[size=3]Ngày còn nhỏ, bố dạy tôi phải biết sống khiêm nhường và giúp đỡ mọi người. Mẹ tôi dạy tôi biết chăm chỉ, "cần cù sẽ thông minh", mọi thứ mình làm hiện tại sẽ được tương lai đền đáp xứng đáng.[/size]
[size=3]Tôi lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ. Gia đình và trường học đã dạy cho tôi những điều tốt đẹp nhất. Tôi sống với tình thương và lòng nhân ái với những con người mà tôi đã gặp. Đau với những nỗi đau của con người và cười với niềm hạnh phúc của họ.[/size]
[size=3][/size]
[size=3]Ngày đi học trường huyện, tôi đạp xe hơn chục cây số, đi đi về về. Quên đi những đoạn đường hiểm trở, những cái dốc còng lưng, cùng những buổi chiều tối mịt toát mồ hôi. Cảm thấy vui, hãnh diện lắm, thấy mình thật may mắn, ít ra là hơn những đứa trẻ khác.[/size]
[size=3]Cuộc sống với tôi vẫn luôn là màu hồng, tôi sống bình thản, nhẹ nhàng và luôn yên tâm rằng cuộc sống này công bằng lắm. Mình cho đi thì sẽ nhận được, thậm chí là nhiều hơn. Khi đem hạnh phúc đến cho một người, tôi cảm thấy mình hạnh phúc hơn họ gấp bội lần. Đơn giản từ những món quà nhỏ cho bạn bè đến việc giúp đỡ những người mà tôi không biết họ là ai. [/size]
[size=3]Một cái xe đi trước mặt làm rơi đồ, tôi dừng lại nhặt giúp họ, họ cảm ơn tôi và tặng cho tôi một nụ cười. Một người đi xe máy quên chưa gạt chân chống, tôi với gọi "Anh ơi/ chị ơi! chân chống xe kìa". Lúc đó trong đầu tôi chỉ nghĩ nhỡ họ bị va quệt và ngã thì sao? Tôi hạnh phúc với những điều nhỏ nhặt đó, và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nhận được điều gì hơn thế.[/size]
[size=3][/size]
[size=3]Thời sinh viên sống xa nhà, thiếu thốn đủ thứ. Một ngày cuối tháng, tôi vét hết số tiền lẻ còn lại trong ví để mua cả thúng bưởi của một cụ già trong một buổi chiều đầu đông se lạnh. Về chia cho bạn bè và xóm trọ, ăn một múi thấy đắng ngắt trong cổ họng.[/size]
[size=3]Một buổi sáng cuối đông dậy muộn, chạy hộc tốc lên lớp, bụng đói meo, tạt vào hàng xôi ra thì thấy anh Mố cười cười nhìn mình, đành ngậm ngùi đưa cho anh ấy, anh lại cười nhìn về một nơi xa xăm nào đó. Ám ảnh nét buồn ngờ nghệch trong đôi mắt đấy, và cái bụng đói meo làm mình chẳng thể nhồi nhét nổi cái chữ vào đầu.[/size]
[size=3]Tôi bình dị đến nỗi trở thành một người không có lý tưởng, tôi luôn hài lòng với những gì mình có và đang nắm giữ đến nỗi không có mục tiêu để phấn đấu. Tôi yêu thích sự công bằng, và cuộc sống đối với tôi thật đơn giản, tôi ghét những người chỉ biết dựa vào quyền thế và dùng tiền để đạt được những cái mà họ muốn. Tôi ghét và luôn muốn đấu tranh cho sự công bằng. Năm thứ nhất, thứ hai, tôi lên tiếng vì khoa Ngoại Ngữ chúng tôi phải nhận nhiệm vụ lau dọn nhà về sinh trong khi chúng tôi đã nộp tiền thuê lao công. Tôi thất bại, và nhận được những cái nhìn lạnh lùng của thầy cô. Năm thứ hai, tôi lên tiếng vì ngày khai mạc tháng thanh niên, tất cả sinh viên chúng tôi ở lại lao động trong cái nắng chang chang, trong khi những người trong ban tổ chức như Bí thư các lớp, hội sinh viên và cán bộ Đoàn dùng tiền quỹ đi ăn uống, liên hoan. Chúng tôi nhận được lời xin lỗi và lời hứa sẽ rút kinh nghiệm lần sau. Mọi chuyện đã qua rồi, lời hứa và lời xin lỗi cũng chỉ trên diễn đàn, không được công khai rộng rãi, rồi cũng bị del.[/size]
