Từ “số một” trở thành “đầu tiên”
Tận dụng mạng lưới quan hệ do Yahoo!Messenger xây dựng, lại chỉ đòi hỏi trình độ người dùng ở mức vừa phải, Yahoo!360 gần như không gặp trở ngại gì trên con đường trở thành dịch vụ blog số một ở Việt nam.
“Yahoo!360 có lượng người dùng đông nhất Việt Nam”,điều nàykhông thể chứng minh bằng những con số nhưng có thể cảm nhận qua hoạt động của cộng đồng blogger. Bên cạnh việc viết entry, comment, người dùng còn chứng kiến hoặc tham gia những bang, hội, chơi trò “tag”, ra tạp chí điện tử, mở blog radio… Không chỉ vậy, các buổi hoạt động từ thiện, phong trào freehug, Festival Blogger Offline… trong cuộc sống thực đều mang dấu ấn của dịch vụ này.
Cuộc sống của người Việt, nhất làlớp thanh niên, đã có nhiều sự thay đổi kể từ khi Yahoo!360 xuất hiện. Ở không gian này, họ có dịp thể hiện cái tôi, tạo lập mối quan hệ rộng rãi, đồng thời bày tỏ suy nghĩ, tình cảm qua bài viết hay những lời bình luận, điều chưa từng có trước đây. Chính Yahoo!360 đã giúp người Việt lần đầu tiếp cận khái niệm mạng xã hội.
Lượng truy cập dịch vụ Yahoo!360 ngày càng giảm. Biểu đồ của website thống kê Quantcast |
Thế nhưng, trên thế giới, dịch vụ này lại bị đánh giá là một sản phẩm tệ, không cạnh tranh nổi với các sản phẩm khác mang tính chuyên biệt hóa. Theo số liệu của Quantcast, một website chuyên thống kê của Mỹ, Yahoo!360 chỉ có 906.000 khách ghé thăm mỗi tháng, trong khi con số này của FaceBook là 78,6 triệu và MySpace là 65,7 triệu.
Một chuyên gia mạng xã hội Việt Nam lý giải thất bại của Yahoo!360: “Trên internet khi anh cố trở thành mọi thứ, anh sẽ không là ai. Ôm đồm triển khai cùng lúc cả ba phương diện của mạng xã hội là ego (cái tôi), relationship (quan hệ) và content (nội dung), Yahoo! đã hoàn toàn thất bại khi không chiếm hơn 1% thị phần thế giới. Là một công ty toàn cầu, khi không cạnh tranh được trên thế giới thì việc duy trì Yahoo!360 ở Việt Nam là vô nghĩa".
Theo phó chủ tịch Yahoo!, Ken Mandel, kết cục của Yahoo!360 đã được định đoạt, việc đóng cửa dịch vụ chỉ còn là vấn đề thời gian. Như vậy, khi người dùng buộc phải chuyển qua sử dụng một dịch vụ mới. Đến lúc đó, từ vị trí số một, Yahoo!360 sẽ đi vào lịch sử với danh hiệu “ông vua blog” đầu tiên ở Việt Nam.
Diễn biến “hậu Yahoo!360”
Phản ứng trước tuyên bố ông Ken Mandel, một blogger đã treo trên blast khẩu hiệu: “Chúng ta sẽ login tới khi tài khoản bị xóa”. Tâm lý này, theo các chuyên gia mạng xã hội, là do người dùng tiếc nuối các bài viết đã đưa lên blog cùng với comment của bạn bè, tiếc các mối quan hệ tạo dựng bấy lâu nay nhưng cũng có thể là do họ chưa tìm hiểu các sản phẩm mới.
Một blogger nhận định, có thể do dịch vụ Yahoo!360 cung cấp tiện ích ở mọi phương diện của mạng xã hội (cái tôi, quan hệ, nội dung) nên người dùng không nhận ra nhu cầu sử dụng của mình đã thay đổi so với lần đầu khám phá blog. Thay vì tìm hiểu những dịch vụ mới, họ lại cố sử dụng và “cải tạo” Yahoo!360 để đáp ứng nhu cầu của mình. Trường hợp một người dùnglập ra nhiều tài khoản hoặc nhóm blogger lậpblog chung là một ví dụ.
Cũng vì lý do đó mà Yahoo!360 là ngôi nhà chung cho cả người dùng sống nội tâm lẫn những người sôi động hướng ngoại. “Có lẽ Yahoo!360 ở Việt Nam là một hiện tượng lạ khi ở đó vừa có những blog sơ sài về hình thức nhưng nội dung sâu sắc, đồng thời lại có blog trang trí bắt mắt nhưng chủ nhân lại ít đầu tư vào bài viết”, Blogger DD, người từng tham gia nhiều mạng xã hội, nhận xét.
Do đó, khi Yahoo!360 chấm dứt hoạt động, một thời kỳ mới cho các nhà phát triển mạng xã hội lẫn blogger sẽ bắt đầu. Dự báo được nhiều chuyên gia mạng xã hội đưa ra là,sẽ xảy ra sự phân tầng theo đối tượng, nhu cầu kết nối, nội dung… Theo đó, luồng người di cư từ Yahoo!360 sẽ không tập trung vào một loại dịch vụ cụ thể hay hình thành những cộng đồng na ná nhau mà phân tán theo nhu cầu của bản thân và khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp.
Những người quan tâm nhiều đến chất lượng bài viết, bày tỏ quan điểm như tầng lớp trí thức sẽ tìm đến WordPress, BlogSpod. Đối tượng muốn chia sẻ cảm xúc trong một nhóm nhỏ như gia đình, bạn bè có thể tìm đến Opera. Còn FaceBook sẽ dành cho những người chú trọng các mối quan hệ vì khả năng cập nhật profile, và Twitter dành cho những người ưa “buôn chuyện” vì tính lan tỏa thông tin nhanh chóng, ngắn gọn….
Tuy nhiên, đánh đổi sự đông vui của Yahoo!360 lấy những tiện ích này, có lẽ vẫn có người tiếc nuối.