúc bấy giờ, nhưng thấp hơn rất nhiều so với lợi nhuận của kinh doanh thông tin di động, tới 30%.

Đầu năm 2010, một "thảm họa truyền thông" nữa lại đổ ập xuống Viettel với hai đề xuất trong phát biểu của Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị toàn ngành Thông tin và Truyền thông. Thứ nhất, ông Hùng đề nghị Bộ TT&TT xem xét áp giá sàn di động để tránh tình trạng các mạng di động phá giá cước, xé nát thị trường. Thứ hai, đề nghị Bộ TT&TT kéo dài đầu số di động 10 số để chống cháy kho số, xóa bỏ sự phân biệt số di động 10 số và 11 số.

Ngay lập tức, cả hai đề xuất nói trên của lãnh đạo Viettel bị phản ứng trên báo chí, diễn đàn trực tuyến. Có ý kiến cho rằng đề xuất giá sàn của ông Hùng là đáng để xem xét vì có khả năng các doanh nghiệp nước ngoài, hùng mạnh về tài chính sẽ chấp nhận thua lỗ một thời gian, giảm mạnh giá cước để hạ gục đối thủ trong nước. Đến khi thị trường bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, họ sẽ tự tung tự tác trên thị trường và cuối cùng người dùng chịu thiệt thòi nhất.

Song quan điểm này đã bị cuốn phăng bởi sự tức giận của dư luận rằng tại sao Viettel từ một hình mẫu cho ủng hộ cạnh tranh nay quay ngoắt thành hạn chế cạnh tranh? Có phải Viettel đã “ăn đủ” rồi, nay sợ các doanh nghiệp mới trỗi dậy, cạnh tranh không lại?

Về đề nghị nâng đầu số 10 số lên 11 số, dư luận phản đối kịch liệt bởi nó ảnh hưởng đến hàng triệu thuê bao. Người ta cũng không hiểu Viettel có nghĩ đến quyền lợi của khách hàng không khi một mặt bán đấu giá số đẹp, cam kết với khách hàng sử dụng số đẹp, mặt khác đưa ra một đề xuất như vậy. Chưa kể, lý do cháy kho số là không thể chấp nhận bởi số thuê bao ảo còn nhiều (trong đó có sự đóng góp lớn của Viettel).

Áp lực của báo chí, truyền thông lên Viettel lúc này là rất lớn. Ngay sau đó, để ‘chữa cháy’, Viettel đã tuyên bố giảm cước, trái ngược với đề xuất trước đó của ông Nguyễn Mạnh Hùng. Và được biết, Viettel cũng tổ chức một số cuộc gặp gỡ báo chí, mời một số báo lớn đến phỏng vấn để “gỡ điểm”.


Bkis: công hay tội?
Đối với Trung tâm An ninh mạng Bách khoa (Bkis), bài học truyền thông năm 2009 có lẽ là một kinh nghiệm để đời: từ người làm nên thành tích bỗng dưng bị đem ra luận tội.

Vào tháng 7/2009, Bkis đầu tiên công bố trên blog tiếng Anh của mình là đã tìm ra nguồn gốc các vụ tấn công an ninh mạng vào một loạt trang web của chính phủ Hàn Quốc và Mỹ. Ngay lập tức, giới truyền thông thế giới phát lại ngay tin này vì đây là những phát hiện đầu tiên. Các chuyên gia an ninh mạng Hàn Quốc sau đó đã xác nhận độ tin cậy của thông tin do Bkis đưa ra.

Những tưởng Bkis được truyền thông trong nước hoan nghênh nhưng ai dè ngược lại. Dựa vào chi tiết đăng trên blog của Bkis rằng Bkis đã tấn công, chiếm quyền điều khiển hai máy chủ đặt tại nước ngoài, cư dân mạng, rồi đến báo chí ồ ạt phân tích “công, tội” của Bkis, cho rằng Bkis đã vi phạm pháp luật khi tấn công vào máy chủ của người khác. Sự việc ầm ĩ đến nỗi cả Bộ Công an và Bộ TT&TT vào cuộc và cuối cùng, Bộ TT&TT phải ra văn bản nhắc nhở Bkis và Trung tâm ứng cứu máy tính khẩn cấp (VNCERT) – đơn vị có công văn khẩn tới lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội đề nghị nhắc nhở Bkis.

Sau này khi đã điềm tĩnh lại, một nguồn tin từ Bkis thừa nhận là Bkis “dại”, lẽ ra không cần thiết công bố chi tiết “tấn công máy chủ” mà học trong phim cảnh sát hình sự, vụ án tình tiết rất gay cấn nhưng đùng một cái, cảnh sát tóm ngay thủ phạm. Người xem có thể bất ngờ nhưng phải chấp nhận vì có những nghiệp vụ điều tra không thể công bố được.

Thế mới biết, trong kinh doanh, đặc biệt là với các doanh nghiệp lớn, chỉ một chút "sơ hở" hoặc không cân nhắc của truyền thông thì hậu quả thật khôn lường. Đó là chưa nói đến các hậu quả nặng nề khác từ việc dễ dãi, qua loa của cấp quản lý và sự "trống trải" về nền tảng văn hoá của những người làm truyền thông.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)