Internet 2015-06-10 05:45:21

Từ Quảng 'nổ' với BKAV đến 'Không thể tin nổi' với Bphone



Nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ nhưng trong mắt nhiều người hài hước, BKAV là công ty chuyên sản xuất “bom mìn” với CEO Nguyễn Tử Quảng có biệt danh Quảng "nổ". Vậy biệt danh này có từ đâu?




“Nổ” cùng CEO Nguyễn Tử Quảng

Trước khi biết công ty BKAV, người ta biết tới phần mềm diệt  virus miễn phí mang tên BKAV và người tạo ra nó “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Tử Quảng. Thời gian đầu, ông Quảng và phần mềm BKAV thường xuyên được ca tụng lên “tận mây xanh”.

Sau 10 năm cung cấp dưới dạng miễn phí, phần mềm diệt virus BKAV bắt đầu được kinh doanh từ năm 2005. Kể từ đây, danh tiếng của CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng xoay vần nhanh chóng. Thay vì tiếp tục được tôn vinh là “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”, ông Quảng có nickname mới “Quảng nổ”.

Mọi chuyện bắt đầu từ khi ông Quảng xuất hiện trong một quảng cáo phát sóng trên truyền hình. Ở đó, ông Quảng nói sản phẩm của BKIS là phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới. Đây là một tuyên bố quá bất ngờ đối với người Việt. Chẳng ai tin rằng một người đi sau như BKIS lại có thể vượt qua được những tên tuổi lâu đời trong làng công nghệ thế giới.

Nhưng BKIS vẫn có niềm tin mạnh mẽ vào điều đó. Chỉ một thời gian sau “cú nổ” đầu tiên, BKIS lại khẳng định phần mềm Mobile Security của công ty đứng trên cả 4 ông lớn là Kaspersky, McAfee, BitDefender và Norton Antivirus.

Ngoài Kaspersky, McAfee, BitDefender và Norton Antivirus, danh sách các ông lớn bị công ty ông Quảng “dìm hàng” còn kéo dài thêm. “Nạn nhân” tiếp theo là hãng bảo mật Trend Micro. Ông Quảng từng tuyên bố “Trend Micro giờ đã quá lạc hậu, họ không thể đối phó được với những mối nguy hiện nay. Nhưng Bkav thì có thể”.

Chẳng rõ các phần mềm của BKIS hoành tráng đến đâu nhưng có một điều khiến cư dân mạng cười té ghế chính là cách đặt mật khẩu của nhân viên công ty. Cách đây mấy năm, nhiều “hacker tập sự” đã tung lên một diễn đàn hàng loạt mật khẩu truy cập của nhân viên BKAV. Điều đáng ngạc nhiên ở chỗ phần lớn trong số đó đều là mật khẩu “kinh điển” 123456.

Vì vậy, dân mạng càng có lý do để nghi ngờ độ hoành tráng của BKAV mà ông Quảng thường tuyên bố. Thế nên, cái tên Quảng ‘nổ’ ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Rõ ràng “danh hiệu” không mấy tự hào này đã khiến “khổ chủ” đau đầu. Lúc đầu, điều đó khiến ông Quảng suy nghĩ rất nhiều. Bị “chửi” là nổ, chuyên quăng lựu, quăng bom, ông stress lắm.

Ảnh chế về ông Nguyễn Tử Quảng.

Chia sẻ với Vnexpress, ông Quảng nói: “Ngay cả các mẹ trên Webtretho, một nơi không bàn nhiều đến công nghệ cũng bảo tôi là Quảng ‘nổ’, Otofun cũng bảo Quảng ‘nổ’. Vào Google tìm Nguyễn Tử Quảng là có ngay chữ ‘nổ’ đằng sau, tìm hình ảnh của Nguyễn Tử Quảng thì có ngay hình ảnh tôi và trái bom nguyên tử nổ ở Hiroshima.

Họ tha hồ phóng tác hình ảnh về Quảng cầm bom, đóng phim hành động, rồi phóng tác cảnh trên poster cùng siêu sao phim hành động vừa chạy nhưng vẫn ngoái lại ‘đợi anh tí để anh quăng nốt quả bom này’”.

Có lẽ cái sự “nổ” của ông Quảng được truyền cảm hứng mãnh liệt cho BKAV. BKAV gây sốc khi công bố lượng truy cập tên miền Bkav.com.vn tại Việt Nam còn vượt qua cả Facebook lẫn Google.

Mức độ ảnh hưởng của những “vụ nổ” còn ra khỏi biên giới Việt Nam. Đến bây giờ, dư luận chắc hẳn chưa quên “cơn địa chấn” BKIS giúp Mỹ và Hàn Quốc (hai cường quốc thế giới về công nghệ) truy tìm ra được thủ phạm của vụ tấn công DDoS vào các website của hai quốc gia này. Dân mạng đã đưa ra rất nhiều phân tích khẳng định đây chỉ là một vụ nổ nữa của BKAV.

