Chuyện shock 2011-07-28 01:58:09

hoài thương và niềm tin cuộc sống


Phạm Thị Hoài Thương bị nghi nhiễm chất độc hóa học thế hệ thứ 3. Ông ngoại em là Phạm Văn Đường - bộ đội ở chiến trường miền Nam từ năm 1961 đến 1963 thuộc Lữ đoàn 374 - Bộ Tư lệnh Pháo binh và bị nhiễm chất độc hóa học. Mẹ em hoàn toàn bình thường. Nhưn




"Với tôi mẹ là tất cả. Mẹ là bầu trời xanh, là cơn gió mát lành. Tôi yêu mọi thứ của mẹ, nhất là những món ăn mẹ nấu…". Đấy là những dòng chữ Thương đang viết trong trang vở Tập làm văn của mình.

Gặp Thương sau nhiều lời kể, nhiều câu chuyện nhưng chúng tôi cũng không khỏi giật mình xót xa trước thân hình tật nguyền của em. Những nét chữ ngay ngắn, thẳng hàng và rất đẹp từ bàn tay trái bị dị tật khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng thương cảm và thán phục cô bé không trọn vẹn hình hài nhưng hơn người về nghị lực và lòng dũng cảm…




Nụ cười tự tin của cô bé khuyết tật bên “bộ sưu tập thành tích” của mình.

Em cố được cô ạ!…

Một chiều mùa hạ mưa lất phất, chúng tôi được nghe những câu chuyện về Phạm Thị Hoài Thương. Cô Phạm Thị Nhiễu - mẹ Thương, kể lại: "Ngày sinh Thương ra, vợ chồng tôi vô cùng đau đớn và xót xa. Nhưng trên hết vẫn là tình mẫu tử, mình thương con, không muốn con đã phải thiệt thòi về hình hài mà lại phải chịu thua thiệt về tình cảm. Vì vậy tôi cũng cố chăm sóc, nuôi nấng Thương tốt nhất với hy vọng một ngày nào đó, con mình cũng sẽ được bằng bạn bằng bè". Ngày bé, sức khỏe của Thương rất yếu, lại thêm thân hình dị tật nên em không thể tự mình làm những việc tưởng chừng là đơn giản nhất đối với những đứa trẻ bình thường khác. Nhìn thân hình teo nhỏ, đôi chân không thể đi lại, cánh tay phải yếu ớt của Thương mới có thể hiểu được nỗi đau quá lớn mà em phải mang bên mình. Nhưng bù lại, Thương hoàn toàn bình thường về nhận thức. Nhìn thấy bạn bè đồng trang lứa đến trường, Thương cũng khao khát được như bạn. Mẹ em cùng hàng xóm láng giềng bắt đầu dạy chữ cho Thương, ban đầu chỉ là những thao tác ghép vần, ghép chữ cơ bản. Càng được chỉ bảo, Thương càng cho thấy khả năng tiếp thu rất nhanh và trí nhớ rất tốt. Thương tập đọc qua những cuốn sách truyện mà mẹ em xin về cho con. Sau đó là những cuốn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2… Thương đều tự học rất say mê. Trong một lần đến nhà chơi, một người bạn của bà nội rất thông cảm và lại nhận ra tố chất ham học, thông minh của Thương nên đã động viên cho em được đi học. Ban đầu, cả gia đình, và ngay cả Thương nữa, cũng thấy e ngại… "Người bình thường học đã khó nói gì đến đứa trẻ tật nguyền như Thương. Hơn nữa khó có giáo viên nào muốn nhận dạy Thương vì như thế trách nhiệm sẽ rất nặng nề, khó nhọc."




