Phim ảnh 2013-08-08 00:00:07

"Bố Già", bộ phim tiệm cận sự hoàn hảo.


Từ tiểu thuyết lên màn ảnh rộng
Vào năm 1969, nhà văn Mỹ gốc Italy, Mario Puzzo, ra mắt cuốn tiểu thuyếtThe Godfather và nhanh chóng được hưởng ứng ở khắp nơi. Hàng triệu bản sách được bán ra và giới thiệu cho một bộ phận lớn nước Mỹ những thuật ngữ ngầm trong giới mafia như luật omertà. Dưới góc nhìn của Hollywood, sẽ thật phí phạm nếu bỏ lỡ một cuốn sách ăn khách như vậy bởi một chủ đề chắc chắn sẽ khiến nhiều người quan tâm là cuộc sống của giới xã hội đen.
Trailer phim "Bố Già"

Tác phẩm này được đưa lên màn ảnh rộng với Francis Ford Coppola làm đạo diễn và kịch bản do chính tác giả Puzzo đóng góp chỉnh sửa. Nội dung phim được đặt tại New York giữa những năm 1940, nơi thế giới ngầm bị thao túng bởi những gia đình mafia quyền lực. Trong số đó, gia đình Corleone với Don Vito (Marlon Brando thủ vai) lãnh đạo được xếp vào hàng “chiếu trên”.
Ngài Vito đáng kính có ba người con trai và cô con gái út Connie (Talia Shire). Cậu cả Sonny (James Caan) mạnh mẽ nhưng nóng đầu, không hợp làm thủ lĩnh. Tương tự là Fredo (John Calaze), đứa con thứ hai ốm yếu và nhút nhát. Duy chỉ có Michael (Al Pacino), đứa con út là tỏ ra xuất chúng hơn cả. Nhưng anh chàng này không có muốn theo nghiệp gia đình - cai quản cái đế chế tội ác mà cha anh nhọc công gây dựng cả đời.
Chàng đại úy trẻ vừa xuất ngũ chỉ muốn yên bề gia thất bên cô nhân tình Kay Adams (Diane Keaton) nhưng đôi khi cuộc sống không diễn ra như người ta mong muốn. Gia đình Corleone bỗng dưng gặp vận hạn khi Don Vito bỗng dưng bị mai phục và ám hại đến mức “thập tử nhất sinh”. Dù Don Vito không mất mạng, cuộc tấn công ấy khiến gia đình Corleone suy yếu, không ai đủ sức đứng ra cáng đáng vị trí mà “Bố già” để lại. Với sự giúp đỡ của ‘consigliere’ (cố vấn) Tom Hagen (Robert Duvall), Michael Corleone đành phải trở thành vị cứu tinh, đứng ra lãnh đạo gia đình trước sự bành trướng của những gia đình mafia khác…
Tiểu thuyết "The Godfather" của nhà văn Mario Puzzo.
Khi mới ra mắt, The Godfather là phim ăn khách nhất mọi thời đại, với hơn 80 triệu USD doanh thu tại chỉ riêng thị trường Mỹ so với số vốn khoảng 6,5 triệu USD. Kỷ lục này chỉ bị phá bởi Jaws ba năm sau đó và nếu tính cả lần tái phát hành năm 1997 thì tác phẩm đã gặt hái gần 300 triệu USD - đứng thứ 23 trong danh sách những phim hút khách nhất lịch sử sau khi đã điều chỉnh tỉ giá lạm phát.
Tại Oscar 1973, The Godfather thống trị buổi lễ với 11 hạng mục đề cử và chiến thắng ba giải, trong đó có “Nam chính hay nhất” cho Marlon Brando và “Phim hay nhất”. Phần hai ra đời hai năm sau đó cũng thành công vang dội về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu và đến thập niên 1990, hai bộ phim này được đưa vào kho lưu trữ điện ảnh Mỹ để bảo tồn.