Chưa hết choáng với ông Quảng và BKAV, dư luận lại được phen “dậy sóng” trước tuyên bố đầy chất “nổ” mà Giám đốc BKAV SmartHome Vũ Thanh Thắng đưa ra. Theo ông Thắng, BKAV đi trước Microsoft, Google, Samsung cả chục năm.

Trong một buổi phỏng vấn gần đây với báo giới, ông Nguyễn Tử Quảng trả lời hóm hỉnh: "Bạn thấy đấy, tôi ít xuất hiện những vẫn thường xuyên được gọi là nổ, nếu mà tôi xuất hiện thường xuyên thì không hiểu sẽ còn thế nào nữa".

Một cựu nhân viên BKAV nhận xét anh là người đam mê công nghệ và nhiều mơ ước “như một căn bệnh”, “nuôi dưỡng khát vọng một cách lãng mạn hơn bất kỳ người lãng mạn nào làm công nghệ”.

Về đời sống cá nhân, vị Tổng giám đốc này được nhận xét là người “chẳng có nhà lầu xe hơi, chẳng biết gofl hay thể thao giải trí, cà phê cũng chẳng có thời gian” và hiện gia đình anh đang ở trong một căn hộ nhỏ trong một khu tập thể cũ tại Hà Nội.

Không có gì miễn phí mãi mãi

Theo lý giải từ chính người trong cuộc, nguyên nhân những phát ngôn của Nguyễn Tử Quảng được để ý khắt khe hơn là do 10 năm từ 1995 đến 2005 BKIS cung cấp phần mềm diệt virus Bkav tới người dùng. Khi làm miễn phí thì mọi người dễ thông cảm hay không phàn nàn hay những danh hiệu như Hiệp sĩ công nghệ thông tin cũng đến tự nhiên. Tuy nhiên từ 2005, BKAV được thương mại hóa, phiên bản miễn phí vẫn có nhưng ít tình năng hơn nên tất cả mọi sai sót của BKAV hay ban lãnh đạo đều được chú ý hơn.

BKAV vốn được Nguyễn Tử Quảng bắt đầu viết từ năm thứ 3 đại học (1995). Năm 1997 khi Internet bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, anh gửi các bản BKAV mới qua email cho tất cả người quan tâm. Sau này, Quảng mới tập hợp nhóm bạn bè cùng niềm đam mê làm các phiên bản diệt virus mới. Với hành động nhiệt tình, hăng hái làm miễn phí, Nguyễn Tử Quảng được gọi là “bác sĩ máy tính” hay được tạp chí e-CHÍP phong tặng danh hiệu "Hiệp sĩ công nghệ thông tin" vào năm 2003.

Văn hóa doanh nghiệp

Vị lãnh đạo này là người đặc biệt coi trọng văn hóa doanh nghiệp. Theo anh Quảng, thành công của sản phẩm được quyết định bởi văn hóa doanh nghiệp , văn hóa Apple sinh ra iPhone, văn hóa Samsung là Galaxy, Microsoft là phần mềm. “Tôi không nghĩ cứ doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là có thể làm mọi thứ mà văn hóa cốt lõi công ty quyết định, nếu không các quỹ hàng trăm tỉ đô la có thể tạo ra Apple hay Google thứ hai bất cứ lúc nào”, Nguyễn Tử Quảng chia sẻ trong một bài phỏng vấn mới đây.

Nếu nhìn vào BKAV, có thể thấy rõ hơn điều mà Nguyễn Tử Quảng nói. Slogan tâm đắc mà anh chọn cho BKAV là “Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn”. Đây cũng là niềm tin anh nghiệm ra khi bị gán cho biệt danh Quảng “nổ” trong nhiều năm qua, “trừ khi mình làm bậy, còn nếu mình có năng lực, đam mê và có cái tâm tốt thì mọi người rồi cũng nhận ra và sẽ ủng hộ thôi”.

 

Ngoài việc phát chăn, gối, ông Nguyễn Tử Quảng còn muốn cung cấp bữa trưa miễn phí cho mọi nhân viên khi công ty phát triển hơn. Ảnh: Vnexpress

Về văn hóa nội bộ doanh nghiệp, BKAV xây dựng triết lý: Coi công ty như ngôi nhà thứ hai của mình bằng cách hoạt động như quy định đi chân đất trong văn phòng, nhân viên được phát gối và chăn miễn phí để ngủ trưa, có tủ đồ riêng. Thậm chí công ty này còn xây bếp ăn riêng, đầu bếp cũng là người của BKAV để đảm bảo chất lượng bữa ăn trưa cho nhân viên. Anh Quảng tâm sự: “BKAV cũng muốn cung cấp bữa trưa miễn phí cho nhân viên như Google đang làm nhưng chưa đủ điều kiện. Khi công ty phát triển tốt hơn, chúng tôi cũng sẽ làm điều đó”. Hay đến giờ nghỉ, tất các mọi người tại BKAV đều được nhắc nhở tập thể dục từ nhân viên cho đến các sếp.

