Hiện nay, số lượng hổ trên khắp hành tinh chỉ còn 5.000 - 7.000 cá thể, giảm 95% so với đầu thế kỉ 20. Nạn phá rừng để lấy đất canh tác đã khiến loài hổ mất đi môi trường sinh sống của chúng.
Bên cạnh đó, nạn săn bắt hổ làm thuốc cũng góp phần đẩy loài vật này tới bờ vực tuyệt chủng. Điều phi lý là mặc dù không hề có cơ sở khoa học, vậy mà hổ vẫn bị xẻ thịt và tận dụng từng bộ phận để làm thuốc chữa bệnh tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo nhiều ước tính, Việt Nam hiện còn không quá 50 con hổ đang sống trong tự nhiên và khoảng 95 con hổ trong tình trạng nuôi nhốt. Nhưng do nạn phá rừng cùng với nhu cầu sử dụng thuốc từ hổ ngày càng tăng, chúng ta khó có thể đảm bảo sự an toàn của hổ ở trong nước và nhiều nơi trên thế giới.
Trong bức ảnh là hình chú hổ đang săn mồi trong một cánh rừng ở miền Bắc đảo Sumatra, Indonesia. Tuy nhiên, những hình ảnh này hiện nay không còn nhiều bởi số lượng cá thể này đang ngày một "mai một" bởi các hành động săn bắt của con người.
Những con hổ này sống tại Vườn Quốc gia Bandhavgarh, Ấn Độ. Chúng được quản lý và chăm sóc đặc biệt. Đây là một trong số ít nơi trên thế giới mà số lượng hổ đang tăng lên.
Những người đàn ông này bị bắt khi đang tìm cách bán một con hổ tại Ấn Độ. Ngành kinh doanh buôn bán các bộ phận cơ thể của hổ có giá trị lên đến 5 triệu USD (khoảng 104 tỷ VNĐ) mỗi năm.
Sau khi mắc vào bẫy, chú hổ con 6 tháng tuổi này đã bị mất chân trước bên phải. Không thể săn mồi trong tự nhiên, hổ con này sẽ phải sống suốt đời trong một vườn thú tại Java, Indonesia.
Các bác sĩ thú y đang giữ chú hổ con bị cưa chân. Thợ săn sử dụng nhiều loại vũ khí nguy hiểm để đánh bắt thú rừng như bẫy điện, súng và cả thuốc độc.
Nơi này từng là một khu rừng trước khi bị con người chuyển thành đất canh tác tại Sumatra, Indonesia. Nạn phá rừng đã khiến những hổ mất đi nơi sống và nguồn thức ăn.
Kể cả trong tình trạng nuôi nhốt, loài hổ cũng gặp nguy hiểm. Em bé này đang cầm bức ảnh của Sheila - một con hổ cái sống trong vườn thú tại Jambi, Indonesia. Thợ săn đã lẻn vào chuồng thú lúc ban đêm và giết nó.
Hình ảnh một xác hổ chặt đôi được công an phát hiện tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua. Công an đã vào cuộc để phá đường dây chuyên săn bắt hổ từ Myanmar và Malaysia chuyển sang Việt Nam.
Xác con hổ này được đặt trong tủ lạnh trước khi đem đi nấu cao. Tại Việt Nam, một số người vẫn tin vào những quan niệm y học thời xưa như ăn tim hổ sẽ mạnh khỏe, thịt hổ giúp bồi bổ cơ thể, bổ thận tráng dương… Xương hổ được dùng để làm cao hổ cốt, một loại thuốc được nhiều người tin có thể chữa các bệnh về xương khớp, giảm suy nhược cơ thể. Giá một lạng cao hổ có thể lên đến 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít bằng chứng đáng tin cậy nói về công dụng chữa bệnh của hổ.
WWF lên án việc Việt Nam cấp phép cho các cơ sở nuôi nhốt hổ và cho phép chế biến bộ phận của những con hổ bị chết thành thuốc. Tổ chức này mới đây đã xếp hạng Việt Nam là một trong những nước kém nhất về bảo tồn động vật hoang dã.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo chương trình quốc gia về bảo tồn hổ đến năm 2022. Hy vọng với quyết tâm của chính phủ và nhận thức của giới trẻ, chúng ta có thể bảo vệ loài hổ đang ngày một “biến mất” tại Việt Nam và trên thế giới.
* Mỗi chúng ta, hãy bảo vệ loài hổ bằng cách không sử dụng bất kỳ chế phẩm nào từ lông, da, xương hổ… và trong trường hợp phát hiện các thông tin, hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới động vật hoang dã, hãy gọi về dường dây nóng miễn phí 1800 1522 để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.