Các fan đến nay vẫn mải mê bình luận từng phân cảnh, chỉ ra những điểm thú vị như chi tiết các quả cam luôn xuất hiện để báo điềm dữ trong phim hay việc nhân vật ca sĩ Johnny Fontaine là một sự mô phỏng huyền thoại ca nhạc Frank Sinatra ngoài đời.
Bộ phim giàu sức ảnh hưởng tới mức cả những gã gangster thứ thiệt cũng phải ngưỡng mộ và nhiều kẻ trong số đó còn cố bắt chước phong thái quyền uy của ông trùm Vito. Đến như tên mafia khét tiếng Sammy Gravano còn từng thừa nhận: “Tôi yêu phim The Godfather. Đó là sự mô tả chân thực nhất về cuộc đời của những kẻ như tôi. Khi bước ra khỏi rạp, tôi hoàn toàn bị choáng váng và nhiều gã anh chị tôi từng đàm đạo cũng có cảm giác tương tự”.
Một kiệt tác về mọi mặt của dòng phim gangster
The Godfather luôn được cánh đàn ông xếp hàng đầu trong những tác phẩm điện ảnh ưa thích nhất bởi đây được coi như “Bố già” của dòng phim gangster. Thể loại phim này chính là thứ “đặc sản” của nước Mỹ với tất cả những gì tinh túy nhất của điện ảnh. Nếu như cả phim chỉ quanh quẩn toàn máu me, bạo lực hay thanh trừng lẫn nhau thì nó có lẽ chẳng khác gì những bộ phim hành động hạng B mà người ta có thể thấy nhan nhản trong sự nghiệp của Steven Seagal hay Jean Claude-Van Damme.
Phim gangster không đơn giản như vậy mà mang tính chiều sâu hơn, đem cho khán giả những cảm xúc khác về thiện – ác khi họ tự đặt mình trong hoàn cảnh nhân vật, giữa vòng xoáy oan nghiệt của số phận. Những vai diễn mang tính biểu tượng, những câu thoại đắt giá, những chi tiết kịch tính hay những trường đoạn ám ảnh người xem khiến đấng mày râu đắm chìm hàng tiếng đồng hồ.
“Bố già” Vito do Marlon Brando, một trong những tài năng lớn nhất Hollywood đảm nhiệm, trong khi “gã lùn vô danh” Al Pacino với vai cậu út Michael đã có tổng cộng tám lần được đề cử Oscar và một lần đoạt giải về sau này. Những Robert Duvall, Diane Keaton hay James Caan, Talia Shire dù không chiến thắng cũng đều từng được đề cử Oscar. Khi đứng cạnh nhau như một gia đình mafia danh giá, quy củ bậc nhất nước Mỹ thập niên 1940, họ hoàn toàn chinh phục mọi khán giả.
Vito là vai diễn để đời của Marlon Brandon.
Có nguyên liệu là cốt truyện best-seller của Mario Puzzo, Coppola đã nhào nặn khéo léo để The Godfather vừa trở thành bom tấn phòng vé lại vừa là một phim kinh điển về mặt nghệ thuật. Ai từng xem phim mà không rùng mình khi nghe câu thoại “Tôi sẽ đưa cho hắn một lời đề nghị không thể chối từ”? Những trường đoạn chiếc đầu ngựa đẫm máu như một sự dằn mặt hay cảnh đám mafia xả hàng trăm viên đạn không gớm tay đều khiến khán giả vừa rùng mình vừa xuýt xoa trước tài năng bậc thầy của Coppola.
Âm nhạc sử dụng trong bộ phim đưa người xem tới nhiều cung bậc cảm xúc, từ nồng nàn với ca khúc I Have But One Heart, da diết bất hủ như điệu Speak Softly Love khi Michael ở Sicily cho đến dập dìu như một điệu Valse của những kẻ bề trên ở cảnh cuối.