Về BKAV

Cái tên BKAV là tên của phần mềm diệt virus được phát triển bởi trung tâm nghiên cứu an ninh mạng Bách Khoa (Bkis), thuộc đại học bách khoa Hà Nội và được bộ Khoa học công nghệ đầu tư trang thiết bị. Lúc này Nguyễn Tử Quảng đang làm giảng viên tại đại học này, từ năm 2001 làm giám đốc trung tâm này. Tuy nhiên đến năm 2005, anh lập công ty riêng lấy tên BKAV để phát triển đội ngũ và theo đuổi đam mê an ninh mạng. Sau này Bkis cổ phần hóa với tỷ lệ 50-50 giữa đại học Bách khoa và BKAV. Tên thành lập của BKAV là Công ty TNHH An ninh mạng BKAV với 100% sở hữu thuộc về Nguyễn Tử Quảng. Năm 2014 công ty này chuyển sang mô hình cổ phần với hội động quản trị 11 thành viên. Hiện Nguyễn Tử Quảng sở hữu 90% cổ phẩn Bkav và 44% cổ phần Bkis.

Tại thời điểm tháng 1.2014, BKAV có khoảng 1.600 nhân viên. Phần mềm BKAV hiện có hơn 17 triệu người dùng, trong đó 90% là người dùng cá nhân đem về 60% doanh thu và phần lớn lợi nhuận cho công ty.

Theo khảo sát của VCCI năm 2010, BKAV chiếm 74% thị phần phần mềm diệt virus, còn lại chủ yếu hai sản phảm nước ngoài là Kaspersky hơn 13% và Norton Antivirus 8,95%. Còn theo số liệu BKAV khảo sát năm 2014, phần mềm của công ty này chiếm 90% thị phần miền Bắc, 85% miền Trung và 80% miền Nam.

Ngoài phần mềm này, BKAV còn dấn thân vào nhiều mảng công nghệ khác mà ít người biết đến như: Thiết bị an ninh mạng, Chính phủ điện tử, Sản phẩm doanh dành cho doanh nghiệp, cơ quan (thư điện tử, văn quản lý nguồn nhân lực, thiết lập suất ăn,..), BkavCA, điện toán đám mây,… và mới đây là smarthome, smartphone.

Năm 2003, BKAV bắt đầu xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử BKAV Egov và triển khai ở nhiều nơi trước khi chính thức công bố vào năm 2010. Hay như đầu năm 2014, BKAV giới thiệu smarthome ra công chúng, một dự án được triển khai từ năm 2004. Và gần đây nhất BKAV cùng Nguyễn Tử Quảng lại gây bão với việc ra mắt chiếc smartphone “made in Vietnam” đầu tiên với thương hiệu Bphone.

Sau khi ra mắt không lâu, BKAV cho biết ngay trong ngày mở bán đầu tiên, số lượng đặt mua đã vượt dự kiến lên đến 11.822. Chỉ sau 2 giờ đồng hồ, đã có 4.800 máy được bán, ước tính khoảng 68 tỷ đồng.

Những câu nói tạo nên thương hiệu Nguyễn Tử Quảng:

- BKAV đi trước Microsoft, Google, Samsung cả chục năm.

- Giải pháp nhà thông minh của Bkav là hệ thống hoàn chỉnh nhất thế giới.

 - Đây là một trong những smartphone đẹp nhất thế giới.

 - Đẹp hơn cả iPhone.

- Siêu phẩm hàng đầu thế giới Bphone.

 - Thật không thể tin nổi.

- Không thể tin được.

 - Nói vui chứ Tim Cook có sang Việt Nam, với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì chưa chắc đã sản xuất được smartphone.

 Bphone, vụ “nổ” hay sự khẳng định?

 Trong cộng đồng mạng ngồn ngộn thông tin gây sốc, những vụ “nổ” của BKAV cũng nhạt dần. Trong vào một  ngày đẹp trời trong CES 2015 diễn ra tại Las Vegas, BKAV đã trở lại với một sản phẩm mới và những tuyên bố gây sốc cũ.

