Chuyện shock 2011-07-27 05:38:39

GƯƠNG SÁNG


Ngay lần đầu tiên bước chân đến cơ sở may gia công Thiện Tâm tại số 134 Ngô Tất Tố, phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM, chúng tôi rất ngạc nhiên vì những lao động ở đây không có ai là lành lặn bình thường.








Chị Kim Hương đang hướng dẫn lao động khuyết tật gấp con giống origami tại cơ sở Thiện Tâm. Ảnh: Hương Vũ
Có người nhìn rất khoẻ mạnh, làm việc rất tháo vát và nhanh nhẹn, nhưng khi nói chuyện mới biết họ là những người khiếm thính. Còn những người nghe được, nói được đôi khi lại bị mù, bại liệt, cụt tay hay chậm phát triển. Chỉ trừ chị chủ Võ Kim Hương là người có đầy đủ các giác quan, vì vậy, ở đây người ta không thấy chị điều hành công việc như một người chủ bình thường mà chị phải chạy đi chạy lại, làm giúp nhân viên của mình những việc mà họ không làm được do cơ thể bị hạn chế.

Mối đồng cảm đặc biệt

Cho đến nay, đã hơn bốn năm trôi qua kể từ ngày chị Võ Kim Hương mở cơ sở gia công ngay tại nhà, không ai hiểu vì sao chị đã chọn một hướng đi gian nan cùng với đội ngũ nhân viên toàn là những người khuyết tật. Ngay cả chị Hương dường như cũng không bao giờ giải thích được vì sao mình có mối đồng cảm đặc biệt đối với những phận đời kém may mắn này. Chưa từng trải qua những khó khăn tương tự, cũng không phải vì có người thân là người khuyết tật, vậy mà sự cảm thông và chia sẻ của chị Hương dành cho những cuộc đời bất hạnh này lớn lao không bờ bến.

Thời gian đầu, công việc của chị Hương gặp rất nhiều khó khăn, vì nguồn hàng không được ổn định, thu nhập bấp bênh không đủ gồng gánh chi phí cho hơn chục con người. Lâm cảnh nợ nần, khó khăn, chị Hương càng cô đơn hơn trên con đường thực hiện ý nguyện đưa “chiếc cần câu” tới cho những cảnh đời không may mắn, khi chính gia đình, bạn bè cũng không ủng hộ vì nhận thấy chị quá vất vả, và công việc kinh doanh lại mù mịt chẳng thấy tương lai.

Không nản chí, chị Hương chuyển hướng qua may gia công khẩu trang, và chào hàng qua hệ thống siêu thị Co.opmart. Rất may, những mẫu khẩu trang mang thương hiệu Thiện Tâm lại được khách hàng chấp nhận và được phân phối trong khắp mạng lưới Co.opmart cũng như nhiều hệ thống bán lẻ khác ở Sài Gòn. Chị Hương tiếp tục giới thiệu sản phẩm của mình tới người tiêu dùng bằng cách tham gia các hội chợ, triển lãm hàng Việt. Trong một hội chợ cách đây khoảng hai năm, nhận thấy những con giống được gấp bằng giấy Origami rất phù hợp với sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của người khuyết tật, nên chị Hương chủ động liên hệ để nhận hàng về cho những lao động trong cơ sở mình làm thêm. Dần dần, cơ sở Thiện Tâm được nhiều người khuyết tật cả nước biết tới, họ đã liên hệ để được làm việc tại đây, không chỉ trở thành một nhân viên có công ăn việc làm mà cuộc đời họ từ đây còn rẽ sang hướng khác, vì họ hạnh phúc khi có được môi trường với những người đồng khuyết tật giống mình. Những lao động khuyết tật tại đây đã có việc làm ổn định. Mọi điều kiện ăn ở đều được chị Hương hỗ trợ chu đáo.

Tôn trọng khiếm khuyết của nhân viên

Chọn hướng đi cho mình là hoạt động kinh tế nhưng doanh nghiệp Thiện Tâm lại giống như một gia đình. Chấp nhận và tôn trọng những hạn chế của nhân viên mình như một phần tự nhiên, chị Hương khích lệ họ phát huy những ưu điểm còn lại và bố trí công việc tuỳ theo điều kiện sức khoẻ và tình trạng khuyết tật của họ: những người khiếm thính làm công việc may công nghiệp, nhóm khiếm thị ngồi cuộn giấy thô cho nhóm khuyết tật vận động hoàn thiện các công đoạn gấp con giống Origami, thậm chí những người thiểu năng cũng được chỉ bảo để làm những việc đơn giản như cắt chỉ, xếp hàng vào bao bì… Với chị Hương, thật sự không có khái niệm tàn phế, vì ai cũng có thể lao động được, miễn là biết thu xếp hợp lý. Hiện nay, chị Kim Hương đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 25 lao động khuyết tật tại cơ sở Thiện Tâm.

Ở cơ sở Thiện Tâm, dường như không có khoảng cách giữa chủ và nhân viên. Không khí nơi đây luôn ấm áp, rộn ràng và thân thiện. Chính chị Hương là người hướng dẫn nhân viên của mình từng động tác nhỏ cho đến khi họ hiểu và tự làm được. Chị không chỉ thương yêu, nâng đỡ mà còn có cả sự động viên, khích lệ những người này để họ có cơ hội tự khẳng định giá trị của chính mình. Vì vậy, chị không chấp nhận chuyện một số phụ huynh gửi con đến đây như một nhà trẻ, nhưng lại không cho con của họ thử lao động như những người bình thường. Theo chị Hương, chính vì thương mà không hiểu con của một số cha mẹ có con khuyết tật đã khiến con họ trở thành những người thừa của xã hội. Do đó, đến cơ sở Thiện Tâm ai cũng phải làm việc, tuỳ theo tình trạng khiếm khuyết mà họ sẽ làm những công việc phù hợp với sức khoẻ của mình.

Một điều khó khăn mà chị Hương gặp phải đôi khi làm chị nản lòng không phải là những ánh nhìn ngại ngần của những người xung quanh, mà ở chính bản thân những người khuyết tật. Vì có một số người trong nhóm này không nhận ra mình thật sự có giá trị và có thể sống bằng lao động của chính mình, mà họ thích sống dựa vào sự thương hại của người khác. Bởi vậy, chị luôn hướng suy nghĩ người lao động tại đây rằng, cần phải nỗ lực làm việc để chứng minh người khuyết tật có thể làm mọi việc không thua kém ai, và cũng không cần tới một sự thương hại.

Chị Kim Hương hiện đang ấp ủ rất nhiều hoài bão và kế hoạch mở rộng việc kinh doanh của mình, để có điều kiện nhận thêm những lao động khuyết tật nhằm hỗ trợ cho họ một công việc ổn định. Với chị, việc tạo điều kiện để người khuyết tật có cuộc sống và công việc như bao người bình thường có giá trị hơn nhiều so với việc chỉ biết yêu thương và bảo bọc họ như những đứa trẻ. Thay vì trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội, những người khuyết tật đã có thể bước được trên đường đời bằng chính đôi chân của mình. Điều này có ý nghĩa hơn mọi lời nói yêu thương nào, vì hơn ai hết chị luôn mong muốn xã hội thừa nhận và trân trọng những đóng góp của những người không lành lặn này.

Hương Vũ – Nhất Phương
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)