Được độc giả Việt Nam biết tới từ thập niên 1970 qua bản dịch của Ngọc Thứ Lang tài hoa bạc mệnh, “bố già” Vito là người mà kẻ thù căm ghét, khiếp sợ, khinh bỉ bởi “đôi mắt chứa đựng một uy lực tối thượng nhìn thấy hết, biết hết, làm được hết”. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, “Bố Già” gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là “Mafia” theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành.
Marlon Brando đã có một vai diễn để đời. Từ vóc dáng lụ khụ, giọng nói khàn nhưng đầy hào sảng cho đến ánh mắt, “người đàn ông nam tính nhất Hollywood” đều thể hiện được cái thần của một ông trùm, khiến “hoàng tử tội ác” Al Pacino dù rất xuất sắc vẫn chưa thể bì kịp và chỉ có thể tỏa sáng rực rỡ khi Brando lui vào hậu trường ở The Godfather Part 2.
Thỏa chí tang bồng của nam giới
Trên tất cả diễn xuất, kịch bản, âm nhạc tuyệt vời hay ý nghĩa sâu xa, The Godfather quyến rũ phái mạnh bởi nó thỏa mãn những giấc mơ thầm kín nhất của họ. Có gã trai nào mà chưa từng thầm ước có được bộ óc tài năng, vẻ ngoài điển trai đậm chất Italy và quyền lực như Michael Corleone? Dù có làm việc gì, Michael cũng thể hiện rõ khí chất hơn người và sự hoàn mỹ: học hành sáng giá từ nhỏ, đi lính về với huân chương đính đầy ngực áo và sau này là ông trùm khiến tất cả kính nể. Chỉ cần một cái quắc mắt từ anh là đám tay chân phải khiếp vía, một cái uy không phải sinh ra đã có mà phải đạt được nhờ sự tôi rèn, trải nghiệm.
Câu chuyện về hai bố con nhà Corleone vươn tới đỉnh cao giống như một liều doping mạnh cho những người đam mê danh vọng. Người cha Vito xuất thân từ một gia đình nghèo ở Sicily và đến Mỹ trong một con tàu đầy dân nhập cư để thoát khỏi sự truy sát của một tên mafia làng. Tại đây, ông lăn lộn bươn chải qua đủ thứ trước khi trở thành ông trùm tôn kính – minh chứng điển hình cho “giấc mơ Mỹ”.
Tài tử Al Pacino thời trẻ trong vai Michael.
Người con Michael thì bằng tài trí, sự gan góc và cả lạnh lùng, nhẫn tâm cũng đã có được tước hiệu “Don Corleone” như cha mình. Mario Puzzo đúc kết số phận hai cha con nhà Corleone bằng câu “đàn ông sinh ra không vĩ đại mà họ trưởng thành để rồi vĩ đại”. Chính những hình mẫu đạt đến đỉnh cao – dù bằng nhiều cách khác nhau như thế - đã góp phần biến The Godfather trở thành cuốn sách, bộ phim “gối đầu giường” của nhiều thế hệ đàn ông.
F. Scott Fitzgerald từng thốt lên: “Thật không có lửa nào đủ nóng, cũng chẳng tươi mới nào đủ nồng so với những ám ảnh chứa chất trong lòng một kẻ nam nhi”, và The Godfather chính là bộ phim sẽ làm thỏa những suy nghĩ thầm kín ấy. Như Roger Elbert từng đánh giá là một phim “tiệm cận sự hoàn hảo”, The Godfather chứa đựng những gì mưu mô, bạo lực, hấp dẫn, thi vị và “đời” nhất của môn nghệ thuật thứ bẩy. Nếu đam mê điện ảnh và đặc biệt là một đáng mày râu, đây chắc chắn là “một bộ phim mà bạn không thể chối từ”.
Nghe bài hát nhạc phim "Speak Softly Love" - Andy Williams

 
 

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)