Trước thông tin có mực khô được làm bằng cao su, giống y như thật, được bày bán công khai tại nhiều nơi, từ các khu danh lam thắng cảnh, khu nghỉ mát đến các chợ có bán đồ hải sản, phóng viên báo ĐS&PL đã tìm hiểu thực hư chuyện này. Loại mực này khi đốt lên chỉ thoang thoảng có mùi đặc trưng của mực, cho vào miệng nhai thì dai như cao su. Ngoài việc móc túi khách hàng, ẩn sau những con mực “cao su” ấy còn tiềm tàng những nguy hiểm gì đối với sức khoẻ người tiêu dùng?
Sái quai hàm vì… ăn “mực cao su”!
Một ngày đẹp trời giữa tháng hai (âm lịch), tôi cùng nhóm bạn trảy hội Đền Cửa ông (Cẩm Phả- Quảng Ninh), nơi thờ danh tướng Trần Quốc Tảng- con thứ ba của tướng quân Trần Hưng Đạo, một trong những di tích đời nhà Trần nổi tiếng ở vùng Đông Bắc. Sau khi hoà mình cùng du khách thập phương chiêm bái ba khu đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, ngắm nhìn quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra vịnh Bái Tử Long hùng vĩ, đoàn chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi nơi chân núi. Được thư giãn đôi chân, ăn chút điểm tâm, ngắm cảnh trời nước quả là một cái thú thưởng ngoạn giữa nơi sơn thuỷ hữu tình. Chúng tôi gọi mấy cốc bia, vài con mực khô nhâm nhi, trò chuyện.
Vốn là người cẩn thận, để có mực ngon uống bia, tôi đã ra mẹt mực của người bán hàng chọn từng con một. Với loại mực khô, phải con dày mình, to vừa phải, sờ tay còn chút ẩm, đượm vị mặn mòi của biển mới là loại thượng hạng. Biết vậy, nên khi chọn được con mực ưng ý tôi mới yêu cầu chị bán hàng nướng chín. Chúng tôi mải chuyện rông dài nên cũng chẳng để ý đến con mực nướng. Một lát sau đã có đĩa mực xé đều tay khá chuyên nghiệp được mang tới.
Cánh mày râu thấy có mực nướng là chén tới luôn. Mấy chị em thì nhẹ nhàng nhón mực chấm tương ớt rồi từ từ thưởng thức. Trời ạ, ai cũng kêu sao loại mực này lại dai thế, mà lại không thấy vị ngọt thường thấy. Ban đầu chỉ ngỡ mình không mua được mực ngon nên chúng tôi chặc lưỡi: Thôi ăn tạm. Nhưng chị bạn bỗng thảng thốt kêu: Hình như cao su! Tất cả ngừng ăn, tất cả những cặp mắt đổ dồn vào đĩa mực. Tôi đưa lên mũi ngửi kỹ, có mùi mực nhưng ít, kéo tay mạnh nghe thấy bựt như sợi dây đứt. Lên tiếng với người bán hàng, chị này tỉnh queo: Mực ngon phải dai chứ! Tôi kéo miếng mực ra để khẳng định đó là cao su, lúc này chị ta đành chịu.
Loại mực này được bán với giá 140 ngàn đồng /kg, tôi định mua về làm quà, nên khi nướng ăn tại đây thấy nghi ngờ nên đem trả lại. Thấy khách phát hiện ra mực rởm, chị ta dịu giọng: “Thôi chị trả lại cho em 100 ngàn đồng. Mực này chị cũng phải mua, chẳng may phải con nó thế, mỗi người chịu thiệt một chút”. Mấy thực khách cùng ngồi ăn mực, thấy vậy đều kiểm tra lại đĩa mực mình đang dùng, rồi mang trả lại. Có người còn la ó, giữa chốn linh thiêng vậy mà vẫn còn bày đặt lừa đảo du khách. Đúng là ăn phải “mực cao su”, nhai sái cả quai hàm.