Nhưng may mắn cũng đã bắt đầu mỉm cười với Thương khi cô Đinh Thị Lan - một giáo viên giàu kinh nghiệm của trường Tiểu học Cao Xanh đã nhận dạy dỗ Thương để em được đi học như các bạn và Thương chính thức được cắp sách tới trường với một ưu tiên đặc cách vào luôn lớp 3. Khi được hỏi về động lực khiến cô Lan nhận về mình một thách thức lớn như vậy, cô chia sẻ: "Lần đầu tiên nhìn thấy Thương, tôi thấy thảng thốt và xót xa… Chính tình thương của người mẹ dành cho con là động lực để tôi cố gắng dạy dỗ Thương những ngày khó khăn nhất". Không phụ lòng mong đợi của gia đình và cô Lan, trong suốt 3 năm cấp I, Thương luôn đứng đầu lớp và là một trong những học sinh xuất sắc của nhà trường.

Lúc Thương còn nhỏ, gia đình đã khó khăn dù có sức lao động của người cha và sự tảo tần của người mẹ. Đến ngày Thương được 11 tuổi, bố em mất sau một cơn bạo bệnh, từ đó cuộc sống của gia đình ngày càng thêm khó khăn hơn. Cả gia đình 5 người sống trong một gian nhà chật chội, tối tăm, đồ đạc không có gì đáng giá. Nhưng không vì thế mà Thương ngừng cố gắng và nỗ lực. Khi được mẹ Thương cho xem các giấy khen, giấy chứng nhận thành tích thì mới có thể thấy hết được thành tích đáng nể của cô bé tật nguyền này: Giấy khen học sinh giỏi xuất sắc cho 3 năm học; Giấy khen Cháu ngoan Bác Hồ; Giấy chứng nhận Giải đặc biệt Hội thi viết chữ đẹp toàn thành phố năm học 2008-2009; Giải khuyến khích cuộc thi Toán - Văn tuổi thơ cấp thành phố năm học 2010-2011; Giải nhất Giải Toán cấp I qua mạng Internet… Khó ai có thể hình dung được những thành tích đáng nể trên là của một cô bé 16 tuổi nhưng mang hình hài teo nhỏ không bằng trẻ lên 5, cao chưa tới 80cm và không thể tự đi lại trên đôi chân của mình…

Khi được hỏi về những cảm xúc, kỷ niệm về Hoài Thương, cô Phạm Thị Mai Phương - Hiệu Phó Trường Tiểu học Cao Xanh, là giáo viên kèm cặp, luyện cho Thương viết chữ những ngày đầu, tâm sự: "Quả thực chưa thấy ai có nghị lực tuyệt vời như Hoài Thương". Những lúc luyện chữ, Thương phải viết bằng tay trái vì tay phải quá yếu, không cầm được bút. Bút của Thương cũng phải là loại bút đặc biệt cho tay trái. Khi viết, cằm em tì vào bàn đến mức trầy xước, rỉ máu, tay trái nhiều khi nhức mỏi, em phải lấy tay phải của mình để tự xoa… Nhưng chưa khi nào cô Phương thấy Thương chán nản. "Không những hoàn thành bài tập như các bạn bình thường khác, em còn nỗ lực hơn các bạn bình thường gấp nhiều lần"- cô Phương cho biết. Vì thể lực yếu, lại khuyết tật về hình hài nên việc đi học đối với Thương là cực kỳ khó khăn. Kiên trì cùng mẹ trên chiếc xe đẩy, với sự giúp đỡ của các cô, các bậc phụ huynh khác, Thương chăm chỉ đến trường bất kể mưa nắng. Em chỉ nghỉ học khi bị ốm nặng không thể đi học được. Cô Nguyễn Thúy Bền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Xanh, luôn tự hào về Thương vì từ ngày được đi học, em luôn là một trong những học sinh xuất sắc nhất của trường và có một ý chí rất bền bỉ. Hình ảnh mà các cô giáo của Hoài Thương nhớ nhất đó là khi các cô giáo hỏi han, động viên mỗi lần em mỏi mệt do ngồi quá lâu hay đau tay, cằm rướm máu… câu trả lời của em luôn là một nụ cười thật tươi và câu nói đầy dũng cảm: "Em cố được cô ạ."…


Thương, Hiếu cùng mẹ và ông nội trong gian nhà nhỏ mới hoàn thành.