Tại triển lãm CES 2015, giới công nghệ trong nước bất ngờ trước một sản phẩm có tên BPhone, chiếc smartphone đầu tiên của BKAV được dùng trong việc điều khiển smart home. Sẽ là thiếu điểm nhấn nếu Phó Chủ tịch Bkav Vũ Thanh Thắng không giới thiệu: “Đây là một trong những smartphone đẹp nhất thế giới”.

Tuyên bố ngắn gọn này đã giúp Bphone nóng từ CES 2015 tới ngày ra mắt 26.5.2015. Chẳng biết BKAV “nổ” tới đâu trong vụ Bphone, chỉ biết rằng công ty đã thành công khi tạo sự tò mò và phấn khích cho cả những người yêu công nghệ và ít biết về công nghệ.

Lễ ra mắt của Bphone tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình chật kín người muốn tận mắt chứng kiến cái sự “Thật tuyệt vời, thật không thể tin nổi” của Bphone.

 

Bphone nhận được nhiều ý kiến khen, chê trái chiều từ người Việt.

Apple thì sản phẩm về phần cứng tốt, đẳng cấp, nhưng phần mềm bị gò bó. Samsung chất lượng phần cứng bình thường, phần mềm mở nhưng không đủ tinh tế. Bphone là sản phẩm tinh xảo, đẳng cấp về phần cứng với phần mềm mở tinh tế và có hệ điều hành do BKAV phát triển” – ông Thắng xếp Bphone ở trên các sản phẩm của Samsung, Apple.

Trong khi, với mức giá khoảng 11 triệu đồng, Bphone bị chê đắt, ông Thắng lại khen quá rẻ: “Thực tế, Bphone là smartphone cao cấp tương đương hoặc thậm chí là hơn các sản phẩm cao cấp nhất trên thị trường hiện nay, nhưng mức chi phí mà khách hàng phải bỏ ra tiết kiệm tới 50%”.

Những phát biểu như vậy khiến dư luận tin rằng đây lại là một vụ “nổ” nữa của BKAV. Không ít người gọi vui Bphone là “Bom phôn”.

Thế nhưng, một điều khác lạ đang xảy ra. Nếu trước đây, khi các “vụ nổ” diễn ra, đa số cộng đồng mạng đều “đồng thuận ném đá” công ty thì lần này, cộng đồng mạng chia làm hai phe rõ ràng. Trong khi một phe vẫn tiếp tục tin rằng BKAV “quăng bom” thì một phe khá đông đảo lại lên tiếng ủng hộ Bphone.

Lý do đầu tiên khiến họ ủng hộ Bphone chính là niềm mong mỏi một sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu Việt. Đây là điều mà các điện thoại thương hiệu Việt trước đây không thể làm được. Ông Thắng đã có sự giải thích khá hợp tình hợp lý về thái độ của dư luận.

Ông Thắng cho biết: “Có sự khác biệt rất lớn giữa Bphone và các điện thoại Việt Nam khác. Các công ty khác ở Việt Nam sản xuất điện thoại theo phương thức ODM (đặt hàng sản xuất) dưới 2 hình thức. Kiểu thứ nhất là đặt hàng đối tác nước ngoài làm dưới nhãn hiệu của mình, thường thì là đối tác từ Trung Quốc. Hình thức thứ hai là nhập linh kiện về và lắp ráp theo thiết kế có sẵn.

Còn Bphone được chúng tôi nghiên cứu, phát triển, sản xuất theo phương thức OEM (nhà sản xuất gốc), tương tự cách làm của Sony, Apple, Samsung… Tức là Bkav làm chủ tất cả các khâu, thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử, phần mềm...”.

Ông Thắng tiết lộ dự định ban đầu của công ty tiêu thụ trên 5.000 chiếc smartphone. Tuy nhiên, ngay trong ngày mở bán đầu tiên, số lượng đặt mua đã vượt dự kiến lên đến 11.822. Đặc biệt, chỉ sau 2 giờ đồng hồ, đã có 4.800 máy được bán.

Hiện BKAV đã sẵn sàng sản xuất hàng trăm ngàn sản phẩm mỗi tháng. Chưa hết, công ty còn đang làm việc mới một số nhà mạng ở Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Malaysia… để thúc đẩy thị trường quốc tế và hy vọng năm tới sẽ bán được hàng triệu sản phẩm.

Còn quá sớm để khẳng định Bphone có phải “vụ nổ” tiếp theo của BKAV hay không những có thể thấy rõ một điều số lượng người ủng hộ Bphone – smartphone hàng Việt đầu tiên đang tăng lên. Điều này góp phần sẽ giúp lượng tiêu thụ Bphone tăng nhanh? Nếu điều đó xảy ra, có lẽ cái dớp “nổ” sẽ tạm “chia tay” với BKAV sau cả thập kỷ “gắn bó”.



Nhân Hoàng (tổng hợp từ VTC, Tri thức trẻ, Vnexpress)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)