[size=3]Thất vọng. Tôi bắt đầu nhìn ra những khía cạnh khác của cuộc sống xung quanh tôi. Tôi nhận ra trong lúc mình vui vẻ, hồn nhiên và bình thản từng ngày, thì ngoài kia, bạn bè tôi đang bận rộn đi tạo thêm những mối quan hệ mới. Trong lúc tôi bận chúi đầu vào học, thì họ đang ngồi ở nhà thầy cô "trò chuyện". Tôi không thiếu thốn về kinh tế nếu không nói rằng bố mẹ chu cấp cho tôi đầy đủ mọi mặt. Nhưng tôi không được dạy phải mang tiền đi mua điểm, làm bằng. Và tôi vẫn tin cuộc sống này công bằng… không mua điểm nhưng tôi vẫn được học bổng giỏi đấy đấy thôi.[/size]
[size=3][/size]
[size=3]Ngày đi thực tập, tôi theo nhóm, nộp tiền làm quỹ để gọi là "tri ân thầy cô". Mọi người đều làm thế, nhưng sau lưng lại chỉ trích, lại khinh miệt. Tôi chỉ im lặng. Ngày công bố điểm, cả đoàn thực tập xôn xao vì điểm thấp, mọi người lại nhao nhao đến phòng thầy cô xin lại điểm. Tôi lặng lẽ về phòng, tiếng chuông điện thoại reo, thầy gọi cho tôi hỏi "Sao em không xin điểm lên 10?". Tôi bật khóc, không biết vì điều gì làm tôi không thể ngăn những dòng nước mắt lại. "Thầy bảo với cô N rồi, em lên xin cô sẽ cho ngay thôi". Tôi khóc vì thầy tốt với tôi, hay vì sự cố gắng của tôi cuối cùng vẫn cần phải xin xỏ mới được kết quả xứng đáng. Tủi thân vì điểm mình kém hơn mọi người, tôi thểu não lên phòng cô vào phút chót. "Cô áy náy lắm, thấy em tích cực hơn các bạn, nhưng không bảo với cô để cô nâng điểm lên". Tôi nghẹn ứ trong cổ họng, cảm giác tức tối, và tủi thân… chỉ trực trào lên khóe mắt. Tôi thẳng thắn "Thực ra em ngại nói đến vấn đề điểm chác lắm…" . "Đấy là quyền lợi của các em, ở đâu cũng vậy thôi em ạ, em phải thay đổi suy nghĩ đi, nếu không đến lúc ra trường đừng thắc mắc tại sao mình chỉ được bằng Khá, mà họ lại được bằng giỏi…". Tôi ù tai. Thế đấy, bốn năm đại học, đến ngày đi thực tập rồi tôi mới được dạy điều đó. Vậy mà từ trước đến nay, tôi chỉ biết thầy cô qua những giờ lên lớp, tôi được họ dạy những điều hay lẽ phải, những điều tốt đẹp nhất, để giờ đây tôi phũ phàng nhận ra tất cả… cũng chỉ vậy thôi..[/size]
[size=3][/size]
[size=3]Tôi lại trở về với quỹ đạo của riêng tôi. Cầm tấm bằng trong tay với kết quả không cao, nhưng tôi vẫn thấy yên lòng. Để rồi một lần nữa tôi lại hoang mang. Tôi cuống cuồng nộp hồ sơ xin việc, mỗi ngày có hơn hai cuộc điện thoại gọi đến gạ chạy việc. Tôi cười trừ "Tôi có mối chạy rồi". Bố mẹ tôi không thể lo tiếp cho tôi được, nuôi ba chị em ăn học, tôi không muốn ra trường rồi vẫn tiếp tục là gánh nặng cho bố mẹ.[/size]
[size=3]Tôi, một người sẽ là nhà giáo trong tương lai, sẽ cư xử ra sao đây. Sẽ tiếp tục dạy những lời hay ý đẹp, hay sẽ cho học trò tôi thấy những cái tiêu cực trong tận cùng xã hội.[/size]
[size=3][/size]
[size=3]Hôm nay, phóng xe trên đường rừng núi, một em bé chăn trâu bên đường bỗng gọi với theo: Chị ơi, chân chống xe kìa". Bất giác thấy lòng se lại, và suy nghĩ nhiều hơn.[/size]
[size=3][/size]