Tôi gói phần mực cao su ấy mang về làm bằng chứng. Thấy một số người bạn kể lại, từ mùa hè khi đi nghỉ mát tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Hải Thịnh (Nam Định)… đã ăn phải loại “mực cao su” này. Nói đến “mực cao su”, chính những phóng viên báo ĐS&PL còn có người bán tín, bán nghi, bởi nhìn cảm quan bằng mắt thì khó có thể phân biệt được. Anh bạn đồng nghiệp của tôi lấy tay kéo miếng mực vẫn khẳng định là mực thật. Nhưng khi anh lấy bật lửa đốt miếng mực thì nó cháy nổ lép bép, không thành tro mà chảy dài, kéo ra được như ta đốt sợi nilon, hay cao su vậy.
“Mực cao su” và mực thật rât khó để có thể phân biệt bằng mắt thường
Đã xuất hiện ở các chợ Hà Nội
Từ thực tế phải ăn cá mực “cao su” ở Cửa ông, phóng viên đã tìm đến các chợ để tìm hiểu về loại mực khô này. Hầu hết tại các chợ trên địa bàn Hà Nội mặt hàng mực khô được bày bán nhiều và cũng khá đắt hàng. Đặc biệt tại chợ Đồng Xuân, mặt hàng mực khô được bán nhiều nhất. Theo như quảng cáo của một chủ sạp hàng: “Mực này thì miễn chê, được đóng hộp từ Thanh Hoá, Nghệ An ra đấy. Mực ngon giá từ 350- 420 đồng / kg, còn loại 2, loại 3 thì rẻ hơn 220- 300 đồng/kg. Thấy chúng tôi đi qua dãy hàng khô, chủ hàng nào cũng đon đả: “Mực khô lột da, mực khô còn da, mực dẻo, mực một nắng… đủ cả. Như để khẳng định chỉ có mực ở Đồng Xuân là chuẩn, chị chủ quán giơ túi mực lên: “con nào cũng đều tăm tắp em ạ”. Chị này bẻ qua bẻ lại con mực rồi nói: “Dẻo thế này cơ mà! Đã bán thì phải bán hàng ngon, nếu không bán cho ai”.
Theo quan sát của phóng viên ĐS&PL, tại một số chợ (không phải là chợ đầu mối) đã xuất hiện những người bán hàng rong mặt hàng mực khô có bày bán “mực cao su” (giống với loại mực mà PV đã mua ở Cửa ông, Quảng Ninh). Mực được đựng trong túi nilông màu trắng không ghi rõ nguồn gốc, thậm chí có nhiều mẹt mực được bày bán có dấu hiệu mốc và bị nặng mùi. Giá “mực cao su” về đến mẹt rong tại chợ Thành Công được chị bán hàng hét giá 200 ngàn đồng/kg. Khi phóng viên hỏi: “Mực gì mà dẻo như cao su thế chị?”, chị bán hàng huơ hươ tay “hỏi gì mà nhiều thế. Không mua thì thôi!”. Ngay lập tức, chị này cất luôn mấy túi mực mà tôi vừa xem xuống phía dưới…
Một vòng quanh chợ Thành Công, khi phóng viên hỏi có bán mực Trung Quốc không thì chủ một quầy hàng cho biết: “ở đây bán cho khách quen thì không giao mực đó. Còn là mực Tàu, nếu mua thì tôi lấy giúp. Loại này chủ yếu bán cho những người bán rong, quán quà đêm vỉa hè”. Nghe vậy, thì chắc chắn loại mực này đã về đến các chợ đầu mối, có điều thương lái còn nghe ngóng, chưa bày bán công khai? Mấy người bạn tôi mua phải mực này đều cho biết, khi nướng mực, nó sun lên và “con mực” không hề có mùi tanh tự nhiên như thường thấy ở mực thật.
Mực giả chưa biết sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ.