Teen 24h 2008-10-10 02:37:39

Sự thật về giảng đường đại học :)


Tụm ba tụm bảy trong giờ học


Thầy không lo, trò không học

Có tận mục một giờ học lớp tại chức (Kế toán K40, DK2 -ĐH Thương mại), chứng kiến những gương mặt thất thần sau ngày làm việc, tóc tai bù xù, bụng mang dạ chửa, bánh mỳ sữa tươi, ngáp dài thiếu ngủ của sinh viên nơi này mới thấm thía hết góc tối đằng sau đó.

Thời gian trước, có một đoạn băng quảng cáo được phát trên truyền hình tối tối rất được các bạn trẻ thích thú vì độ "xì tin" của nó. Ngay từ phân cảnh đầu tiên, đạo diễn đã cho phát hình một lớp học với đa phần sinh viên đang… ngủ. Thầy giáo thì ê a bài "ca rao" dài dằng dặc. Có thể đấy chỉ là sự ‘thổi phồng" của nhà quảng cáo nhưng tôi chắc rằng ý tưởng này đã được hình thành dựa trên một thực tế rất đáng buồn của giáo dục đại học nước ta hiện nay.

Trước giờ vào lớp

Câu chuyện được bắt đầu vào một tối đẹp trời nọ. Trăng rất cao, đèn đường thì rất sáng. Và dĩ nhiên, những sinh viên tại chức, vốn đã có cả một ngày dài ở công sở rất muốn được xả "xì trét" vào bầu không khí dễ chịu ấy. Thế nên, đến lớp thật, nhưng những cuộc trò chuyện của họ đều xuýt xoa quanh cái lạnh dễ chịu, tô phở nghi ngút… ngoài đường. Trang - hiện đang làm tại Ngân hàng Á Châu ACB tiếc rẻ: "Giá tuần trước không nghỉ, thì hôm nay có phải được vi vu rồi không?". Rồi quay sang một chị đang nhồm nhoàm miếng bánh mỳ bảo: "Giá được nghỉ thì thích nhỉ".

Đó cũng là mơ ước chung của phần đông sinh viên tại chức lớp Kế Toán Doanh nghiệp - Đại học Thương mại Hà Nội. Thì đấy, ngay bàn đầu, vừa vào lớp, còn nhễ nhại mồ hôi vì phải chen nhau với "một đống" trong thang máy hay leo bộ 6 tầng lên lớp, 3 chị đã kịp gục xuống bàn… ngon lành ngủ. Chúng tôi chỉ đoán rằng, trong giấc mơ ngắn của họ kia, không có tí ti nào của bài học sắp tới, cũng chẳng có chút nào bóng dáng thầy cô. Mà nó sẽ là giấc mơ trắng - nghĩa là tịnh không có điều gì. Chỉ thiêm thiếp vì quá tải.

Cũng đã từng là sinh viên, từng bày ra đủ trò để nghịch trước mỗi giờ lên lớp, từng len lén chạy ra cửa trà đá với đám bạn; nhưng nhìn những người đang ngồi, nằm, mơ và … nhăn nhó trước mặt lúc này, chúng tôi cũng chỉ biết rùng mình mà… sợ. Hình như, với họ, học đêm là một việc cực chẳng đã, nặng nề vô tận.

Mà kể ra không thế mới lạ. Có bao nhiêu lớp tại chức là có bấy nhiêu cảnh bi hài. Một chị chửa gần vượt mặt, khệ nệ leo thang lên lớp; vừa đi vừa phì phò phì phò thở. Một anh tóc tai dựng ngược vì phi xe tít tận Linh Đàm về lớp, đúng kiểu quảng cáo dầu gội giữ nếp. Một bác thì vừa đi vừa lẩm nhẩm điều gì không rõ, nét mặt đăm đăm như kiểu một nhà thơ đang tìm tứ trong thang máy đầy người… Nghĩa là, không ở đâu rõ thế, cái không khí của "phiên chợ người" hiển hiện như trong buổi tối đẹp trời trong cầu thang trường tại chức.

Lại nói về "sự đẹp trời" của buổi tối hôm nay, Tuấn - anh chàng cao to nhất lớp kế toán bỗng đâu lôi ra bàn một tập tài liệu tí ti, ruột mèo có, dọc có, ngang có được viết rất công phu ngay ngắn. Khi được hỏi, anh cười thủng thẳng: "Một tối thế này, phải ngồi trong lớp thì không có gì thú vị hơn việc chuẩn bị phao cho môn thi sắp tới?". Ờ phải, một buổi tối như hôm nay, ngồi trong không khí vui vẻ chừng này, mà phải học thì phí rượu thật. Phải làm điều gì khác chứ, phải lạc điệu một chút như "con nai vàng ngơ ngác" trong thơ của Lưu Trọng Lư vậy.

Thế là, vào một ngày đẹp trời kia, hai đứa chúng tôi - lơ ngơ cặp sách, mắt nai… để hòa vào cái lơ ngơ học, lơ ngơ ngó trời và mãnh liệt ước muốn được chạy ra… đường của hơn 80 sinh viên tại chức trong một lớp của trường ĐH Thương mại.

Trong giờ học

Theo lịch, đúng 6h 30 giờ học sẽ bắt đầu. Nhưng đã 7h kém, lớp gần đông đủ mà giáo viên vẫn chưa thấy đâu. Sinh viên khấp khởi mừng húm vì viễn cảnh được nghỉ. Bác già nhất quay sang cạnh ngoắc ngoắc lớp trưởng: "Cô đến muộn 15 phút thì về em nhé." Rồi với vẻ mặt rất nhà thơ của mình, bác lại đăm chiêu với những suy nghĩ gì không rõ. Nhưng. Đúng cái lúc cả lớp đang "nín thở" chờ đến giờ hoàng đạo (kiểu như dân mình chờ giao thừa) thì cô giáo xuất hiện. Áo đen, tóc mới gội còn thơm phức, cặp xách tay, và đặc biệt trẻ hơn rất nhiều sinh viên trong lớp ấy.

Giờ học bắt đầu trong tiếng thở dài luyến tiếc

Nhân chuyện giáo viên đến lớp muộn mà không báo trước cho sinh viên, theo quy định của Luật giáo dục sẽ bị trừ lương và khiển trách. Nhưng hình như đó chỉ là chuyện của các lớp chính quy, còn ở đây không thế. Bởi, với những bác, anh và chị ngồi và nằm, ăn và ngáp, cô đến muộn bao nhiêu là bớt được thời gian học bấy nhiêu.

Tài liệu phục vụ "quay cóp"?



Giáo viên đã đến muộn, tất nhiên sinh viên cũng có thể có cái "quyền lợi" ấy. Và đến lúc này chúng tôi lại càng cảm phục các nhà quảng cáo vì đã "cách điệu" đúng quá cái không khí vui vẻ của lớp học tại chức. Bởi, cảnh chành trai vừa nhai Cool Air, đợi thầy viết bảng đi ngược vào lớp trong đoạn phim nọ giống thực tế quá. Cứ chốc chốc, lớp lại có một sinh viên nhai kẹo có, xôi có… mà không nhai cũng có, lừng lững tiến vào. Cô thì vẫn cứ nói như không.

Vẫn chuyện về các nhà quảng cáo, xin phép được quay lại với đoạn băng "xì tin" ban đầu. Tại sao chỉ có cảnh sinh viên ngủ, thầy giáo ê a như đọc tam tự kinh mà giới trẻ thú vị để đổ xô đi mua kẹo cao su? Tôi đoán chừng, không phải vì slogan "ăn kẹo giúp tăng hiệu quả làm việc và học tập" vô thưởng vô phạt cuối băng. Cũng không phải vì nó ấn tượng. Mà vì nó QUÁ ĐÚNG với họ.

Thì đấy, giảng viên trẻ măng thao thao với micro mà không cần biết đến việc sinh viên tiếp thu được đến đâu. Chỉ đọc, ghi phấn và hết. Còn sinh viên sẽ có đủ việc, đủ lý do để chán học. Họ đã cố chia nhau những viên kẹo cao su xanh đỏ để "tăng hiệu quả" "chống buồn ngủ" "tập trung hơn" nhưng đều vô hiệu. Có người nằm bò ra bàn, nửa mơ ngủ, nửa cầm bút chép bài. Có người thể hiện cá tính bằng cách khoe điện thoại, trêu nhau.

Chỗ khác, để tăng khả năng trí tuệ, Nga (đã hơn một tuần không đến lớp) chăm chú vào ô Sodoku của mình. Chúng tôi đã cố bắt chuyện với anh chàng này và được biết đến lúc thi chủ yếu là quay được nên không cần phải học.

Đâu là nguyên nhân của tình trạng sinh viên các lớp tại chức không cần và cũng không muốn học? Nga cho biết: "Thứ nhất, các thầy cô cũng biết mình học chủ yếu để lấy bằng nên cũng không mấy chặt chẽ. Hơn thế, có muốn học cũng không thể học được, vì cô giảng quá vắn tắt, sinh viên không có cơ hội để hỏi hay tìm hiểu kỹ chỗ mình chưa hiểu được."

Và nguyên nhân mà ai cũng biết

Vấn đề có lẽ trước hết nằm ở cách thức truyền đạt cho sinh viên. Giờ học kéo dài hơn một giờ đồng hồ nhưng chỉ thấy toàn đọc - chép. Từ khái niệm Kế toán là gì, các nguyên tắc kế toán… được phát ra đều đặn nhanh dần theo nhịp chạy của thời gian. Nhanh đến độ, chúng tôi đã chủ tâm (hay thành ý?) tốc ký mà vẫn chịu không theo hết được. Có cảm giác, với cô, căn phòng 80 người đã biến mất, chỉ còn cây mircro làm bạn. Thành thử, hầu hết sinh viên không theo kịp bài giảng, đành phải ngồi, và làm đủ thứ như đã nói đến ở trên.

Người học, người ngủ



Nhưng đó chưa phải là điểm đáng lưu tâm nhất. Bất ngờ nằm ở chỗ, chính giảng viên đứng lớp cũng thừa nhận thẳng thắn rằng mình chưa hiểu hết bài(?). Khi dạy đến nguyên tắc giá gốc (nguyên tắc kế toán) giảng viên "hồn nhiên" với 80 con người đang chờ được giải đáp thế này: "Về nguyên tắc giá gốc thực sự tôi cũng chưa hiểu lắm, đại loại là…". Và, cái đại loại là ấy cứ tiếp diễn đến tận 4 - 5 phút trong suốt một tiết học. Hưng - một học viên ngao ngán: "Thế này thì đến lớp làm gì không biết".

"Đích mục sở thị" một giờ học tại chức tại một trong những trường đại học đào tạo ra những cử nhân kinh tế lớn nhất đất nước, tôi chợt nhớ về một bài báo có tên "Đại học Việt Nam đang đứng ở đâu?" (Tạp chí Toàn Cảnh & Sự Kiện - số 212 tháng 3 - 2008) và được biết một vị PGS - TS tên là Phillip Doughty (ĐH Syracuse - Mỹ) sau chuyến khảo sát tại một số trường ĐH Việt Nam đã cho rằng: Các bài giảng được thiết kế không dựa trên những mong đợi rõ ràng của sinh viên ở "đầu ra".

Thế nên sinh viên không mấy hứng thú với chương trình, nhất là chương trình dạy theo kiểu "truyền đạo một chiều" hiện nay. Sản phẩm cuối cùng của hàng chục, hàng trăm lò đào tạo tại chức, chuyên tu…như thế này là những cái máy chỉ biết đọc và chép, những cá nhân thụ động, lạc hậu, sống cam chịu và vâng lời trước sự áp đặt của những người khác. Và rồi, mỉa mai thay, các nhà quảng cáo, các nhà làm phim lại có được những cuốn phim "danh bất hư truyền" về giáo dục đại học Việt Nam truyền lại cho các lớp hậu thế làm tư liệu về một thời như thế….

Theo Vietimes
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)