Yêu thương và sẻ chia khó khăn - Liều thuốc dành cho em

Chính từ bản lĩnh không hề mặc cảm và biết vươn lên trong khó khăn như vậy, Thương đã và đang được nhiều cơ quan, đoàn thể và các cá nhân có tấm lòng hảo tâm trên địa bàn TP Hạ Long quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ. Bắt đầu từ khi Thương đi học, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh tại Quảng Ninh, đã hỗ trợ cô bé 7.200.000đồng/năm học. Đây là một khoản tiền không lớn so với những khó khăn vất vả mà Thương và gia đình đang phải đương đầu, nhưng nó cũng giúp em và gia đình rất nhiều để vượt qua khó khăn. Lần trở lại này, chúng tôi đã thấy nhiều hơn những nụ cười rạng rỡ của Hoài Thương và cả gia đình. Mới gần đây, Công ty Xây dựng Công trình 507 đã hỗ trợ cho gia đình Thương 50 triệu đồng góp cùng sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm, gia đình Thương đã được hưởng niềm vui có gian nhà mới xây ấm áp tình thương. Bên cạnh đó là rất nhiều những sự động viên, ủng hộ, cả về tinh thần lẫn vật chất khác từ các tập thể và cá nhân có lòng nhân ái. Ngày 30-6-2011, Quỹ Xã hội - Từ thiện Báo Quảng Ninh đã trao cho Thương suất quà trị giá 1 triệu đồng để khen ngợi, động viên em. Các bạn trong Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ của Cung Văn hóa thiếu nhi TP Hạ Longcũng đã tặng Thương những phần quà là vở, bút, sách truyện v.v… để giúp đỡ em trong học tập.

So với khoảng thời gian hơn một năm trước đây, sức khỏe và tinh thần của Hoài Thương đã khá hơn rất nhiều. Tuy vẫn còn rất khó khăn trong cuộc sống đời thường, nhưng Thương luôn lạc quan điều này được thể hiện qua nụ cười chứa đầy nghị lực của em. Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai của mình, cô bé 16 tuổi nhỏ nhẹ đáp: "Giờ em chưa có ước mơ gì lớn, chỉ mong được học tập thật tốt để không phụ lòng mẹ và sự quan tâm của mọi người thôi"… Thực sự bất ngờ trước câu trả lời của Thương, tôi nhận thấy rằng tương lai của em đang còn nhiều thử thách. Em không dám mơ ước sẽ là bác sĩ, kỹ sư như bao bạn bè bình thường, vì những ước mơ đó đối với em dường như quá xa vời… Sẽ vô cùng thiệt thòi nếu như Thương không thể tiếp tục việc học của mình vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Thực sự mong rằng, sẽ có nhiều hơn nữa những sự quan tâm chăm sóc của những tấm lòng nhân ái, những chính sách trợ cấp, hỗ trợ của các cấp chính quyền cho cô bé mang trong mình chất độc da cam nhưng có bản lĩnh và nghị lực phi thường này.

Phạm Thị Hoài Thương bị nghi nhiễm chất độc hóa học thế hệ thứ 3. Ông ngoại em là Phạm Văn Đường - bộ đội ở chiến trường miền Nam từ năm 1961 đến 1963 thuộc Lữ đoàn 374 - Bộ Tư lệnh Pháo binh và bị nhiễm chất độc hóa học. Mẹ em hoàn toàn bình thường. Nhưng cả hai chị em Thương, Hiếu đều bị dị tật bẩm sinh. Hiện tại, Thương mới chỉ được nhận trợ cấp cho người khuyết tật với mức trợ cấp 300.000đ/người/tháng. Tuy gia đình đã nhiều lần làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền xác minh về việc em nhiễm chất độc da cam nhưng đều chưa có kết quả…

Hiện Việt Nam có hơn ba triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong đó, mới có 200.000 người được hưởng chế độ trợ cấp với mức cao nhất là 942.000 đồng/người/tháng, thấp nhất là 594.000 đồng/người tháng. Bộ Y tế đang trình Dự thảo tiêu chí nạn nhân chất độc da cam/dioxin lên Thủ tướng phê duyệt. Trong đó có nội dung đề nghị cấp trợ cấp cho thế hệ thứ ba của nạn nhân da cam/dioxin

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)